09:47  | 

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy

Trong thời gian gần đây, khá nhiều những vụ cháy xe đình đám đã gây thu hút dư luận. Trên thực tế, không có vụ cháy nào chỉ bắt nguồn từ một lý do đơn lẻ. Thay vào đó, sự kết hợp từ cả yếu tố con người, kĩ thuật, hoá học… chính là thứ dẫn tới những vụ cháy xe mà người thiệt hại lớn nhất chính là những chủ nhân bất cẩn. Chính vì thế, việc nắm bắt chính xác những mối ẩn hoạ sẽ giúp bạn tránh các tình huống nguy hiểm về lâu dài. Dưới đây là danh sách 9 “món” đặc sản hấp dẫn đủ sức mời bà Hoả tới thăm chiếc xe của bạn.

1. Lỗi trong khâu thiết kế xe 

Thường thì những lỗi từ khâu thiết kế hiếm khi trở thành nguyên nhân độc nhất gây ra hoả hoạn nhưng chúng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra điều kiện lý tưởng cho những vụ cháy xe. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nhà sản xuất thường phát hiện và xử lý sớm trục trặc ngay trước khi những thảm hoạ thực sự xảy ra. 

Trên thực tế, không thiếu các đợt triệu hồi được tiến hành – kể cả từ những thương hiệu xe danh tiếng - với lý do có liên quan tới nguy cơ cháy bởi lẽ chắc chắn không có bất cứ nhà sản xuất xe nào muốn “nổi tiếng” vì lửa cả. Cuối 2012, Ford đã từng phải triệu hồi một số mẫu xe với động cơ Ecoboost để cập nhật phần mềm nhằm duy trì nhiệt độ khoang máy ở mức an toàn. Đây là những động thái đáng được hoan nghênh từ phía nhà sản xuất. Tuy nhiên, về phần mình, bạn cũng phải chú tâm theo dõi và đưa xe tới khắc phục đúng lúc. 

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

2. Bảo dưỡng không thường xuyên

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây cháy xe nhưng yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tình huống xấu. Lý do nằm ở chỗ nếu lười bảo dưỡng xe thường xuyên, “cục cưng” của bạn sẽ càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bao giờ hết. Các chi tiết phụ tùng hư hại, các gioăng bị rò rỉ, dây dẫn hở… không được khắc phục kịp thời sẽ không chỉ làm suy giảm khả năng vận hành của xe mà còn mở ra hàng loạt cơ hội cho lửa bùng lên. 

Đặc biệt, những chiếc xe đã có tuổi thọ cao và vận hành trong điều kiện khắc nghiệt liên tục có thể gây lão hoá gioăng mặt máy – thứ thường xuyên làm rỉ ra các chất lỏng nguy hiểm. 

Với nhiệt độ cao trong khoang máy, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy bất thường mà lái xe ít khi đủ cảnh giác để nhận ra. Nhìn chung, cho dù không quá hiểu biết về cơ khí hay kĩ thuật xe, bạn vẫn nên mở nắp ca pô và nhìn một lượt sau mỗi vài tuần chạy xe. Chỉ cần có dấu hiệu bất thường (chất lỏng rò rỉ, chuột bọ, dây dẫn bị hư hại…), hãy mang xe vào gara để khắc phục ngay. Đây là hành động đơn giản những sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình sử dụng xe về lâu dài, bên cạnh các quy trình bảo dưỡng định kì.

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

3. Va chạm

Trường hợp điển hình cho tình huống này chính là vụ việc đình đám của tài tử Paul Walker trên chiếc Porsche Carrera GT. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp va chạm cụ thể mà một vụ tai nạn nhỏ cũng có thể kết thúc tưng bừng bằng một đám cháy lớn. Dù cho các nhà thiết kế đã nỗ lực hết sức để bố trí giảm thiểu rủi ro tối đa cho những vị trí thường xảy ra va chạm. 

Phần lớn các thành phần quan trọng của xe như động cơ, ắc quy, bình xăng đều được che chắn an toàn với các khung sắt và vật liệu che chắn. Tuy nhiên, những va chạm quá mạnh vẫn có thể khiến xăng hoặc hoá chất dễ cháy khác rò rỉ ra ngoài. Khi kết hợp với nhiệt hay khói nóng trong quá trình động cơ vận hành, lửa sẽ là thứ tất yếu xuất hiện. Thêm vào đó, trong phần lớn các vụ đâm xe, tài xế hiếm khi có thể biết chính xác xe bị ảnh hưởng gì – thậm chí là một thời gian dài sau đó. Vì vậy, những rủi ro tiềm ẩn là rất lớn. Đây cũng là một trong những lý do tại sao nhiều người thường bán tống bán tháo những chiếc xe đã bị va chạm.
 

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

4. Pin trên xe điện hoặc xe hybrid

Không lâu sau khi nhận được chứng nhận “chiếc xe an toàn nhất mọi thời đại” từ nhiều cơ quan truyền thông, một trong những chiếc xe điện lừng danh Tesla Model S đã … bốc cháy. Dĩ nhiên, đây không phải điều hay ho cho hãng xe xuất thân từ thung lũng Silicon lừng danh này. Bản thân Tesla trước đây liên tục quảng bá về việc Model S hầu như miễn nhiễm với các vấn đề liên quan tới pin – thứ luôn khiến xe lai và xe điện gặp rắc rối trong quá khứ. Trong khi đó, chiếc xe này khi di chuyển ở vận tốc cao sẽ vẫn gặp phải một rắc rối như mọi loại xe có pin nào khác khi đâm vào vật cản: bốc cháy. 

Trong suốt 2011 và 2012, chính Chevrolet Volt cũng từng bị “soi” khi một số mẫu xe thử nghiệm đã cháy lớn khi được tiến hành kiểm tra va chạm. Nhiều nhà làm luật cũng cho rằng trong hầu hết các tình huống, việc dung dịch làm mát phản ứng với pin bị hư hại đã “châm lửa” cho chiếc xe. Ngay sau đó, GM đã phải đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này – động thái đã khiến những lo ngại về pin trên xe trở nên bớt “nóng” hơn. Tuy nhiên, cùng với mỗi thiết kế xe mới được đưa ra, những ý kiến phân tích luôn bày tỏ sự lo lắng về những rủi ro cháy nổ có thể tiềm ẩn.

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

5. Bộ trung hoà khí thải quá tải nhiệt

Bộ trung hoà khí thải là một trong những nguyên nhân cháy ít được để ý tới nhất. Tuy nhiên, với tư cách là một trong những thành phần nóng nhất khi xe vận hành, nó là thứ nên được quan tâm đúng mức – đặc biệt là khi nó cùng với hệ thống xả chạy dọc theo suốt chiều dài gầm xe. 

Về mặt lý thuyết, bộ trung hoà khí thải sẽ chịu trách nhiệm “đốt cháy” nốt các tạp chất có hại trong khí thái trước khi cho ra ngoài môi trường. Như thế, khi động cơ xe vận hành không hiệu quả (do bugi kém hoặc các phụ tùng liên quan không đạt chuẩn), nhiều chất có hại sẽ tồn tại trong khí thải và như một điều hiển nhiên, bộ trung hoà khí thải sẽ phải làm việc nặng nề hơn. Thông thường, nhiệt độ trung bình của thành phần này trên xe của bạn vào khoảng 650 độ C tới gần 900 độ C. Khi bị quá tải, nó có thể vượt trên ngưỡng 1.000 độ C dễ dàng. Nhiệt độ cao như vậy không chỉ tác động xấu tới tuổi thọ của chính nó mà còn cả các chi tiết phụ tùng xung quanh. Bản thân chiếc xe cũng chỉ được thiết kế để chịu ngưỡng nhiệt độ nhất định. Nếu liên tục phải đối đầu với sức nóng vượt hơn vài trăm độ, rủi ro sẽ là rất lớn. Thực tế, đã có trường hợp bộ trung hoà khí thải quá nóng dẫn tới việc đốt cháy các vật liệu cách âm hay thậm chí là  thảm xe – dù được ngăn cách bởi các tấm cách nhiệt và sàn xe kim loại.

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

6. Động cơ quá nóng

Với mọi loại động cơ đốt trong, nhiệt độ luôn là bạn đồng hành. Thực tế, động cơ cần đạt được mức nhiệt độ nhất định trước khi có thể vận hành tối ưu. Tuy nhiên việc quá tải nhiệt là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho sự liên quan, tác động lẫn nhau của các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy. Bản thân động cơ xe không thể tự bùng lên – kể cả khi cực nóng. Tuy nhiên chỉ cần trong khoang động cơ có hiện tượng rò rỉ chất lỏng dễ cháy (đặc biệt là nhiên liệu) – đó sẽ là điều cực kì tồi tệ. Ở áp suất cao, các chất lỏng này có thể văng tứ tung khắp nơi một khi có chỗ hở trên đường ống hay mặt máy. Chỉ cần một giọt nhỏ rơi vào đúng chỗ, lửa sẽ bùng lên và tạo ra phản ứng dây chuyền. 

Trên thực tế, để tránh việc quá tải nhiệt của động cơ, cách tốt nhất là bạn duy trì việc bảo dưỡng thường xuyên và đầy đủ. Luôn duy trì định kì việc kiểm tra hệ thống làm mát động cơ (vệ sinh và thay thế dung dịch làm mát, thay dầu và lọc dầu đúng với tiêu chuẩn nhà sản xuất), các gioăng trên đường ống dẫn nhiên liệu và chất lỏng kĩ thuật. Nếu cảm thấy bên trong ca pô nóng một cách bất thường, bạn không được ngần ngại mà hãy đưa xe đi kiểm tra ngay lập tức.

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

 7. Rò rỉ chất lỏng 

 Không cứ phải là siêu xe, mỗi chiếc xe hơi di chuyển trên đường đều có trong mình một số các chất lỏng nguy hiểm rất dễ cháy khi gặp điều kiện thích hợp. Ngoài nhiên liệu, đó còn là dầu động cơ, dầu hộp số, dầu trợ lực, dầu phanh và đôi khi là cả… nước làm mát động cơ.
Toàn bộ chúng đều được bơm tuần hoàn mỗi khi xe vận chuyển và có thể bắt lửa nếu đường ống dẫn vô tình bị rò rỉ ở đâu đó – đôi khi đơn giản là do…chuột gặm hoặc va chạm giao thông khiến bình chứa bị vỡ. Khi kết hợp với một yếu tố tác động khác như phụ tùng hỏng hóc hoặc ma sát do va chạm, chúng sẽ dễ dàng bùng cháy. Hơn thế nữa, dù cho phần lớn tình huống cháy sẽ bắt đầu từ khoang động cơ – nơi tập trung mọi loại chất lỏng kĩ thuật – thì bạn cũng cần  lưu tâm rằng hệ thống xăng và dầu phanh thường được dẫn chạy dọc theo thân xe ra phía sau. 

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

8. Chập điện

Đây có lẽ là một trong những lý do thông dụng và cũng là đáng sợ nhất có thể gây ra các vụ cháy. Không chỉ pin của xe điện, bản thân ắc quy của xe hơi cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề và có thể gây ra rắc rối bất cứ khi nào mà người dùng khó có thể đoán biết trước. Về mặt lý thuyết, quá trình sạc điện vào ắc quy có thể tạo ra khí hydro dễ nổ tập trung bên trong khoang động cơ. Khi đó, chỉ cần một tia lửa điện nhỏ - có thể là từ dây điện bị chập hoặc jack cắm lỏng – sẽ làm bùng lên ngọn lựa thực sự. Nếu gặp vài giọt chất lỏng, vật liệu hoặc các loại khí dễ cháy khác, xe của bạn sẽ gặp rắc rối to.

9 lý do khiến xe của bạn bỗng nhiên bốc cháy nhung-nguyen-nhan-khien-khien-xe-chay
 

Dĩ nhiên, hệ thống điện của xe không chỉ giới hạn trong khoang máy mà chạy dọc khắp thân xe và ra cả phía sau. Trên những dòng xe hiện đại, các nhà sản xuất thậm chí có thể lắp hàng km dây với hàng ngàn các chi tiết điện khác nhau. Vì thế, thậm chí chưa cần bạn lắp hay “độ” thêm món gì, nguy cơ chập cháy đã hoàn toàn “khả thi” – đặc biệt là trên những dòng xe kém chất lượng hoặc cũ kĩ. Bất cứ mối nối bị lỏng hay mạch điện gặp trục trặc bất thường đều có thể gây ra thảm hoạ. Dĩ nhiên, việc độ chế các thiết bị điện khác mà không có sự tính toán hay biện pháp

9. Rò rỉ xăng

Nếu phân theo tỉ lệ rủi ro, có lẽ việc rò rỉ hệ thống xăng là yếu tố xếp hàng đầu trong các nguyên nhân gây cháy xe. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới điều này và điều thực sự nguy hiểm nằm ở chỗ xăng rò rỉ cực kì khó để có thể phát hiện sớm. Thậm chí, xe hầu như không có bất cứ hệ thống cảnh báo nào trong khi xăng xuất hiện ở những nơi không mong muốn là điều vô cùng nguy hiểm – đặc biệt là khi nó là thứ dễ cháy nhất trong số các chất lỏng hiện diện trên mỗi chiếc xe hơi. Thông thường, xăng ở nhiệt độ trên 7,2 độ C sẽ cần tia lửa để bắt cháy – điều thường xuyên xảy ra trong động cơ. Tuy nhiên, ở 257,2 độ C, nó có thể tự bùng lên mà không cần tới. Nói cách khác, khi xăng bị rỉ ra các bề mặt kim loại nóng (như động cơ, ống xả đang vận hành hoặc nhựa cháy), xe của bạn coi như… xong phim. Các tốt nhất để hạn chế tối đa rủi ro đối với hệ thống dẫn xăng chỉ nằm ở việc bảo dưỡng đúng cách và thường xuyên. Thêm vào đó, bất cứ khi nào ngửi thấy mùi xăng sống bất thường ở xe, bạn nên dừng xe, tắt máy và gọi cứu ngay trước khi quá muộn !.

Theo Vnmedia.vn

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm