15:54  | 

“Sơ cứu” nhanh sau khi xe tay ga “lội” nước

Mưa lớn gây ngập đường, những chiếc xe tay ga đắt tiền là những “nạn nhân” thường gặp của “sóng nước đường phố”. Vậy làm gì để chiếc xe của bạn không bị hỏng nặng sau khi lội nước?

Xe tay ga có động cơ được thiết kế khác biệt rất nhiều so với những chiếc xe số trong khi hệ thống điện và hệ thống nén cũng là những bộ phận rất nhạy cảm với nước. Do vậy, nếu gặp vùng ngập nước bạn nên cân nhắc khả năng tài chính trước khi điều khiển xe lội nước vì để sửa chữa một chiếc xe ga hỏng do nước là hết sức tốn kém.

“Sơ cứu” nhanh sau khi xe tay ga “lội” nước images655253_3.jpg

Khi một chiếc xe tay ga bị chết máy do đi vào vùng ngập nước thì nguyên nhân thường gặp là do tê liệt hệ thống điện, nước bị hút vào hệ thống chứa dầu làm mát hoặc bu-gi bị nước làm mất khả năng đánh lửa. Gặp phải tình huống này, bạn nên chịu khó dắt xe chứ đừng cố gắng nổ máy kể cả khi đã ra khỏi vùng ngập lụt.

Khá giống như xe hơi, những chiếc xe tay ga khi đi vào vùng ngập nước thường có xu hướng hút nước vào trong động cơ, do vậy, việc nước bị tràn vào hệ thống chứa dầu làm mát là điều chắc chắn.

Khi bạn cố tình nổ máy chiếc xe sau khi bị chết máy do ngập nước sẽ dẫn đến việc dầu pha nước bị đẩy vào tất cả các ngõ ngách của động cơ làm cho động cơ xe bị bào mòn và hỏng nặng hơn chỉ sau khoảng vài km di chuyển.

Thêm nữa, với việc hệ thống điện bị nước tấn công, chiếc xe của bạn hoàn toàn có thể bị cháy, nổ dẫn đến việc toàn bộ hệ thống điện phải thay mới gây rất nhiều tốn kém.

“Sơ cứu” nhanh sau khi xe tay ga “lội” nước images655252_8.jpg

Vì vậy, để tránh chiếc xe bị hỏng nặng hơn, bạn nên chịu khó dắt xe đến đại lý gần nhất và thực hiện một số biện pháp sau:

- Tháo bu-gi lau thật khô rồi lắp trở lại. Khóa xăng và xả hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí.

- Xả toàn bộ dầu trong khoang máy, vệ sinh khoang máy bằng loại dầu nhớt chuyên dụng. Cuối cùng là thay dầu mới để đảm bảo không còn một chút nước nào còn xót lại trong khoang máy.

- Cũng nên sấy khô và làm sạch các đầu mối trong hệ thống điện. Các tạp chất trong nước ngập thường rất nhiều và thường bám vào các mối tiếp xúc trong hệ thống điện, do vậy nếu không làm sạch sẽ dẫn đến các mối nối bị ăn mòn hoặc ô xy hóa trong quá trình sử dụng.

- Làm khô hệ thống phanh của xe để giảm thiểu khả năng bị chai má phanh.

- Sử dụng mỡ hoặc dầu máy để tẩy sạch tạp chất dính trên xích, chân phanh và cần khởi động (nếu có).

Cuối cùng, để giữ gìn và bảo vệ chiếc xe của mình, tốt nhất nên tránh những đoạn đường ngập nước. Còn nếu đã trót bị ngập nước thì nên xử lý chiếc xe trước khi phải chi những khoản tiền không nhỏ để sửa chữa trong khi chất lượng chiếc xe chắc chắn bị xuống cấp nhiều hơn.

Anh Đức (Trithucthoidai)

Ý kiến đánh giá (2)


Có thể bạn quan tâm