09:30  | 

Đã có Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh ôtô

Sau nhiều cân nhắc, thảo luận, ngày 17/10 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.

Điểm đáng lưu ý là nghị định này có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng cho cả xe mới và xe đã qua sử dụng.

Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng được 10 điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị, nhân viên hoặc các phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường,...

Đã có Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh ôtô suachuatmv3.jpgHoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ phải thực hiện nhiều quy định mới

Trong đó, điều kiện kinh doanh về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng nhiều điều kiện như: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng; Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc; Cơ sở phải có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường; Đáp ứng về thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng yêu cầu có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Để đủ điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu (cả cũ và mới), DN Việt Nam phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam và phải được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.

Cùng với đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Cục Đăng kiểm cấp.

Đã có Nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh ôtô audinktaicang.jpgDự kiến chi phí tính vào giá thành ôtô sẽ tăng trong thời gian tới

Các nhà nhập khẩu ô tô chưa qua sử dụng phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô nhập khẩu. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của DN sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng xe.

Ngoài ra, thời gian bảo hành bắt buộc với xe nhập cũng tăng lên khi xe con chưa qua sử dụng phải được bảo hành 3 năm hoặc 100.000km còn với ô tô đã qua sử dụng là 2 năm hoặc 50.000km.

Có thể nói với Nghị định này, các DN nhập khẩu kinh doanh sản xuất, sửa chữa ô tô sẽ phải thực hiện nhiều quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó chi phí tính vào giá thành sản phẩm dự kiến cũng sẽ tăng.

Theo Nguyễn Hà (baohaiquan)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm