Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:34
08:46 |
Vay ngân hàng mua ôtô cũ: Đời xe là quyết định
Cuối năm, nhu cầu vay vốn mua xe thường tăng cao. Khi điều kiện tài chính chưa cho phép, hoặc do mục đích sử dụng, xe cũ là một lựa chọn. Nhưng, chọn được xe chưa hẳn đã “chọn” được vốn.
>> Ngày càng “nóng” thị trường ôtô second-hand
Đời xe đã sử dụng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới hạn mức và tính chủ động kỳ hạn vay, áp lực trả nợ.
Khoảng một năm trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại đã mở sản phẩm cho vay mua ôtô cũ. Nếu vay mua xe mới các điều kiện thuận lợi hơn đi cùng với việc chủ động hơn về hạn mức và kỳ hạn, thì với xe cũ lại khá phức tạp.
Xe càng cũ, kỳ hạn càng ngắn
Mùa tiêu dùng cuối năm nay, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay, khách hàng cá nhân là một hướng tập trung, đặc biệt ở khối cổ phần. Nguồn vốn khả dụng nhìn chung dồi dào, thanh khoản tốt, lãi suất khá mềm và tương đối ổn định so với nhiều năm qua là cơ hội cho người vay vốn mua xe.
Theo giới thiệu của nhiều ngân hàng thương mại, các điều kiện để vay mua xe cũ có vẻ đơn giản, đúng hơn là sơ lược, như có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng trở lên, thường giới hạn độ tuổi dưới 60, thời hạn vay tối đa 5 năm, hạn mức tới 75% giá trị xe (nếu dùng chính chiếc xe làm tài sản bảo đảm) hoặc tới 100% (nếu có thêm tài sản khác bảo đảm)…
Tuy nhiên, tiếp cận thực tế của VnEconomy cho thấy, việc vay vốn để mua xe cũ không đơn giản.
Điểm quan trọng nhất là đời xe, yếu tố ảnh hưởng lớn tới hạn mức và tính chủ động kỳ hạn vay, áp lực trả nợ.
Thông thường, các ngân hàng xác định thời gian khấu hao cho một chiếc ôtô từ 6 - 10 năm. Hiện phổ biến họ xác định tối đa là 6 năm làm căn cứ quyết định kỳ hạn cho vay. Giả sử, xe đời 2009, đã sử dụng 5 năm, kỳ hạn vay khó vượt quá 1 năm. Tương tự, các đời xe càng gần, kỳ hạn vay có thể càng dài.
Việc xác định đời xe quyết định kỳ hạn cho vay tối đa. Xe càng cũ, kỳ hạn càng ngắn và ảnh hưởng tới hạn mức được vay, gắn với năng lực trả nợ của khách hàng. Giả sử người mua xe cần vay 200 triệu đồng trong 3 năm, phù hợp với kế hoạch tài chính của mình, nhưng nếu chọn xe đời 2010, kỳ hạn tối đa chỉ được 2 năm, áp lực cân đối tài chính gắn với mức thu nhập của mình sẽ khác, thậm chí ngân hàng không cho vay đến 200 triệu đồng do năng lực trả nợ bị suy giảm khi kỳ hạn vay ngắn hơn dự tính.
Cụ thể, việc xây dựng hạn mức cho vay thường được ngân hàng tính toán trên cơ sở khung thu nhập mà khách hàng chứng minh được, được gọi là tỷ lệ nợ trên thu nhập, gắn với kỳ hạn đã xác định. Tỷ lệ này có thể khác nhau ở mỗi ngân hàng, song có thể tham khảo tương đối: nếu người có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, giới hạn tỷ lệ nợ trên thu nhập tối đa là 40%; trên 5 - 10 triệu đồng, giới hạn là 50%; trên 10 triệu đồng tối đa là 60%.
Theo giải thích của cán bộ tín dụng, áp tỷ lệ trên là quy định an toàn nội bộ của ngân hàng, cũng như hạn chế áp lực phá vỡ cân đối tài chính của khách vay. Nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, phần trả nợ (cả gốc và lãi) hàng tháng nếu vượt quá 5 triệu đồng có thể dẫn tới rủi ro, bởi phần còn lại họ còn phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Qua khảo sát cho thấy, khá nhiều khách hàng tin rằng, nếu có tài sản thế chấp giá trị lớn, vượt xa giá trị xe thì có thể vay được hạn mức cao. Tuy nhiên, cơ sở để ngân hàng quyết định hạn mức là năng lực trả nợ, gắn với mức thu nhập chứng minh được.
Với cấu trúc tương đối như vậy của khoản vay, đời xe càng sâu kỳ hạn vay được sẽ càng ngắn và sẽ hạn chế hạn mức vay khi khách hàng có thu nhập hạn chế. Ngoài ra, hạn mức vay còn được xác định theo giá trị xe, thường chỉ tối đa 70% giá trị theo ngân hàng định giá.
Lãi phổ biến từ 12 - 14%/năm
Cùng với cấu trúc khoản vay, cũng như với xe mới, hiện phương án trả nợ cũng khá đa dạng và linh hoạt.
Có phương án trả vốn gốc bình quân hàng tháng, hoặc định kỳ (thường 3 tháng một lần) cùng với lãi, áp lực lãi vay sẽ giảm về cuối kỳ (trong điều kiện lãi suất ổn định và tính theo dư nợ giảm dần). Có phương án nợ gốc được trả tăng dần về cuối kỳ vay, giúp khách hàng giảm bớt áp lực tài chính thời gian đầu khi vừa dồn lực cho khoản tiêu dùng lớn (một số ngân hàng cho cơ chế “khoan sức khách” khi chưa thu gốc và lãi trong một vài tháng đầu). Có phương án chia đều bình quân cả gốc và lãi cố định phải trả hàng tháng, gắn với mức lãi suất đã ấn định cho suốt kỳ vay.
Như trên, thời điểm này lãi suất cho vay mua ôtô tương đối hấp dẫn, phổ biến từ 12 - 14%/năm, không có sự phân biệt giữa xe cũ với xe mới, nhưng có khác biệt lớn giữa chính sách của mỗi ngân hàng.
Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đã tính lãi suất trên dư nợ giảm dần. Tuy nhiên vẫn có một số công ty tài chính hoặc ngân hàng nước ngoài tính trên vốn gốc dù thực tế dư nợ giảm dần. Cách tính lãi trên vốn gốc thường áp lãi suất có vẻ thấp, kỳ thực là một chi phí đắt đỏ, do khách hàng vẫn phải trả lãi cho phần vốn đã trả…
Nhiều ngân hàng đang giới thiệu chính sách ưu đãi lãi suất thời gian đầu (thường 1, 3, 6 đến 11 tháng) chỉ từ 5 - 9%/năm, nhưng người vay cũng cần dè chứng tình huống “mắc câu” với “lãi suất thị trường” sau thời gian ưu đãi.
Một số nơi có sản phẩm cho vay cố định lãi suất trong kỳ nhất định, thường dài hạn, như 11%/năm cố định trong 2 năm… Với sản phẩm này, người vay bỏ qua cơ hội lãi suất thị trường có thể giảm thấp trong tương lai, song lại chủ động được chi phí vay vốn và thường những mức lãi suất cố định đó hiện cũng tương đối dễ chịu.
Phổ biến hơn, với những khoản vay dài hạn, nhiều ngân hàng ấn định lãi suất cho năm đầu, năm tiếp theo được xác định bằng mức lãi suất huy động cao nhất trên biểu niêm yết của mình tại thời điểm điều chỉnh cộng với biên độ nhất định. Biên độ này có thể chỉ 2,5% - 3%/năm, nhưng hiện vẫn có ngân hàng áp tới 5% - 5,5%/năm riêng ở sản phẩm cho vay mua ôtô.
Theo Thái An (Vneconomy.vn)
Ý kiến đánh giá