Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:14
16:37 |
10 ‘ông vua’ của ngành công nghiệp ôtô 2013
Tạp chí danh tiếng Motortrend vừa công bố danh sách 10 nhân vật quyền lực nhất ngành công nghiệp ôtô thế giới năm 2013 với sự góp mặt của những cái tên quen thuộc như Sergio Marchionne, Ferdinand Piech, hay Akio Toyoda.
>> 10 ’ông vua’ của ngành công nghiệp ôtô 2012
Đây là những gương mặt được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp ôtô thế giới trong năm 2013.
1. Sergio Marchionne
Chức vụ: Chrysler Group LLC Chairman/CEO, Fiat SPA CEO
Xếp hạng 2012: 1
Marchionne là người đi đầu trong nỗ lực kiểm soát việc dư thừa xe hơi của châu Âu. Ông tin rằng EU cần điều phối tái cấu trúc hơn là cho phép mỗi quốc gia trợ cấp cho các nhà sản xuất ôtô của họ.
Marchionne lên kế hoạch hợp nhất Fiat và Chrysler vào năm 2015.
2. Ferdinand Piech
Chức vụ: Cố vấn cao cấp của Volkswagen AG
Xếp hạng 2012: 6
Volkswagen dưới triều đại của Piech từng cam kết chi 71 tỷ USD cho đến năm 2015 để đánh bại Toyota. Trước đó, năm 2009, vị cố vấn cao cấp từng giúp Volkswagen chuyển từ thế bị mua sang người mua khi giúp Porsche trả khoản nợ 14,2 tỷ USD bằng cổ phiếu của Volkswagen.
3. Akio Toyoda
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO Toyota
Xếp hạng 2012: 26
Năm vừa qua, Akio Toyoda đã đã lấy lại niềm tin cho hãng sau hàng loạt những vụ việc ầm ĩ gây hoang mang dư luận liên quan đến độ an toàn của sản phẩm, và sau đó là tung ra một chiếc xe thể thao cực kỳ ấn tượng, chiếc GT86.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Toyota cũng đã giành lại danh hiệu hãng xe số 1 thế giới từ tay General Motors.
4. Martin Winterkorn
Chức vụ: Chủ tịch ban điều hành Volkswagen AG
Xếp hạng 2012: 4
Volkswagen không còn dưới triều đại của Piech, mà là Winterkorn. Ông đang có những thay đổi hợp lý hơn cho toàn bộ danh mục sản phẩm. Mục tiêu của Volkswagen là soán ngôi General Motors về doanh số, rồi sẽ tới Toyota.
5. Mark Reuss
Chức vụ: Chủ tịch GM Bắc Mỹ
Xếp hạng 2012: 5
Được thuê vào những năm 80, Reuss giám sát việc phát triển nhiều sản phẩm then chốt với tư cách giám đốc kỹ thuật. Ông từng lãnh đạo GM Holden tại Australia và New Zealand từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2009 trong thời gian các chi nhánh này tái cơ cấu trước khi trở về Mỹ.
Năm ngoái, Reuss đã thúc đẩy việc tung các mẫu Cadillac, Chevrolet Malibu và Spark mới.
6. Walter de Silva
Chức vụ: Trưởng bộ phận thiết kế Volkswagen
Xếp hạng 2012: 7
Walter de Silva có thể được coi như người quan trọng thứ hai trong ngành thiết kế xe hơi, sau Chris Bangle, cựu giám đốc thiết kế BMW. Ông là tác giả của những mẫu xe danh tiếng như Alfa Romeo 147, 156, Audi Nuvolari quattro, A6, Q7, Lamborghini Miura concept (2006), Audi TT, R8, A5 và A4.
Sau khi Bangle rời khỏi BMW, Walter de Silva đặt mục tiêu giúp VW tạo nên cuộc cách mạng trong dòng xe nhỏ. Còn hãng con hạng sang Audi sẽ là hình tượng mẫu mực về thiết kế.
7. Norbert Reithofer
Chức vụ: Chủ tịch BMW AG
Xếp hạng 2012: 10
Mặc dù đối mặt với thị trường châu Âu gặp vô vàn khó khăn, nhưng, 56 tuổi, CEO của BMW vẫn thực hiện một kế hoạch đầy thách thức với dòng xe xanh.
Ngoài ra, BMW cũng sẽ tập trung vào vật liệu tái sử dụng và cung cấp cho các sản phẩm trong tương lai. Năm 2012 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của BMW tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc để tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong làng xe sang thế giới.
8. Mark Fields
Chức vụ: COO của Ford
Xếp hạng 2012: 36
Mark Fields được kỳ vọng sẽ là sự thừa kế xứng đáng cho vị trí CEO của Ford khi Alan Mulally nghỉ hưu trong một vài năm tới.
9. Matthias Mueller
Chức vụ: Chủ tịch kiêm CEO Porsche
Lần cuối cùng góp mặt trong top 50: vị trí 19 năm 2011
Năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Matthias Mueller, Porsche đã gặt hái nhiều thành công khi liên tục phá kỷ lục doanh số. Ngoài ra, một số mẫu xe mới ra mắt như 911, Boxster và Cayman đều tạo hiệu ứng tốt.
10. Jim Farley
Chức vụ: Giám đốc marketing toàn cầu của Ford
Xếp hạng 2012: 14
Jim Farley cũng là cái tên xứng đáng để thay thế vị trí của Alan Mulally trong tương lai. Thách thức hiện tại của ông chính là hồi sinh Lincoln để thương hiệu này có tiếng nói trong phân khúc xe sang.
Hoa Bách Tùng (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá