09:10  | 

[Blog Xe] – Đừng để “nắm đấm” lên ngôi

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, hình ảnh đầy bạo lực của 2 thanh niên xăm trổ với một du khách nước ngoài đã khiến nhiều người bị sốc.

Nếu như chúng ta vẫn từng tự hào về một đất nước Việt Nam hiếu khách, yêu chuộng hòa bình, xin đừng để bạn bè quốc tế khiếp hãi vì những nắm đấm không ngại ngần trên đường phố.

Trên toàn thế giới, những pha thực chiến trên đường phố không phải là hiếm. Nhưng có lẽ tần suất và mức độ nguy hiểm khó có nơi nào bằng Việt Nam. Chỉ tính trong mỗi dịp nghỉ Tết, những thống kê về các vụ đánh nhau phải nhập viện cũng đã đủ khiến người ta kinh hoàng.

[Blog Xe] – Đừng để “nắm đấm” lên ngôi giao-thong-viet-nam-2.jpg

Theo báo cáo từ hơn 1.000 cơ sở y tế tại 63 tỉnh, thành phố, năm 2014 có hơn 4.000 trường hợp nhập viện vì xô xát. Con số này tăng lên 6.200 ca năm 2015, và 3.400 năm 2016. Những con số đó nói lên điều gì? Người Việt đang trở nên hung hăng hơn? Hay thực sự đã hình thành một văn hóa ứng xử phi đối thoại mỗi khi va chạm?

Bia rượu chỉ là một phần của câu chuyện. Sự căng thẳng và áp lực trong một xã hội luôn vội vã có thể cũng là một lý do. Nhưng chắc chắn, đó không phải là cái gốc của vấn đề. Hãy trở lại câu chuyện về 2 thanh niên đuổi đánh vị khách nước ngoài trên phố Trần Khát Chân để thấy rõ hơn về sự côn đồ và tính bạo lực của một bộ phận thanh niên hiện tại. Không chỉ tấn công đối thủ, họ còn sẵn sàng ra tay với cả phụ nữ?! Nhìn thấy cảnh ấy, chỉ duy nhất một mình “ông Tây” dám lao vào bảo vệ bạn gái dù biết chắc chắn sẽ tiếp tục bị đánh đau. Còn đám đông xung quanh? Họ đứng nhìn.

Chúng ta đã không còn thiếu những thảm án chỉ vì cái “nhìn đểu”, hay những va chạm giao thông quá nhỏ nhặt. Có thể hơi quá lời khi nói những hành vi đó phản ảnh sự xuống cấp của văn hóa xã hội. Nhưng sự thật, nếu như bạo lực đã và đang xuất hiện từ gia đình tới trường học, từ đường phố tới các sân vận động, thậm chí cả từ công sở tới những chốn cửa quan, mọi chuyện không còn đơn giản.

Những hành vi bạo lực nếu được dung túng, dần dần sẽ trở nên “bình thường” trong mắt tất cả. Thậm chí, người ta sẽ không còn cho đó là bạo lực nữa.

Sau cùng, mọi gốc rễ của văn hóa vẫn phải tới từ giáo dục. Sách vở và sự giáo điều sẽ không thể thay đổi được sự giáo dục từ tâm lý cho tới ứng xử, từ kỹ năng sống cho tới cả luật pháp. Không thể vội và cũng không thể nhanh được. Nhưng cũng không phải là bất khả thi, khi mỗi người đều hiểu rõ: Một xã hội văn minh không bao giờ chấp nhận để cho những nắm đấm lên ngôi!

Theo HC (ĐCS)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm