12:27  | 

Hệ thống chiếu sáng và sự an toàn của người lái xe

Các bộ đèn pha đầu tiên đều có hình tròn để dễ sản xuất. Bộ đèn pha bốn chóa hình tròn được đưa ra vào năm 1952 trong loại xe buýt Citadin của hãng Prevost. Một số xe Cadillac, Chrysler và Nash dùng một chóa đèn pha/cốt và một chóa đèn pha 5 ¾ inch (146 mm) mỗi bên từ năm 1957 và các nhãn hiệu khác cũng theo sau từ năm 1958. Các loại đèn pha này có một vài ưu điểm về độ sáng, nhưng ưu điểm lớn nhất là kiểu dáng mới cho phép sử dụng hai đèn nhỏ hơn thay vì một cái đèn lớn ở mỗi bên của xe.

>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily

>> Lịch sử đèn pha ô tô (P1): Những dấu mốc lịch sử

Đèn pha hình chữ nhật được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1961. Được chế tạo bời Cibie cho xe Citroen Ami 6 và Hella cho xe Ford Taunus tại Đức, chúng đã bị cấm sử dụng ở Mỹ nơi mà đèn tròn là bắt buộc cho đến năm 1975.

Xe buýt Prevost Citadin

Cho đến năm 1979 phần lớn những chiếc ô tô đã có đèn pha hình chữ nhật. Một lần nữa, luật pháp Mỹ chỉ cho phép có hai tiêu chuẩn cho đèn pha hình chữ nhật hàn kín. Đó là một hệ thống gồm hai chóa đèn 200 x 142 mm pha/cốt phù hợp với loại đèn tròn 7 inch hoặc một hệ thống gồm bốn chóa đèn 165 x 100 mm (hai chóa đèn pha/cốt và hai chóa đèn pha) phù hợp với loại đèn tròn 5 ¾ inch (146mm) đã có.

Citroen Ami 6

Sau 44 năm sử dụng, vào năm 1983 các qui định về đèn pha của Mỹ đã được sửa đổi, cho phép sử dụng các bóng đèn thay thế được và các đèn pha có hình dạng không tiêu chuẩn.

Loại xe ô tô đầu tiên của Mỹ từ năm 1939 có đèn pha tổ hợp là Lincoln Mark VII đời 1984. Đèn pha tổ hợp thường được gọi là “đèn pha châu Âu”, vì những loại đèn pha có hình dạng khí động học này rất phổ biến ở châu Âu.

Lincoln Mark VII

Đèn pha Pop - up được giới thiệu vào năm 1937 trên loại xe Cord 812. Chúng nằm ngầm trong cản trước của xe, không nhô lên khi chưa bật đèn pha để tăng tính khí động học. Loại đèn này cho phép lắp một chóa đèn tròn 7 inch cho các loại xe có đầu nhọn. Nhiều loại ô tô nổi tiếng đã sử dụng loại đèn này, nhưng hiện nay các xe sản xuất đại trà thì không dùng vì chi phí cao.

Đèn pha pop-up

Đèn pha ẩn là một loại đèn có mặt bảo vệ được thiết kế để hòa lẫn vào các chi tiết phía trước của xe (như lưới chắn khoang máy, đầu xe) khi tắt đèn. Khi đèn được bật lên, mặt bảo vệ sẽ xoay lên trên hoặc xuống dưới, vào trong khoảng trống giữa đèn pha và đầu xe. Cơ cấu chuyển động của mặt bảo vệ có thể dùng ống chân không (như của Mercury Cougar 1967 - 1969) hoặc dùng mô tơ điện.

Mercury Cougar 1967

Từ cuối thập niên 90, đèn pha loại tròn lại được ưa chuộng trong các loại xe đời mới. Đó không phải là loại chóa đèn tròn như của xe đời cũ (trừ xe Jaguar) mà có các chóa đèn hình tròn hoặc hình bầu dục nằm trong một bầu đèn chung.

Hai đèn tròn bên trong chóa đèn của BMW Z4

Hệ thống đèn pha tiêu chuẩn có đem lại sự an toàn và thoải mái?

Theo các qui định về an toàn giao thông trên thế giới, bộ đèn pha tiêu chuẩn cho các phương tiện có tốc độ cao hơn 60km/h phải có khả năng chiếu sáng tối thiểu là 90-100m đối với chế độ pha. Ở nước ta, pháp luật cũng quy định đèn pha phải có khả năng chiếu sáng ít nhất là 100m. Vì thế, hầu hết các bộ đèn pha tiêu chuẩn của xe ôtô có mặt tại thị trường Việt Nam chỉ đạt đến mức độ chiếu sáng này, nhằm hạ chi phí sản xuất. Khả năng chiếu sáng này liệu có đem tới cho người lái xe tầm nhìn đủ xa để phát hiện và xử lý các chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ hay không? Thật đáng buồn, câu trả lời lại là không.

Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe đi trong bóng tối, và bộ đèn pha của xe bạn là nguồn sáng duy nhất trong màn đêm. Với đèn pha tiêu chuẩn của xe, bạn chỉ nhìn được 100m phía trước xe của mình. Bất chợt, bạn phát hiện ra một chiếc xe bị hỏng nằm chắn ngang đường.

Bạn có nhận ra chiếc xe này trong vòng nửa giây không?

Không còn đủ chỗ để lách tránh nữa, bạn chỉ còn một cách duy nhất là phanh xe lại. Với tốc độ tối đa cho phép trên đường quốc lộ là 70km/h hoặc 20 mét một giây, chỉ sau 5 giây là xe của bạn sẽ đâm thẳng vào chiếc xe này. Theo các kết quả thử nghiệm khoa học, bạn sẽ phải:

- Mất từ 1,5 đến 2 giây (tùy theo trạng thái tinh thần, khả năng xử lý, nồng độ cồn trong máu, tuổi tác và giới tính) để nhận dạng chướng ngại vật, phân tích xem nên tránh hay phanh xe, nhấc bàn chân phải từ chân ga lên và chuyển sang chân phanh và bắt đầu đạp xuống chân phanh. Trong thời gian đó, xe của bạn đã đi thêm được 30-40m về phía chướng ngại vật. Chỉ còn lại 60-70m giữa bạn và một cú va chạm với chiếc xe bị hỏng.

- Mất từ 30-60m hoặc nhiều hơn nữa để hệ thống phanh có thể dừng hẳn xe lại từ tốc độ 70km/h, tùy theo tình trạng của hệ thống phanh, độ bám của mặt đường, trời khô ráo hoặc có mưa v.v.

 

Quãng đường dừng xe trong điều kiện lý tưởng

Như thế, chỉ trong các điều kiện lý tưởng thì bạn mới có thể dừng xe kịp và thoát khỏi một vụ tai nạn nghiêm trọng. Trong thực tế thì hiếm khi tất cả các điều kiện đều đứng về phía bạn, và khả năng bạn sẽ gặp nạn là rất lớn. Đó là lý do tại sao hệ thống đèn pha tiêu chuẩn làm cho người lái xe chúng ta luôn phải căng mắt ra để tập trung quan sát và phán đoán đường, xác định xem sẽ có gì xảy ra ở khúc đường tiếp theo. Sự tập trung cao độ này khiến tinh thần và cơ thể của bạn sẽ thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng và mệt mỏi khi lái xe ban đêm.

Nhìn xa hơn và trông rộng hơn

Như đã phân tích ở trên, hệ thống đèn pha tiêu chuẩn hiếm khi giúp bạn nhìn đủ xa để dừng lại kịp thời khi có chướng ngại vật. Hệ thống phanh xe của bạn đã được nhà sản xuất lắp đặt với tính năng hầu như không thể thay đổi. Bạn cũng không thể nâng cao chất lượng của con đường hay chế ngự sự thất thường của thời tiết. Lối thoát duy nhất mà bạn có chính là làm cho mình có khả năng nhìn xa hơn, trông rộng hơn để luôn có đủ thời gian cần thiết cho mọi bất trắc có thể xảy ra.

Nhìn xa hơn giúp lái xe phát hiện mối nguy hiểm tốt hơn

Vậy làm thế nào để nhìn xa hơn, trông rộng hơn khi bạn ngày càng già hơn và thị lực của đôi mắt ngày càng giảm sút? Chúng ta sẽ tiếp tục lái xe trên chuyên mục này để đến với một số biện pháp sẽ giúp bạn nhìn xa hơn, trông rộng hơn vào số báo tới.

>> Kỳ 3: Bóng đèn hiệu năng cao

Nam Vũ (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm