14:12  | 

Người Việt ưa dùng xe máy, Honda Việt Nam thu lợi nhuận tỷ đô?

Sự tiện lợi của xe máy và yêu thích nhãn hiệu Honda của người Việt Nam đang mang lại lợi nhuận khủng, năm sau cao gấp 2-3 lần năm trước cho Công ty Honda Việt Nam với đỉnh điểm lợi nhuận sau thuế năm 2016 có thể đạt mốc tỷ đô.

Lợi nhuận tỷ đô

Năm 2016 có thể được xem là rất thành công với Công ty Honda Việt Nam khi lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp xe máy lớn nhất Việt Nam này vượt qua mốc tỷ đô.

Người Việt ưa dùng xe máy, Honda Việt Nam thu lợi nhuận tỷ đô? 1.jpgXe máy Honda được ưa chuộng tại Việt Nam

Con số lợi nhuận này được tính toán dựa trên mức cổ tức được chia theo tỷ lệ góp vốn của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tại Công ty Honda Việt Nam.

Vào cuối tháng 9/2017, VEAM đã chính thức phát hành Báo cáo tài chính cho hoạt động của mình trong thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 23/1/2017.

Đáng chú ý nhất trong Báo cáo này là số tiền cổ tức, lợi nhuận được chia của VEAM trong thời gian nói trên là 10.117 tỷ đồng. Đóng góp chủ chốt trong hơn 10.117 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ các liên doanh này là 7.965 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Công ty Honda Việt Nam, nhà sản xuất xe máy lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, đồng thời có kinh doanh cả ô tô.

Honda Việt Nam được thành lập vào năm 1996, là liên doanh giữa Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Công ty Asian Honda Motor (Thái Lan) và VEAM với 2 ngành sản phẩm chính là xe máy và ô tô. Tại liên doanh này, VEAM góp 30% vốn điều lệ. 70% vốn còn lại thuộc về các đối tác đến từ Tập đoàn Honda.

Như vậy, làm những phép tính số học thông thường từ các kết quả được VEAM công bố, có thể ước tính mức lợi nhuận sau thuế mà Công ty Honda Việt Nam đã đạt được trong năm 2016 tại Việt Nam là khoảng 24.000 tỷ đồng, vượt qua mốc 1 tỷ USD.

Năm 2014, lợi nhuận mà VEAM được chia từ Honda Việt Nam là 694,2 tỷ đồng. Sang tới năm 2015, con số lợi nhuận được chia này đã lên tới 2.676 tỷ đồng và tới năm 2016 như công bố là khoảng 7.400 tỷ đồng.

Tương ứng với lợi nhuận mà VEAM được chia này, lợi nhuận sau thuế của Honda Việt Nam năm 2014 đạt là 2.313 tỷ đồng. Sang tới năm 2015, lợi nhuận mà Honda Việt Nam đạt được là 8.920 tỷ đồng và đạt 24.500 tỷ đồng trong năm 2016 như nói trên.

Honda Việt Nam có vốn điều lệ là 62,9 triệu USD. Trong quá trình hoạt động ở Việt Nam, Honda công bố đã đầu tư hơn 290 triệu USD cho nhà máy thứ 1; tiếp đó đầu tư 65 triệu USD cho nhà máy thứ 2 và 120 triệu USD xây dựng nhà máy thứ 3 cùng khoảng 60 triệu USD cho nhà máy ô tô.

Không khó để nhận thấy, những mức lợi nhuận lớn mà Honda Việt Nam thu được trong chỉ 3 năm gần đây đã bỏ rất xa số tiền mà doanh nghiệp này đầu tư tại Việt Nam.

Lãi tốt nhờ xe ga

Tổng công suất của 3 nhà máy sản xuất xe máy của Honda Việt Nam là 2,5 triệu xe máy/năm. Doanh số bán xe máy trong nhiều năm gần đây của Honda Việt Nam đều dao động ở mức 1,9 - 2,1 triệu xe máy/năm trên tổng thể thị trường xe máy cỡ 3- 3,3 triệu chiếc/năm.
Sau hơn 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Honda Việt Nam đã bán ra trên 20 triệu xe máy, chiếm khoảng 70% thị phần và bỏ xa các đối thủ cùng ngành khác như Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Piaggio Việt Nam hay SYM.

Việt Nam cũng được xem là 1 trong top 4 thị trường quan trọng của Honda xe máy trên toàn cầu.

Mặc dù kinh doanh cả xe máy và ô tô, nhưng mảng xe máy của Honda Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng chính trong doanh thu của công ty, với khoảng 85% doanh thu.

Người Việt ưa dùng xe máy, Honda Việt Nam thu lợi nhuận tỷ đô? honda-sh-2017-14.jpgNgười tiêu dùng mua những chiếc xe tay ga đắt tiền như SH giúp doanh nghiệp làm ăn hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều Tổng giám đốc của Honda Việt nam cũng thừa nhận, rất ấn tượng về cách thức mua và sử dụng xe máy của người Việt Nam. “Người Việt Nam thích xe ga và có xu hướng chuyển mạnh sang các dòng xe cao cấp. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, người dân có đời sống khá giả hơn nên các dòng xe cao cấp, trang bị những công nghệ cao và hiện đại bán chạy hơn”, ông Minoru Kato, nguyên Tổng giám đốc Honda Việt Nam từng chia sẻ.

Cũng theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), năm 2016, tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của dòng xe tay ga so với dòng xe số. Nếu năm 2015, tỷ lệ xe tay ga tiêu thụ trên toàn thị trường chiếm trên 55%, xe số chỉ vào khoảng 45%, thì năm 2016, tỷ lệ xe tay ga vào khoảng 50 - 55%, tiếp tục áp đảo dòng xe số. Theo dự báo, tỷ lệ xe tay ga sẽ chiếm khoảng 60% thị phần xe máy vào năm 2018.

Ông Yano Takeshi - Chủ tịch VAMM, cho biết, tỷ lệ xe tay ga tăng cao đang phản ánh xu hướng tiêu dùng và thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng lên. Không chỉ tăng trưởng nhanh tại khu vực thành thị, phân khúc xe tay ga cũng tăng mạnh tại các vùng nông thôn. Năm 2017, khi thu nhập bình quân của người Việt tăng lên khoảng 2.600 USD/người/năm, nhu cầu về xe máy cao cấp sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn.
Giá xe máy năm 2016 cũng có chiều hướng gia tăng. Theo đại diện của Piaggio Việt Nam, giá xe tay ga tại Việt Nam năm 2007 đạt mức bình quân 35 - 40 triệu đồng/chiếc, nhưng đến nay tăng lên mức 55 - 60 triệu đồng/chiếc. Dự báo trong 7 năm tới, thị trường xe tay ga sẽ tăng 50%.

Trong dòng chảy này, Honda Việt Nam không hề đứng ngoài khi chiếm tới xấp xỉ 70% thị phần với tỷ trọng xe tay ga đã vượt qua xe số.
Lẽ dĩ nhiên, với chi phí sản xuất không biến động nhiều, việc gia tăng tỷ trọng của các dòng xe tay ga, xe đắt tiền trong sản xuất, kinh doanh đã giúp Honda thắng lớn tại thị trường Việt Nam.

Vấn nạn giao thông

Đổi lại sự thành công của những doanh nghiệp xe máy là mật độ xe máy tăng nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Thống kê của VAMM cũng cho thấy, số lượng xe máy lưu hành tại Việt Nam tính tới cuối năm 2016 vào khoảng 45 triệu chiếc. Nghĩa là cứ 2 người Việt Nam thì có 1 người có xe máy.

Trước đó, theo quy hoạch phát triển ngành xe máy được Bộ Công thương đưa ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 36 triệu xe máy.

Thế nhưng, mới chỉ đến năm 2016, lượng xe lưu thông trên toàn thị trường đã đạt 45 triệu xe, vượt 25% so với quy hoạch. Không chỉ dự báo chưa sát thực, thị trường còn chứng kiến các hãng xe máy đang làm nhiều cách để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tại Việt Nam, nhằm thu được lợi nhuận lớn nhất, bất kể sự không theo kịp của hạ tầng giao thông.

Người Việt ưa dùng xe máy, Honda Việt Nam thu lợi nhuận tỷ đô? autodaily-xemay-2.jpgCảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra tại hai thành phố lớn 

Đơn cử như Hà Nội, hiện có hơn 5 triệu xe máy và 500.000 xe ô tô và hiện đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn với xe cá nhân tăng nhanh. Với tốc độ tăng bình quân là 10%/năm, dự báo tới năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy.

Tại TP. HCM, hiện xe máy đang bùng phát mạnh về số lượng với gần 7,4 triệu chiếc và đang xung đột sâu sắc với xe buýt.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP. HCM cũng nhấn mạnh, xe máy là nhân tố chiếm diện tích đường lớn của thành phố, từ lòng lề tới vỉa hè của thành phố bị chiếm dụng tới 93% bởi xe máy.

TS Mai cũng cho hay, theo thống kê, cả nước có hơn 8.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông trong một năm. Trong đó, 71% là do xe máy (va chạm nhau; với người đi bộ, các loại phương tiện khác và tự gây tai nạn).

Một tính toán được các chuyên gia đưa ra cho thấy, tổng thiệt hại do xe máy gây ra hàng năm là hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của TP. HCM - làm kéo lùi sự phát triển 7-8%. “Một cách gián tiếp, xe máy đang làm giảm đà tăng trưởng của Thành phố”, một chuyên gia nhận xét.

"Xe máy là phương tiện giao thông cá nhân được nhiều người lựa chọn, song cũng gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Trung Quốc đã cấm xe máy ở các thành phố lớn và thực tế cho thấy đó là cách làm đúng đắn. Các nơi khác như HongKong, Singapore, Myanmar cũng đã làm", ông Mai dẫn chứng.

Cũng trong nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm và ùn tắc giao thông, việc hạn chế các phương tiện cá nhân, trong đó hạn chế xe máy là một trong những mục tiêu được hai thành phố lớn đặt lên bàn.

Theo Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn. Đồng thời tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng và sẽ dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Với TP. HCM, câu chuyện hạn chế xe máy đi lại trong khu vực nội đô ở tương lai không xa cũng đang được cơ quan chức năng tính toán để đưa ra phương án chốt trong tháng 10 này.

Theo Thanh Hương (baodautu.vn)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm