06:02  | 

Cách sử dụng hệ thống phanh xe máy hiệu quả

Không thể phủ nhận rằng hệ thống phanh là mối quan tâm đặc biệt của người ham mê tốc độ xe mô tô hai bánh. Vì đây là bộ phận duy nhất có thể đảm bảo an toàn cho xe khi vận hành. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ cấu và hoạt động của hệ thống phanh để sử dụng một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Về cơ bản, chức năng của hệ thống phanh đó là hãm tốc độ của xe nếu bạn muốn giảm tốc hoặc dừng khi gặp chướng ngại vật một cách an toàn, tránh tai nạn có thể xảy ra. Thậm chí, bạn có thể sử dụng phanh một cách thông minh để biểu diễn và mang lại những trải nghiệm thú vị cho người lái. Vậy hệ thống phanh hoạt động như thế nào? Trong phần đầu tiên này, các bạn sẽ được tìm hiểu một số nguyên tắc cơ bản của hệ thống phanh xe máy.

Lực hãm

Trước hết, hoạt động của hệ thống phanh xe có mối liên hệ trực tiếp với lực hãm. Nói một cách đơn giản, lực hãm chính là lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường. Lực ma sát này là một phần trong cơ chế lực đẩy cho phép xe bạn tiến về phía trước khi bạn ấn tay ga, giúp bạn có thể giữ thăng bằng khi vào khúc cua hoặc muốn xe dừng hẳn.

Hệ thống phanh xe mô tô có vai trò rất quan trọng

Có nhiều yếu tố tác động lên lực hãm, như điều kiện thời tiết, loại lốp xe sử dụng, điều kiện mặt đường. Nếu lốp sử dụng lâu ngày hoặc loại không phù hợp với điều kiện đường đi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của lực ma sát, lực ma sát yếu sẽ khiến cho xe dễ dàng bị trượt.

Tương tự, nếu mặt đường ướt mưa hoặc có tuyết thì lực hãm cũng sẽ yếu hơn. Chính vì vậy, điều tối quan trọng là người lái phải tính toán các yếu tố liên quan sao cho lực ma sát giữa mặt đường và bánh xe tốt nhất.

Lực hãm là yếu tố cực kỳ quan trọng khi phanh xe: sự tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường càng tốt thì lực phanh càng lớn giúp rút ngắn khoảng cách khi bạn muốn dừng. Đặc biệt, trọng lượng và lực hãm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nó tác động trực tiếp lên độ lớn của lực hãm, nếu xe càng nặng thì khoảng cách dừng khi phanh càng lớn và cần lực phanh mạnh hơn. Mặt khác, nếu trọng lượng nhẹ thì xe lại có xu hướng dễ bị mất tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường và có nguy cơ trượt cao hơn so xe có trọng lượng nặng hơn.

Xe mô tô hiện nay còn trang bị cả công nghệ hiện đại ABS

Do cấu trúc linh hoạt của xe mô tô mà tỉ lệ trọng lượng có thể dịch chuyển từ phần sau ra phía trước khi bạn tăng tốc hoặc dùng phanh. Như đã nói ở trên, lực ma sát bị ảnh hưởng trực tiếp bởi trọng lượng nên sự tiếp xúc giữa mặt đường và độ ổn định của xe cũng sẽ phụ thuộc vào nguyên lý này.

Khi tăng ga, trọng lượng của xe và người lái sẽ dồn lên bánh sau, tăng áp suất lên lốp sau và kéo theo lực phanh sau mạnh hơn hơn và hiệu quả hơn. Khi giảm ga, tốc độ của xe cũng giảm theo và phần lớn trọng lượng lại dồn ra bánh trước. Cụ thể hơn, nếu bạn sử dụng phanh trước thì người lái và trọng lượng của xe cũng có xu hướng bị đẩy về phía trước. Khi đó, lực phanh sẽ được tối ưu và xe giảm tốc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng, trong trường hợp sử dụng phanh trước, thì bạn không được dùng lực phanh đột ngột, vì trọng lượng phía sau xe đang nhẹ hơn nên bánh sau dễ rơi vào trạng thái ngoặt sang hai bên hoặc trượt quẫy như đuôi cá khi ở vận tốc cao.

Để drift xe mô tô một cách điệu nghệ thì bạn cần phải phối hợp hoàn hảo giữa phanh, tay ga và độ nghiêng của xe

Việc sử dụng phanh xe không phải là bản năng vốn có của con người mà cần phải có thời gian thực hành kết hợp óc quan sát nhanh nhạy khi tham gia giao thông. Hãy luôn để mắt đến chướng ngại vật xung quanh và trước bánh xe! Chỉ một giây chểnh mảng sẽ khiến bạn ngay lập tức rơi vào tình huống nguy hiểm – lúc đó, bạn sẽ sử dụng phanh một cách vô thức và dễ dàng bị ngã do xe dừng quá đột ngột.

Ngoài ra, nếu bạn đi vào góc cua trên đường có sỏi hoặc cát ở tốc độ cao thì xe cũng dễ dàng bị mất lực ma sát và bạn có nguy cơ bị ngã là rất cao.

Cơ chế phanh xe hiệu quả

Xe máy thường được trang bị phanh trước và phanh sau, về nguyên tắc, để đạt được hiệu quả cao nhất thì chắc chắn bạn phải sử dụng đồng thời cả hai phanh một cách linh hoạt. Như đã phân tích ở phần trên, trọng lượng của xe và hiệu quả sử dụng phanh có quan hệ chặt chẽ với nhau, là một trong những lý do quan trọng cho việc sử dụng cả phanh trước và sau. Phanh xe đúng cách sẽ giúp xe giữ được thăng bằng khi chuyển hóa từ động năng thành nhiệt năng để giảm tốc ở cả bánh trước và sau một cách hiệu quả.

Phanh đĩa cỡ lớn của xe máy Buell

Nguyên lý dịch chuyển trọng lượng xe khi vận hành và phanh rất đơn giản: khi tăng tốc thì trọng lượng sẽ dồn vào bánh sau, ngược lại nếu phanh trọng lượng sẽ tập trung vào bánh trước. Hiệu ứng của nguyên lý này giúp ta có thể rút ra được kết luận như sau: khi trọng lượng chủ yếu ở bánh sau thì chắc chắn phần bánh trước sẽ có xu hướng bị nâng lên và giảm lực ma sát; và trong trường hợp bạn tăng ga mạnh thì bạn hoàn toàn có thể nhấc nổi bánh trước lên mà vẫn giữ được thăng bằng. Đây là nguyên lý mà các tay lái thành thạo thường áp dụng rất hiệu quả.

Trường hợp phanh gấp, lực bám đường của bánh sau sẽ yếu đi rất nhiều và đuôi xe có thể bị trượt ngoặt sang hai bên. Để hạn chế lực bám phía sau bị tổn thất và tối ưu hiệu quả drift bánh sau một cách điệu nghệ, bạn cần phải sử dụng phanh sau để cân bằng trọng lượng trên xe.

Những tay lái cừ khôi có khả năng “biểu diễn” nhấc bánh trước mà vẫn giữ được thăng bằng hiệu quả

Lưu ý rằng, lực phanh giữa bánh trước và sau phải cân bằng nhau và đặc biệt không phanh chết cả hai bánh một cách đột ngột khi xe đang chạy. Kinh nghiệm của những tay lái mô tô nhiều năm cho thấy cách an toàn nhất là nên sử dụng phanh bằng lực ấn nhẹ lên phanh sau khi muốn dừng xe. Khi tốc độ xe đang giảm dần nhờ có lực hãm từ phanh, thì người lái mới sử dụng phanh trước với một lực bằng 60-80% so với lực phanh sau. Đây là một bài toán khá phức tạp, chúng ta hãy phân tích một số thực tế sau đây:

1. Bạn phanh xe, phần lớn trọng lượng dồn về phía trước và ấn bánh trước bám vào mặt đường. Kết quả: lực hãm tốt hơn.

2. Bánh trước trang bị 2 phanh đĩa: lực tác động lên phanh gấp đôi ngược lại với lực quán tính của xe.

3. Đĩa phanh trước thường lớn hơn đĩa phanh sau. Kết quả: lực hãm lớn hơn.

Như vậy nếu ở vận tốc lớn mà bạn muốn xe dừng trong quãng đường ngắn nhất có thể thì bắt buộc bạn phải sử dụng phanh sau, còn nếu muốn giảm tốc từ từ thì bạn có thể sử dụng phanh trước nhưng phải thận trọng hơn.

Ngày nay, những chiếc xe mô tô hiện đại được trang bị thêm nhiều thiết bị hỗ trợ hệ thống phanh, giúp tối ưu hiệu quả của nó, đó là hệ thống hỗ trợ AI, hệ thống liên kết phanh – LBS hoặc CBS, hệ thống này sẽ tự động hãm tốc độ bánh sau khi bạn ấn phanh trước hoặc ngược lại. Các hệ thống hỗ trợ này giúp giảm thiểu sự mất cân bằng khi người lái gặp lỗi phanh gấp.

Lê Thư (theo TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm