06:56  | 

Nhìn xuyên bóng tối với hệ thống chiếu sáng hồng ngoại ADILIS

Lưu lượng xe cộ vào buổi đêm chỉ chiếm 20% trong cả ngày, nhưng lại gây ra đến 40% số tai nạn chết người hàng năm. Lý do chính là sự giới hạn tầm quan sát vào ban đêm khiến cho lái xe không thể nhận ra các mối nguy hiểm, hoặc chỉ nhận ra khi còn quá ít thời gian để xử lý.

>> Lịch sử đèn pha ô tô (P1): Những dấu mốc lịch sử

>> Hệ thống chiếu sáng và sự an toàn của người lái xe (P2)

>> Bóng đèn hiệu năng cao (P3)

>> Bộ chuyển đổi đèn xenon: Thời trang và những mặt trái (P4)

>> Giúp đèn xe hơi sáng hơn nhờ tua-vít và khăn lau (P5)

>> Từ Bi-Xenon đến đèn pha “5 trong 1″ (P6)

>> Daytime running light – đèn chiếu sáng ban ngày (P7)

Việc sử dụng các loại đèn pha công nghệ cao như halogen hoặc Xenon giúp tăng cường đáng kể khả năng chiếu sáng của xe và khả năng quan sát của lái xe. Tuy nhiên, với những con đường có hai làn xe chạy đối đầu thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bật đèn pha vì sẽ gây chói mắt và làm mất gần hết tầm nhìn của người lái xe ngược chiều.

Trong khi đó, đèn cốt lại có khả năng chiếu sáng rất hạn chế và chỉ phù hợp khi lái xe ở tốc độ chậm trong thành phố và khu dân cư mà thôi. Khi đi trên đường quốc lộ mà phải chuyển về đèn cốt thì tầm nhìn của người lái xe trở nên quá ít ỏi, khiến cho họ phải phó mặc số phận cho sự may rủi.

Nghịch lý này chỉ có thể được xóa bỏ nếu chúng ta có thể “nhìn” bằng một loại ánh sáng không thể nhìn thấy bằng mắt thường - đó là lý do ra đời của công nghệ quan sát ban đêm (Night Vision)

Giới thiệu công nghệ quan sát ban đêm Night Vision

Là một công nghệ được dùng chủ yếu trong quân sự, thiết bị quan sát ban đêm (Night Vision) được trang bị khá phổ biến cho các đơn vị đặc nhiệm, máy bay trực thăng...

Hầu hết các thiết bị quan sát ban đêm đều dựa trên nguyên lý khuếch đại cường độ của các tia sáng hồng ngoại (không nhìn thấy bằng mắt thường) phát ra từ các vật thể. Một hệ thống quan sát ban đêm chỉ dựa vào sự phát xạ hồng ngoại tự nhiên của các vật thể được gọi là hệ thống quan sát ban đêm thụ động. Ngược lại, hệ thống quan sát ban đêm sử dụng một nguồn phát hồng ngoại để rọi vào vật thể và tăng cường độ của các tia hồng ngoại phản xạ lại được gọi là hệ thống quan sát ban đêm chủ động.

Hệ thống quan sát ban đêm thụ động

Hệ thống quan sát ban đêm thụ động có cấu tạo khá đơn giản, gồm một camera cảm nhiệt (thermal camera) được nối với màn hình hiển thị. Camera cảm nhiệt sẽ thu nhận sự phát xạ tia nhiệt (là tia hồng ngoại có bước sóng dài) từ các vật thể, trong đó con người và động vật do có nhiệt độ cơ thể cao nên sẽ phát ra nhiều tia nhiệt hơn hẳn so với môi trường xung quanh.

Ưu điểm của hệ thống quan sát ban đêm thụ động là đơn giản và chi phí thấp. Con người và động vật được thể hiện nổi bật trên màn hình so với cảnh vật xung quanh, làm giảm khả năng gây tai nạn cho con người.

Nhược điểm của hệ thống này là tạo ra hình ảnh có dạng phim âm bản với độ phân giải thấp (320 x 240 pixels) nên khó nhận biết toàn bộ khung cảnh phía trước, đặc biệt là những nơi có mặt đường xấu hoặc chướng ngại vật tự nhiên như đá lở, cây gỗ...

Hãng BMW đã lắp đặt hệ thống quan sát ban đêm thụ động trên dòng xe cao cấp nhất của mình là 7 series. Hệ thống này có khả năng nhận ra con người từ cách xa 300m và có thể xoay theo góc đánh lái để phát hiện mối nguy hiểm bên lề đường tốt hơn.

Và hệ thống quan sát ban đêm chủ động

Để khắc phục những hạn chế của hệ thống quan sát ban đêm thụ động, Hella – nhãn hiệu hàng đầu thế giới về chiếu sáng cho xe ôtô - đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất hệ thống chiếu sáng hồng ngoại chủ động ADILIS (Advanced Infrared Lighting System). Hệ thống này bao gồm đèn pha hồng ngoại, camera, bộ phận xử lý và hiển thị hình ảnh đem lại khả năng “nhìn xuyên bóng tối” cho người lái xe.

Như tên gọi, ADILIS chủ động phát ra luồng tia hồng ngoại với khả năng chiếu xa lên đến 150m. Nguồn tia hồng ngoại có thể là một đèn pha thông thường đã được thay đổi để chỉ phát ra tia hồng ngoại có bước sóng mà mắt người không nhìn thấy được, cũng có thể là dùng đèn LED hoặc laser công suất thấp.

Camera sẽ ghi lại hình ảnh do tia hồng ngoại phản xạ từ các vật thể, hình ảnh này sau đó được hiển thị lên một màn hình phía trên taplô theo dạng đen trắng.

Ưu điểm: do sử dụng nguyên lý giống như chiếu sáng thông dụng nên hình ảnh do hệ thống ADILIS tạo ra có độ phân giải cao và tương tự như khi quan sát thực tế với đèn pha. Không chỉ con người và động vật mà các vật thể khác cũng được hiển thị một cách rõ ràng, đem lại cho người lái xe khả năng nhận biết nhanh chóng các tình huống phía trước.

Nhược điểm: có thêm nguồn phát tia hồng ngoại nên phức tạp hơn hệ thống quan sát thụ động.

Từ năm 2007, các loại xe Mercedes-Benz cao cấp như S-class và CL-class đã được trang bị option Night View Assist sử dụng công nghệ ADILIS của Hella. Màn hình LCD trung tâm có độ nét cao sẽ hiển thị hình ảnh phía đầu xe khi kích hoạt hệ thống, thay cho đồng hồ tốc độ.

Lựa chọn hệ thống phù hợp với bạn

Cả hai hệ thống hệ thống quan sát ban đêm thụ động và chủ động đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu bạn thường xuyên đi trên đường quốc lộ có mặt đường đẹp và tốc độ cao thì hệ thống quan sát ban đêm thụ động với tầm quan sát xa sẽ là phù hợp nhất. Ngược lại, hệ thống quan sát ban đêm chủ động là lựa chọn tốt nhất cho những con đường đồi núi nhiều khúc cua và các chướng ngại vật bất ngờ.

Nam Vũ (theo TTTĐ)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm