08:54  | 

Đổi giờ học, đường vẫn tắc, thì... đã sao(?)

Cú "đột phá" vào "cuộc chiến" tắc đường của Bộ trưởng Đinh La Thăng ngày đầu "thu về" những hình ảnh nóng sốt cảnh tắc nghẽn diễn ra la liệt trên các tuyến đường và không ngớt tiếng phàn nàn của người dân Thủ đô tràn ngập trên các báo.

Nhiều người đã "tổng kết" sau một ngày thực hiện lịch đổi giờ học, giờ làm là: Giờ tắc đường ở Thủ đô được chuyển từ giờ này sang giờ khác.

Như vậy là đã… thành công!? Thành công ở góc độ đã làm thay đổi được nhiều thứ chỉ trong vòng một ngày (trừ tắc đường) mà trước đây người ta mới chỉ nghĩ đến chứ không dám làm. Thứ nhất, "lịch" tắc đường không còn như cũ, mọi người buộc phải cập nhật thông tin để biết những đường nào, phố nào, tắc vào giờ nào để tránh. Thứ hai: mọi sinh hoạt của hơn 1,5 triệu gia đình Thủ đô nháo nhào, đảo lộn.

Sáng 1-2, đường vẫn tắc như chưa đổi giờ học, giờ làm... - Ảnh: Hùng Sơn

Cú "đột phá" vào "cuộc chiến" tắc đường của Bộ trưởng Đinh La Thăng ngày đầu "thu về" những hình ảnh nóng sốt cảnh tắc nghẽn diễn ra la liệt trên các tuyến đường và không ngớt tiếng phàn nàn của người dân Thủ đô tràn ngập trên các báo.

Ô hay! Tắc đường thì đã sao? Điều đó có gì lạ với người dân Thủ đô bao nhiêu năm qua đâu. Mà cũng nói ngay để đỡ "kêu than" nhé, Bộ trưởng Thăng chưa bao giờ hứa đổi giờ học, giờ làm là hết tắc đường. Có lẽ Bộ trưởng đã "tính" được cả rồi, bởi vậy mà nhiều lần đã "thòng" rất kỹ khi viện dẫn tình trạng tắc đường vẫn xảy ra kể cả ở các nước phát triển!

Biết vậy nhưng chúng ta cũng cần phải thay đổi vì thế giới họ đã… làm. Thế giới họ làm thành công thì Việt Nam chắc cũng sẽ thành công!? Cứ phải "bê" lý thuyết của thế giới "áp" vào Việt Nam mình, cứ phải thực hiện để xem sao, nếu không đâu vào đâu thì ta… điều chỉnh. Hơn nữa việc đổi giờ học, giờ làm này có mất đồng nào đâu. Do vậy, nếu thất bại thì vẫn "an toàn" vì không làm thất thoát tài sản Nhà nước!?

Không có một chủ trương nào mới ra đời mà phù hợp, được lòng tất cả mọi người. Vấn đề là mỗi người cần phải thay đổi, dù gặp khổ sở, khó khăn nhưng hãy nhìn về mục tiêu chung là giảm tắc đường. Đưa con ra đường lúc tờ mờ sáng khi trời lạnh 10oC thì đã sao? Các cháu càng được hít thở không khí trong lành buổi sớm, đầu óc tỉnh táo mới tiếp thu được bài thầy cô giảng. Buổi chiều, các cháu tận 19g mới đón, việc gì mà lo như con mình "lang thang" trong trường nhiễm thói hư tật xấu vậy?

Hơn 1,5 triệu gia đình Thủ đô hãy nghĩ đến Bộ trưởng Thăng tí ti chứ, đường tắc như thế, tai nạn giao thông cứ xảy ra liên tục, là "tư lệnh" ngành, Bộ trưởng ngồi yên sao được. Phải thay đổi, phải "đột phá". Chả nói đâu xa, Tết vừa rồi, mọi người đang rượu chè lu bù, Bộ trưởng Thăng đã phi vào bệnh viện để "đánh giá" tình hình tai nạn giao thông dịp Tết. Từ xưa đến nay, có Bộ trưởng GTVT nào làm được như vậy không?

Bộ trưởng "quyết liệt" với tình hình tai nạn giao thông đến mức sẽ xem xét đề nghị… cách chức Chủ tịch UBND tỉnh nào nếu để tai nạn giao thông tăng liên tiếp trong 3 năm. Khi ấy đừng ông Chủ tịch tỉnh nào "kêu" để xảy ra tai nạn giao thông trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT nhé, Bộ ở xa thế "nhìn" sao hết được, là người đứng đầu tỉnh, "quản lý" tỉnh thì phải… chịu trách nhiệm. Nhất định là như vậy, không thể lơ mơ!

Bởi vậy, mọi người "kêu" ít thôi, hãy tỏ rõ là công dân Thủ đô thanh lịch, hãy đồng thuận với cú "đột phá" của Bộ trưởng Thăng mà nghiêm chỉnh chấp hành phương án đổi giờ học, giờ làm đi. Và chả may phương án này có thất bại thảm hại thì chí ít mọi người cũng thấy được Bộ trưởng đã "xuống tay" làm  "luôn và ngay", rất quyết liệt và chắc là cũng dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm?

Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội: Trong ngày đầu tiên thực hiện quyết định đổi giờ học, giờ làm, lực lượng CSGT thành phố nghiêm túc chấp hành điều tiết phân luồng giao thông từ 6g sáng theo đúng chỉ đạo của UBND, CA TP Hà Nội. Học sinh các trường PTTH đã đồng loạt tham gia giao thông trước 7g sáng. Do sinh viên của một số trường đại học ở Hà Nội chưa nhập học trở lại nên lượng người và phương tiện tham gia giao thông chưa ở mức bình thường như vốn có. Mỗi quyết định lớn đưa ra đều có tác động nhất định đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, phải qua trải nghiệm một thời gian khi luợng người và phương tiện tham gia giao thông đầy đủ mới có thể đánh giá được việc đổi giờ học, giờ làm có giảm được ùn tắc giao thông hay không.

Theo PL&XH

Tags:

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm