10:00  | 

Cái nhìn nghề bác sĩ ôtô

Nói đến xế hộp, người ta nghĩ ngay tới những đại gia, người giàu có, mà ít ai hiểu được “nỗi lòng” của những người vẫn hàng ngày kiểm tra, chuẩn đoán và điều trị cho những cỗ máy ấy. “Gần ngay trước mặt, xa tận chân trời” – câu nói nửa đùa nửa thật của Trần Văn Báo, thợ sửa chữa của một garage tư nhân tại Hà Nội.

“Trước mắt chỉ là cái gầm ô tô mà thôi!”

“Tốt nghiệp Trung cấp Công nghiệp ngành cơ khí ô tô, tôi được người họ hàng giới thiệu vào xưởng. Khi còn đi học, tôi vẫn vẽ cho mình viễn tưởng về một kỹ thuật viên sửa chữa, tư vấn và được tiếp xúc nhiều với các loại siêu xe, những cái bắt tay với đại gia trong một garage ô tô đẳng cấp. Bước chân vào xưởng, tôi cười thầm, mình đã mơ xa quá, trước mắt chỉ là cái gầm ô tô mà thôi!

Vậy mà, đã gắn bó với nghề ngót nghét 3 năm, hỉ – nộ – ái – ố đủ cả. Đặc thù của nghề là liên tục tiếp xúc với động cơ, dầu mỡ – bẩn và nguy hiểm, những kỹ thuật cơ bản của ô tô cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có đủ hiểu biết để lật ngược từ hư hại đến toàn vẹn. Những kiến thức đó, tôi phải tự tích lũy cho mình qua thực tế và kinh nghiệm của người đi trước vì kiến thức trong sách vở chưa đủ.

Tay nghề chỉ là một phần, sửa chữa ô tô cũng cần nhiều kỹ năng lắm! Kỹ năng làm việc nhóm, quản lí thời gian và sắp xếp công việc hợp lý. Tôi còn nhớ một lần được “tắm và uống dầu diesel” chỉ vì không hiểu ý đồng nghiệp, khi hai người đang thông được ống nhiên  liệu của xe bị tắc bằng khí nén. Đấy, dầu mỡ đâu chỉ ám vẻ bề ngoài, nó còn chạy trong người nữa kìa.

Nghề này buộc phải có sức khỏe tốt bởi có nhiều công việc khá vất vả như sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lái, hệ thống treo gầm,… nên đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để hoàn thành công việc. Cũng chính vì thế mà nghề này chỉ thích hợp với nam giới.

Cũng giống như nhiều nghề khác, bên cạnh kiến thức chuyên môn đam mê với công việc là không thể thiếu. Sửa chữa ô tô sẽ làm việc tại các công ty cơ khí, xưởng lắp ráp, sửa chữa ô tô trong điều kiện tương đối nặng nhọc nên lòng say mê mới giúp vượt qua áp lực công việc, gắn bó và thành công với nghề. Đặc biệt, cẩn thận là đức tính không thể thiếu khi muốn theo nghề này. Mọi thao tác phải linh hoạt và chính xác bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra tai nạn.

Hồi mới vào nghề, vốn nhanh nhẹn và thật thà, bảo sao làm vậy nên lắm lúc được phân công rửa xe, dọn nội thất – những công việc không có tính chuyên môn, tôi phải tìm mọi cách để được gần các công việc chuyên môn mình xác định. Khi được làm với thợ cũ, tôi ghi lại đời xe, model xe, cách họ tháo lắp, thứ tự, cả cách nói chuyện với khách thay đồ để đúc rút kinh nghiệm trong một cuốn sổ giúp mình ghi nhớ và phục vụ cho tương lai.

Chân tay tuy dơ bẩn nhưng khi tiếp xúc với khách, chúng tôi luôn phải thật chỉn chu, bởi có như vậy, khách mới thấy tin tưởng. Bạn tượng tưởng nhân viên sửa chữa của các hảng cao cấp như Mecedes, BMW, Rolls Royce, họ làm việc như là bác sỹ đó, quần áo trắng, bàn để dụng cụ cũng trải đồ lót trắng, cứ sau mỗi việc họ đều lau tay sạch sẽ. Chúng tôi cũng luôn có những quy định nghiêm ngặt, để giữ hình ảnh với khách hàng: uy tín và tác phong công nghiệp, coi những chiếc ô tô là những bệnh nhân cần sự chăm sóc đặc biệt.

Lương của nghề này, với thợ chúng tôi, cũng chỉ đủ nuôi bản thân, dao động từ 3 – 5 triệu/tháng, lậu gần như không. Thi thoảng, có khách sộp hay khách quen, thì được tặng quà hay một bữa nhậu với anh em trong xưởng”.

Cái nhìn nghề bác sĩ ôtô cai-nhin-nghe-bac-si-o-to.png

Cái nhìn của người ngoài cuộc

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, trước mắt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, tất nhiên, không trừ ô tô. Ô tô từ ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với mức thuế 0%.

Chỉ tính riêng tháng 12/2014, theo Tổng cục Thống kê (GSO), Việt Nam nhập khẩu đến 10.000 xe ôtô nguyên chiếc, là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm có lượng xe nhập khẩu lên đến con số một vạn. Đây được xem là mức cao nhất trong vòng 5 năm nay.

Ô tô dần trở thành ngôi nhà thứ hai và được coi như một thành viên thân thuộc, chưa nói đến những dân chơi chuyên nghiệp, họ yêu “đứa con” này đến thế nào. Lượng ô tô tăng nhanh khiến thị trường sửa chữa ô tô phát triển hơn bao giờ hết. Có lẽ, từ thợ sửa chữa không còn phù hợp, người ta gọi là “kỹ thuật viên ô tô”.

Từ một người thợ lên kỹ thuật viên không phải là điều đơn giản. Các kiến thức mới nhất, kỹ năng làm việc, phục vụ, ngoại ngữ và tin học,… là những yếu tố cơ bản của một kỹ thuật viên lành nghề trong một garage ô tô chuyên nghiệp.

Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã cho ra đời những mẫu ô tô hiện đại, tích hợp ngày càng nhiều các thiết bị điện tử, các hệ thống an toàn, động cơ tân tiến hơn, thân thiện với môi trường hơn. Người thợ sửa ô tô phải luôn tìm hiểu, trao đổi và được đào tạo liên tục để tích lũy thêm kiến thức, biết sử dụng các thiết bị phục vụ kiểm tra gắn liền với xe bởi nếu không có chúng, kinh nghiệm chục năm, lương nghìn đô cũng bó tay!

Thị trường lao động trong ngành ô tô Việt Nam sẽ sôi động, không chỉ bởi sự du nhập của nhiều hãng xe từ nhiều quốc gia mà còn bởi sự cạnh tranh dịch vụ giữa các nhà xưởng, garage ô tô. Với những kỹ thuật viên, con đường từ thợ lên thầy, từ thầy lên chủ tuy dài nhưng với quyết tâm, sự kiên trì, đường này sẽ rất sáng.

Theo Sinhvienoto.com

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm