21:59  | 

Hành trình chinh phục Himalaya của một người Việt trẻ (Kì 4)

Hành trình này chúng tôi đã thực hiện từ cách đây tròn nửa năm. Nửa năm qua, chẳng quá ngắn cũng chẳng quá dài, đủ để quên những thứ cần quên, và không bao giờ đủ để xóa nhòa những ký ức cần nhớ.

Kì 1: Giấc mơ và sự ám ảnh

Kì 2: Trên bầu trời Himalaya

Kì 3: Thị trấn Lukla

Kì 4: Đường trek đến Namche Bazaar

Từ Phakding đến Namche Bazaar

Đêm qua, nhiệt độ ngoài trời phải dưới 0 độ C.

6h30 sáng, tôi ra ngoài đánh răng rửa mặt và thấy những mảng băng mỏng manh vương trên cỏ, trên lối đi và cả trên những bụi cây lùn. Nước rửa mặt lạnh cóng, khiến đôi tay tôi thò ra rồi rụt lại ngay lập tức. Táp nước lên mặt mà có cảm tưởng 1 bọc kim thi nhau châm chích. Rùng mình.

Hôm nay là một ngày trek dài. Quãng đường trek dự kiến đến Namche Bazaar mất khoảng 6-7 tiếng, trong đó 3 tiếng cuối được cảnh báo sẽ chỉ toàn lên dốc. Chúng tôi sẽ phải đi từ độ cao 2600m ở Phakding đến 3400m ở Namche Bazaar.

8h sáng, chúng tôi bước ra ngoài khởi hành và lần lượt đi qua những cánh rừng thông, những ngôi làng nhỏ dọc sông Dudk Kosi, qua những vườn táo lúc lỉu quả, qua những con dốc mệt nhoài đôi chân. Trên những ngọn đồi, người ta canh tác và trồng kín lúa mạch, khoai tây. Hàng trăm dải cờ phiến cầu nguyện được giăng dọc triền đồi, những tu viện cổ hay bên cạnh những phiến đá cầu nguyện trên những đèo cao.

Dọc đường đi, chúng tôi phải qua 4-5 cây cầu sắt vắt qua hai bờ của con sông uốn lượn như một con rắn khồng lồ lấp lánh vẩy bạc. Những cây cầu được Chính phủ một vài nước phương Tây hỗ trợ xây dựng đã giúp giảm thiểu rất nhiều khó khăn và nguy hiểm khi đi qua dòng nước chảy xiết. Cảm giác dập dềnh khi chiếc cầu rung lên bởi sự cộng hưởng của nhiều nhịp chân, cảm giác hun hút khi nhìn xuống dòng chảy hung dữ của con sông Kosi phía dưới, hay cảm giác sờ sợ xen lẫn thích thú lúc nép mình nhường đường cho từng đàn bò Yak đi qua là những kỷ niệm không thể quên đối với tôi. Những cây cầu vắt vẻo trên cao treo đầy cờ phiến ấy đã trở thành một nét đặc trưng khó lẫn của các cung đường trekking tại Nepal.

Những cây cầu treo vắt vẻo ở trên cao

Quãng đường từ Phakding đến Namche Bazaar có lẽ là đoạn đường nhộn nhịp nhất của vùng Solu Khumbu. Ngoài dân trek chiếm số lượng lớn, còn là porter với những bọc đồ to gấp đôi người họ trên lưng, là những vị tu hành áo choàng đỏ, và không thể thiếu từng đàn bò Yak đông đúc chở những túi hành lý hoặc thực phẩm đủng đỉnh đi lại, vãi phân đầy đường. Với những kẻ mải mê săn bắt con nghệ thuật cứ dán mắt vào những khung cảnh khi thì hùng vĩ khi thì nên thơ dọc đường, rất có thể sẽ gặp tai nạn khi trek bởi nguy cơ vấp ngã và dẫm phải phân bò yak. Phân bò yak phơi khô là một nguyên liệu để đốt rất phổ biến ở những vùng cao lạnh giá thế này, giống y như bên Tây Tạng.

Trên đường trek

Trước khi chạm cửa ngõ Namche Bazaar, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng Everest lấp ló từ phía xa, ẩn hiện mờ ảo qua những mảng mây nhạt. Người Tây Tạng gọi nó là Chomolungma, phương Tây gọi Everest, còn đối với người Sherpa, họ gọi đỉnh núi cao nhất thế giới này bằng cái tên đầy kính nể và trìu mến: Sagamathar, tức Goddest of the sky - Vị nữ thần của bầu trời. Nàng đẹp, lạnh lùng, kiêu sa, và chỉ có những kẻ gan góc nhất với một trái tim phóng khoáng và tâm hồn rộng mở nhất mới có thể chinh phục.

Đôi khi tôi cũng thắc mắc tại sao núi (Mountain) - một thứ gồ ghề, gai góc, xù xì, cao lớn lại được gần như mọi dân tộc, mọi nền văn hóa cùng đặt trong 1 quy chuẩn là giống cái. Phải chăng vì vẻ đẹp khó cưỡng, vì sự thay đổi tính nết khó lường, vì mang đến những cảm giác chinh phục và chiến thắng?

Hơn 3h chiều chúng tôi mới chạm cửa ngõ Namche Bazaar sau rất nhiều dốc nối tiếp dốc.

Namche Bazaar - “Vương quốc” của tộc người Sherpa

Namche Bazaar là thủ phủ hành chính của khu vực Solu Khumbu, đồng thời cũng là “vương quốc” của tộc người Sherpa. Trước đây, nó đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa với Tây Tạng và phiên chợ ngày thứ 7 vẫn luôn thu hút rất nhiều người dân từ những vùng xa xôi đến trao đổi buôn bán, cũng như khách du lịch đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu.

Nhiều người nước ngoài vẫn thường nhầm tưởng người Nepal đều là Sherpa, nhưng thực ra chỉ có khoảng hơn 20.000 người Sherpa trên toàn Nepal (so với dân số khoảng 30 triệu người). 4-5 thế kỷ trước đây, người Sherpa từ Tây Tạng đã di cư xuống phía Nam, và giờ đây làng của người Sherpa nằm rải rác quanh dãy Himalaya ở phía đông Nepal, trong đó tập trung đông nhất là ở Khumbu với thủ phủ là Namche Bazaar. Những nơi này hoàn toàn không có dấu vết của những vệt bánh xe hay bất cứ phương tiện đi lại trên đường nào. Ngoại trừ máy bay trực thăng, tất cả sự di chuyển – vận chuyển đều dựa vào đôi chân lầm lụi của con người và gia súc.

 Đất của người Sherpa

Thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá, địa hình hiểm trở, dốc cao đã khiến cho nông nghiệp kém phát triển tại khu vực này. Người dân ở đây từ xưa sống chủ yếu bằng việc giao thương với Ấn Độ, Tây Tạng và nuôi bò yak. Tuy thế, mọi sự thay đổi kể từ sau khi Everest được công bố là ngọn núi cao nhất thế giới vào cuối thế kỷ 19. Năm 1921, Anh quốc dẫn đoàn thám hiểm Everest đầu tiên đặt chân đến đây và phát hiện ra họ có thể thuê người Sherpa trợ giúp đắc lực cho chuyến đi do sự thích nghi cơ thể đặc biệt, sự chăm chỉ, thông minh, can đảm và lành tính của họ. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với người dân và cuộc sống vùng Solu Khumbu.

Hai thập kỷ gần đây, sau khi Nepal mở cửa lại vào năm 1949, kinh tế và văn hóa ở khu vực Khumbu đã dần dần gắn liền với sự xuất hiện của những người leo núi và thám hiểm. Người ta ước tính hàng năm có khoảng gần 20,000 khách đến khu vực này. Những người Sherpa có nhiều kinh nghiệm leo núi, đặc biệt là những ai đã lên được Everest và các đỉnh cao khác, được kính trọng và có thu nhập tốt.

Với một chuyến leo Everest trong 2 tháng, một người Sherpa có kinh nghiệm và kỹ năng tốt có thể kiếm được khoảng 3-4000USD (Chi phí leo Everest cho 1 khách khoảng 75.000-100.000USD; 1 đoàn leo sẽ cần từ 6-10 Sherpas) – một khoản vô cùng hấp dẫn so với thu nhập bình quân đầu người chỉ 458USD/năm tại Nepal.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Thu nhập cao đồng nghĩa với nguy hiểm lớn. Năm 1922 trong lần thám hiểm thứ 2 của đoàn Anh quốc tại Everest, 7 người Sherpas đã bị chết trong 1 trận lở tuyết. Tính trung bình, số người Sherpa thiệt mạng chiếm khoảng 1/3 các vụ thương vong từ trước đến nay ở Everest. Thế nhưng bất chấp hiểm nguy, người ta vẫn cạnh tranh nhau để có suất đi trong bất kỳ 1 đoàn thám hiểm Everest nào.

"Sau này con sẽ leo Everest"

“Nghề” leo núi cũng trở thành nghề “hot” nhất tại đây. Những người đàn ông trưởng thành và kinh nghiệm sẽ truyền lại các kỹ năng cho con cháu họ. Lớn lên chút nữa, chúng sẽ mong muốn có 1 suất trong trường đào tạo về các kỹ năng leo núi (Khumbu Climbing School). Tại đây, người ta sẽ dạy mọi điều cần thiết để trở thành 1 người hướng dẫn/ phụ việc chuyên nghiệp. Người Sherpa đã có những tố chất thiên bẩm trong việc chinh phục những đỉnh cao khắc nghiệt nhất, cái họ thiếu chỉ là kỹ năng và những chỉ dẫn để bảo đảm an toàn hơn cho bản thân, đồng đội và khách hàng của mình. Yếu tố tiền bạc quan trọng với họ, song tôi cảm thấy cái căn nguyên lớn hơn là tình yêu thuần khiết với mảnh đất họ sinh ra, nơi những đỉnh núi được tôn kính như những vị thần. Đối với họ, đó còn là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc, giữ gìn và tiếp nối những truyền thống đáng được kính trọng từ cha ông để lại.

Sự đổi thay ở Namche Bazaar

Giao thương và sự góp mặt của dân leo núi từ khắp nơi trên thế giới đã mang tới ngoại tệ và cho Namche Bazaar 1 bộ mặt khác. Nhiều nhà trọ, quán ăn, cửa hàng mọc lên khắp nơi ở đây. Tivi rồi internet cũng xuất hiện. Người ta cũng dần dần thay thế các bộ quần áo truyền thống bằng những bộ quần áo tiện dụng của phương Tây.

Sự thay đổi về văn hóa, môi trường không khiến cho người dân ở đây phiền lòng. Tiền mặt từ các nhà leo núi; tiền trợ giúp từ các tổ chức cứu trợ do các nhà leo núi đứng sau đã giúp xây dựng và mở rộng trường học, bệnh viện, xây cầu, mang điện và văn minh đến cho khu vực này.

Namche Bazaar cũng là nơi cuối cùng có thể “tận hưởng” sự tiện nghi như máy rút tiền, quầy đổi tiền, các tiệm ăn tây… trước khi bước vào những vùng xa xôi hẻo lánh với những điều kiện ăn ở hết sức cơ bản.

Một góc Namche Bazaar

Chúng tôi tiến gần hơn vào trung tâm Namche Bazaar, có thể thấy rõ sự tấp nập và đông vui diễn ra quanh đây. Hàng quán, café, bar san sát, đâu đó vang lên tiếng nhạc cầu nguyện réo rắt lẫn với những hit mới nhất của nhạc quốc tế. Namche Bazaar cũng là nơi cuối cùng để dân trek tút tát lại đồ đạc của mình chuẩn bị cho chuyến đi. Tuy nhiên so với giá cả ở khu Thamel tại Kathmandu thì ở đây cũng chẳng rẻ hơn là bao.

Dân tình có thể tìm thấy hầu hết các dụng cụ đồ đạc từ các thương hiệu đồ outdoor nổi tiếng thế giới như The North Face, Marmot, Millet, Mountain Hardware, Jack Woflskin, Lafuma... Tuy đa số không phải hàng chính hãng nhưng được gia công lại bằng các chất liệu ngoại nhập. Các đồ này chỉ dành cho đa số dân trek thông thường. Còn đối với những chuyến thám hiểm tại những nơi có địa hình lạnh giá và hiểm trở, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt nhất về thiết bị dụng cụ, thì đồ Authentic vẫn là lựa chọn duy nhất và bắt buộc. Có đi đến những nơi khắc nghiệt tận cùng ấy mới thấy rõ giá trị của đồ chính hãng với những công nghệ tân tiến là thế nào. Đôi khi, đó là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của chuyến đi.

Namche Bazaar nhìn từ guest house của chúng tôi

Đường sá ở Namche Bazaar là những con dốc ngược. Từ trung tâm leo lên nhà nghỉ của chúng tôi cũng khiến mấy đứa thở hồng hộc, kêu thấu trời. Bù lại, từ đó có thể quan sát được toàn bộ thị trấn trong một vòng cung tuyệt đẹp. Ba đứa lại ở một phòng, mỗi đứa một góc nằm quấn chăn nghỉ ngơi chờ ăn tối. Một ngày sắp qua đi.

Xem tiếp Kì 5: Sốc độ cao ở Tengboche

Rosy (Theo PL&XH)Ảnh: rOsy

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm