Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:32
11:18 |
'Đại gia vườn' kể chuyện... cầm cố siêu xe
Không ít những chiếc siêu xe có giá vài đến hàng chục tỷ đồng của các ông chủ đã thành đồ cầm cố tại các salon ô tô.
>> Đại gia liêu xiêu vì… siêu xe
Cơn bĩ cực chưa nhìn thấy hồi thái lai
Hơn một năm nay, tôi mới có dịp gặp lại Nguyễn Đăng T., một đại gia nức tiếng của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sở hữu dáng người dong dỏng cao, gương mặt thư sinh với tài ăn nói hoạt bát, năng động trong cuộc sống cho nên khi chớm tuổi 40, T. đã có trong tay mọi thứ từ nhà cao cửa rộng, siêu xe và rất nhiều bất động sản. Trong công việc kinh doanh buôn bán, T. cũng là người khá thành công khi có trong tay nhiều quả đồi thuộc địa bàn huyện miền núi của Hà Nội.
Khu du lịch sinh thái của T. tổng giá trị ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng (bao gồm chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí hiện đại) cùng với rất nhiều đất đai được T. đầu tư, mua bán trước đó.
Vừa gặp mặt, T. thở dài ngao ngán: "Ở đời chẳng ai học được chữ ngờ ông ạ.Trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại phải rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, cơ cực như thế này. Điều đau đớn nhất là tôi có trong tay rất nhiều đất nhưng không thể đẩy đi thu hồi vốn vì giá cả hiện tại quá "bèo". Bán cũng như cho nên tôi không thể làm gì khác được, đành phải giữ lại đợi giá thôi".
Vừa nhâm nhi chén nước, T. kể tiếp: “Mọi việc tụt dốc bắt đầu từ cuối năm 2011, lúc này tôi đang đầu tư lượng tiền rất lớn vào khu du lịch sinh thái. Trong quá trình cải tạo cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi nhà hàng, khách sạn cùng các khâu dịch vụ liên hoàn, hiện đại khác cho khu sinh thái cho nên tôi đã đầu tư vài chục tỷ đồng để thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình với mục đích vừa kinh doanh vừa làm đẹp cho quê hương. Đến nay, tiền đầu tư chưa thu lại được thì bên cạnh đó là giá cả đất đai đóng băng khiến cho tôi điêu đứng.
Năm ngoái, vì cần tiền, tôi đã phải "đẩy" (tức bán - PV) vội 3 mảnh đất nhưng thu về cũng chưa được 3/4 số tiền đã đầu tư trước đó. Mọi việc chưa dừng lại, mọi chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình, tiền lương nhân viên làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, tiền duy tu, bảo trì hàng tháng tại khu du lịch như một gánh nặng khiến tôi ngày đêm lo nghĩ. Cuối cùng tôi cũng chọn được giải pháp tối ưu cho thời điểm hiện tại đó là mang cầm cố chiếc xe Lexus 470 tại một salon ô tô trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Điều buồn nhất đó là chiếc xe mới mua, tổng số tiền đăng ký, lệ phí trước bạ, bảo hiểm lên tới hơn 4 tỷ đồng nhưng nay mang đi cầm cố họ đánh giá chưa được một nửa. Ngoài sự chênh lệch, thiệt thòi về chất lượng xe, tôi phải chịu gánh nặng tiếp theo đó là khoản lãi hàng tháng phải trả cho họ cũng vào gần 110 triệu đồng (2.000 đồng/1triệu đồng/ngày). Nếu không nhanh chóng hoàn trả cả gốc lẫn lãi thì chẳng mấy chốc chiếc xe ... "đi ở" luôn". T. nói, giai đoạn khó khăn như hiện nay, đành phải chấp nhận kiểu "giật áo, vá vai" như vậy.
Cũng tương tự như T., đó là trường hợp của anh Trần Phúc H., một giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trong gần 15 năm đầu tư làm doanh nghiệp thì, 3 năm đầu anh H. đặt ra hẳn kế hoạch hoạt động sao cho hiệu quả và sớm thu hồi lại toàn bộ vốn đầu tư ban đầu.
Từ năm thứ tư trở đi sẽ để lại 30% số lợi nhuận ròng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Đang làm ăn phát đạt như diều gặp gio,á thì đùng một cái thị trường đi vào giai đoạn bão hoà, sức cạnh tranh giữa các công ty trong cùng lĩnh vực ngày càng lớn khiến doanh nghiệp của anh H. bước vào giai đoạn gặp khó khăn. Đỉnh điểm nhất, cách đây 1 - 2 năm để giữ đất, công ty anh H. lại đầu tư xây dựng thêm gần 5ha làm xưởng sản xuất cán tôn, mây tre công nghiệp. Xưởng mới đi vào vận hành, đầu ra còn chưa được mở rộng cộng với thời buổi kinh tế khó khăn khiến anh H. thường xuyên đau đầu, tìm cách giải bài toán tiền công lao động, duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Điều tất yếu phải đến, anh H. phải giao bán chiếc xe ô tô hạng sang đó là xe Audi Q7 với giá hơn 2,5 tỷ đồng. Sau đó chưa đầy 6 tháng sau, anh H. tiếp tục mang cầm cố chiếc BMV 750Li với giá 2 tỷ đồng nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp, đồng thời mong muốn sớm vượt qua được cơn bĩ cực.
Chẳng riêng gì anh T., anh H., mà qua tìm hiểu, PV Người Đưa Tin được biết, hiện tại có rất nhiều đại gia vì muốn duy trì hoạt động kinh doanh của mình nên đã phải làm mọi cách như mang đặt sổ đỏ, thế chấp nhà, cầm cố những chiếc siêu xe, ô tô hạng sang - được các ông chủ rất cưng chiều, ưa thích - lấy tiền trang trải các chi phí, sinh hoạt hàng ngày.
Xe sang được trưng bày, quảng cáo, bán ngoài thị trường (ảnh minh hoạ)
Hết tiền vẫn muốn giữ xe
Thông thường, khi mang xe đi cầm cố, tất cả các chủ xe đều mong muốn chuộc lại. Thế nhưng, có không ít trường hợp, vì khó khăn nên đành lực bất tòng tâm và chứng kiến cảnh con cưng của mình bị người ta đem thanh lý, bày bán nhằm thu hồi vốn cho vay.
Ông Nguyễn Trường Giang, một chủ salon ô tô ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Chưa bao giờ tình trạng cầm cố xe ô tô, đặc biệt là những dòng siêu xe như BMW, Audi, Lexus, Hummer, Porsche Cayenne, Acura lại diễn ra nhiều như một, hai năm vừa qua. Trung bình một tháng salon nhận cầm cố từ 3 - 4 chiếc xe hơi hạng sang có mức giá từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng. Điều dễ nhận thấy, tất cả những người mang xe đi cầm cố đều thể hiện tâm tư, hết thời hạn sẽ chuộc mang về.
Tuy nhiên, có một số trường hợp do khó khăn tài chính, bản thân họ cũng không thể "xoay" được tiền nên đành chịu, không chuộc xe được. Hay như trước đây cũng có trường hợp một số salon ô tô cho người đi cầm cố xe với giá cao, gần sát với xe bán ngoài thị trường (đối với xe đã qua sử dụng - PV) nên một vài chủ xe đã cân đối hơn, thiệt và cố tình cho xe mất luôn, không cần chuộc lại nữa. Sau này rút kinh nghiệm, các chủ salon ô tô chỉ cho vay với giá trị bằng một nửa hoặc 3/4 giá trị xe thực tế để "trói" người cầm xe quay lại trả tiền".
Đồng thời, ông Giang cũng cho biết thêm, ấn tượng mà ông nhớ nhất, đó là trường hợp, giám đốc của một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội. Do cần tiền, trước tết vừa qua khoảng 2 tháng, ông giám đốc này mang chiếc xe ô tô hiệu Meccedes S500 đời 2010 đến cầm với mức tiền là 1,2 tỷ đồng cùng với lời hứa sau 15 ngày sẽ đến chuộc lại. Đây là trường hợp "ngoại giao", thông qua người quen bảo lãnh nên tôi mới cho vay với mức lãi suất ưu đãi là 1.500 đồng/1triệu/ngày.
Thế nhưng đến nay, người này vẫn không có khả năng lấy lại xe. Khi tôi liên lạc thì thỉnh thoảng họ mới nghe máy cùng với lời nhắn, bằng mọi giá anh phải giữ lại xe cho em, đừng để người khác đi xe của em, vì chắc chắn em sẽ đến chuộc lại. Vừa qua tôi cũng đã đưa ra "tối hậu thư" với giám đốc này, rằng, nếu 15 ngày nữa không đến chuộc lại, tôi sẽ đem xe bán để thu hồi lại vốn.
Cùng chung quan điểm, anh Ngô Tất Thắng, chủ một hiệu salon ô tô trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội cho biết thêm: "Rất nhiều đại gia đến cầm cố xe đều nói chắc như đinh đóng cột là sẽ chuộc lại xe nhưng trong số đó có một số trường hợp để thời gian quá lâu, thậm chí có trường hợp để hơn 1 năm mới đến chuộc xe. Lúc đó, tính cả gốc lẫn lãi thì vượt quá cả giá trị của xe mới ngoài thị trường. Thông thường những trường hợp này đều do mối quen biết giới thiệu, bảo lãnh nên chúng tôi mới giữ xe lại, tính toán lãi suất sao cho hợp lý, vừa mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ người ta còn không đã giao bán từ lâu rồi.
Đối với những trường hợp lạ, hết thời hạn hợp đồng, một là họ gọi lại cho salon xin hoãn một thời gian, còn nếu không, cứ theo như hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, chúng tôi đơn phương chấm dứt, thanh lý hợp đồng để giao, bán xe thu hồi vốn.
Đa phần là xe cầm cố
Theo tìm hiểu chúng tôi thì, hiện tại một số tuyến phố chuyên bày bán ô tô như Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Xuân Thuỷ có bày bán một số siêu xe như BMV 750Li, Lexus IS250, Lexus 350RS, Audi Q7 có mức giá dao động từ 1,2 tỷ đến hơn 3 tỷ đồng tuỳ vào từng dòng xe và đời xe. Trong đó, đời cao nhất năm 2009 - 2010 đối với xe BMV, Lexus, Audi có mức giá từ 2 tỷ đến trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, đa phần trong số đó đều là xe cầm cố, ký gửi và rao bán do "đại gia vườn" khó khăn về tài chính.
Theo Quỳnh Chi - Phạm Thiệu (Nguoiduatin)
Ý kiến đánh giá