16:36  | 

Phí xe máy: Không thể thu được

"Việc thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết, nhưng nên tính toán cho kỹ về mức thu và thời điểm thu. Khi dân không chấp hành, quy định đó sẽ bị phá sản. Tôi khẳng định là không thu được phí của xe máy. Gần 40 triệu người dân đang sở hữu xe máy, khó làm lắm”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ với phóng viên.

>> Chính thức thu phí đường bộ từ 1/1/2013

Trông chờ vào tài của người lãnh đạo

Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Nếu thực hiện đúng lộ trình thì từ 1/1/2013, các phương tiện tham gia giao thông sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phí bảo trì đường bộ đáng lẽ đã phải thu từ cách đây 3 - 4 năm rồi. Vì chúng ta làm chậm nên nó mới rơi vào thời điểm suy thoái kinh tế. Khi tham gia ý kiến về thu phí bảo trì đường bộ thì Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã xin ý kiến lùi thời điểm thu phí bảo trì đường bộ đến 1/1/2013 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Việc lùi 6 tháng này là đã giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng thu phí vào thời điểm sẽ ’giết chết’ nhiều doanh nghiệp?

Tôi nghĩ thu phí là bảo vệ quyền lợi của nhân dân và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Đường tốt thì lái xe an toàn, xe đỡ hư hỏng, đỡ tốn xăng dầu... Còn thu vào thời điểm nào thì phải cân nhắc. Đó là tình thế khó đối với Nhà nước. Nhưng không thu phí bảo trì đường bộ thì đường nát, hỏng mà không có tiền để làm. Và thu rồi, đường có đẹp hay không thì lại phải trông chờ vào tài của người lãnh đạo. Việc thu phí bảo trì đường bộ rất nhiều nước đã làm.

Nếu thu, lĩnh vực vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên?

Thực trạng là nhiều doanh nghiệp vận tải bị lỗ do giá cước thấp, không tái sản xuất được, không có vốn dự phòng. Chỉ có ở Việt Nam, giá cước vận tải đường bộ mới thấp hơn cước vận tải đường sắt. Do cạnh tranh không lành mạnh, phương tiện dư thừa, nên giá cước thấp. Giờ đùng một cái, mỗi tháng mỗi chiếc xe tải trọng 27 tấn trở lên phải đóng 1.044.000đ thì buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá cước thôi.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Tiêu cực trên đường quá cao!

Việc thu phí có ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực vận tải, có khiến phí vận tải tăng trong giai đoạn ’gạo châu củi quế’ hiện nay?

Tôi nghĩ có tăng cũng không đáng là bao. Ví dụ như từ Hà Nội đi Nội Bài, mỗi lượt đi là mất 10.000đ qua trạm thu phí. Nhưng giờ 1 chiếc taxi đi liên tục cả tháng mà chỉ phải đóng 130.000đ thì có lợi hơn là hại chứ. Hay xe tuyến cố định Hà Nội - Thái Bình chẳng hạn, mỗi lượt đi mất 70.000đ. Giờ mỗi tháng chỉ phải đóng hơn 300.000đ thôi, thì là có lợi chứ. Nhưng thu như thế thì xe không chạy cũng phải đóng như xe chạy hằng ngày. Tôi cho rằng ở góc độ vận tải hàng hóa ảnh hưởng không nhiều.

Vậy lý do gì khiến người ta lo lắng rằng việc thu phí sẽ làm tăng giá tiêu dùng?

Một số lái xe cho rằng, hiện nay tiêu cực phí trên đường quá cao. Có những luật bất thành văn mà họ phải tuân theo. Cũng có người nói với tôi rằng nếu giảm cái tiêu cực phí đi thì muốn đóng bao nhiêu cũng được. Một chuyến đi Bắc Nam, tiêu cực phí trên chục triệu đồng. Họ bảo, đối với vận tải hàng hóa, chỉ cần giảm tiêu cực phí trên đường, thì việc đóng phí bảo trì đường bộ sẽ không đáng là bao nhiêu cả.

Tiêu cực phí? Phải chăng ông đang nói đến mãi lộ?

Đúng vậy.

Nhưng rõ ràng họ phạm luật thì mới phải mãi lộ?

Đúng là cũng phải xét ở góc độ đó. Họ chở quá tải thì họ mới phải mãi lộ. Còn chở đúng tải, không ai bắt được, thì lại lỗ. Thành ra cứ thoát được cái nào là tốt cái đó.

Bởi vì họ đã ăn tiền rồi mà

Việc thu phí theo ông là cần thiết, nhưng sẽ phải thu thế nào cho công bằng?

Tôi có đề xuất là phải thu qua xăng dầu.

Ông có thể cụ thể hơn về giải pháp này?

Nếu thu theo đầu xe nó sẽ phát sinh không công bằng. Xe cá nhân có người chỉ dùng đôi lần mỗi tháng. Nhưng vẫn phải đóng phí bằng với chiếc xe taxi chạy 300km mỗi ngày. Hay những chiếc xe tập lái không bao giờ ra ngoài đường, nhưng vẫn phải đóng phí. Chỉ còn cách tối ưu nhất là thu phí qua xăng dầu. Nhưng những đơn vị sử dụng xăng dầu không phải để lưu hành xe trên đường bộ thì phải tính thế nào. Cái này thì những người ăn lương làm công tác quản lý phải tính làm sao cho hợp lý.

Ông thấy sao về việc thu phí qua các trạm đăng kiểm như dự thảo?

Hiện chúng ta có khoảng 110 trạm đăng kiểm, trong đó có những trạm của nhà nước và trạm xã hội hóa của tư nhân. Tôi theo dõi nhiều năm thì thấy các trạm đăng kiểm này có nhiều vấn đề tồn tại, không minh bạch. Ví dụ như xe không đủ tiêu chuẩn vẫn được lưu hành. Chính tôi có một chiếc xe nát vô cùng, không chạy được nữa. Vậy mà tôi chỉ cần nộp 200.000đ là có ngay đăng kiểm.

Vì sao họ lại không khám xe theo đúng quy định?

Bởi vì họ đã ăn tiền rồi mà. Đăng kiểm hiện nay có nhiều vấn đề tiêu cực mà cần phải thực hiện lại, siết chặt lại hoạt động này.

Bộ trưởng đừng ôm đồm quá

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc thành lập Hội đồng Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu tiêng, tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước để sử dụng có hiệu quả quỹ thu phí bảo trì đường bộ, quan điểm của ông thế nào?

Một trong những nội dung của dự thảo này là việc thành lập Hội đồng Quỹ Trung ương do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đứng đầu. Tôi cho rằng không nên như vậy. Bộ trưởng đừng ôm đồm quá. Nếu ở các tỉnh cũng thành lập hội đồng quản lý quỹ như vậy thì sẽ phải có ngân sách để lo địa điểm đặt trụ sở, phương tiện đi lại, nhân công... cho bộ máy. Nguy cơ là thu phí bảo trì đường bộ mà đường chưa được bảo trì, đã phải lấy tiền đó để nuôi bộ máy đã. Làm vậy, dân sẽ không đồng tình. Tính minh bạch sẽ kém đi. Nên giao cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất một mối.

Một số ý kiến cho rằng, với chất lượng đường thế này, thì họ bỏ 1 đồng ra đóng phí bảo trì họ cũng tiếc. Ngược lại, nếu đường tốt, giao thông thuận lợi, thì họ phải đóng nhiều hơn cũng chẳng sao?

Thì đúng là ở những nước phát triển, phí cao đồng nghĩa đường tốt. Nhưng nếu chúng ta không đóng để bảo trì đường, thì lấy tiền đâu mà làm. Ngân sách nhà nước còn khó khăn lắm.

Trong dự thảo này còn đề cập đến việc thu phí cả xe máy, xe đạp điện?

Đúng thế, tôi thì cho rằng sẽ là rất vô lý với việc thu phí của xe đạp điện và không khả thi nếu thu phí xe máy.

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo thông tư về phí sử dụng đường bộ đang được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đề xuất mức phí đối với xe đạp điện, xe máy 50 - 100 phân khối là 50.000 - 100.000đ/năm/xe; xe trên 100 phân khối là 100.000 - 150.000đ/năm/xe. Căn cứ mức thu phí trên, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp. UBND xã/phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với môtô của tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Đối với ô tô, mức thu từ 130.000 - 1.040.000đ/tháng/xe. Phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe nộp phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm.

Theo Tô Hội (Kiến Thức)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm