08:14  | 

“Lách luật” sang tên đổi chủ phương tiện

Nhiều người dân không mặn mà với hình thức đi đăng ký sang tên đổi chủ mà tận dụng việc công chứng ủy quyền để tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, về lâu dài đây sẽ không phải là phương án tối ưu và nhiều người sẽ gặp rủi ro khi hợp đồng ủy quyền hết liệu lực.

Sau hơn 2 tuần thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP (NĐ 71), nâng mức xử phạt lên từ 5 đến 10 triệu đồng đối với ôtô không chính chủ đã tác động mạnh đến người đang sử dụng xe được mua đi bán lại nhiều lần. Để trốn thuế trước bạ cũng như né các khâu thủ tục hành chính, nhiều chủ xe đã thực hiện dịch vụ công chứng ủy quyền. Tuy nhiên, không nhiều người nghĩ đến việc ủy quyền công chứng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia giao dịch.

Giao dịch ủy quyền tăng đột biến

Những ngày gần đây, tại các văn phòng công chứng ở Hà Nội lượng khách hàng đến thực hiện giao dịch ủy quyền xe ôtô đột ngột tăng cao. Công chứng ủy quyền hiện nay khá thuận lợi nên đã được người mua - bán ôtô sử dụng một cách triệt để. Tâm lý nhiều người, ôtô là phương tiện và không sử dụng lâu dài nên người mua bán không muốn làm các thủ tục sang tên đổi chủ vừa đỡ mất thời gian và tiết kiệm chi phí!? Khi NĐ 71 nâng mức xử phạt cho việc không sang tên đổi chủ của ôtô lên từ 5 đến 10 triệu đồng thì người dân mới đổ xô đi thực hiện các giao dịch này qua phòng công chứng.

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Nội, những ngày qua, số lượng người đến giao dịch tại phòng công chứng liên quan đến giao dịch xe ôtô là tăng gấp đôi, gấp ba so với trước.

Lượng người làm công chứng ủy quyền liên quan đến xe ôtô tăng lên khi Nghị định 71 chính thức có hiệu lực

Tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm, Hà Nội, đại diện phòng công chứng này cho biết mỗi ngày tiếp nhận 12-15 bộ hồ sơ làm thủ tục ủy quyền ôtô. Ông Nguyễn Bá Dũng, Trưởng Văn phòng công chứng Hồ Gươm cho hay, đa số người dân lựa chọn phương án công chứng ủy quyền với nội dung ủy quyền có thể là: quản lý, sử dụng tài sản, định đoạt tài sản, mua bán, tặng, cho… Thực tế, 10 người mua xe ôtô có đến 6 người tìm hiểu thông tin qua garage, salon. Người mua - bán đều muốn bán được hàng với giá rẻ và phù hợp túi tiền, do đó đa số đều cắt giảm thủ tục sang tên trước bạ và chỉ làm hợp đồng mua bán với nhau.

Tại Văn phòng công chứng Thăng Long, Giám đốc điều hành Đặng Hữu Biên cũng cho biết, kể từ khi NĐ 71 chính chức có hiệu lực thi hành, lượng khách hàng đến làm thủ tục công chứng liên quan đến giao dịch ôtô, xe máy cũng tăng mạnh. Trước đây chỉ lác đác mới có các khách hàng làm những thủ tục liên quan đến vấn đề này nhưng nay trung bình mỗi ngày có gần chục trường hợp. Ông Biên cũng nhấn mạnh, cũng chỉ từ khi NĐ 71 chính thức có hiệu lực thi hành thì hiện tượng này mới xảy ra, không chỉ ôtô mà xe máy cũng tăng mạnh.

Rủi ro khi công chứng ủy quyền

Tìm hiểu qua các văn phòng công chứng, chúng tôi nhận thấy đa số những người đến làm thủ tục ủy quyền đều không nắm được các thông tin quy định về ủy quyền và những rủi ro mà mình có thể gặp phải. Chẳng hạn như, đối với người mua khi người ủy quyền thay đổi cam kết họ có thể không xác nhận hoặc đòi thêm tiền theo giá trị xe rồi mới ký các thủ tục hay người ủy quyền thay đổi chỗ ở… hay đối với trường hợp người ủy quyền là công ty thì có nhiều khả năng thay đổi tên gọi, địa chỉ, bị mua bán, sáp nhập hoặc thậm chí giải thể, phá sản. Hoặc khi một trong các bên ủy quyền bị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng ủy quyền đó coi như vô giá trị, người mua có thể mắt trắng tài sản của mình. Khách hàng nên thận trọng trong các giao dịch và nên thực hiện việc sang tên đổi chủ.

Theo ông Đặng Hữu Biên, Giám đốc điều hành Văn phòng công chứng Thăng Long thì việc ủy quyền khiến cả bên mua và bên bán đều không phải phụ thuộc lần nhau, thủ tục hành chính đơn giản hơn và quan trọng là không phải nộp thuế, bị xử phạt nên người dân mới “lách luật”. Chỉ khi nào xảy ra hậu quả thì người ta mới lường hết được những rủi ro từ hợp đồng ủy quyền.

Ông Đỗ Bá Dũng, Trưởng Văn phòng công chứng Hồ Gươm cho hay, tại văn phòng công chứng này có đến gần 90% lượng người mua bán xe ôtô gần đây đều làm giấy ủy quyền để lách phí, thuế trước bạ lần 2. Chi phí thực hiện công chứng ủy quyền đối với ôtô là rất thấp chỉ mất vài chục nghìn đồng, trong khi đó công chứng mua bán ủy quyền mất đến 0,1% phí cho tài sản dưới 1 tỷ đồng, đồng thời việc định giá tài sản chính là chiếc xe cũ còn nhiều bất cập nên đa số khách hàng lựa chọn phương án làm hợp đồng ủy quyền.

Có nhiều ý kiến trái chiều về mức thu phí, thuế trước bạ đối với việc mua bán xe ôtô lần thứ 2 trở đi hiện nay còn quá cao, thủ tục hành chính rườm rà, người dân không mặn mà với hình thức đi đăng ký sang tên đổi chủ mà tận dụng việc công chứng ủy quyền để tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, về lâu dài đây sẽ không phải là phương án tối ưu và nhiều người sẽ gặp rủi ro khi hợp đồng ủy quyền hết liệu lực. Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội đã có gần 100 văn phòng công chứng, nếu tính trên cả nước sẽ có hàng nghìn văn phòng, mỗi ngày sẽ có hàng nghìn trường hợp làm hợp đồng ủy quyền để “lách luật”, với bằng đó trường hợp thì số tiền thuế mà Nhà nước không thu được là không nhỏ và rủi ro mà người dân gặp phải cũng sẽ không ít.

Ông Nguyễn Bá Dũng - Trưởng Văn phòng công chứng Hồ Gươm: Hợp đồng công chứng ủy quyền dễ gặp rủi ro

Hợp đồng ủy quyền sẽ hết hiệu lực khi một trong nhiều thành phần có tên trong hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hoặc tài sản ủy quyền không còn nữa. Trong khi đó thủ tục để làm hợp đồng ủy quyền cũng có nhiều quy định chẳng hạn như chiếc xe là tài sản chung thì cần xác nhận của cả vợ lẫn chồng... Để Nhà nước không bị thất thu thuế cũng như các cơ quan quản lý được tốt các phương tiện thì người dân nên ủng hộ và thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

Ông Đặng Hữu Biên, Giám đốc điều hành Văn phòng công chứng Thăng Long: Tâm lý người dân hiện còn e ngại việc làm sang tên đổi chủ bởi sợ thủ tục hành chính rườm rà. Do đó để Nghị định 71 đi vào cuộc sống cần đơn giản thủ tục hành chính và nên có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tại.

Theo Phan Hoạt - Lưu Hiệp (Công an Nhân dân)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm