Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:45
09:17 |
Năm 2012, vì sao Toyota giành lại ngôi vương từ GM?
Giành lại ngôi vị dẫn đầu từ GM chính là lời thách thức câm lặng mà có uy lực mà Toyota muốn gửi đến tất cả các đối thủ trong ngành công nghiệp xe hơi.
Theo một phát biểu của Toyota, doanh số bán hàng trên toàn thế giới của hãng xe này bao gồm cả đơn hàng từ các công ty con Hino Motors Ltd và Daihatsu Motor Co đã tăng 30% lên mức kỉ lục 9.75 triệu chiếc vào năm 2012, vượt qua GM với 9.29 triệu và Volkswagen với 9.07 triệu chiếc.
Điểm lại năm 2012
Tại châu Âu, doanh số của Toyota và Lexus tăng 2% lên 837.969 chiếc trong năm 2012 do bùng nổ nhu cầu xe hybrid. Trong khi đó ở Mỹ, Toyota đã nâng thị phần lên 14.4% từ 12.9% của năm 2011, thu hẹp khoảng cách với GM – hãng xe hơi nội địa đang chiếm 17.9% doanh số ở Mỹ theo thông tin nghiên cứu của Autodata Corp. Số lượng xe bán ra của Toyota, Lexus và Scion tại thị trường này cũng tăng 27% lên 2.08 triệu chiếc.
Ở Nhật Bản, Toyota đã tăng doanh số lên 35% đạt 2.41 triệu chiếc trong năm 2012 khi hãng này tung ra Aqua – chiếc xe được coi là phiên bản nhỏ hơn của chiếc xe hybrid bán chạy nhất thế giới Prius. Nhu cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính sách trợ cấp chính phủ và giảm thuế cho xe tiết kiệm nhiên liệu.
Năm 2012 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực giữa Toyota và GM.
Tại Trung Quốc, Toyota đã có một năm khó khăn khi lần đầu tiên doanh số tại thị trường này giảm kể từ năm 2002 sau khi tranh chấp lãnh thổ biển đảo leo thang và kéo theo làn sóng biểu tình bài trừ hàng hóa Nhật của người dân nơi đây. Tuy nhiên, tổng doanh số bán hàng tại nước ngoài của Toyota vẫn tăng 19%, lên 7.33 triệu chiếc.
Kế hoạch trong năm 2013
Để hoàn thành kế hoạch 9.91 triệu chiếc trong năm nay, Toyota sẽ phải dựa chủ yếu vào nhu cầu tại Mỹ, với sự trợ giúp của đồng Yên yếu khiến sản phẩm của hãng này cạnh tranh hơn so với các mẫu xe Hyundai Motor, Hàn Quốc. Sự phục hồi ở Trung Quốc cũng có thể giúp đối phó với suy giảm ước tính trong nhu cầu tại Nhật Bản sau khi ưu đãi chính phủ hết hạn vào tháng 9.
“Toyota đã hoàn toàn phục hồi sau trận động đất và các thảm họa tự nhiên một năm trước đó”, Satoshi Yuzaki, tổng giám đốc Takagi Securities Co có trụ sở tại Tokyo cho biết. “Các hãng xe Nhật Bản, bao gồm cả Toyota sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường Mỹ có nhu cầu cực kỳ mạnh mẽ”.
Vào năm 2008, Toyota đã kết thúc 77 năm trị vì của GM với tư cách hãng xe hơi lớn nhất toàn cầu khi nắm giữ vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng doanh số và tiếp tục ngôi vương cho đến 2011 - năm ghi dấu bàn tay tàn phá của thiên nhiên tại Nhật Bản và Thái Lan làm quá trình sản xuất bị gián đoạn.
Những ngày đẹp trời
Khi Akio Toyoda trở thành chủ tịch Toyota vào tháng 6 năm 2009, công ty này đang rơi vào khủng hoảng sau tổn thất vượt mức và tụt hạng trong các đánh giá của Moody cũng như Standard&Poor. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ra sự sụt giảm 35% trong nhu cầu ôtô tại Mỹ, thị trường nước ngoài lớn nhất của Toyota. Các đơn hàng tăng trở lại trong năm 2012 khi kinh tế được hồi phục và công ty này tung ra các sản phẩm mới cũng như vực dậy từ gián đoạn sản xuất do thảm họa thiên nhiên.
Toyoda, cháu trai của người sáng lập tập đoàn Toyota đã tìm cách mở rộng sức hấp dẫn của thương hiệu này trên các mẫu xe bán chạy nhất như sedan Camry hay hybrid Prius bằng cách mang đến các trải nghiệm lái xe thú vị. Cùng với chính sách phát triển công nghệ cũng như thu hút nhân lực trẻ, những ngày đẹp trời dường như đã bắt đầu chiếu ánh nắng đến Toyota.
Corolla nâng cấp
Năm nay, Toyota sẽ giới thiệu Corolla sửa đổi, chiếc xe phổ biến thứ hai của hãng này tại Mỹ trong năm 2012 để cạnh tranh với VW Golf và Honda Civic.
Toyota cho biết công ty cũng sẽ làm việc với BMW tạo ra một chiếc xe thể thao cỡ vừa và thiết lập quan hệ đối tác để cùng phát triển hệ thống pin nhiên liệu, vật liệu trọng lượng nhẹ và pin Liti-không khí.
Đồng Yên yếu
Toyoda, ngoài cương vị người đứng đầu tập đoàn Toyota còn là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, cho biết trong tháng này rằng các công ty ô tô Nhật Bản đang “bắt đầu nhìn thấy ánh sáng” với đồng Yên. Khoảng 15 tháng trước đó, vị giám đốc điều hành 56 tuổi đã quá bi quan khi cảnh báo các hãng xe Nhật Bản có thể sụp đổ do sức nặng của đồng Yên mạnh – đã tăng lên mức kỷ lục sau chiến tranh.
Đồng Yên yếu - Chìa khóa vàng cho các hãng xe Nhật Bản.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhật Bản đã công bố một sự thay đổi để nới lỏng dự trữ liên bang theo phong cách mở. Và thủ tướng Shinzo Abe, người vừa nhậm chức tháng trước đã kêu gọi “chính sách tiền tệ táo bạo” để đánh bại giảm phát và hướng đồng Yên xuống mức thấp hơn. Kết quả, đồng Yên đã giảm hơn 5% trong tháng qua, mức giảm lớn nhất trong số 10 đồng tiền của các quốc gia phát triển được theo dõi bởi dữ liệu của Bloomberg.
Vào thứ hai, các đối thủ nội địa của Toyota là Nissan và Honda cũng đã báo cáo mức tăng trong doanh số toàn cầu tương ứng là 5.8% đạt 4.94 triệu chiếc và 19% đạt 3.82 triệu chiếc.
Ngọc Điệp (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá