01:27  | 

Tôi đi “bụi” ở Lào (Cuối)

Việc đi Lào tết năm đó với tôi như một việc hiển nhiên phải thực hiện, như là việc nó phải đến vậy. Chỉ khác các chuyến đi trước là lần này tôi đi một mình.

>> Phần 1: Gõ cửa biên giới 

>> Phần 2: Cảm nhận Vientiane

 >> Phần 3: “Chơi” đủ trò ở Vang Vieng

 >> Phần 4: Thăm cố đô Luang Prabang

Phần 5: Những ngày cuối: Cưỡi voi, đu dây và leo núi

Tắm với voi

Tôi thích chơi trò cảm giác mạnh, nếu cứ nhẹ nhàng mãi thì tôi cũng sẽ thấy chán. Thế nên ngay ngày thứ 2 tôi đã liên hệ với bên tour guide để vào rừng rồi. Nói đúng hơn đó là một khu bảo tồn.

Để tới được khu bảo tồn đó, ban đầu xe tuk tuk chở chúng tôi ra khúc trên của con sông Nậm Khan, sau đó, một chiếc thuyền mộc dài có gắn động cơ chở chúng tôi đi chừng hơn nửa tiếng thì tới bến để vào cổng.

Trò cưỡi voi khá nhàm chán nên tôi quyết định tắm với voi

Trò Elephan riding (cưỡi voi) khá nhàm chán, chẳng khá hơn gì mấy “chú voi dịch vụ” tương tự ở Bản Đôn nhà mình. Tôi chạy ra cái bảng giới thiệu các dịch vụ trong khu này thì thấy trò Elephan Bathing khá thú vị. Việc đánh vật với con voi dưới nước làm tôi sướng phát điên, và phải mãi tới khi thấy lạnh tôi mới chịu lên bờ.

Con voi được tháo hết đai, yên ra chỉ bớt lại đúng một cái dây thừng quấn quanh cổ. Anh quản tượng cho tôi và con voi phi xuống một cái hồ rất sâu ngay chân thác nước. Dưới nước thì chỉ có mình tôi với con voi, quản tượng thì ngồi trên bờ hút thuốc. Đây là lần đầu tôi cưỡi voi một mình mà lại là dưới nước.

Chuẩn bị cho một cú hụp sâu

Con voi ban đầu bơi là là trên mặt nước cho tới giữa hồ, rồi bằng một động tác làm tôi rất bất ngờ, nó cắm đầu xuống, chổng mông lên và lặn một lèo xuống nước. Trước khi chìm hẳn xuống nước, tôi đã kịp hít một hơi sâu. Con voi hụp sâu được chừng 4-5m thì nó bắt đầu lặn là là dưới gần đáy. Tay tôi nắm chặt dây thừng, người áp sát vào lưng voi và nhìn xung quanh thì toàn một màu xanh của nước hồ. Tôi nghĩ nếu nó lặn lâu thêm nữa là mình hết hơi quá, nhưng cứ từ từ để xem nó tính thế nào. Quả nhiên lặn thêm được một lúc thì con voi hết hơi phải ngoi lên mặt nước, tôi vì thế mà cũng không chết sặc vì ngoan cố.

Không chỉ kết thúc ở đó, sau mấy lần ngoi lên, lặn xuống con voi trở nên rất khó bảo và hung dữ, khi nó ngoi lên mặt nước rồi thì làm đủ mọi cách để hất tôi ra khỏi nó. Ban đầu nó lật nghiêng người rất mạnh sang phải, tôi phải rất khó khăn để thăng bằng. Mũi còn đang sặc nước thì nó lại lật mạnh sang trái làm tôi như muốn văng cả người ra, rất may tôi đã có kinh nghiệm cưỡi ngựa từ trước nên vẫn giữ được vị trí.

Chú voi lúc này đã đói và tôi bắt đầu lạnh

Tôi ngay lập tức áp dụng tâm lý chiến, tôi rạp hẳn mình xuống con voi, lấy tay vuốt ve đầu và tai nó, nói mấy câu kiểu trấn an nhưng còn chưa kịp nói xong thì nó lại hụp sâu một cú quyết ăn thua với mình. Khi nổi lên, lần này co voi khôn hiểm hơn, nó bơi ra sát chân thác nơi có nhiều đá nhọn lởm chởm, rồi với động tác tương tự như lần đầu, nó lật người nghiêng về phía bờ nhằm ép tôi vào đá. Rất may tôi đoán trước được ý của nó nên chủ động một chân đứng trên mình voi, chân và tay kia đẩy vào vách đá. Được một lúc thì nó cũng phải bơi ra. Người và voi cứ thế quần nhau cho đến khi con voi có vẻ đói, cứ chìa vòi về phía tôi xin ăn, còn tôi thì bắt đầu thấy lạnh. Thế rồi cả người và voi cùng lên bờ. Đúng là một trò thú vị.

Đu dây như Tarzan

Zipline (đu dây) là trò chơi mà người chơi treo mình và trượt trên một dây cáp nối từ cây này sang cây khác bằng một cái ròng rọc nhỏ kẹp vào dây cáp. Người chơi treo mình trên cái ròng rọc đó, vừa trượt vừa hú không khác gì người rừng Tarzan.

Trong khu bảo tồn có một khu rừng kiểu như nguyên sinh, rất nhiều cây cao to, trong đó có những cây rất cao. Khu vực Zipline được quản lý bởi một nhóm người Malaysia gốc Hoa. Người chơi đi bộ vào trong rừng tới điểm khởi hành. Mỗi cái cây trong hệ thống dây cáp sẽ được lắp một cái giàn gỗ làm chỗ đứng, cứ thế trượt một vòng quanh khu vực rừng rộng lớn đó, vừa trượt vừa ngắm cảnh rừng nguyên sinh, rất gần với thiên nhiên, cây cối chim thú.

Chơi rừng xong thì các ngày tiếp theo tôi đi vào núi…

Chuyến leo núi đáng nhớ

Chuyến đi leo núi của tôi kéo dài 3 ngày, qua các khu vực sinh sống của người H’mong và người K’mu (ở Việt Nam dân tộc này được gọi là Khơ Mú, sống trên khu vực Tây Nguyên), băng qua các khu đồi trọc lóc, những nương ruộng đã thu hoạch, những khu cỏ tranh mọc trùm đầu, nhưng khu rừng khá rậm rạp và qua một con thác hoang vắng.

Một bản làng người H’Mong

Anh chàng tour guide là người K’mu, nói tiếng Anh cực tệ, tự giới thiệu là có 10 năm kinh nghiệm làm tour guide cho các loại trò outdoor như trekking, kayaking nhưng luôn là người yếu nhất trong đoàn. Anh chàng này thường xuyên bị tôi và mấy bạn trong đoàn bỏ rớt lại sau, mỗi lần theo tụi tôi mệt quá lại vẫy tay kêu anh em dừng lại nghỉ cho mọi người đỡ mệt, thực ra là để anh ý đỡ mệt thôi, thật là rất tức cười.

Qua các cánh đồng đã thu hoạch một loại cây nghe nói dùng làm hương vị cho Beer Lao

Cũng phải thừa nhận là các bạn trong đoàn phần nhiều rất khỏe, trừ cậu người Nhật có kiểu râu tóc giống võ sĩ đạo là có vẻ hụt hơn chút.

Trong đoàn có anh người Áo, trước đã nhiều năm thuộc biên chế thủy quân lục chiến viễn dương của NATO. Anh ấy là một người rất đặc biệt. Có thể nói anh là một người của thế hệ cũ (cùng lứa với Steve Jobs), lạnh lùng và khá bảo thủ. Khi biết tôi là người Việt, mắt anh ấy sáng lên kể say sưa cho tôi về những câu chuyện của anh liên quan tới Việt Nam. Trong những năm còn trong quân ngũ, anh được nghe, kể và xem nhất nhiều câu chuyện và hình ảnh về Việt Nam khi đó còn đang chiến tranh khốc liệt nên rất ước ao một ngày được tới đất nước kỳ lạ này.

Người đặc biệt gây ấn tượng với tôi

Sau khi xuất ngũ thì cũng là lúc chiến tranh Việt Nam kết thúc, anh “vác” xe đạp tới Việt Nam theo đường bộ từ Campuchia sang. Tuy nhiên, mò mẫm vào Việt Nam được mấy hôm thì bị công an chặn lại hỏi thăm, rồi mời ra khỏi lãnh thổ - thời kì đó mới chiến tranh xong, vẫn đề an ninh vẫn còn rất cẩn trọng. Sau một thời gian nghe ngóng, anh cũng biết được tin là Việt Nam cấp thị thực cho người nước ngoài khối XHCN vào, thế là anh lại xách balo và xe đạp tới Việt Nam. Chiếc xe đạp đưa anh rong ruổi khắp đất nước Việt Nam thời kỳ đó được nhắc nhiều trên các đài, báo quốc tế. Ở đây, anh thấy những khuôn mặt người Việt cười rạng rỡ và gọi anh là “Liên Xô”.

Trong suốt hành trình, Anh còn kể rất nhiều câu chuyên về những chuyến phiêu lưu một mình của anh qua những đất nước hay khu vực nguy hiểm nhất thế giới: đạp xe rong ruổi khắp Campuchia vào thời kỳ Khơme đỏ. Anh thấy xương người trắng xóa các cánh đồng và cứ sau 4 giờ chiều là thổ phỉ lại xuất hiện trên các con đường. Anh cũng đạp xe băng qua Papua New Guine, đi qua các khu vực sinh sống của các bộ tộc hiếu chiến và sống nguyên thủy ăn thịt người, dọc đường đâu đâu anh cũng thấy cảnh đánh giết nhau giữa các bộ tộc, các làng bản. Anh còn đi tìm cảm giác mạnh bằng cách mò mẫm lên ngọn núi lửa mới phun ở Indonesia chỉ để nhìn thấy dòng nham thạch chảy qua đường mình đi.

Những người bạn đồng hành

Chuyện làm tôi thích thú nhất là chuyện anh một mình đi bộ băng qua sa mạc Gobi hàng trăm cây số men theo con đường của các chiến binh Mông Cổ xưa. Hành trang của anh chỉ là 20 lít nước và một chút thức ăn, vì theo như anh giải thích, nếu ăn càng nhiều thì cần càng nhiều nước uống.

Trải qua tuổi trẻ trong môi trường quân đội đầy khắc nghiệt, ra khỏi quân ngũ trong lúc Mỹ và Châu Âu có những biến chuyển dữ dội về ý thức hệ nên chắc anh bị sốc tâm lý . Những giá trị cũ của anh khi đó đã hết thời, có lẽ chỉ có những chuyến phiêu lưu vô cùng mạo hiểm và cực kỳ thử thách mới đáp ứng được với cái bản ngã của kẻ sẵn sàng đối diện với cái chết như anh.

Đôi tình nhân trẻ, nam - Argentina, nữ - Thụy Sỹ cũng làm tôi cảm thấy vô cùng thú vị. Anh chàng thiết kế đồ họa Guilermo (phiên âm sang tiếng Việt tạm thời gọi là Duy Lê) có nét đẹp Latinh, rất dễ thương và nhiều tài lẻ quen và yêu cô luật sư Martina người Thụy Sỹ trong một chuyến cô này tới thăm thành phố Buenos Aires của anh. Và bằng một mối liên kết kỳ lạ, họ yêu nhau đã được hơn 2 năm khi mà 2 người ở cách xa nhau hàng chục ngàn cây số. Martina là người gốc Đức nên tính cách rất thẳng thắn nhưng lại có sức quyến rũ của một cô gái thông minh và rất nghịch ngợm, láu cá. Khi nhìn đôi bạn này quấn quít trêu đùa nhau suốt mấy ngày trèo đèo lội suối, tôi thấy vui vui trước những hình ảnh hạnh phúc đó.

Hai bạn Guilermo và Martine đang dạy một bài hát dân ca cho các em học sinh tiểu học của một ngôi trường chúng tôi đi qua

Và cái đêm ở Luangprabang, nhìn họ như hòa vào nhau trong điệu Tango, cùng nụ cười và ánh mắt rạng rỡ thì nói thực lòng lúc đó tôi thấy có cái gì đó dờn dợn ở gáy, cay cay ở mũi và nghèn nghẹn ở cổ, họ như thể là một biểu tượng lý tưởng về tình yêu hiện đại.

Sau mấy đêm ngủ trong bản, chúng tôi nói chuyện rất nhiều với nhau với tất cả các chủ đề được quan tâm từ những vùng đất, con người chúng tôi đi qua tới tranh chấp đảo Malvivas giữa Anh với Argentina, về đạo hồi, về mafia ở Buenos Aires, về những thay đổi về quan niệm và giá trị sống của mỗi thế hệ, về Steve Jobs, về Tsunami ở Nhật và cả về Việt Nam. Khi đống lửa giữa sân đã tàn thì chúng tôi mới về nhà sàn đi ngủ, tất cả lại chìm vào tĩnh lặng trong màn đêm xe lạnh của núi rừng.

Trên đường về, tôi thấy một số con đường đất mới cải tạo do Hoàng Anh Gia Lai tài trợ để họ tiện đường vào chở gỗ. Điều thú vị tôi thấy là cái cách người Lào phá đá mở đường theo phương pháp có từ thời cổ xưa. Các tảng đá lớn chặn đường bị phá bằng cách chất mấy cây gỗ khô rất lớn xung quanh và đốt. Than hồng và hơi nóng làm cho khối đá bị nung và nở ra, hôm sau người ta mang nước tới tưới vào đó. Đang nóng bỗng bị lạnh đột ngột, tảng đá bị vỡ ra thành từng mảng, cứ thế người ta dọn hết đá dọc đường đi. Có lẽ chỉ ở đất nước nổi tiếng nhiều rừng như Lào mới còn duy trì cách làm đường như thế này, nhưng tôi đoán là nó sẽ không còn kéo dài được nhiều năm nữa.

Thấm thoát đã kỳ nghỉ của tôi đã hết. Tôi lên chuyến bay duy nhất từ Luangprabang về Hà Nội trên chiếc ATR72 cũ kỹ trong một buổi chiều lộng gió. Ở sảnh check-in của sân bay Luang, tôi bắt gặp những khuôn mặt trẻ Việt Nam quần hộp khăn rằn giống tôi khoác balo bước đi trong nụ cười hạnh phúc. Tạm biệt nước Lào, chắc chắn sẽ có dịp tôi quay lại.

Hà Nội, 19-4-2013

Trần Minh Tú*(TTTĐ)

* Trần Minh Tú là một người trẻ bình thường như bao người Việt trẻ khác, nhưng lại có cách đi, cách cảm nhận cuộc sống không giống số đông: Du lịch bụi, và một mình. Đây là nhân vật, Autodaily đã có dịp đề cập đến trong bài viết: Có một người trẻ đi khác, sống khác. Trên đây là những cảm xúc của Trần Minh Tú khi đi du lịch bụi tại Lào. Bạn đọc cũng có thể chia sẻ những bức ảnh, những cảm nhận của mình qua những chuyến đi bằng cách gửi email về BBT Autodaily: team@autodaily.vn

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm