10:36  | 

Triển lãm ôtô, khi nội - ngoại một nhà

Dự kiến kỳ triển lãm ôtô lớn nhất năm nay, Vietnam Motor Show 2012, sẽ lần đầu có sự góp mặt của cả hai khối doanh nghiệp sản xuất trong nước lẫn các nhà nhập khẩu chính hãng.

Nguồn tin của VnEconomy cho biết, tính đến thời điểm hiện tại phía “nhà ngoại” đã có ít nhất 5 nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng đăng ký và nộp phí tham gia, gồm Audi, BMW, Renault, Porsche và Land Rover.

Trong khi đó, “bên nội” cũng đã có ít nhất 8 hãng xe chốt tham dự, tăng 2 đơn vị so với kỳ triển lãm năm ngoái do có sự trở lại của Ford trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và hãng xe Nhật Bản Mitsubishi.

Việc Vietnam Motor Show có sự tham gia của cả hai khối doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu chính hãng sẽ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích - Ảnh: Đức Thọ.

Đồng thời, thành phần ban tổ chức cũng có sự thay đổi đáng kể. Ngoài VAMA còn có thêm đại diện của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu. Đơn vị thực hiện cũng mới toanh là liên danh CIS Việt Nam và Le Bros thay cho đơn vị đã thực hiện các kỳ triển lãm trước đây là ATFA.

Vietnam Motor Show vốn là cuộc chơi riêng của khối doanh nghiệp thuộc VAMA. Từ vài ba năm trước, một số nhà nhập khẩu cũng đã gửi đơn xin tham gia chính thức tại triển lãm này song đều nhận được lời từ chối.

Theo đánh giá, việc Vietnam Motor Show có sự tham gia của cả hai khối doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu chính hãng sẽ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích.

Trước hết, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, kỳ triển lãm hội tụ hầu hết các thương hiệu ôtô nổi tiếng sẽ góp phần hâm nóng lại sức mua, tăng hiệu quả kích cầu sau hàng loạt biện pháp được bản thân các hãng xe tung ra thời gian qua.

Tiếp nữa, việc cả hai bên “nội” – “ngoại” vào chung một nhà cũng phần nào tăng sức nặng ở mỗi đề xuất chính sách. Theo cán bộ quản lý cao cấp của một hãng xe, đây là một nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp ôtô trong bối cảnh thị trường ảm đạm chưa từng thấy. Bởi một trong những nguyên nhân quan trọng chính là xuất phát từ các chính sách áp dụng với mặt hàng ôtô, đặc biệt là kế hoạch thu thêm các loại phí.

Thứ ba, một sân chơi chung quy tụ đầy đủ các “anh tài” sẽ giúp người tiêu dùng nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về thị trường, sản phẩm ôtô Việt Nam, nhất là có sự so sánh giữa các thương hiệu, mẫu xe tương đương nhau. Đồng thời, sân chơi chung này cũng làm tăng hiệu quả truyền thông cho các đơn vị tham gia.

Tuy nhiên, việc các nhà nhập khẩu lớn tham gia Vietnam Motor Show cũng sẽ gián tiếp làm mất sân chơi của các doanh nghiệp khác nhỏ hơn, thiếu tiềm lực kinh tế hơn.

Từ lâu, mỗi năm tại Việt Nam thường diễn ra 5-6 kỳ triển lãm ôtô. Ngoài Vietnam Motor Show luôn khá rầm rộ với lực lượng hùng hậu thành viên VAMA còn có các triển lãm khác bị xé lẻ vốn là “đất diễn” của các nhà nhập khẩu. Và khi những nhà nhập khẩu vốn là chỗ dựa của các triển lãm đó rút đi, sự suy yếu, lép vế là hiển nhiên, thậm chí viễn cảnh “báo tử” các triển lãm này cũng bắt đầu được tính đến.

Đó là sự nuối tiếc của một nhóm lợi ích, song dưới góc nhìn khách quan, sự rút gọn tất cả vào một kỳ triển lãm trong năm cũng phù hợp với xu hướng phát triển của ngành, đồng thời nâng tầm cả quy mô lẫn chất lượng của một kỳ triển lãm ôtô.

Theo VnEconomy

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm