Thứ Sáu, 22/11/2024 | 23:24
18:17 |
Giấc mơ ôtô: Doanh nghiệp và “thượng đế” cùng... khóc!
Chưa khi nào giấc mơ được sở hữu một chiếc ô tô của những người có thu nhập "khá một tí" lại đến gần như vậy. Và những doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô cũng chớp thời cơ đón bắt để bay cùng giấc mơ của thượng đế.
Nhưng cuối cùng, giấc mơ chỉ là giấc mơ...
Tuấn Dũng, một kỹ sư công nghệ thông tin, sau 10 năm định cư tại Hà Nội, đã mua được căn hộ cao chót vót bên rìa TP, rồi lấy vợ, sinh được cô con gái. Thế là tuyệt lắm rồi. Tuy nhiên, Dũng vẫn ao ước một ngày mua được chiếc ô tô. Cô vợ thuộc loại cũng "máu" ô tô nên lôi thông thốc của chìm, của nổi từ các thẻ tín dụng ra để vun đắp giấc mơ cùng chồng.
Để hiện thực hóa giấc mơ và đảm bảo bình đẳng hóa gia đình, Dũng cùng vợ đăng ký lớp học lái xe. Hai vợ chồng, 2 bằng lái và đã từng thuê xe thử tay nghề chạy "bét nhè" trên những tuyến phố đông người. Tất cả đều ngon lành theo đúng lộ trình đã định. Tổng số tiền "gom" được là 500 triệu đồng, dẫu không thể so với những chiếc xe triệu đô của các đại gia nhưng như vậy giấc mơ ô tô cũng sắp thành hiện thực, Dũng chỉ còn mỗi việc chọn ngày đẹp cùng vợ vọt đến một salon ô tô mà rước xe về.
Thế rồi, đùng một cái thông tin về mấy gói phí giao thông bung ra. Dù máu mua xe lắm nhưng Dũng cũng đành tạm hoãn "sự sung sướng" lại để nghe ngóng tình hình, chứ "mua xe mà mỗi tháng phải "cõng" thêm mấy chục triệu đồng cho các loại phí thì "có mà điên"! Có lẽ Dũng chỉ là một trong số nhiều người dù có đủ tiền nhưng đành "phanh" việc mua xe lại để chờ xem các loại phí sẽ diễn biến trong thời gian tới. Giấc mơ về một chiếc ô tô đành gác lại chưa biết đến khi nào.
Các thượng đế buộc phải hờ hững với ô tô, thì các nhà sản xuất, lắp ráp xem chừng "khóc lóc" thảm thiết lắm.Thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng ô tô bán ra toàn thị trường trong tháng 4 năm nay chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng trước và giảm tới 36% so với cùng kỳ 2011, tương đương giảm 21.331 xe. Trong đó, doanh số bán xe con và xe tải của toàn ngành giảm lần lượt là 26% và 22% so với tháng 3. Còn tính riêng xe lắp ráp trong nước của 18 DN thành viên VAMA bán ra chỉ đạt 6.004 xe các loại, giảm 42% so với cùng kỳ 2011. Trong tháng 4, sản lượng xe lắp ráp cũng giảm mạnh, chỉ đạt 5.504 xe, giảm 24% so với tháng trước, còn xe nhập khẩu cũng giảm 23%.
Những con số trên là quá đủ cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang "thảm" như thế nào. Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, một số DN đã phải cho công nhân tạm nghỉ việc, giãn việc hay chuyển làm công việc khác. Số DN khác thì cho lao động nghỉ 10 ngày. Từ tháng 2 cho đến nay, Cty Ford Việt Nam đã hai lần cho lao động tạm nghỉ việc trong 2 tuần mỗi lần. Cty GM cũng đã cho lao động nghỉ việc. Không chỉ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lao đao, mà các nhà nhập khẩu xe và đại lý phân phối cũng khốn đốn không kém. Ế ẩm, không có khách mua, tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc… là tình cảnh chung được ghi nhận tại nhiều đại lý ô tô tại Hà Nội.
Theo VAMA, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tiêu thụ ô tô khó khăn, tồn kho tăng cao là do đề xuất tăng phí, lệ phí và "đẻ" thêm hai loại phí giao thông mới của Bộ GTVT!? Trong đó, VAMA cho rằng, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí vào nội đô giờ cao điểm có ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tiêu thụ ô tô. Vì với lệ phí trước bạ của xe ô tô ở mức cao 15% hoặc 20% (áp dụng tại TP HCM, HN), cùng với phí hạn chế phương tiện cá nhân cũng rất cao sẽ khiến khách hàng đắn đo hoặc không mua xe nữa.
Chủ tịch VAMA, ông Laurent Charpentier đồng thời là TGÐ Cty Ford Việt Nam ước tính, nếu mỗi chiếc xe con có giá trung bình 500 triệu đồng thì với tình trạng tồn kho hiện nay, ngân sách Nhà nước sẽ thất thu thuế khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 290 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2012. Trong dài hạn, con số thiệt hại ước tính còn lớn hơn, khoảng 12 tỷ USD trong 8 năm.
Do vậy, VAMA đã nhiều lần gửi văn bản lên các cơ quan chức năng để xin tháo gỡ khó khăn cho DN. Gần đây nhất, trong công văn gửi Văn phòng Quốc hội ngày 3-5-2012, VAMA đã kiến nghị 3 điểm liên quan đến chính sách thuế, phí đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo đó, VAMA đề xuất Chính phủ hủy bỏ loại phí hạn chế phương tiện cá nhân hay bất cứ loại phí nào khác đang đề xuất, ngừng thực hiện phí bảo trì đường bộ, xem xét giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN. Liên quan tới lệ phí trước bạ, VAMA kiến nghị giảm xuống mức 5% và áp dụng đồng đều trên toàn quốc.
Chủ tịch VAMA cho rằng: "Nếu Nhà nước đồng ý với các đề xuất thì thị trường ô tô sẽ hồi phục rất nhanh. Mà như vậy, Nhà nước lại thu được nhiều tiền thuế hơn để có tiền đầu tư trở lại cho giao thông".
Nghe có vẻ rất thuyết phục và "có lý", nhưng cũng phải nói thêm rằng việc ô tô chậm tiêu thụ không chỉ là do "tin đồn" sắp tới sẽ có nhiều loại phí mới mà còn do nhiều nguyên nhân khác như tình hình kinh tế đang khó khăn, đặc biệt là câu hỏi tại sao ô tô ở Việt Nam lại có giá chót vót và khi nào tỷ lệ nội địa hóa ô tô mới đạt được như kỳ vọng thì các nhà sản xuất "biết rồi nhưng vẫn làm thinh".
Bởi thế nhiều người cho rằng, VAMA có "kêu" thế chứ "kêu" nữa cũng chưa chắc đã "bật" ra được điều họ mong muốn. Và không hẹn mà gặp, nước mắt DN đang hòa quyện với nước mắt của thượng đế về giấc mơ ô tô.
Ông Laurent Charpentier - Chủ tịch VAMA cho biết: "Trong các cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương, VAMA đã có ý kiến về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 liệu có đề xuất tăng các loại thuế, phí hay không. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN ngành ô tô và quyết định của nhà đầu tư vào Việt Nam. Vì trước các đề xuất về thuế, phí và quy hoạch ngành công nghiệp ô tô như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không hiểu rõ về chiến lược, đường lối phát triển ngành ô tô của Việt Nam trong thời gian tới". |
Theo PLXH
Ý kiến đánh giá