Thứ Năm, 12/12/2024 | 23:51
10:52 |
Xe Pháp và khe cửa hẹp ở Việt Nam
Đều là những cái tên quen thuộc đối với người dân Việt Nam cách đây ngót một thế kỷ, liệu những Renault, Citroen hay Peugeot ở thời điểm hiện tại “có cửa” ở thị trường Việt?
>> Trường Hải phân phối độc quyền xe Peugeot tại Việt Nam
>> Những tiện nghi “xa hoa” trên Renault Latitude 2.0
>> Citroen chào năm mới bằng phiên bản DS3 đặc biệt
Quá khứ đã xa
Nói đến xe hơi ở Việt Nam của những năm đầu thế kỷ trước, người ta nhắc nhiều đến những cái tên như Renault, Citroen hay Peugeot. Trong kí ức của những người già đã sống qua 2 thế kỷ, xe ôtô Pháp thực sự là sản phẩm của sự sang trọng, quý phái, có thiết kế đẹp và cũng rất phổ dụng thời bấy giờ.
Xe Pháp từng một thời được nhiều người biết đến tại Việt Nam
Chúng ta còn nhớ Citroen Traction Avant một cái tên đại diện cho trường Phái cổ điển và sang trọng kiểu Pháp trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Chúng ta cũng nhớ tới những chiếc xe Peugeot gắn liền với chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cho đến nay, chúng vẫn còn đó như một minh chứng cho sự bền bỉ, cho cái đẹp, minh chứng cho sự xuất hiện và tồn tại của xe Pháp tại Việt Nam.
Vào khoảng năm 1939, dân chúng miền Nam đã quen dùng các sản phẩm của Pháp từ thời đô hộ nên các loại xe ôtô thường là các loại xe xuất xứ từ châu Âu, đặc biệt là từ Pháp. Đến giữa thập niên 60 với việc nhập cảng ồ ạt các loại xe gắn máy 2 bánh: Honda, Suzuki, Yamaha thì xe ôtô Nhật bản cũng chen chân vào thị trường Việt Nam. Xe do Pháp chế tạo đã không còn sức thu hút người tiêu dùng.
Những thương hiệu đã lùi xa vào quá khứ
Xe Pháp đã bị đứt quãng và vắng bóng tại Việt Nam trong một thời gian quá dài. Dường như sự sang trọng, mang nhiều nét truyền thống đã không còn cạnh tranh được với tính thực dụng, tiết kiệm nhiên liệu, giá cả hợp lý của những chiếc xe đến từ Nhật Bản.
Sự trở lại muộn màng
Sự trở lại chính thức của các thương hiệu xe Pháp mới chỉ được bắt đầu vào năm 2010, khi Công ty Auto Motors Vietnam thông báo về sự có mặt của thương hiệu Renault tại Việt Nam và khai trương đại lý ôtô chính thức đầu tiên của mình tại 68 đường Lê Văn Lương (Hà Nội).
Các mẫu xe hiện được Auto Motors Việt Nam phân phối chính thức tại Việt Nam là: Koleos, Fluence và Latitude.
Latitude đến Việt Nam khá muộn
Giải thích về sự có mặt muộn màng của hãng xe hơi có lịch sử 111 năm thành lập này, ông Xavier Casin, giám đốc điều hành của Auto Motors Việt Nam nói rằng, từ năm 2007, Jean Rouyer đã tiếp cận nhà sản xuất về vấn đề gia nhập thị trường Việt Nam nhưng ở thời điểm đó, Renault chưa có dòng xe phù hợp cho thị trường.
Sau khi Renault vào Việt Nam được một vài tháng, Citroen cũng trở lại Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu nguyên chiếc. Đơn vị nhập khẩu chính thức là công ty TNHH Ôtô Pháp có địa chỉ tại 153 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP Hồ Chí Minh. Mẫu xe đầu tiên được nhà nhập khẩu Ôtô Pháp đưa về là mẫu DS3.
Mới đây nhất, một hãng xe Pháp khác là Peugeot cũng đã đặt chân tới thị trường hơn 80 triệu dân. Nhưng cái cách mà Peugeot xâm nhập thị trường Việt khác nhiều so với 2 hãng đồng hương khi quyết định chọn một thương hiệu xe hơi mạnh tại đây để chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác phân phối.
Mới đây nhất, một hãng xe Pháp khác là Peugeot cũng đã đặt chân tới thị trường Việt
Cụ thể, nhà sản xuất, lắp ráp ôtô mang thương hiệu Việt Nam – THACO và hãng xe hơi đến từ Pháp Peugeot đã tiến hành lễ ký kết “Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất xe Peugeot CKD model đầu tiên vào cuối năm 2013 và thêm một model khác nữa vào năm 2014”, cùng đó là “Hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền xe du lịch Peugeot tại Việt Nam”.
Như vậy, một thị trường nhỏ như ở nước ta nhưng đã xuất hiện tới 3 thương hiệu xe hơi đến từ Pháp. Song, sự trở lại của họ vẫn được coi là một sự muộn màng khi các hãng xe Nhật, Đức, Mỹ và Hàn Quốc đã quá hiểu Việt Nam.
Ít cơ hội cạnh tranh
Sau hơn 2 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, thực tế cho thấy các hãng xe Pháp có rất ít cơ hội cạnh tranh tại thị trường này. Hãy nhìn vào cái cách mà Renault hay Citroen đã làm.
Thứ nhất, với vị thế của “kẻ đến sau”, Renault va Citroen sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hiểu được tâm lý, cách tiêu dùng của khách hàng Việt. Nếu không hiểu “địa phương”, họ khó lòng mà hoạch định tốt được kế hoạch cũng như đưa ra những dòng sản phẩm phù hợp. Và khi có cơ hội nhìn ra thì các hãng kinh doanh lâu năm tại đây đã đi trước họ rồi.
Xe Pháp không có nhiều cơ hội cạnh tranh tại thị trường Việt Nam
Thứ hai, nhìn chung các hãng xe Pháp đều định vị những dòng sản phẩm cao cấp, hướng tới một số đối tượng khách hàng nhất định. Do đó, khi số khách hàng này cạn nguồn tiền, họ gần như không biết bán sản phẩm cho ai. Koleos, Fluence, Latitude của Renault hay DS3 của Citroen đều có giá cao hơn các đối thủ cùng phân khúc do chúng đều là các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc. Xét về giá, xe Pháp thua xe Nhật, Hàn hay Mỹ. Nhưng xét về độ sang trọng, xe Pháp lại “chưa tới” nếu so với các hãng xe sang đến từ Đức như Mercedes-Benz, BMW, Audi hay Porsche.
Thứ ba, điểm chung của các hãng xe Pháp tại Việt Nam là quá ít dòng sản phẩm và quá ít phân khúc để người tiêu dùng lựa chọn. 3 sản phẩm của Renault, 1 sản phẩm của Citroen hay sắp tới là 1 đến 2 sản phẩm của Peugeot không đủ để hướng tới nhiều đối tượng khách hàng ở Việt Nam – những người vốn đã được các hãng xe khác cho họ quá nhiều sự lựa chọn ở mọi phân khúc, giá thành, kiểu dáng hay chất lượng.
Cách làm mới của Peugeot khi vào Việt Nam liệu có thành công?
Thương hiệu chưa đủ mạnh, ít dòng sản phẩm, giá cao. Đó là những lí do xe Pháp khó cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, tính đến thời điểm này. Hai hãng xe Pháp đã vào Việt Nam và chưa thu được nhiều thành công, người ta đang chờ vào cách làm mới của hãng xe còn lại – Peugeot. Việc liên doanh, chuyển giao công nghệ để lắp ráp sản phẩm dưới dạng CKD cũng mới chỉ ở dạng kế hoạch, tương lai của Peugeot ở dải đất hình chữ S ra sao thì vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá