22:37  | 

Bùng nổ cuộc chiến trên thị trường xe máy Việt

Thật dễ dàng để nhận ra rằng, trong khi ôtô vẫn còn bị kìm hãm tăng trưởng bằng các loại thuế, phí thì nhu cầu sử dụng xe máy ở Việt Nam vẫn còn. Đó là một “miếng bánh ngon”, và nếu muốn giành phần, các Hãng xe buộc phải tìm đến con đường nội địa hóa.

10 năm nữa thị trường xe máy mới bão hòa

Việt Nam được cho là thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều có chung một nhận xét là Việt Nam có quá nhiều xe máy.

Một nước cùng khu vực với Việt Nam là Thái Lan đã đạt tỉ lệ sử dụng xe máy là 2,9 người/xe và đây đã được đánh giá là mức bão hòa của thị trường này. Thời điểm Việt Nam đạt đến tỉ lệ bão hòa như Thái Lan được Bộ Công Thương dự đoán là khoảng năm 2020.

Bộ này từng tính toán, đến năm 2020 số xe máy lưu hành trên cả nước sẽ đạt khoảng 33,5 triệu chiếc, dân số đạt khoảng 99,6 triệu người, đưa tỉ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe.

Việt Nam đạt hơn 30 triệu chiếc xe máy vào năm 2020

Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật, cũng có chung nhận định về điểm bão hòa, đó là khi lượng xe máy tại Việt Nam đạt tới con số 30 triệu chiếc. Thời điểm này dự tính sẽ rơi vào những năm 2017-2020.

Nếu những tính toán và nhận định trên là đúng thì có nghĩa còn đến gần 10 năm nữa cho thị trường xe máy tăng trưởng ở Việt Nam. Do đó, đây hẳn sẽ là “miếng bánh ngon” cho các hãng xe (cả trong nước và liên doanh) lao vào giành giật thị phần.

Sản lượng xe máy sản xuất trong nước đạt 5 triệu chiếc/năm

Dù tình hình kinh tế khó khăn trong cả năm 2011 và đầu năm 2012, nhưng nhận thấy nhu cầu sử dụng xe máy vẫn còn cao, các liên doanh sản xuất xe máy ở Việt Nam đã không ngừng mở rộng nhà máy, nâng công suất.

Nhiều liên doanh xe máy mở rộng đầu tư sản xuất

Mở đầu làn sóng đầu tư trong năm 2011 là liên doanh xe máy đến từ Italia. Tháng 4/2011, Piaggio tiến hành động thổ xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp thứ 2 tại Vĩnh Phúc với mục tiêu nâng sản lượng từ 100.000 lên 300.000 xe/năm vào giữa năm 2012. Không chỉ xây thêm nhà máy mới, Piaggio còn quyết định mở rộng và xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ngay tại khu liên hợp nhà xưởng hiện có.

Đến tháng 8/2011, Yamaha là liên doanh sản xuất xe máy thứ hai công bố kế hoạch thúc đẩy sản xuất nhằm mở rộng thị trường bằng dự án đầu tư hơn 26 triệu USD vào việc tăng công suất sản xuất xe máy hiện có. Với dự án này, Yamaha đặt mục tiêu tăng thêm 50% công suất lắp ráp để nâng sản lượng lên 1,5 triệu xe/năm, từng bước nâng khả năng cạnh tranh với đối thủ đồng hương Honda tại thị trường Việt Nam.

Sản lượng xe máy sản xuất trong nước đạt 5 triệu chiếc/năm

Những ngày cuối năm 2011, người tiêu dùng trên cả nước tiếp tục được chứng kiến lễ khởi công nhà máy sản xuất và lắp ráp xe máy thứ 3 của Honda tại Hà Nam vào ngày 19/12 với tổng vốn đầu tư lên đến 120,5 triệu USD. Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2012), liên doanh xe máy có thị phần lớn nhất Việt Nam sẽ nâng tổng công suất lắp ráp lên mức 2,5 triệu xe/năm.

Những khoản đầu tư lớn từ ba “đại gia” xe máy trong nước vào việc mở rộng sản xuất đã chứng tỏ Việt Nam vẫn là “mỏ vàng” kinh doanh xe máy trong chiến lược của những nhà đầu tư ngoại quốc.

Như vậy, kể cả số lượng không nhỏ xe máy lắp ráp mang tên tuổi ít danh tiếng như Suzuki, SYM, Kymco, Sufat… tổng sản lượng xe máy sản xuất trong nước đã lên mức gần 5 triệu chiếc/năm. Một bài toán được đặt ra lúc này, xe càng nhiều, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu càng trở nên khốc liệt. Vậy thì phải cạnh tranh bằng cách nào?

Cạnh tranh bằng nội địa hóa

Nếu việc mở rộng sản xuất, lắp ráp xe máy của các liên doanh ở Việt Nam được ghi dấu vào năm 2011, thì đến giữa năm 2012 này, các thương hiệu bắt đầu thực hiện bước tiếp theo để giành thị phần – đó là tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Việc làm này mang tới rất nhiều điểm lợi. Nội địa hóa có nghĩa là các liên doanh hướng tới việc sản xuất tại chỗ, không phải chịu quá nhiều chi phí cho việc nhập khẩu linh kiện. Nội địa hóa là tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ tại Việt Nam, giảm được đáng kể chi phí lên một chiếc xe mà chất lượng không giảm đi là bao nhiêu. Nội địa hóa đồng nghĩa với việc giá thành chiếc xe rẻ đi, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng hơn, sản phẩm theo đó có sức cạnh tranh cao.

Honda Việt Nam ra mắt mẫu SH có tỉ lệ nội địa hóa 93%

Honda Việt Nam mở đầu “chiến dịch nội địa hóa” bằng việc cho ra mắt mẫu SH “nội” có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 93%, với giá bán thấp bất ngờ. Cụ thể, SH 125i có giá 66 triệu đồng và SH 150i có giá 80 triệu đồng – thấp hơn hàng 50 triệu đồng so với phiên bản cũ.

Việc hạ chiếc xe ga hạng sang xuống mức giá rất cạnh tranh của Honda khiến cho những đối thủ khác cùng phân khúc không thể làm ngơ. Dự kiến, Lambretta cũng sẽ cho ra mắt mẫu xe LN125 lắp ráp trong nước với mức giá tốt hơn để có thể cạnh tranh trong thị trường này. Những chiếc xe LN125 lắp ráp trong nước sẽ có mức giá trên dưới 85 triệu đồng, thấp hơn so với những chiếc xe nhập, có giá 126,8 triệu đồng. LN125 sẽ được lắp ráp trong nước bởi đội ngũ công nhân và kỹ sư Việt Nam, với sự hướng dẫn, tư vấn và giám sát của chuyên gia tới từ Ý.

Lambretta cũng tiến hành nội địa hóa mạnh

Piaggio Việt Nam cũng đã có những động thái khi cho ra mắt xe tay ga bản thể thao Liberty S 125 ie mới với màu ghi lần đầu xuất hiện trên thị trường xe tay ga. Liberty S 125 ie có giá bán lẻ 57,9 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT).

Từ việc nội địa hóa, có thể thấy, dường như những hãng lớn như Piaggio và Honda đã tính đến phương án xa hơn. Các hãng này có thể sẽ tận dụng ưu thế lao động giá rẻ để biến Việt Nam thành đại bản doanh sản xuất xe cung cấp cho các thị trường lân cận. Và như vậy, kể cả việc thị trường xe máy ở Việt Nam có đến thời điểm bão hòa đi chăng nữa thì có vẻ là các hãng xe vẫn cứ đi đúng hướng.

 Thế Đạt (TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm