16:04  | 

Kawasaki Z1000SX 2016 – "Ngựa hoang" đường trường

Gia tốc tăng nhanh, gió liên tục rít qua khe mũ, sự phấn khích kinh khủng khi đồng hồ tốc độ chuyển nhanh từ 0 sang 100 – 120 km/h. Đó là những gì tôi cảm nhận được khi cầm lái chiếc Kawasaki Z1000SX 2016.

>>> ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE AUTODAILY: https://goo.gl/EMvSeB

Thiết kế

Do là dòng Sport-Touring nên Z1000SX có thiết kế thể thao hơn hẳn phiên bản naked với phần đèn phía trước được kéo dài ra cùng phần kính chắn gió phía trước tạo thiên hướng khí động học nhiều hơn. Ghi đông được thiết kế thấp hơn, giúp người điều khiển dễ dàng “núp gió” khi điều khiển. Bình xăng lớn 19 lít to hơn nhưng lại không gù cao như bình xăng 15 lít của z1000 nhằm đảm bảo sự cân bằng cho xe, tư thế của người lái cũng như lượng nhiên liệu trên những chuyến hành trình dài.Cánh gió 2 bên hông được kéo dài ra cùng với những đường cắt vừa tạo điểm nhấn vừa để hạn chế lực cản của gió lên thân xe và hỗ trợ tản nhiệt cho động cơ.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Đèn xi-nhan được dời về 2 bên cánh gió chứ không còn nằm ở 2 bên đầu đèn gọn gàng theo đúng thiết kế của dòng xe thể thao. Hệ thống giảm xóc phía sau có thể điều chỉnh và được hỗ trợ thêm bình khí nén – chi tiết mà trên z1000 không có – với hành trình lên đến 130 mm. Phần yên và ốp hông cũng được thay đổi lại để phù hợp hơn với thiết kế tổng quan. Bên cạnh đó, Z1000SX cũng được tích hợp sẵn khung để gắn 2 thùng bên hông để những chuyến đi dài trở nên trọn vẹn hơn.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Do là phiên bản đường trường của Z1000 nên Z1000SX vẫn sử dụng cùng thiết kế về khung sườn, động cơ, hệ thống phanh… Tuy nhiên so với các phiên bản tiền nhiệm thì Z1000SX 2016 được trang bị thêm bộ phanh ABS tiêu chuẩn và bộ ly hợp chống trượt. Công nghệ hỗ trợ chống trượt này giúp cho việc chuyển số trở nên nhẹ nhàng hơn khoảng 30 %, và giảm thiểu tình trạng bị khóa bánh khi người lái trả số nhanh để sử dụng phanh động cơ.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Kawasaki Z1000SX 2016 cũng được trang bị hệ thống phun xăng điện tử van kép, 4 bướm ga của Keihin, hộp số 6 cấp cùng với hệ thống kiểm soát lực bám KTRC (Kawasaki Tracking Control). Xe có 2 chế độ sử dụng là Full (toàn bộ công suất) và Low (công suất khoảng 70 – 80 %).

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Gia tốc

Khởi động Z1000SX với chế độ Low ban đầu khiến tôi có cảm giác chưa thật sự “đã” bởi dù tiếng máy có gầm gừ nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, êm ái như các dòng 650 cc của Kawasaki mà tôi có dịp trải nghiệm qua nhưng khi chuyển thử sang chế độ Full thì lại khác. Tiếng máy đã có phần kích thích hơn do vòng tua đã được nâng lên khoảng 2000 vòng/phút (với chế độ Low thì khoảng 1200 - 1300 vòng/phút), khi vít nhẹ ga ở chế độ không tải, tiếng gầm gừ như một con thú hoang chực chờ đã chuyển thành những âm hú gãy gọn, mạnh mẽ.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Vào số 1 ở chế độ Full, xe dường như khá khó chịu bởi sự dư thừa vòng tua khi đi ở tốc độ thấp, tiếng máy gầm liên tục và với tôi thì cảm thấy hơi xót cho xe. Tôi siết ga, vào số, đồng hồ tua lên nhanh tỉ lệ thuận với vận tốc mà tôi đang có. Những hàng cây hai bên đường nhanh chóng nhòa đi và vận tốc mà tôi đạt được là 130 km/h trong khoảng 3 - 4 giây đi kèm là tiếng hú đầy phấn khích từ chiếc pô đôi đặc trưng của dòng Z1000. Chỉ cần vào số 4, tôi đã đạt được mức vận tốc này và tự hỏi không biết vận tốc tối đa sẽ là bao nhiêu? Vì lí do an toàn nên tôi không thể trải nghiệm hết sức mạnh nhưng nếu có thể được thử nghiệm trên đường đua thì tôi rất sẵn lòng. Nếu ai đã từng trải nghiệm cảm giác với Yamaha R1 thì cũng sẽ cảm nhận sự “hỗn” trong nước ga đầu tương tự vậy với Z1000SX. Giảm dần tay ga và xe đi khá nhẹ nhàng ở mức trên 60 km/h nhưng với âm thanh gầm gừ liên tục đầy đe dọa. Thế nhưng đi kèm với sự mạnh mẽ vô cùng đó là độ nóng từ động cơ dù đã được hỗ trợ bằng hệ thống tản nhiệt dung dịch. Màn hình hiển thị luôn ở mức 99 - 101 độ C. Khá là vui khi nghĩ rằng đang mang “nồi nước sôi” bên mình.

Kawasaki Z1000SX 2016 – Kawasaki Z1000SX 2016 –

Khi về chế độ Low, vòng tua ban đầu có vẻ như được hạn chế dưới 2000 vòng/phút vì khi ở chế độ Full, việc đạt ngưỡng trên 2000 vòng/phút ban đầu rất đơn giản là vít nhẹ ga còn ở chế độ này thì thật sự phải dồn ga hơi nhiều. Cũng chính vì thế mà tiếng máy ở chế độ không tải êm ái hơn nhưng tiếng gầm gừ cũng bớt đi nhiều. Z1000SX tiến lên khá nhẹ nhàng ở vận tốc thấp nhưng để lấy với tốc độ như chế độ Full thì mất thời gian lâu hơn một chút và tôi cảm nhận là máy hơi gằn, sẽ hơi bị hụt hẫng hơn và tiếng pô ít kích thích tâm trí hơn, có lẽ do vòng tua bị kìm hãm lại. Nhưng đây sẽ là một chế độ hợp lý khi đi phố bởi ngoài việc không quá “dư máy” ở vận tốc thấp, chế độ này còn giảm được vài độ so với chế độ Full.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Để có thể “ghìm cương” được “con ngựa bất kham” này đòi hỏi người điều khiển cần có một sức khỏe tốt (trọng lượng của xe đến 230 kg), một tinh thần vững vàng và có ít nhiều kinh nghiệm bởi gia tốc lên rất nhanh và mạnh.Vì được thiết kế cho những cung đường trường nên Z100SX không hề quá khó khăn để có thể làm quen và điều khiển dễ dàng. Cảm giác tay lái êm ái, rất ít chịu tác động từ độ rung của động cơ nên hiện tượng tê tay khi đi đường dài là điều khó xảy ra. Tuy nhiên do xe sử dụng dây ga đôi chứ không phải là dậy ga điện tử nên cảm giác khá nặng và hơi tê tay nếu sử dụng lâu.

Hộp số cải tiến của Kawasaki Z1000SX 2016 thật sự là một cải tiến đáng giá khi tôi thử “vào số sống” (lên số không cần bóp côn) khi ở số 3 - 4, xe hơi khựng nhẹ nhưng vẫn không làm giảm vận tốc là bao. Nhưng ở giai đoạn số 5-6, cần số thật sự êm ái như chưa hề lẩy số lên. Bên cạnh đó, hệ thống ABS trước và sau được bổ sung ở phiên bản 2016 này là một điều hoàn toàn hợp lý trên những chiếc xe luôn sở hữu sức mạnh và tốc độ. Thử phanh gấp với vận tốc trên 60 km/h, người lái có cảm giác chúi hơi nhiều về phía trước hơn so với Z1000.

Kawasaki Z1000SX 2016 –

Kết hợp với hệ phanh ABS và 2 chế độ về sức mạnh là tính năng kiểm sóat độ bám KTRC (Kawasaki Traction Control). Đây có thể gọi nôm na là “hệ thống chống trượt lốp sau” của Kawasaki. Hệ thống cảm biến được đặt ở heo dầu phía sau ghi nhận chuyển động của lốp, khi cảm nhận được sự trượt bánh, một tín hiệu sẽ được truyền về bộ xử lý trung tâm của hệ thống ABS. Tín hiệu này tiếp tục được truyền đến vi xử lý hệ thống xe (ECU), ECU sẽ đưa ra phương pháp xử lý tối ưu tác động lên 3 thành phần: thời gian đánh lửa, lượng xăng phun vào buồng đốt và độ mở của cửa hút khí nhằm điều chỉnh lực truyền động của bánh sau để chống lại sự mất ma sát. Nhưng đây là của hệ thống KTRC 1 chế độ, còn với Z1000SX có thể lựa chọn theo ý người sử dụng ở 3 chế độ: 1 dùng để đi đường khô ráo, 2 dùng trên đường ướt, 3 dùng khi đi trời mưa hoặc đường trơn trượt hoặc có nhiều đá dăm. Theo ý kiến cá nhân tôi thì khi sử dụng mức 3 nên kèm với chế độ Low sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

Uy lực, mạnh mẽ và tốc độ. Kawasaki Z1000SX 2016 thật xứng đáng dành cho những ai đam mê tốc độ với mong muốn cưỡi được một con “chiến mã” thật sự để lướt cùng cảm xúc. Sản phẩm hiên đang được phân phối tại Max Moto với giá 409.000.000 với 3 màu: xanh lá, xanh dương và xám kim loại.

>>> Xem thêm ảnh chi tiết Kawasaki Z1000 SX 2016

Nhật Thanh (Trithucthoidai)

Ảnh: Thế Anh

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm