23:47  | 

Xe Trung Quốc và nỗi bất an

Khách hàng ở nhiều thị trường đặt câu hỏi về chất lượng của những chiếc xế hộp đến từ đất nước này.

>> Xe “Tàu” và cái phận hẩm hiu trên đất Việt

Sự chững lại của thị trường trong nước đang gây khó khăn cho các hãng ôtô Trung Quốc, trong đó có BYD, doanh nghiệp từng là điểm sáng của ngành công nghiệp xe hơi nước này và rất được chú ý khi nhận vốn đầu tư của tỷ phú Mỹ lừng danh Warren Buffet.

Theo báo cáo của BYD, lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2012 của hãng này đã giảm đến 94%. Theo dự đoán, lợi nhuận cả năm 2012 của BYD sẽ giảm từ 75-95%. Lãnh đạo công ty giải thích rằng công việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng trực tiếp do tình hình kinh tế Trung Quốc và thế giới đều đang ảm đạm.

Với các doanh nghiệp xe Trung Quốc, khi không có khả năng sáng tạo hay đủ sức cạnh tranh với đối thủ, họ lập tức tính đến chuyện sao chép lại những sản phẩm của hãng xe nước ngoài dưới sự “bảo trợ” vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ từ trong nước.

Tuy một số nhà chế tạo ôtô nội địa đã thuê nhân sự ngoại quốc như công ty mẹ của BAIC đã thuê Leonardo Fioravanti, tác giả chiếc Ferrari Daytona làm trưởng phòng thiết kế hay Great Wall Motor bổ nhiệm cựu chuyên gia thiết kế Mercedes-Benz, Andreas Deufel, làm giám đốc thiết kế,… thì cho đến nay vẫn chưa có một thương hiệu xe Trung Quốc nào tạo được bản sắc riêng và đủ sức bành trướng ở thị trường nước ngoài.

Trung Quốc cũng có chương trình đánh giá xe mới (C-NCAP)...

Sự trì trệ, lạc hậu đã tạo nên cái nhìn có phần phản cảm ngay với cả người dân Trung Quốc đối với các thương hiệu ôtô nội địa.

Gần đây, việc Úc yêu cầu Great Wall và Chery thu hồi khoảng 23.000 xe thuộc hàng giá rẻ nhập khẩu vào thị trường này do phát hiện có chất gây ung thư amiăng (asbestos) được sử dụng trong các miếng đệm của hệ thống động cơ và ống xả, càng làm cho ôtô Trung Quốc mất điểm. Trong số những mẫu xe bị thu hồi, Great Wall có 21.500 xe gồm SA220, V200, V240, X200 và X240, Chery có 550 xe gồm J3 hatchback và SUV 1700 J11.

Việc nhập khẩu và sử dụng amiăng đã bị cấm tại Úc từ năm 2004. Nếu tiếp xúc lâu dài với sợi amiăng, con người có thể mắc những chứng bệnh nghiêm trọng liên quan tới đường hô hấp và ung thư, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Theo Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC) cho biết thì chất amiăng “không gây nguy cơ trực tiếp cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng xe hơi”, tuy nhiên cơ quan này cảnh báo người tiêu dùng không nên tự bảo trì xe hơi vì việc sửa chữa như vậy có thể tác động tới các miếng đệm.

Công ty nhập khẩu Ateco Automotive đã yêu cầu tất cả các đại lý bán xe ôtô Trung Quốc hiệu Chery và Great Wall phải dừng ngay việc tiêu thụ những chiếc xe có chứa amiăng. ACCC sẽ theo dõi sát sao quá trình thu hồi xe gặp sự cố.

... song nhiều người nghi ngờ về độc chính xác của hệ thống đánh giá này

Lệnh thu hồi xe lần này là một đòn giáng mạnh mẽ vào uy tín của các hãng xe Trung Quốc tại Úc. Từ khi bắt đầu xâm nhập vào thị trường này 3 năm trước, 3 nhãn hiệu xe Trung Quốc đã 8 lần phải thu hồi xe do các vấn đề liên quan đến tính an toàn: Great Wall – 4 lần, Chery – 3 lần, và Geely – 1 lần.

Trong khi thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà sản xuất xe Trung Quốc đã chuyển hướng sang các thị trường như Châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á, coi đó là những thị trường chủ đạo hứa hẹn tiềm năng phát triển lâu dài. Các hãng như Geely, Chery và Great Wall có vẻ chắc chắn rằng những chiếc xe giá rẻ của họ sẽ đạt doanh số cao tại các nước như Kenya, Nam Phi, Nigeria, và Ethiopia. Năm ngoái họ đã thông báo các kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy lắp ráp xe hơi và xe tải tại Châu Phi.

Tuy nhiên, xe Trung Quốc không chỉ là mối lo ngại đối với các thị trường khó tính mà ngay cả tại những thị trường dễ tính như Châu Phi cũng xuất hiện không ít lời phàn nàn về chất lượng. Một nhà bình luận Nam Phi đã đưa ra nhận xét về những chiếc xe Trung Quốc tại Châu Phi như sau: chất lượng như rác rưởi, thiết kế thì kinh khủng, mùi keo rất khó chịu.

Theo phòng thương mại xuất nhập khẩu máy móc và các thiết bị điện tử Trung Quốc, trong năm 2011, Trung Quốc đã xuất khẩu 849.900 xe, tăng gần 50% so với năm 2010. Sức hấp dẫn của xe Trung Quốc đối với người tiêu dùng là giá rẻ, chỉ từ 6.000USD (hơn 120 triệu VND) đến 15.000USD (hơn 300 triệu VND).

Tuy nhiên, xe Trung Quốc lại cũng nổi tiếng là kém chất lượng. Khách hàng thường xuyên phản ánh về những vấn đề họ gặp phải, ví dụ như các bộ phận làm mát của động cơ không thể hoạt động trong thời tiết nóng nực của Châu Phi, các miếng cao su thì rời ra khỏi xe khi gặp phải không khí mặn tại các vùng gần biển. Có người còn chụp cả ảnh và gửi cho nhà sản xuất (Gonow) với nghi ngờ là công ty bán cho họ xe đã qua sử dụng.

Hơn nữa, các dịch vụ hậu mãi của các nhà sản xuất xe Trung Quốc cũng rất kém. Các khách hàng Châu Phi liên tục phàn nàn về việc thiếu các bộ phận thay thế.

Trung Quốc cũng có một chương trình đánh giá xe mới (C-NCAP), tuy nhiên người ta nghi ngờ về tính chính xác của hệ thống đánh giá này. Từ khi được áp dụng năm 2006, trong số 137 mẫu xe thử nghiệm thì có đến gần 70% số xe đạt từ 4-5 sao.

Trong khi đó, mẫu xe Trung Quốc được đánh giá cao nhất về an toàn có bán tại Úc là Great Wall X240 theo chương trình đánh giá xe mới của Úc (ANCAP) năm 2010 chỉ đạt 4 sao, Chery J11 và Great Wall V240 chỉ đạt 2 sao, còn Chery J1 và Geely MK đều đạt 3 sao. ANCAP khuyến cáo rằng khách hàng không nên mua xe mới nếu độ an toàn của nó bị đánh giá dưới 4 sao.

Để cải thiện tình hình, Trung Quốc sẽ đưa ra những sửa đổi trong C-NCAP từ tháng 7-2012 để gần hơn với tiêu chuẩn của chương trình đánh giá xe mới của Australia (ANCAP) và Châu Âu (Euro-NCAP).

Muốn biết liệu những biện pháp của Trung Quốc có thực sự hiệu quả, có thể xua tan mối lo ngại của người sử dụng đối với chất lượng xe Trung Quốc hay không thì còn phải chờ một thời gian nữa. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khách hàng phải thật sáng suốt khi đưa ra quyết định có chọn mua xe do Trung Quốc sản xuất hay không vì đây là một tài sản lớn và quan trọng hơn cả, nó liên quan đến tính mạng của chính người sử dụng.

Theo Autocarvietnam

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm