Chủ Nhật, 19/01/2025 | 11:57
21:58 |
Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kì 5)
Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.
Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar
Kì 5: Sốc độ cao ở Tengboche
Namche Bazaar và những dấu hiệu độ cao
Hôm nay là ngày thích nghi độ cao ở Namche Bazaar (3400m). Đối với những người leo núi, thích nghi độ cao là một việc tối cần thiết để cơ thể thích nghi dần dần được với những thay đổi về áp suất không khí. Cách thông dụng nhất để “ứng phó” với độ cao là “leo cao ngủ thấp”, vậy nên theo lịch trình hôm nay, chúng tôi sẽ trek lên Khumjung cao khoảng 3600m và tối lại về Namche Bazaar (3400m) để ngủ.
Từ trên cao ngó xuống, Namche Bazaar trở nên đẹp hơn bao giờ hết
Trước đây tôi đã từng nhiều lần lên các độ cao từ 3000-4000m và không gặp bất cứ vấn đề gì. Rồi ngay trước chuyến trek này, tôi cũng đã lang thang gần 2 tuần bên Tây Tạng, từng lên và ở độ cao hơn 5000m trong tình trạng sức khỏe bình thường, vậy nên tôi cảm thấy lạ kỳ khi sáng nay thức dậy, tôi bắt đầu có vài dấu hiệu nhỏ của hội chứng độ cao. Thỉnh thoảng cử động, đầu tôi đau nhói. Tôi đã nghĩ rằng cơ thể mình đã đủ để thích nghi, song có lẽ quãng thời gian không được khỏe ở Kathmandu đã kéo thể trạng tôi xuống đáng kể.
Thung lũng Khumjung là khu vực nằm phía trên Namche Bazaar, là nơi có thể nhìn thấy trọn vẹn Everest cùng các đỉnh núi cao khác của dãy Himalaya. Chúng tôi bảo với Nama buổi sáng sẽ ở nhà nghỉ ngơi, còn chiều sẽ đi trek để tiện ngắm hoàng hôn luôn. Không ngờ, đó là một quyết định sai lầm. Từ sáng đến trưa, trời nắng đẹp rực rỡ, ngó cổ ra cửa thấy dân tình nườm nượp đi qua đi lại. Tuy nhiên ăn trưa xong, mây mù bắt đầu kéo đến phủ kín bầu trời. Chúng tôi nhìn nhau chưng hửng. Nama thì nhún vai theo kiểu “Tao đã nói là đi từ sáng rồi mà bọn mày không nghe”. Chờ một lúc nữa vẫn không thấy khá hơn gì, nhưng chúng tôi vẫn quyết định trek lên cao để xem tình hình, dù sao thì cũng cần cho việc thích nghi độ cao của cơ thể.
Khoảnh khắc đẹp trên đường trek
Nama dẫn chúng tôi leo qua những con dốc dài ngoằn ngoèo xa dần thị trấn. Chúng tôi bắt đầu leo lên một quả núi nhỏ để lên Khumjung. Từ trên cao ngó xuống, Namche Bazaar trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Bốn bề bao bọc bởi những dãy núi cao, thị trấn nằm lọt thỏm trong thung lũng. Những ngôi nhà san sát bám lấy triền núi tạo thành một vòng cung uốn lượn thật đẹp.
Đường lên Shangboche
Lên tới Shangboche, trời vẫn mù mịt mây. Shangboche vốn là một phi trường nhỏ để chở hàng hóa và những người muốn đến base camp nhanh. Đây cũng được coi là 1 trong những phi trường cao nhất thế giới. Từ đây có thể nhìn thấy rõ Everest (8850m), Ama Dablam (6856m), Thamserku (6608m), Nuptse (7879m), và Lhotse (8383m – cao thứ 4 thế giới). Tuy nhiên trong hôm nay thật đáng tiếc chúng tôi không nhìn thấy gì. Trời càng về chiều, gió càng thổi mạnh, lạnh buốt. Chúng tôi cố ngồi chờ mây tan đi nhưng vô vọng, cũng không lên đến tận Khumjung nữa, cả bọn lục đục đi xuống. Nama an ủi bảo sáng hôm sau chắc chắn sẽ có view đẹp trên quãng đường trek tới Tengboche.
Tối đến, cơn đau đầu của tôi xuất hiện trở lại.
Namche Bazaar – Tengboche: Đường trek tuyệt vời
Những dấu hiệu xấu về sức khoẻ bắt đầu “thăm hỏi” tôi. Sáng nay ngủ dậy, nửa bên phải đầu đau buốt mỗi khi cử động và kinh khủng hơn, tôi cảm thấy 4 cái răng khôn của mình đang mọc. Tôi vẫn nằm đờ đẫn trên giường khi Nama vào phòng đánh thức mấy đứa chúng tôi dậy để ăn sáng. Tôi gọi cháo và cố gắng húp hết suất của mình trước khi uống thuốc. Paracetamol để giảm đau, hoạt huyết dưỡng não và thêm 1 viên Enervon C để tăng thêm năng lượng và sức đề kháng. Nửa tiếng sau, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường.
Tuy nhiên, hôm nay Nama sẽ không đi cùng chúng tôi nữa vì có việc bận ở Kathmandu. Nama dẫn tôi xuống văn phòng đăng ký leo núi ở Namche Bazaar ký giấy tờ và gặp luôn bạn guide sẽ thay thế tên là Dil. Bạn Dil có vẻ ngoài khá tinh quái và buồn cười. Bạn đội trên đầu một chiếc mũ len loè loẹt như của con gái.
Rời Namche Bazaar, chúng tôi hạ độ cao và bắt đầu đi trek theo hướng hôm qua đã lên Shangboche. Và đây có thể nói là một trong những đoạn đường trek đẹp nhất trong vùng. Toàn bộ những gì mờ mịt hôm qua đã hiện lên rực rỡ dưới ánh nắng và bầu trời xanh. Kia là Taweche, rồi Everest, Nuptse, Lhotse, Ama Dablam, Thamserku. Tất cả hiện lên trước mắt chúng tôi, lộng lẫy đầy uy quyền.
Những gì được đọc trong sách, những gì chỉ được nghe qua giờ đây đang sừng sững ở phía trước. Một niềm xúc động kỳ lạ dâng lên. Thứ cảm xúc khi đó, tôi nghĩ nó không chỉ đơn giản là niềm mong mỏi, háo hức; mà còn là sự ngưỡng mộ pha lẫn nể sợ, như một đứa bé đứng trước mẹ thiên nhiên to lớn, như một kẻ lang thang mơ mộng tép riu trước những tượng đài vĩ đại nhất của sự chinh phục. Đã có bao người khi đi qua đây và lòng tự nhủ: “ước gì 1 lần trong đời…”
Đã có bao người khi đi qua đây và lòng tự nhủ: “ước gì 1 lần trong đời…”
Chúng tôi tiếp tục đi qua một vài ngôi làng và những cánh rừng thông trước khi đến Phunki Theng. Sau đó, đoàn lại leo qua rất nhiều dốc để đến Tengboche.
Tengboche – Vùng đất thiêng
Tengboche tọa lạc trên một ngọn đồi, là nơi giao nhau của 2 con sông: Dudk Kosi và Imja Khola. Thị trấn nằm ở độ cao 3870m so với mực nước biển, bao quanh bởi những dãy núi tuyết phủ quanh năm. Vị trí độc đáo của Tengboche và phong cảnh hùng vĩ nơi đây đã khiến thị trấn trở thành 1 trong những điểm thú vị và nổi bật trong hành trình đến EBC.
Vùng đất xung quanh Tengboche được coi là đất thiêng, do đó tất cả các loài động vật, chim chóc và đời sống hoang dã của chúng đều được bảo vệ. Những người theo đạo Phật cho rằng mọi loài đều cùng là chúng sinh, cùng trong vòng quay của cái chết và sự tái sinh. Vì thế, họ tin rằng khi họ bảo vệ muôn loài xung quanh, họ sẽ được ban thêm ân đức cho kiếp tái sinh của mình. Rừng tùng quanh Tengboche, do đó, vẫn giữ được sự hoang dã vốn có với gà lôi, hươu xạ hương, linh dương. Thậm chí, truyền thuyết về Người tuyết cũng vẫn đang tồn tại.
Điểm nổi bật của Tengboche là Tu viện phật giáo. Đây là tu viện lớn nhất trong vùng Khumbu, xây dựng vào năm 1923. Tu viện này sau đó đã 2 lần bị phá hủy vào năm 1934 bởi động đất và 1989 bị lửa thiêu trụi. Tu viện được xây lại sau đó và hiện là nơi tu hành của khoảng 60 nhà sư.
Điểm nổi bật của Tengboche là Tu viện phật giáo
Cuộc sống của các nhà sư ở Tengboche xoay quanh việc cầu nguyện, thiền và học về phật giáo. Trung tâm của tu viện là 1 phòng cầu nguyện lớn, nơi các nhà sư hàng ngày cùng nhau thiền định.
Tenzing Norgay, người Sherpa đã lên đỉnh Everest lần đầu tiên vào năm 1953 với Sir Hillary đã được sinh ra tại đây và đã từng được gửi tới tu viện Tengboche học về Phật giáo. Những người thám hiểm Everest sau đó đều qua đây để thắp nến và cầu nguyện cho sức khỏe, may mắn và bình an trong chuyến leo núi của mình.
Khi chúng tôi chạm ngõ Tengboche, mây mù đã xuống tới lưng chừng núi. Những người đến trước bắt đầu lục tục đi vào nhà ngồi tránh sương lạnh. Sau khi cất đồ vào phòng, tôi lấy quyển sách và cũng chạy ra phòng khách sưởi ấm. Ăn tối xong, chúng tôi về phòng nghỉ ngơi để lấy sức cho hôm sau.
Lúc đó, tôi không ngờ rằng tôi sắp trải qua 1 trong những đêm kinh khủng nhất của hành trình này.
Đêm kinh hoàng
Dù đã cẩn thận uống thuốc sau khi ăn tối, tôi bị đánh thức lúc 12h đêm bởi cơn đau đầu dữ dội. Cơn đau xuyên thấu vào óc, khiến chỉ một cử động quay đầu nhẹ cũng đau đến tê liệt. Tệ hơn, người tôi còn đang hâm hấp sốt. Tôi cố hết sức mò mẫm dậy lấy thêm thuốc uống. Lần này ngoài efferagant, tôi uống thêm diamox (là 1 loại thuốc độ cao) + 1 chai thuốc nước cũng trị bệnh độ cao mà đoàn đi Tây Tạng trước đó đã để lại trong túi tôi. Thế nhưng, sau khi uống xong, nằm mãi thấy tình trạng không suy chuyển gì.
Ngược lại, tôi bắt đầu thấy lạnh cóng toàn thân mặc dù đang mặc bộ quần áo thermal có tác dụng giữ ấm khá tốt. Tôi vớ lấy cái áo down ghi-lê (lông ngỗng) fill tới 900, xỏ thêm cái quần 2 lớp dầy cộp nữa ra ngoài. Vẫn lạnh, lạnh như chưa hề mặc thêm gì. Tôi lại ngồi dậy, mò cái áo down jacket fill cũng 700, quấn thêm khăn, đội mũ len, đi găng tay, xỏ thêm tất, rồi lấy thêm chăn ở giường trống bên cạnh chồng lên cái chăn tôi đang đắp.
Sốc độ cao là "bệnh" thường gặp trên cung đường trek kì vĩ này
Tôi nằm xuống, xoay ngang xoay ngửa mà không cách nào hết lạnh. Cảm giác lạnh buốt, sởn gai ốc cứ bủa vây, người tôi run lên bần bật từng chặp như sốt rét mà tôi không thể kiểm soát được. Tôi cố bình tĩnh lại, nằm hít thở sâu và cố nghĩ đến những việc khác, thế nhưng tình trạng đó không hề thuyên giảm. Tôi nhanh chóng rơi vào cảm giác sợ hãi. Tôi muốn gọi 2 bạn đang ngủ ở phòng bên cạnh sang giúp đỡ nhưng không thể cất tiếng, miệng tôi chỉ thốt ra được những câu thều thào không ra hơi. Đầu vẫn đau buốt, 4 cái răng khôn đang mọc nhức nhối, dạ dày tôi cồn cào vì cả ngày chỉ uống sữa ăn cháo trong khi uống quá nhiều thuốc. Đó là một trong những đêm dài nhất tôi đã từng qua. Thế rồi tôi cũng không biết mình thiếp đi lúc nào.
Tỉnh dậy gần 5h sáng, cổ họng tôi khô khốc, đắng ngắt. Tôi gắng ngồi dậy uống nước và đột nhiên nôn thốc nôn tháo. Lại nằm vật xuống. Không có lẽ nào lại thế!
Xem tiếp Kì 6: Kì vĩ Ama Dablam
Rosy (Theo PL&XH)Ảnh: rOsy
Ý kiến đánh giá (1)