09:20  | 

Thị trường ôtô 2018: “Miếng bánh” đã được chia, cuộc nhảy múa giá sẽ kết thúc

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP trong đó có nội dung quan trọng là giảm thuế NK linh kiện ô tô về 0% (trong 5 năm có kèm theo các điều kiện).

Như vậy cùng với Nghị định 116/2017/NĐ-CP, 2 chính sách quan trọng tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã được ban hành. Liệu “cuộc chiến” giảm giá xe tại Việt Nam có kết thúc để thị trường đi vào ổn định từ năm 2018, khi “miếng bánh” về cơ bản đã được chia xong, vai trò “dẫn dắt” cuộc chơi đã được định đoạt?

Thị trường ôtô 2018: “Miếng bánh” đã được chia, cuộc nhảy múa giá sẽ kết thúc thi-truong-o-to-2018.jpg

 

Vai trò của người dẫn dắt

Nhìn lại năm 2017, các DN kinh doanh sản xuất ô tô không khỏi cảm thán về những biến động khó lường của thị trường. Một năm đem lại nhiều cảm xúc cho cả DN lẫn khách hàng, đặc biệt trào lưu giảm giá không có hồi kết của hầu hết các sản phẩm, thương hiệu có mặt tại Việt Nam.

Chưa sang năm 2018, nhưng từ đầu tháng 11/2017, 3 DN sản xuất ô tô lớn nhất hiện nay là Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), Hyundai Thành Công (HTC) và Toyota Việt Nam (TMV) đều đã công bố giá xe vào đầu năm 2018 với mức giảm hơn so với trước. Động thái này một lần nữa cho thấy rõ vai trò dẫn dắt cuộc chơi của các DN sản xuất ô tô trong nước.

TMV, vốn chưa từng giảm giá trong suốt hơn 20 năm đầu tư sản xuất tại Việt Nam, năm 2017 đã giảm, và tháng 11, liên doanh này tiếp tục công bố giảm giá sâu cho các dòng xe đang được lắp ráp trong nước. Đây đều là các mẫu xe lắp ráp trong nước đang rất ăn khách tại thị trường Việt Nam. Đơn cử phiên bản Vios TRD giảm tới 58 triệu đồng; Vios G giảm 57 triệu đồng; Vioss E CVT và MT có mức giảm lần lượt 53 và 51 triệu đồng; Vios Limo giảm 48 triệu đồng. Hay Corolla 2.0V Sport giảm 31 triệu đồng; Corolla 2.0V CVT giảm 27 triệu đồng; Corolla 1.8 G giảm 26 triệu đồng; 2 bản Corolla 1.8E (CVT và MT) có mức giảm 24 triệu đồng. Mẫu xe Toyota Innova cũng có tới 50 triệu đồng.

Tác động mạnh đến giá các sản phẩm trên thị trường, là mức giá giảm “ấn tượng” của các sản phẩm mang thương hiệu Hyundai do THC sản xuất và phân phối. Đó là mức giảm 40 triệu đồng cho mẫu xe bán chạy nhất thị trường hiện nay Grand i10. Trước đó THC giảm tới 230 triệu đồng cho Santafe và giảm từ 85 triệu đồng đến 130 triệu đồng cho Tucson.

Thaco gây “biến động” thị trường thời gian qua, nay lại khiến các đối thủ (vừa mới giảm giá theo trước đó) “sững sờ” với bảng giá mới của các sản phẩm do Thaco sản xuất và phân phối. Gần như toàn bộ danh mục xe Kia và Mazda do Thaco phân phối đều có mức giá giảm hàng chục triệu đồng. Cụ thể, Thaco đưa ra 2 mức giá bán thay đổi, tương ứng với giai đoạn từ nay tới hết 31/12/2017 và giai đoạn từ 1/1/2018 trở về sau. Đơn cử xe Kia Morning sẽ giảm từ 10 - 15 triệu đồng hay Kia Cerato giảm từ 30 - 50 triệu đồng.

Thương hiệu Mazda cũng ghi nhận mức giảm hàng loạt, đặc biệt là với chiếc xe hạng C ăn khách nhất thị trường hiện nay là Mazda3, Thaco giảm giá khoảng 10 - 40 triệu đồng. Mazda CX-5 dù mới ra mắt, cũng đã có lộ trình giảm giá ngay với mức giảm 20 triệu đồng, ghi nhận ở phiên bản 2.0.

Lý do giảm giá, được Thaco cho rằng nhờ giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% và việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt (dòng xe 2.0) vào đầu năm 2018.

Động thái này của 3 “ông lớn” khiến thị trường ô tô những tháng cuối năm lại một phen chao đảo. Nhiều mẫu xe NK ra mắt song đã không thể công bố giá bán chính thức bởi các hãng cần có sự “tính toán” kỹ hơn nữa.

Bức tranh 2018 - Sẽ ít biến động

Có thể nói bức tranh thị trường ô tô năm 2018 đã dần được sáng tỏ khi các chính sách quan trọng tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô đã được ban hành; nhiều dự án đầu tư sản xuất ô tô đã và đang được triển khai quyết liệt, rầm rộ.

Nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, năm 2018, mặc dù thuế NK giảm, thuế linh kiện giảm, song giá bán sản phẩm sẽ không có những đợt giảm sốc như năm 2017.

Lý do là thị trường trước đó đã giảm giá rất sâu. Đại diện phần lớn các hãng xe tại Việt Nam thừa nhận những chiến dịch giảm hàng trăm triệu đồng kéo dài vài tháng tới nửa năm buộc hãng phải cắt lãi hết mức có thể, thậm chí lỗ trong hoạt động bán hàng.

Việc giảm thuế NK xe nguyên chiếc, linh kiện NK, điều chỉnh thuế Tiêu thụ đặc biệt tuy có tác động giảm giá bán, nhưng sẽ có nhiều yếu tố khác liên quan (được cho là “rào cản”) như giá tính thuế, tính phí sản phẩm, thủ tục, điều kiện NK, sản xuất ô tô, chi phí kiểm định, đầu tư bảo hành, bảo dưỡng… tác động làm tăng giá bán.

Mặt khác nguồn xe NK từ ASEAN không nhiều. Chiếm doanh số cao nhất là Toyota Fortuner nhập từ Indonesia, Ford Ranger từ Thái Lan, các mẫu xe khác từ Indonesia hay Thái Lan đều có doanh số không cao như Honda Civic, Accord, Toyota Altis, Suzuki Ertiga, Ciaz...
Với chính sách khuyến khích của Chính phủ, giá xe lắp ráp có cơ sở để ngày càng giảm nếu nâng cao được tỷ lệ NĐH, nhưng điều đó không thể có được trong ngày một ngày hai. Các nhà sản xuất đều cần một thời gian dài để tạo dựng, mở rộng mạng lưới nhà cung cấp nội địa đảm bảo chất lượng. Vậy nên năm 2018, giá xe sản xuất trong nước khó có thể giảm ngay.

Quan trọng hơn, 3 doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là Thaco, HTC, TMV đều đã công bố mức giá bán xe năm 2018. Với việc “chốt” giá thấp của 3 “ông lớn” nói trên, thị trường đã hình thành một mặt bằng giá mới, các thương hiệu khác khó có thể gây biến động thị trường.

Nguồn cung sẽ dồi dào đến từ các sản phẩm lắp ráp trong nước, do các DN đều phải đẩy mạnh số lượng để đáp ứng điều kiện được hưởng Chương trình ưu đãi thuế NK đối với linh kiện ô tô theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Số lượng là yếu tố sống còn để các DN đạt được mức giá cạnh tranh, đủ điều kiện nâng cao tỉ lệ NĐH.

Bên cạnh đó, nguồn xe NK sẽ giảm, thậm chí là hiếm trong giai đoạn những tháng đầu năm. Những lô xe đã hoàn tất thủ tục NK từ cuối năm 2017 không nhiều. 2018, thời điểm DN NK ô tô phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP khiến hoạt động NK có khả năng bị gián đoạn.

Xe đã qua sử dụng được xác định là “không còn cửa” để nhập về khi vừa phải đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo của Nghị định 116, vừa phải chịu mức thuế NK tăng gấp đôi theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

Thị trường trong tay vài “ông lớn”

“Miếng bánh” thị trường ô tô đã ngày một hình thành rõ nét khi những cái tên dần nổi lên với mảng thị trường đã được phân chia. Với sự miệt mài đầu tư sớm, đúng hướng của mình cộng với sự khuyến khích ủng hộ sản xuất trong nước của Chính phủ, Thaco đã và đang trở thành DN sản xuất ô tô lớn nhất tại Việt Nam. DN này không chỉ có trong tay các thương hiệu ô tô lớn trong mảng xe khách, xe tải, xe du lịch như Hyundai, Kia, Mazda, Peugeot, thêm BMW, Mini và tới đây là thương hiệu xe tải đến từ Nhật Bản Fuso mà hiện Thaco cũng là DN đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm khuyến khích sản xuất trong nước.

Như vậy có thể thấy, “ông lớn” này bao trong tay suốt một dải thị trường từ xe khách, xe tải, xe du lịch. Riêng mảng xe du lịch Thaco có từ sản phẩm bình dân, đến trung, cao cấp với thị phần hầu hết đều nằm trong nhóm đứng đầu.

Một “ông lớn” nữa được điểm danh đó là HTC, không chỉ nắm trong tay thương hiệu Hyundai trong mảng xe du lịch với những mẫu xe bán chạy nhất thị trường, mới đây HTC đã chính thức liên doanh với Hyundai Hàn Quốc để lắp ráp xe du lịch tại Việt Nam. Không chỉ vậy năm 2017, Tập đoàn Thành Công cũng “bao sân” nốt mảng xe thương mại (xe khách, xe bus, xe tải) của Hyundai tại Việt Nam, vốn trước đây nằm trong tay 2-3 DN khác. Liên doanh này sẽ là đơn vị sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền xe thương mại thương hiệu Hyundai không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Mục tiêu cuối năm 2018, những lô xe đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực lân cận, và tiếp sau đó là các khu vực khác trên toàn thế giới.

Trong gần 20 liên doanh đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam, hiện chỉ còn nổi lên 1 số ít cái tên được đánh giá là sẽ tiếp tục “trụ” lại sản xuất tại Việt Nam như TMV và Mercedes-Benz Việt Nam (MBV)... Tuy nhiên, TMV hiện đã giảm bớt loại xe sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, còn MBV, với các dòng xe cao cấp, số lượng sản xuất cũng sẽ không nhiều.

Một cái tên khác, tuy chưa sản xuất nhưng cũng được dự đoán là sẽ nhanh chóng thành “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam đó là Tập đoàn Vingroup với dự án VinFast đang ấp ủ nhiều ý tưởng lớn. Với những thông tin được tập đoàn này công khai cho biết thì đây sẽ là một dự án lớn với mục tiêu sau 2 năm có sản phẩm NĐH 40% và sẽ nhanh chóng đạt 60% trong thời gian ngắn. Dự đoán VinFast sẽ tập trung vào phân khúc sản phẩm tầm trung và đón đầu xu thế xe điện.

Thực tế này cũng nằm trong định hướng phát triển của Chính phủ Việt Nam đó là khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, tập trung nguồn lực vào những DN “đầu tàu” để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo chiều sâu, thông qua việc chỉ ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã có hoặc có tiềm năng thế mạnh về sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Theo Nguyễn Hà (Baohaiquan)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm