14:51  | 

Tìm hiểu lai lịch "con vịt" CV2 của Citroen

Mẫu xe 2CV được ví như “Ford Model T” của người Pháp và nó cũng đã trở thành huyền thoại của Hãng xe Citroen.

2CV là viết tắt của tên tiếng Pháp "Deux Chevaux," có nghĩa là “2 ngựa”, dựa trên mức thang đánh thuế xe hơi theo mã lực và dung tích xi-lanh phổ biến đầu thế kỉ 20 ở các nước châu Âu. Chiếc 2CV đầu tiên chính thức xuất hiện tại Triển lãm xe hơi Paris 1948 là khởi đầu cho hàng triệu chiếc xe được sản xuất sau đó, chỉ trong thời gian ngắn những chiếc 2CV đã có mặt trên khắp mọi nẻo đường ở châu Âu. Cho đến hơn 40 năm sau, tức vào năm 1990, Citroen mới ngừng sản xuất loại xe này.

2CV và thiết kế gây sốc

Để hiểu thêm về lai lịch của chiếc 2CV, chúng ta cần ngược trở lại thời điểm cuối thập kỷ 1930. Vào năm 1936, Pierre-Jules Boulanger, người góp công làm nên chiếc Traction Avant trứ danh, bắt tay vào thực hiện dự án phát triển xe mang tên TPV (“Très Petite Voiture” - Xe Cực Nhỏ). Bên cạnh ông là những chuyên gia hàng đầu, có thể kể đến như Flaminio Bertoni và André Lefebvre. Mẫu xe đầu tiên xuất xưởng vào năm 1937.

Một trong những chiếc 2CV đầu tiên

Không may thay, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ làm quá trình phát triển của chiếc xe bị gián đoạn. Mẫu xe được đem giấu đi bằng cách tháo rời các bộ phận để rải rác trên đất Pháp, mục đích để không lọt vào tay quân Đức. Trong thời gian đó, Pierre-Jules Boulanger vẫn tiếp tục nghiên cứu và cho ra một số cải tiến. Quy trình thử nghiệm được tiếp tục vào năm 1946. Để giữ bí mật cho dự án, Boulanger mua một miếng đất ở phía tây thủ đô Paris, trong vùng La Ferté-Vidame, giờ đây là Trung tâm thử nghiệm xe của Citroen.

Và cuối cùng ngày trọng đại cũng tới. 2CV đã gây chấn động mạnh sau khi công bố tại Triển lãm xe Paris vào ngày 7/10/1948. Phản ứng đầu tiên lại khá gay gắt. Thiết kế của xe được cho là gây sốc, vì nó quá lạ mắt đối với những người đã quen với phong cách Traction Avant. Tuy nhiên, quan trọng nhất là 2CV thu hút sự chú ý của tất cả. Trong khi các nhà báo thì vẫn ra vẻ hoài nghi, thì người dân lại đón nhận chiếc xe mới một cách hân hoan. Các đơn đặt hàng xếp cao ngất và chẳng mấy chốc nhà máy không sản xuất kịp xe phục vụ yêu cầu. Có những khách hàng phải đợi hàng năm mới chạm tay được vào chiếc xe mà họ mơ ước.

2CV có bước thiết kế đột phá vào thời điểm nó ra đời

Thiết kế xe 2CV mang tính cân bằng mà có thể dễ nhận thấy nhất ở sự bố trí các khung cửa xe rất đối xứng. Mặt trước xe rất phóng khoáng, với capô làm bằng tôn lượn sóng đầy kiểu cách và mặt lưới tản nhiệt được tô điểm với lô-gô 2 chữ V ngược trong khung ôvan đặt trên nền kẻ ngang.Tất cả các bộ phận của thân xe có thể được tháo rời và lắp ghép lại dễ dàng nhờ vào những khớp nối và ốc vặn bố trí rất thông minh. Trọng lượng xe chỉ 500kg, có thể đạt đến vận tốc khiêm tốn so với hiện nay 65km/h, và tiêu thụ có 4,5 lít/100km.

Với tất cả những lợi thế của mình, 2CV hóa ra lại đúng là chiếc xe mà Pierre-Jules Boulanger đã từng mơ ước: nhỏ, tiện dụng và giá thành hợp lý. Tiếc thay, Boulanger qua đời chỉ ít lâu sau đó, vào năm 1950, khi mới chỉ chứng kiến công trình lớn nhất cuộc đời mình đi những bước chập chững đầu tiên.

Những bước thay đổi

2CV trải qua rất nhiều thay đổi trong những năm 1950. Một trong những tin quan trọng của năm 1951 là việc khai trương 2CV phiên bản xe tải (model AU) cho mục đích vận chuyển hàng hóa. Bước tiếp theo, năm 1954, Citroen tăng tổng dung tích xi-lanh lên 425cc. Tháng 12/ 1956, Citroen công bố loại xe 2CV phiên bản AZL. Với khung cửa sau hình chữ nhật lớn và mui xe làm bằng vải, AZL được liệt dạng xe cao cấp của dòng 2CV.

Năm 1960, các nhà thiết kế quyết định “tân trang” 2CV lần đầu tiên, phong cách mới chủ yếu khác biệt ở thiết kế nội thất, ngoài ra ca-pô chưng diện một bộ mặt mới với 5 đường gân và có khe hở hai bên.

Citroen 2CV đời 1950

Một phiên bản nữa của 2CV được Citroen giới thiệu tại Triển lãm xe Paris 1961, mẫu xe 2CV AZLP. Đạt công suất thực 13,5 mã lực ở 4.000v/ph, chiếc xe mạnh mẽ này đạt tới vận tốc 85km/h và tiêu thụ 5,5 lít nhiên liệu cho đoạn đường dài 100km.

Năm 1964, “Con Vịt” tiếp tục quá trình biến đổi hình dáng, với thay đổi có thể gọi là mang tính cách mạng: cửa được dựng bản lề ra phía trước thay cho kiểu đằng sau truyền thống. Với bước thay đổi này, “Con Vịt” đã đi đúng hướng.

Mặt trước xe được thay đổi kiểu dáng một lần nữa vào năm 1966 để theo kịp thị hiếu đương thời. Mặt lưới tản nhiệt gồm 3 thanh nhôm nằm ngang, trong khi bộ hãm xung trước được làm bằng kim loại nay được trang hoàng thêm một lớp nhựa bọc màu đen. 2CV được coi là xe của đại chúng, nhưng đầu tiên và trên hết, nó là một chiếc xe nổi bật của dân thành thị.

Một số mẫu đặc biệt

Mẫu xe 2CV đã được làm lại hoàn toàn để tham dự Triển lãm xe Paris 1974, với một tấm lưới tản nhiệt bằng nhựa và đèn pha hình chữ nhật. Ảo thuật gia “Con Vịt” vẫn còn nhiều điều bất ngờ giấu trong tay áo… Hướng đến đổi mới, nhưng cũng không quên những khách hàng ưa xe đời cũ. Citroen ra mắt một mẫu xe 2CV “Đặc biệt” năm 1976 cho những fan hâm mộ kiểu cách truyền thống. Vẫn chiếc đèn pha tròn, nội thất ở mức tối thiểu và kiểu dáng bên ngoài thô sơ cũ kỹ, model này trông gần như y nguyên chiếc 2CV đầu tiên xuất xưởng.

Model “Charleston” khơi mào cho chuỗi những kiểu xe đặc biệt của dòng xe 2CV vào năm 1981. Với những chi tiết như của những năm 1930: đèn pha tròn sơn màu Bordeaux, toàn thân đen tuyền, chiếc xe đạt được thành công ngay tức khắc. Chẳng lâu sau xe đã trở thành mẫu chuẩn và chiếm một chỗ trong catalogue của hãng từ năm 1982.

Model “Charleston”

Model “Dolly” được công bố năm 1985 được phối kết hợp 2 màu đơn như vani và xám, xanh lục và đen hay đỏ và xám. Năm 1986, xe 2CV vẫn tiếp tục giữ vị trí “xe của đại chúng” ở Pháp. Dòng xe đặc biệt “Cocorico”, với bề ngoài Đỏ-Trắng-Xanh tượng trưng cho lá quốc kỳ Pháp, đã khắc họa rõ nét vị trí này. Slogan quảng cáo cho loại xe này là “This 2CV is really too much”, tạm dịch là “Quá nhiều cho một chiếc 2CV”.

Dòng xe đặc biệt “Cocorico”

Vấn đề tìm kiếm nhiên liệu cho xe khi chạy ở những khu vực như sa mạc đã thôi thúc Citroen phát triển chiếc 2CV 4 bánh chủ động. Mỗi trục dẫn động được cung cấp lực bởi 2 động cơ, 1 động cơ phía trước và 1 ở phía sau.

Khi chở với trọng tải vừa đủ, chiếc 2CV 4x4 có thể chạy tốt ở những địa hình có cát hay có độ dốc hơn 40%, tuy nhiên động cơ được lắp ở phía sau xe lại làm hạn chế sức tải của xe. Mặc dù được giới thiệu vào tháng 3/ 1958 nhưng mãi đến năm 1960 loại xe này mới thực sự được đưa vào sản xuất. Tính đến năm 1966, Citroen đã cho ra đời 694 chiếc 2CV 4x4.

Thế Đạt (Theo PL&XH/ Nguồn: Tổng hợp)

Tags:

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm