Thứ Sáu, 04/10/2024 | 05:59
07:30 |
Thử phanh ABS trên “siêu xe tay ga” Vespa 946
Vespa 946 là dòng scooter chính hãng đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống ABS, giúp người điều khiển hạn chế được những tình huống xấu xảy ra khi phanh bị bó cứng.
Vespa 946 lần đầu xuất hiện trước công chúng tại triển lãm EICMA 2011 dưới tên gọi Quarantasei concept. “Quarantasei” trong tiếng Ý có nghĩa là “46”, ý chỉ năm 1946, khi Vespa lần đầu sản xuất xe tay ga. Vespa 946 mang những đường nét mềm mại được định hình từ nguyên mẫu xe MP6 phiên bản 1945, với kiểu dáng ong bầu làm chủ đạo của tất cả xe Vespa. Điểm nổi bật nhất trong thiết kế của xe Vespa 946 là thân sau nghiêng hẳn về phía trước, yên dốc và đuôi vểnh đúng như đuôi ong bầu.
Vespa 946.
Những chi tiết được chế tạo thủ công “Made in Italy” càng làm cho Vespa 946 trở nên độc đáo và tinh xảo hơn bất cứ chiếc xe nào khác. Khung thép được lắp ráp với 320 điểm mối hàn, từng chi tiết bằng nhôm được gắn thủ công lên khung thép và những chi tiết được chế tác thủ công như nắm tay lái được khâu bằng tay một cách tỉ mỉ.
Không chỉ có tính nghệ thuật cao, Piaggio còn đem đến cho các khách hàng cảm giác an tâm mỗi khi cầm lái Vespa 946 thông qua hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và chống trượt/kiểm soát lực kéo (ASR).
Vespa 946 được áp dụng 2 trang bị an toàn hàng đầu là hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và chống trượt (ASR).
Tại Việt Nam, hệ thống chống bó cứng phanh (Anti-lock Braking System) không còn quá xa lạ đối với những người sử dụng xe hơi và các dòng mô-tô cao cấp. Nó được coi như là một trang bị an toàn tiêu chuẩn bắt buộc trong một vài năm trở lại đây. Thế nhưng, với những chiếc scooter thì đây còn là khái niệm hoàn toàn mới lạ. Và Vespa 946 chính là dòng xe chính hãng tiên phong áp dụng công nghệ ABS đang ngày càng phổ biến.
Ở Vespa 946, công nghệ ABS được trang bị trên cả hai bánh trước và sau, hoạt động theo nguyên lý nhấp thả phanh thông thường nhưng có tần suất và độ chính xác rất cao. Hệ thống này bao gồm bộ phận cảm biến, bộ điều khiển trung tâm (ECU), mạch thuỷ lực (HCU) và các van điện từ.
Cảm biến đo tốc độ và đĩa tín hiệu trên bánh trước Vespa 946.
Mỗi bánh xe sẽ được gắn một cảm biến có nhiệm so sánh tốc độ của bánh xe và tốc độ của xe rồi gửi lên bộ điều khiển trung tâm ECU để phân tích. Nếu phát hiện có một trong hai bánh xe bị giảm tốc đột ngột so với tốc độ của xe, ECU sẽ điều khiển mạch thuỷ lực (HCU) thông qua các van điện từ, van này sẽ ngừng tiếp nhận lực phanh cứng từ tay lái và tự động hiệu chỉnh, tối ưu hoá lực phanh giúp cho bánh xe không bị khoá cứng dẫn đến hiện tượng trượt ngã.
Sự khác nhau giữa có và không có hệ thống chống bó cứng phanh (ABS).
Với vai trò quan trọng như vậy, hệ thống ABS trên Vespa 946 sẽ không thể tắt được và luôn luôn hoạt động khi tốc độ của xe trên 5 km/h. Đèn cảnh báo ABS trên mặt đồng hồ sẽ sáng khi chưa được kích hoạt và tắt khi đi vào hoạt động. Đối với trường hợp hệ thống ABS bị lỗi, đèn cảnh báo sẽ luôn sáng và hệ thống phanh vẫn giữ được các đặc tính của phanh thông thường. Tuy nhiên, người hướng dẫn của Piaggio cũng cảnh báo về trường hợp nhiều khách hàng dùng khoá đĩa nhưng quên tháo ra khi di chuyển, làm cho bộ phận cảm biến và đĩa phanh hư hại, ảnh hưởng đến hệ thống ABS.
Hệ thống chống trượt (ASR) có vai trò phát hiện chênh lệch tốc độ giữa 2 bánh xe (nhất là khi vào cua).
Một hệ thống an toàn khác đáng được nhắc đến trên Vespa 946 nữa đó chính là chống trượt (ASR). Hệ thống này có đôi chút khác biệt so với ABS khi sử dụng kết hợp cả 2 cảm biến và có thể tắt được bằng cách giữ nút khởi động trong 3 giây sau khi đã nổ máy. Nó có vai trò phát hiện chênh lệch tốc độ giữa 2 bánh xe (nhất là khi vào cua), khi mức chênh quá lớn, trung tâm điều khiển sẽ phát hiện và giảm lực mô-men xoắn gửi đến bánh sau thông qua điều chỉnh kim phun xăng. Do đó, người lái sẽ hạn chế được rủi ro ngay cả trên mặt trường trơn trượt.
- Đập thùng “siêu tay ga” Piaggio Vespa 946 Emporio Armani tại Việt Nam
- Vespa 946 chính thức ra mắt, giá 340 triệu đồng
Thế Anh (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá