06:51  | 

Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Cuối)

Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.

Kì 1: Giấc mơ và sự ám ảnh

Kì 2: Trên bầu trời Himalaya

Kì 3: Thị trấn Lukla

Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar

Kì 5: Sốc độ cao ở Tengboche

Kì 6: Kì vĩ Ama Dablam

Kì 7: Bỏ cuộc ở Chukkung

Kì 8: Những ngày của cảm xúc

 Kì 9: Trở về - Một quyết định đúng

Kì 10: Hành trình chinh phục Hymalaya – Những điều nằm lòng

Cảm xúc ngày trở về

Có lẽ cũng đã đến lúc kết thúc hành trình này của chúng tôi. Những ngày sau đó, chúng tôi đi về lại Namche Bazaar, rồi Phakding, Lukla. Cảm giác sắp phải rời xa nơi này khiến tôi buồn man mác. Tuy nhiên, tôi đã thèm được về nhà...

"Happy to have been where I have been

Happy to come home again ..." - Jason Marz

Ước mơ được đặt chân lên Himalaya, lên những con đường mà biết bao nhà leo núi, biết bao kẻ dám sống vì đam mê đã đi qua rồi cũng đã thành hiện thực. Tuy nó còn dang dở song đó không còn là điều khiến tôi bận tâm.

Chuyến đi này cho tôi những xúc cảm đặc biệt

Trong cuộc sống, có rất nhiều những con đường ta phải đi qua để trưởng thành, để ngộ ra điều này điều kia, để vẽ lên trong giới nhân sinh quan của ta một bức tranh với những sắc màu và ước mơ riêng biệt. Không phải con đường nào cũng có đích đến, không phải con đường nào ta cũng đi hết, không phải con đường nào cũng trải hoa hồng, nhưng điều quan trọng là ta đã bước ra, đã bước đi cho dù (có thể sẽ) vấp ngã. Chuyến đi này không chỉ cho tôi có những xúc cảm đặc biệt bởi thiên nhiên hùng vĩ và những màu sắc kỳ diệu của cuộc sống nơi đây, mà tôi còn cảm nhận được sức mạnh tinh thần to lớn của những con người dám dấn thân tới những ước mơ trong cuộc đời của họ.

Những thông tin cần thiết trong hành trình đến Hymalaya

Thời tiết

Mùa thu và mùa xuân là hai mùa đẹp, thời tiết ổn định nhất cho chuyến trek đến Everest Base Camp (EBC) và các khu vực khác trong vùng. Mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 11) trời xanh, ít mưa; trong khi mùa xuân (từ tháng 3 đến tháng 5) thì hoa hoét, đặc biệt là hoa đỗ quyên nở ngợp trời. Mùa xuân hay gặp mưa hơn, trời mây nhiều hơn, song màu sắc xanh tươi của cây cối nghe nói rất là đẹp. Mùa xuân cũng là mùa leo Everest và các đỉnh núi cao khác trong vùng (nhiều hơn hẳn mùa thu), nên trên đường trek sẽ gặp rất nhiều các đoàn chinh phục đỉnh Everest; trong khi mùa thu sẽ chỉ gặp đa số dân trek/ hike thông thường.

Mùa thu và mùa xuân là hai mùa đẹp nhất để chinh phục Hymalaya

Lịch trình đi

- Trek đến EBC

Tùy thuộc vào sức khỏe, thời gian và túi tiền mà bạn có thể chọn 1 lịch trình đi cho phù hợp. Thông thường 1 chuyến trek từ Lukla đến EBC mất khoảng 13-15 ngày, đi nhanh mất 10-12 ngày. Nếu bạn leo thêm 1 số đỉnh phổ biến như Island peak, Mera peak thì thêm vào 2-3 ngày nữa. Nếu bạn thêm trek đến Gokyo (là 1 cái hồ trên núi rất đẹp) thì thêm vào 2-3 ngày nữa.

- Trek ở vùng Annapurna

Cùng với EBC, Annapurna trek là cung đường trek nổi tiếng nhất ở Nepal, thậm chí Annapurna circuit trek còn được rất nhiều người đánh giá cao hơn trek đến EBC (cảnh đẹp hơn, văn hóa đặc sắc hơn). Một chuyến trek ở đây cũng tốn 13-20 ngày tùy những nơi bạn muốn đi.

Nepal có hàng trăm cung đường trekking, hiking cho bạn chọn

Ngoài ra thì Nepal - nơi mệnh danh là "thiên đường trekking" thì còn có hàng trăm cung đường trekking, hiking cho bạn chọn. Hai điểm ở trên chỉ là 2 nơi phổ biến nhất. Bạn có thể vào bất cứ công ty du lịch nào để họ tư vấn về cung đường bạn muốn đi

Chi phí

Chi phí thay đổi tùy thuộc vào bạn đi theo tour hay tự đi. Tự đi sẽ rẻ hơn và cũng ko quá khó do bản đồ đường đi rất rõ, nhưng với những người mới đi đến đây lần đầu thì nên mua tour.

- Tour

Có hàng chục tour agency tổ chức các chuyến đi này, chất lượng thì như nhau. Có thể tham khảo các công ty tour tại đây: http://www.tripadvisor.com/Attractio...Kathmandu.html (vào phần Tours).

Tốt nhất bạn nên liên hệ 1 vài công ty để lấy giá và book trước, nếu không chơi theo kiểu ngẫu hứng + thừa thời gian thì cứ đến Kathmandu, vào khu Thamel và đi 1 vòng hỏi han chọn lựa.

Bạn sẽ được ngồi trên những chuyến bay nhớ đời

Về cơ bản, tour sẽ lo cho mình mọi thứ của chuyến đi: Các loại giấy phép thủ tục, vé máy bay tàu xe đưa đón, ăn, ngủ, porter, guide + 1 số vật dụng trong chuyến đi như túi đựng đồ, túi ngủ, thuốc men, dây dợ dụng cụ…

Giá 1 chuyến trek đến EBC giao động từ 1500USD – 1700USD, tùy thuộc vào số ngày bạn đi, bạn có leo thêm cái gì không và công ty tour đấy to hay bé, nổi tiếng hay ko nổi tiếng. Một số nơi có mức giá khá cạnh tranh để thu hút khách.

Tự đi

Bạn sẽ vẫn phải nhờ 1 tour agency bất kỳ nào đó làm cho bạn các thủ tục về giấy tờ, đồng thời nhờ họ book vé máy bay cho bạn đến Lukla. Các agency này sẽ lấy 1 khoản phí nhỏ.

Các loại giấy phép giá khoảng 50USD, vé máy bay Kathmandu - Lukla khứ hồi cao nhất khoảng 250USD.

Guide có thể thuê với giá 10USD/ ngày. Nếu đoàn đông thì chi phí tính trên đầu người sẽ giảm. Bạn có thể tìm guide ở các tour agency, hoặc bay đến Lukla và tìm. Chọn người nói tiếng Anh khá 1 chút, bạn sẽ biết được thêm nhiều thông tin về các vùng mình đi qua. Lưu ý nếu bạn thuê guide từ Kathmandu thì bạn sẽ phải trả cả tiền máy bay cho guide đến Lukla. Tuy nhiên dân Nepal thì giá rẻ hơn dân ngoại quốc (khoảng 80-100USD/khứ hồi).

Bạn có thể thuê Porter với giá 7-8USD/ngày

Porter có thể thuê với giá 7-8USD/ ngày. Sau khi đến Lukla thì nhờ guide hoặc vào bất cứ guest house nào ở đó nhờ họ thuê. Chúng tôi đi 3 người thì thuê 2 porters.

Một số đoàn chúng tôi gặp thì thuê porter kiêm luôn guide để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên có hạn chế là không nhiều porter nói khá tiếng Anh. Nếu may mắn thì bạn sẽ tìm được.

Phòng ở dọc đường thì nhờ guide liên hệ trước mỗi ngày. Giá phòng (1 phòng có 2-3 giường) khoảng 20-30USD/đêm. Càng lên cao càng đắt.

Ăn uống 1 ngày 3 bữa tốn khoảng 15USD.

Như vậy nếu đoàn đi có ít nhất 2 người, chi phí cho 1 người trong 15 ngày trek đến EBC (không leo thêm, đi thêm gì) thì mất khoảng:

- Vé máy bay: 250USD.

- Permit: 50USD.

- Guide: 75 (10USD/ngày x 15 ngày = 150USD chia cho 2 người).

- Porter: 60 (8USD/ngày x 15 ngày = 120USD chia cho 2 người).

- Ăn ở dọc đường: 30USD/ ngày x 15 ngày = 450USD.

- Các chi phí phát sinh + tips: 100USD.

Tổng cộng khoảng 1000USD.

1 người trong 15 ngày trek đến EBC chi phí khoảng 1500USD

Bạn cần tính thêm:

- Phí visa vào Nepal (trên 20 ngày): 40USD xin ngay ở sân bay/cửa khẩu.

- Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Kathmandu: Rẻ nhất là mua vé bay đến Bangkok rồi bay Bangkok - Kathmandu của Nepal Airlines (245USD/chiều).

- Các chi phí ăn ở đi lại ở Nepal (ngoại trừ thời gian trek): 25-30USD/ngày.

- Bảo hiểm y tế và cứu nạn (tùy theo mức bạn chọn).

Đồ đạc cần chuẩn bị

- Nếu bạn tự đi ko cần porter thì chọn balo loại 55-70 lit. Còn ko thì mang theo 1 balo loại nhỏ/ vừa để đựng các vật dụng cá nhân (nước, đồ ăn vặt, máy ảnh…) trên đường. Chú ý balo phải chống nước hoặc có bọc chống nước.

- Giày: Giày leo núi loại tốt, chống nước.

- Áo: 1 bộ quần áo thermal mặc trong cùng, 1 áo gió, 2 áo len, 2-3 áo cotton dài tay, 1 áo down jacket (chống nước được thì tốt).

Bạn cần chuẩn bị chu đáo trước hành trình

- Quần: 2-3 quần kaki/ mau khô, 1 quần 2-3 lớp dành cho thời tiết lạnh (chống nước thì tốt).

- Tất: 4-5 đôi tất dành cho trek/hike.

- Mũ: mũ chống nắng, mũ len.

- Găng tay: 1 găng mỏng, 1 găng dày loại chống nước.

- Túi ngủ loại lông vũ (có thể thuê ở Kathmandu, rất nhiều).

- Khăn, kính râm, kem chống nắng, sáp nẻ.

- Bọc đầu gối, mắt cá.

- Đèn pin (đeo trán).

- Bọc chống nước (bọc giữa giày và ống quần để nếu đi mưa tuyết ko bị ướt).

- Gây leo núi.

- Miếng dán giữ nhiệt.

- Các loại thuốc: Đau đầu, cảm cúm, hoạt huyết dưỡng não, nhỏ mắt mũi, đau bụng, đau răng, salonpas, thuốc chống độ cao (Diamox).

- Các loại thức ăn nhẹ tạo năng lượng nhanh: chocolate (thanh Mars), phomai, bánh kẹo.

- Có thể mang thêm ruốc vì các món Nepal ăn mãi cũng chán và hơi khó ăn.

- Bình nước 1.5-2lit: việc uống nhiều nước là tối quan trọng khi trek lên cao. Một ngày phải uống 2-4lit. Có thể mang thêm C sủi, vitamin.

- Có thể mang thêm sữa Ensure đề phòng bị ốm khó ăn.

- Giấy ăn khô/ ướt, bàn chải, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm. Trên đó rất lạnh nên ko cần mang sữa tắm dầu gội đầu đâu vì cũng hiếm khi dùng được.

Thông tin về hành trình chinh phục đỉnh Everest

Từ trước đến nay, tôi vẫn giữ nguyên trong đầu suy nghĩ Everest là 1 nơi không tưởng, không thể đặt chân, không thể chiến thắng. Suy nghĩ đấy được hình thành và củng cố khi xem các bộ phim về thảm họa trên Everest, đọc các sách về tai nạn trên Everest, nhìn những bức hình về bia mộ, về những người bì bỏng lạnh phải cắt hết ngón chân ngón tay...

"Everest no difficult"

Tuy nhiên, khi nói chuyện với bạn guide của chúng tôi cùng 1 số bạn guide khác gặp dọc đường, thì ai cũng bảo "Everest no difficult". Họ nói rằng họ không hề có ý xem thường ngọn núi cao nhất thế giới ấy, song việc lên được đó không phải là việc không làm được.

Ngày nay, tỷ lệ người chinh phục Everest thành công ngày càng cao. Như mùa leo 2007, 2008 và 2009 mỗi mùa có trên dưới 500 người lên tới đỉnh trong khi tỷ lệ chết chỉ từ 7-12 người/ mùa. Đó là nhờ sự hỗ trợ rất hiệu quả của các bản tin thời tiết, gần như dự đoán chính xác những ngày đẹp để có thể bảo đảm an toàn và thành công cho ngày lên đỉnh. Ngoài ra, sự điều khiển của các leader cũng đóng vai trò quan trọng và đóng góp rất nhiều vào việc thành bại. Leader sẽ theo dõi tình hình sức khỏe, thích nghi độ cao của từng thành viên trong quá trình tập luyện từ base camp và sẽ quyết định ai có đủ điều kiện và khả năng lên được đỉnh. Không phải ai trả tiền và muốn lên đỉnh họ cũng cho đi. Ngoài ra trong quá trình leo, leader và các thành viên leo và guide đi cùng luôn có sự trao đổi (qua bộ đàm) liên tục, đảm bảo leader nắm rõ tình trạng của người leo và có quyền yêu cầu người leo quay lại bất cứ khi nào thời tiết xấu, khi quá giờ hoặc cảm thấy tình trạng người leo không đủ sức lên đỉnh. Mỗi người leo sẽ có 1 người Sherpa bám sát. Đây đều là những Sherpa có kinh nghiệm và từng chinh phục thành công Everest. 2-3 người leo sẽ chung 1 guide, cũng là người rất có kinh nghiệm. Như vậy, người leo gần như được "hộ tống" tận răng lên đỉnh.

Hai người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest

Ngoài ra, còn phải kể đến sự tiến bộ về các công nghệ dành cho thiết bị, dụng cụ, quần áo, giúp giảm thiểu rất nhiều rủi ro khi leo. Quãng đường leo còn được hỗ trợ bởi thang nhôm (cho những đoạn khó) và dây gần như từ đầu đến cuối. Người leo chỉ việc mắc thiết bị an toàn của mình vào đây và từ từ leo lên mà ko sợ nguy cơ bị trượt ngã nữa. (Nguy cơ lớn nhất đã được dành cho các bạn Sherpa trước mỗi mùa leo, họ sẽ phải đi lên đỉnh để chuẩn bị thang và dây).

Những ca thương vong tại Everest hiện giờ chủ yếu do các nguyên nhân bên ngoài như lở tuyết bất ngờ, hoặc do những cá nhân tự đi mà không có sự chuẩn bị tốt nhất về an toàn, thiết bị dụng cụ... Nhiều người rất tự tin vào khả năng của mình, kiên quyết không đeo mặt nạ oxy khi lên trên cho đúng kiểu "con người có thể chinh phục thiên nhiên theo cách tự nhiên nhất", hoặc từ chối việc sử dụng dây an toàn, cho rằng khả năng của mình có thể tự lên được. Tất nhiên có người làm được, nhưng cũng nhiều người chịu những chấn thương nặng khi não và phổi sưng do thiếu oxy, dẫn đến kiệt sức, ngất, mất cảm giác. Một khi đã đi qua Camp 3 mà bị những triệu chứng này thì sẽ chẳng ai vác xuống được.

Lại cũng có nhiều người thích đi solo, họ cho rằng leo núi mà có hỗ trợ tận răng như những người khác thì không "xứng tầm", không ý nghĩa. Nhiều người không tự lượng được sức mình, hoặc không có liên lạc gì với bên dưới để được update kịp thời các thông tin về thời tiết, sức khỏe... cũng rất dễ trở thành các ca thương vong tại Everest. Ngoài ra, còn 1 số nguyên nhân điển hình và bất cẩn khác, ví dụ như leader yêu cầu đúng 2 giờ cho dù đang ở đâu thì phải quay lại; nhưng nhiều người thấy chỉ còn một tẹo nữa là tới đỉnh rồi nên mặc kệ và đi tiếp, để rồi lúc xuống thì chịu nhiều rủi ro hơn về thời tiết, hoặc bị cạn bình oxy. Lại có 1 số người bất cẩn kiểu lên đỉnh sướng quá bỏ kính và mặt nạ oxy ra để chụp ảnh quá lâu, làm cho giác mạc bị bỏng dẫn đến lúc đi xuống bị snowblind (mù tuyết) và não thiếu oxy lâu dẫn đến việc đi xuống rất nguy hiểm do có thể bị ngất. Một số ca thì do bỏ găng tay ra chụp ảnh dẫn đến bị bỏng tuyết và phải cắt hết các ngón tay…

Trực thăng cứu hộ - Hình ảnh quen thuộc trong suốt hành trình

Như vậy, có thể thấy ngoài nguy cơ lở tuyết (thường chiếm tỉ lệ nhỏ), các ca thương vong chủ yếu do sự chủ quan của người leo. Vậy nếu bạn đăng ký đi theo 1 tour được sự điều khiển chuyên nghiệp, có đầy đủ các đồ nghề dụng cụ, có sự hỗ trợ của Sherpa và guide, thể lực tốt, thích nghi độ cao tốt thì việc chinh phục đỉnh Everest nằm trong khả năng của bạn. Thực ra, vấn đề cốt lõi nhất chỉ là tinh thần quyết tâm chinh phục, có đủ tiền để đi và chăm chỉ tập luyện cho tốt.

Everest đã từng có người mù, người bị cụt 2 chân và phải đi bằng chân giả, người 71 tuổi, trẻ con 13 tuổi chinh phục thành công. Tôi nghĩ rằng, người Việt nam chúng ta nếu tài chính dồi dào như các bạn Nhật, Hàn, Đài Loan... và cũng có máu như các bạn ý, thì con số người chinh phục đỉnh Everest sẽ không chỉ dừng lại ở con số 3 như bây giờ.

(Hết)

Rosy (Theo TTTĐ)Ảnh: rOsy

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm