08:00  | 

"Xe con bọ": Hồi ức về Hòn Ngọc Viễn Đông

“Xe con bọ”, “bọ rùa”, “xe con cóc” là những từ hết sức thân thương mà thế hệ thập niên 50-70 ở Sài Gòn vào thế kỉ trước sử dụng để gọi tên một dòng xe của Volkswagen - Beetle. “Con bọ” đã trở thành biểu tượng song hành cùng với Hòn Ngọc Viễn Đông ở xứ An Nam này lúc bấy giờ.

Dưới những biển quảng cáo đầy màu sắc, "bọ" yên vị như một dấu lặng. (Ảnh: Internet) 

Volkswagen Beetle - Từ nhu cầu đến đam mê

Được sản xuất bởi Volkswagen vào năm 1935, nhưng ít ai biết rằng, mẫu xe này được nhà độc tài A.Hitler đề xuất với mục đích sản xuất ra dòng xe để bất kì ai ở Đức, ngay cả những người lao động tay chân cũng có thể mua.

Nhà máy bắt đầu được đặt tại vùng Wolfsburg và chỉ sản xuất số lượng hạn chế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Sau thế chiến thứ II, Beetle mới được sản xuất số lượng lớn để xuất khẩu với động cơ 4 xy-lanh, làm mát bằng gió, 1131 cc. Khi bắt đầu du nhập thị trường Mỹ vào năm 1950, VW trở thành thương hiệu lớn mạnh và vượt qua cả "gà nhà" Ford - một công ty đang làm "trùm" thị trường ôtô lúc bấy giờ.

 

Tại Việt Nam, sau hiệp định Geneve 20/07/1954, người Mỹ đã mang nhiều loại xe nhằm phục vụ cho cả quân sự lẫn dân sự. Bên cạnh các hãng như Ford, GMC, Chrysler,... thì dĩ nhiên còn có cả Volkswagen mà đại diện là Beetle - mẫu xe khá thông dụng tại Mỹ vào thời điểm này.  "Bọ rùa" nhanh chóng trở thành “gương mặt quen” trên từng nẻo đường của Sài Gòn hoa lệ. 

Ngày đó, có thể nói, nếu ra đường gặp 10 chiếc xe hơi thì đến phải 4 - 5 chiếc "bọ rùa" trên các nẻo đường. Với thiết kế tiện dụng, kết cấu bền vững, kiểu dáng cổ điển không lỗi thời, Beetle đã làm say đắm từ vương tôn công tử đến cả tiểu thư đài các. Chính vì vậy mà “bọ” đã trở thành một trong những niềm mơ ước của người Sài Gòn xưa.

Tôi từng đã từng nghe câu chuyện về một anh chàng sinh viên kiến trúc thời trước năm 75, vì quá mê “bọ” nên đành “mua chịu” một nửa tiền xe của người bạn thân. Thời gian trôi qua, người bạn có ý mua lại chiếc xe này, anh không bán nhưng tặng lại cho người bạn. Sự phóng khoáng của người Sài Gòn gắn với tình yêu xe tạo thành cái chữ tình như thế.

Gian nan hồi sinh giấc mơ

Sau những năm giải phóng đất nước, sự thiếu vắng đi rất nhiều những bàn tay tài hoa sửa chữa và sự du nhập của các loại xe gắn máy để phù hợp với nhu cầu đi lại của người Sài Gòn trong thời điểm này làm cho số lượng “bọ rùa” ngày càng ít đi. Những tưởng mẫu xe đình đám một thời này sẽ chỉ còn xuất hiện trên những bức ảnh xưa cũ của một người hoài cổ. Thế nhưng nhờ tình yêu của người yêu xe, “bọ” lại được hồi sinh và hùng dũng trên những nẻo đường Sài Thành.

Những chú "bọ" được phục chế hoàn chỉnh chuẩn người chơi.

Để "hồi sinh" một chiếc xe cũ kỹ như "bọ" không những chỉ tốn tiền bạc mà còn cả thời gian và công sức của người chơi. Việc phục chế thường phải mất ít nhất hàng tháng trời hoặc có khi đến cả năm. Theo lời của một người chơi "bọ già" lâu năm, mua một chiếc xe đơn giản 1000 - 2000 USD nhưng để đưa về tình trạng nguyên bản phải rút hầu bao đến hàng chục nghìn usd bởi lẽ phụ tùng của "bọ" đã thuộc hàng hiếm trên thị trường và đôi khi phải đi sang tận các nước láng giềng. Màu sắc chủ đạo của “bọ” chỉ là trắng, đen và xanh nhưng với những người chơi xe, cá tính của chủ xe có thể được thể hiện qua các màu sắc bất kì mà họ thích.

Những người chơi “bọ” còn phải chịu cái oi nồng của Sài Gòn vào những ngày hè bởi xe được thiết kế riêng cho thị trường Châu Âu với không khí ôn đới nên chỉ sử dụng tản nhiệt bằng gió, bên cạnh đó do đã được thiết kế khá lâu nên không có điều hòa là điều dễ hiểu.

Cực nhọc, vất vả là thế nhưng họ - những người đam mê với "con bọ" - đã tìm được sự đồng điệu cùng nhau. Họ thân thiết với nhau qua những cuộc phiếm đàm lúc trà dư tửu hậu, gắn bó với nhau qua những con đườngtrải nghiệm cùngvới "bọ già”. Trong những chuyến đi dài, “bọ” thường hay “làm nũng” nên những chủ xe phải “hiểu ý” chiếc xe của mình.

Trải qua bao nhiêu năm tháng với những sự “trở mình” mạnh mẽ của Sài Gòn, "con bọ" vẫn còn đó, vẫn trường tồn với thời gian qua bàn tay và tình yêu của người chơi xe. Họ yêu "bọ" như chính một người thân trong gia đình họ và cũng chính vì muốn giữ lại chút gì đó hoài niệm về một Hòn Ngọc Viễn Đông ngày xưa.

Thanh Phan (Trithucthoidai)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm