22:27  | 

Mercedes-Benz SL-Class (P1): Chặng đường phát triển

Tất cả các mẫu xe thuộc dòng Mercedes-Benz SL-Class đều sở hữu những tiêu chuẩn thiết kế cao nhất do hãng đặt ra, cả về nội và ngoại thất.

>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily 

Mỗi xe là một tác phẩm vượt thời gian và từng chi tiết của nó đều thể hiện một quá trình sáng tạo vượt xa ý nghĩa đơn thuần của khái niệm “thiết kế” mang tính ý tưởng bởi từ lúc ra đời năm 1952 và trên suốt chặng đường phát triển, thiết kế của mỗi chiếc SL-class luôn có sự kết hợp hoàn hảo giữa đặc tính thẩm mỹ cao tương xứng với yêu cầu vận hành thực tế.

Mercedes-Benz 300 SL (W 194) - xe đua đầu tiên (1952)

300 SL (W 194) là mẫu xe thành công về mặt thiết kế khí động học giảm thiểu được lực cản gió với 2 chỗ ngồi và tính năng vận hành cao. Mô hình xe được phát triển tối ưu theo nguyên tắc “hình thức đáp ứng chức năng”, trong đó, khối động cơ 6 xylanh được đặt nghiêng sang trái 50 độ với vị trí capo treo thấp và phần mui xe khá nhỏ. Điểm đặc biệt trong thiết kế thân xe W194 đó là đường nét thẩm mỹ cao – khác hẳn với những mẫu xe đua cùng thời vì thế mà nhiều thập kỷ sau, W 194 vẫn là mẫu xe gây ấn tượng mạnh với các tín đồ xe đua.

Với mục tiêu trên, các kỹ sư thiết kế đã khẳng định qua các hệ số lực cản mà các mẫu xe lịch sử của hãng sở hữu (tổng hợp hồi tháng 1/2012) gần tương ứng với các thông số được áp dụng ngày nay. Cụ thể chiếc W194 có hệ số lực cản khá ấn tượng vào thời đó là 0,38 nhờ kết cấu thân xe được tối ưu nhằm giảm thiểu lực cản gió trong khi đó thiết kế của W188 cùng thời đặc trưng cho các mẫu xe giai đoạn tiền Thế chiến II có hệ số là 0,48. Tiếp theo, phiên bản thể thao W 198, được phát triển trên nền tảng mẫu W194 sở hữu hệ số 0,40.

Mercedes-Benz 300 SL (W 198 I), 1954 - 1957

Dòng xe Mercedes-Benz 300 SL (W 198 I) có hệ thống khung gầm được phát triển trên nền tảng của dòng xe đua đầu tiên W 194 với những yêu cầu thiết kế thân xe phức tạp và cao cấp hơn. Ngoài tiêu chí khí động học thì đặc tính thẩm mỹ cũng được quan tâm trong quá trình thiết kế mẫu xe này nhằm đáp ứng yêu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt hướng tới sản phẩm tinh tế, độc đáo và tính năng vận hành cao.

Trên cơ sở của một mẫu xe đua, ông Friedrich Geiger, giám đốc của bộ phận thiết kế sáng tạo, đã phát triển một mô hình khác lạ so với các mẫu trước đó của Mercedes-Benz hay ở bất kỹ hãng xe nào khác. Là người có khả năng thẩm mỹ đặc biệt, ông đã cho ra đời bản phác thảo thể hiện rõ những đường nét thanh lịch ấn tượng khó có thể bắt chước cho một mẫu xe thể thao có tính năng vận hành cao bằng các điểm nhấn cơ bắp trên thân xe, đặc biệt là hai vòm nổi cân xứng hai bên cụm đèn pha trước nắp capo tăng thêm hình ảnh mạnh mẽ cho xe.

Geiger đã xây dựng một phong cách hoàn toàn mới cho dòng xe W198, không những khác biệt so với mẫu xe đua W194 mà còn sáng tạo ra “biểu tượng Mercedes” thứ hai với diện mạo đặc trưng cho cả thiết kế SL và các mẫu xe thương mại sau này của Mercedes-Benz. Điểm gây ấn tượng đầu tiên ở phần trước xe đó là vị trí bộ tản nhiệt cỡ lớn với logo ngôi sao 3 cánh Mercedes đặt ngay phần trung tâm. Geiger rất thông minh khi tạo hai đường gân hoàn toàn tương xứng với phần chắn bùn trước tạo nên khối tổng thể rất mềm mại và đẫy đà của thân xe. Ngoài ra, nét nổi bật không thể không nhắc đến đó là bộ cửa hình cánh chim không những giúp người lái có thể ra vào dễ dang mà còn tối ưu thiết kế khí động học – nét đặc trưng của các mẫu Coupe ngày nay cũng đã được Geiger áp dụng hiệu quả.

Giám đốc trung tâm thiết kế sau này của Mercedes-Benz, ông Bruno Sacco cho biết ông cảm thấy rằng việc thay thế các mẫu Coupe cửa cánh chim bằng thiết kế Roadster vào những năm 1950 là một sai lầm đáng tiếc và nhận định này của ông được chứng minh ngay trên các thiết kế cửa cánh chim của mẫu Gullwing – dòng xe 300 SL (W198 I). Và nó đã trở thành huyền thoại của SL và là biểu tượng thiết kế vượt thời gian. Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, thế hệ kế vị, Roadster, là dòng xe siêu thể thao cũng ngày càng thành công của hãng.

Mercedes-Benz 300 SL Roadster (W 198 II), giai đoạn 1957 - 1963

Chỉ một vài tháng sau trình làng phiên bản sản xuất Gullwing vào tháng 02/1954, Friedrich Geiger tiếp tục cho ra đời các phác thảo mui trần 300 SL theo yêu cầu khẩn của hãng xuất khẩu Mỹ Max Hoffman. Vào năm 1957, chiếc 300 SL Roadster (W 198 II) đã ra đời đáp ứng thị hiếu của nhóm khách hàng thượng lưu: có thể thưởng thức ánh nắng và khí trời khi cầm lái.

Nét cải tiến đặc biệt về công nghệ chiếu sáng sử dụng trên dòng xe huyền thoại 300 SL Roadster đó là kết hợp đèn tín hiệu, đèn pha và đèn sương mù trong cùng một cụm đèn duy nhất và so với mẫu Gullwing thì thiết kế này giúp xe có diện mạo hầm hố hơn. Ngoài ra hai bên thân xe còn được thiết kế thêm hai đường gân dập nổi khỏe khoắn vuốt dọc theo sườn cửa. Các phiên bản mui xếp cứng sau này với cửa sổ trời panoramic giúp cân bằng hoàn hảo hơn tổng thể kiểu dáng xe.

Sự ra đời của 300 SL Roadster thực sự là một thành công mỹ mãn của hãng xe Mercedes-Benz với tham vọng phát triển dòng xe mui trần thể thao đẳng cấp thế giới thời Hậu Chiến II

Mercedes-Benz 190 SL (W 121 I), giai đoạn 1955 - 1963

Mặc dù ban đầu đây không phải là mẫu xe yêu thích của người khởi xướng sản xuất các dòng Mercedes SL - Max Hoffman, nhưng rất nhanh sau đó, nhà nhập khẩu xe Mercedes-Benz tại Mỹ này nhận thấy 190 SL là mẫu xe quan trọng cho thị trường Bắc Mỹ sau khi ra mắt thành công tại triển lãm ôtô New York.

Dưới sự chỉ đạo của nhà thiết kế Walter Häcker, toàn bộ thân xe phiên bản sản xuất đã được thiết kế lại, trong đó có phần lưới tản nhiệt hình thang bắt chước thiết kế 300 SL khác với mẫu triển lãm tại New York, đường gờ nổi phía trên nhô ra và hình dáng hơi thuôn nhọn. Nắp capo có vòm nổi gồ lên hầm hố ngay vị trí trung tâm còn phía dưới là động cơ 4 xylanh.

Nhìn từ phía trước, hình thức của 190 SL có hơi hướng của 300 SL vì có đường gân kéo dài phía trên ôm lấy hai hốc bánh trước. Việc bỏ đi cánh gió sau đã khiến cho phần thân xe trông thanh lịch hơn. Những thay đổi thiết kế của Häcker thực sự đã tạo thành công vang dội và 190 SL được đánh giá là mẫu xe có diện mạo tinh tế và thanh lịch nhất trong gia đình Daimler – Benz. Trên một tạp chí “Motor Revue” 190 SL được ca ngợi vì thiết kế kiểu dáng cực kỳ quyến rũ và thu hút của nó.

Vào năm 1959, khi phần nóc của 190 SL được bổ sung thêm cửa sổ sau ôm vòng sang hai bên thì trông nó tựa phiên bản anh em của mẫu xe đua với tính năng vận hành cao 300 SL Roadster.

Mercedes-Benz SL - W 113 series, giai đoạn 1963 - 1971

Sự ra đời của mẫu xe W113 series, Friedrich Geiger đã đánh dấu bước ngoặt trong thiết kế khi phá vỡ các đường cong và tạo hình vòm nổi trên đèn pha vốn đặc trưng của dòng xe cơ bắp SL. Nhóm thiết kế của ông thời đó đã sáng tạo thêm nhiều không gian hữu ích đồng thời vẫn giữ lại những nét cơ bản của mẫu tiền nhiệm W121. Kết quả là kiểu dáng thân xe trở nên mềm mại hơn duy chỉ trừ phần mái vòm ôm lấy bánh trước được loe ra giữ được nét mạnh mẽ vốn có của nó.

Ngoài ra, với những đường gân thấp hai bên sườn xe nên kể cả khi đóng mui thì người lái vẫn cảm nhận được sự thanh thoát và nhẹ nhàng – khác hẳn với cảm giác mà những người sở hữu xe thể thao và các mẫu xe mui trần khác mang lại. Một đường gờ mảnh chạy liền từ cụm đèn pha cho đến phần đuôi xe tạo cảm giác thân xe dài hơn và tạo hình khối tinh tế nhằm tránh sự đơn điệu khi nhìn xe từ mặt bên.

Lưới tản nhiệt cỡ lớn chiếm phần lớn diện tích phía đầu xe và phần trung tâm gắn nổi biểu tượng logo với hai vạch kéo dài nối liền bằng chrome bóng loáng. Cụm đèn pha được viền khung ngoài trông vuông vắn hơn. Đây là chiếc xe đầu tiên trong dòng SL có thiết kế đồng nhất hoàn hảo các đường nét cải tiến.

Ngoài ra, nét đặc biệt của W113 series đó là thiết kế nóc cong cong hình lòng chão, nên nó còn có biệt danh “Pagoda” – Mái chùa – đây cũng là điểm nhấn trở thành biểu tượng của toàn bộ các mẫu xe thuộc dòng này.

Mặc dù ý tưởng ra đời thiết kế nóc Pagoda đã gây tranh cãi một thời gian vì tính thẩm mỹ và ứng dụng của nó. Ban đầu là với mục đích an toàn và tạo thêm không gian cho một mẫu xe chở khách sau đó lại được thử nghiệm trên các dòng xe cá nhân khác, tuy nhiên, với xe thể thao thì không được sự tán thành của giới chuyên môn. Sau này, tổng biên tập của một tờ báo về ô tô đã có nhận định với thiết kế này trên xen 230 SL “Mục đích duy nhất của thiêt kế này đó là khía cạnh thẩm mỹ. Không những thế, kiểu mái này giúp ra vào xe dễ dàng hơn”.

Các mẫu xe sau chở khách hạng sang sau này như W 108/W 109 series hoặc “Stroke Eight” trong dòng W 114/W 115 đều được Geiger ứng dụng thiết kế trên. Và ngày nay, “Pagoda” vẫn được xem là một trong những mẫu xe sở hữu thiết kế thú vị tạo cảm hứng sáng tạo cho Friedrich Geiger và cả người kế nhiệm ông sau này là Wemer Breitschwerd và Bruno Sacco, và nó còn được xem là điểm nổi bật thu hút khách hàng khi giới thiệu thiết kế của xe. Chính vì vậy, dường như những tranh cãi trước đó về kiểu mái Pagoda trở nên vô nghĩa khi thành công của nó đã được khẳng định.

Mercedes-Benz SL - R 107 series, giai đoạn 1971 - 1989

Thiết kế của SL-R 107 series đáp ứng hoàn hảo yêu cầu cả về diện mạo và tính năng khi được trang bị động cơ V8 mạnh mẽ hơn. Một điểm khác nữa đó là bình nhiên liệu được di chuyển xuống vị trí thấp hơn ở phía dưới trục sau giúp giảm va chạm. Thiết kế cải tiến tổng thể này có tác động rất lớn đến các tỷ lệ kết cấu thân xe.

Về diện mạo, điểm đặc biệt đáng chú ý ở mẫu xe này so với thế hệ trước đó là các chi tiết góc cạnh. Để giữ được phong cách nhất quán các đường cong trước đó, phần đầu xe vẫn giữ nguyên mẫu của SL cổ điển. Tuy nhiên, nét khác biệt dễ nhận thấy đó là các đường gờ ngang trên cụm đèn pha vì thế không mềm mại như của W113. Lớp kính ốp cụm đèn tín hiệu ôm hẳn sang hai bên đầu xe giúp tín hiệu xe dễ nhận thấy hơn từ hai bên. Ngoài ra, đường gân nổi hai bên sườn xe từ đèn pha đến đèn hậu được đặt cao hơn các mẫu trước.

Còn phần sau xe có thiết kế tổng thể bầu hơn do thay đổi vị trí bình nhiên liệu và dung tích của khoang hành lý rộng hơn. Ngoài ra, các chi tiết ở đuôi xe như cụm đèn hậu cỡ lớn hình chữ nhật, tay nắp hành lý, ống xả và cửa hậu đều được thiết kế với các đường thẳng làm chủ đạo nên càng tôn thêm nét góc cạnh cho thân xe.

Tuy nhiên, về tổng thể, thiết kế của R 107 chỉ có những thay đổi diện mạo trong suốt 18 năm có mặt trên thị trường. Những thay đổi về thiết kế quan trọng cho phần trước của xe xuất hiện sau năm 1985. Nhờ sử dụng động cơ mạnh mẽ hơn với tiêu chuẩn về tính năng vận hành cao hơn, những phiên bản sau này được sử dụng la-zăng hợp kim nhôm đường kính 15 inch.

Mercedes-Benz SL - R 129 series, giai đoạn 1989 - 2001

Sau 18 năm sản xuất và có mặt trên thị trường, R 107 Series đã được thay thế bằng mẫu R 129 Serises – một luồng gió mới thổi vào thế giới của những người đam mê xe đẹp. SL có thiết kế đơn giản, tinh tế với đường nét thanh lịch đã tạo nên điểm sáng trong chặng đường phát triển hãng xe Mercedes-Benz.

Với nỗ lực tích cực của giám đốc sáng tạo Bruno Sacco, thiết kế SL đạt thêm bước đột phá trong chất lượng, đó là sự kết hợp giữa đường nét đơn giản nhất bằng các đường gân mềm mại hài hòa và chính vì vậy, những đường cong hình khối mạnh mẽ thường thấy trên các mẫu xe cơ bắp không còn xuất hiện trên phiên bản R 129 nữa. Và Sacco cũng nhấn mạnh rằng ấn tượng đầu tiên của xe R 129 series đó là sự đơn giản - một tác phẩm có nghệ thuật sắp đặt riêng – tối giản các yếu tố không cần thiết.

Lần đầu tiên ra mắt tại Geneva Motor Show, tạp chí “Automobil Revue” – Thụy Sỹ trích dẫn lợi khen ngợi của khách tham quan dành cho chiếc 129R này “Đây không những là ngôi sao sáng trên sàn triển lãm mà cả trên đường phố thông thường. Cho dù lái chiếc xe này ở bất cứ nơi đâu hay chủ sở hữu của nó là bất cứ ai, thì 129 R vẫn có thể làm nức lòng người sở hữu và giới hâm mộ”

Năm 1990, Mercedes-Benz nhận Giải thưởng Thiết kế Xe cho mẫu R 129 với ban giám khảo là các nhà báo đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Hà Lan và Thụy Sỹ, họ đánh giá “Trong số tất cả các mẫu xe thuộc dòng Mercedes-Benz 300 – 500 SL, mẫu 129 SL hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn thiết kế cao nhất từ sự an toàn tuyệt đối, giải pháp tối giản mà không vượt xa các tiêu chuẩn thiết kế truyền thống. SL đại diện cho các chi tiết giá trị nhất của thiết kế công nghiệp hiện đại mà vẫn giữ được nét đặc trưng phân biệt trong vô số mẫu xe mui trần thể thao khác”.

Mercedes-Benz SL-R 230 series, giai đoạn 2001 - 2011

Ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2001, R 230 được phát triển và cải tiến hoàn thiện cho đến tận năm 2008 để diện mạo trở nên hoàn hảo hơn. Ở thế hệ này, các đường cong lại được tận dụng để tạo kiểu dáng cuốn hút hơn nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ.

Nổi bật phần trước xe là cụm đèn pha đôi được gắn liền với nhau theo đường số 8 nằm ngang. Nhằm tạo không gian rộng rãi hơn nên SL là mẫu xe đầu tiên sở hữu nóc thép gấp và khoang hành lý được nới rộng hơn nên chiều dài trục cơ sở có thay đổi chút ít. Với những bộ phận có vẻ hơi thô cứng và nặng nề đã được bố trí kín đáo sau những đường cong tuyệt mỹ và hốc chắn bùn phía sau.

Trên phiên bản mới nhất năm 2008, phần phía trước được thiết kế lại hoàn toàn mới, trong đó biểu tượng ngôi sao được đặt giữa hai thanh ngang mạ chrome, và nổi bật trên nắp capo là hai vòm nổi có hơi hướng giống những phiên bản SL đời đầu1954.

Thư Lê (theo PLXH)

>> Phần 2: Mercedes-Benz SL-class: Thành công trên trường quốc tế

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm