Chủ Nhật, 13/10/2024 | 18:32
15:00 |
Công nghiệp ôtô: Tiến thoái lưỡng nan
Thời gian gần đây, trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có những tranh luận khá gay gắt về việc tồn tại hay không tồn tại? Tồn tại bằng cách nào? Lắp ráp hay nhập xe nguyên chiếc về bán kiếm lời?
Tới nay, ngành công nghiệp ôtô đã đi qua chặng đường chừng 25 năm, nhưng hầu như bất ngờ khi nó lại rơi vào tình trạng như một người đứng giữa ngã ba đường tiến thoái lưỡng nan. Việc phát triển công nghiệp ôtô hay một thị trường xe giá rẻ vẫn là điều xa vời, dù thời hạn 2018 - khi thị trường trong nước phải mở cửa với thuế nhập khẩu 0% - đã rất gần.
Tỉ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp ôtô Việt Nam gặp khó khăn
Cách đây chưa lâu, lãnh đạo liên doanh Toyota Việt Nam khi cân nhắc bài toán nhập linh kiện lắp ráp hay chỉ đơn thuần "đi buôn” xe tại thị trường Việt Nam - đã cho rằng nếu tổ chức lắp ráp thì cần có một hệ thống công nghiệp phụ trợ mạnh, tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành..., mà điều đó thì Việt Nam chưa có. Theo đại diện Toyota Việt Nam, muốn phát triển công nghiệp ôtô thì Việt Nam phải áp dụng những chính sách mới, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, sự hỗ trợ đó không phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng trong WTO, do các Chính phủ không được phép hỗ trợ trực tiếp về giá đối với sản phẩm của mình mà phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Cần lưu ý rằng, 3 năm tới là thời gian Việt Nam phải thực hiện đầy đủ hầu hết cam kết cắt giảm tối đa thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng từ các nước trong khu vực và thế giới. Những cam kết này không chỉ nằm trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ký năm 2007, mà còn liên quan tới các hiệp định trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN-Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc, cũng như các cam kết đa phương khác.
Như vậy, theo giới chuyên gia, với mức thuế cắt giảm lớn, 2018-2019 là thời điểm quyết định số phận của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, khi không còn tấm bùa hộ mệnh là hàng rào thuế quan. Người ta gọi đó là "ngày phán xét” với ngành công nghiệp này. Do đó, sự cân nhắc của Toyota (và không chỉ Toyota) là điều dễ hiểu và ý kiến của Toyota Việt Nam phải được coi như một cảnh báo
Tuy nhiên, chưa cần đợi đến thời điểm 2018-2019, ngay năm sau thôi (2016) tình hình cũng đã biến động mạnh. Theo đó, từ 2016, thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN còn 40%. Thời gian đã qua 25 năm, tuy nhiên chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đề ra mục tiêu đưa công nghiệp ôtô trở thành ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế đất nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu về xe trong nước vào năm 2030 xem ra đang bước vào thời điểm bước ngoặt. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp lĩnh vực này đã tính tới việc bỏ sản xuất chuyển sang nhập khẩu vì khả năng thu lợi cao hơn.
Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% thì chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonessia từ 20-30% khiến xe sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu. Do đó, để đầu tư mở rộng sản xuất là một bài toán khó. Trong khi với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như đang áp dụng, giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương chỉ chênh lệch nhau khoảng 5%.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn ôtô Trường Hải cho rằng, lộ trình giảm thuế theo cam kết gia nhập AFTA với ôtô đang đến gần, vì vậy cần sớm đưa ra định hướng cho nhà sản xuất. Mục tiêu của phát triển công nghiệp ôtô là đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, do đó phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các DN lắp ráp ôtô. Không có lắp ráp thì không thể có sản xuất linh kiện. "Nếu doanh nghiệp thấy lắp ráp không hiệu quả bỏ đi thì mọi chiến lược hay quy hoạch đều chấm hết” theo ông Dương. Điều này trái ngược với chiến lược "kiếm lời” của một số doanh nghiệp, nói như ông Brett Wheatley- Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị bán hàng và dịch vụ của Ford châu Á Thái Bình Dương thì cách lựa chọn tốt nhất để chiếm lĩnh thị trường là nhập xe nguyên về phân phối.
Tự sản xuất hay đi buôn? Câu hỏi đó đang là nỗi băn khoăn của nhiều doanh nghiệp ôtô trong nước (kể cả doanh nghiệp FDI). Một câu hỏi khác: Tương lai nào cho công nghiệp ôtô Việt Nam trong vòng 3-4 năm nữa? Trước hết, giá ôtô sẽ giảm khi thuế nhập khẩu về "0”; tuy nhiên điều đó cũng còn phụ thuộc vào việc điều tiết số lượng nhập khẩu nhằm phù hợp với hạ tầng giao thông trong nước. Theo TS Phan Ngọc Minh (Nhật Bản) thì thị trường ôtô lớn hơn với nhiều người sở hữu và sử dụng ôtô hơn cũng có nghĩa là nguồn thu từ thuế và phí sẽ tăng lên, dù mức thu có hạ đi. Điều này sẽ giúp Chính phủ có thêm kinh phí để phát triển hạ tầng cơ sở, đồng thời cũng hấp dẫn khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thu phí như đường cao tốc, hầm, cầu, bãi đỗ… Cơ sở hạ tầng phát triển hơn sẽ tác động ngược trở lại làm tăng nhu cầu sử dụng ôtô, giúp tăng sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Chính vì sự tiến thoái lưỡng nan trong tình thế đứng trước ngã ba đường, nên tại buổi đối thoại do Bộ Công thương tổ chức chiều 27-4 đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nói như Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thì "tới đây chúng ta rất cần đối tác chiến lược có tầm vóc, quy mô về công nghệ, thị trường, tài chính để phát triển”. Còn theo Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - Matura, nếu Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách thuế, phí thì thị trường mới phát triển như mong đợi.
Theo Đỗ Ngọc Quang (daidoanket)
Ý kiến đánh giá