Chủ Nhật, 24/11/2024 | 14:09
07:55 |
Diện kiến cao thủ sửa xe cổ đất Hà thành
Nếu nhắc đến những thợ sửa xe cổ đất Hà thành thì ông cũng được xếp vào hạng cao thủ. Những nghệ danh được dân chơi xe cổ gọi vui như “Bác sỹ chuyên đỡ những ca khó đẻ”, “Nguội Nguyên, điện Chiến” chính là gọi ông – người thợ sửa xe già Lê Hoàng Chiến.
Cuộc đời gắn với những chiếc xe
Tôi gặp người thợ sửa xe già Lê Hoàng Chiến khi ông đang sống với cái sự ngổn ngang. Ngổn ngang vì đã mất xưởng, đồ sửa chữa xe đang phải gửi tại nhà một người bạn. Ngổn ngang vì vợ ông đang trong cơn bạo bệnh, vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Ông Chiến đang ngổn ngang với cuộc sống nhưng vẫn dành thời gian nói chuyện về xe
Song, chẳng vì thế mà ở ông mất đi cái sự nhiệt tình. Thâm niên gần 50 năm cầm cờ-lê, từng vào Nam, ra Bắc, từng gặp đủ va vấp khiến ông điềm tĩnh hơn trong mọi chuyện. Khi tôi đặt vấn đề muốn hỏi chuyện ông về nghề, về xe cổ, ông vui vẻ mở lòng, dù rằng, tôi biết, trong ông vẫn canh cánh những nỗi lo.
Trong làn khói đậm mùi và khen khét của điếu thuốc Thăng Long đang cháy dở trên tay, ông bắt đầu câu chuyện: “Tôi không dám nhận mình là bậc tiền bối hay cao thủ gì trong các anh em sửa xe cổ. Chỉ đơn giản tôi yêu nghề, có thâm niên về nghề và được nhiều anh em biết tới, thế thôi”.
Ông Chiến nói: “Cuộc đời tôi hình như sinh ra đã gắn với những chiếc xe rồi. Tự nhiên thích cầm cờ-lê, thích cái mùi dầu mỡ, và cái nghiệp này đó đeo đẳng mình đến giờ. Ngay từ lúc 12 – 13 tuổi, trong khi chúng bạn thích chơi quay, chơi cù, mê mẩn với cá chọi, tắm hồ thì tôi đã thích xe. Nhìn thấy cái ôtô chạy qua là xốn xang”.
Cuộc đời ông gắn với những chiếc xe
Nhà ông Chiến ở phố Thụy Khuê, gần Xí nghiệp Xe điện Hà Nội lúc đó, nhưng hàng ngày ông vẫn đi bộ ra tận bến Nứa (Long Biên) quay bễ quạt xe cho mấy chú taxi. Taxi hồi đó là những Citroën Traction Avant, và cũng chính chúng làm ông nhập tâm các từ kĩ thuật từ đó, ham mê xe cộ từ đó. Mấy chú lái taxi thấy một cậu nhóc suốt ngày mặt mũi lấm lem vì bụi than khi kéo bễ, luôn miệng hỏi bộ phận nọ, bộ phận kia đâm ra quý, có khi chở miễn phí cậu bé sang tận quê ngoại ở Bắc Ninh.
Ngoài những lúc có mặt tại bến taxi, cậu bé Chiến hồi đó còn dành phần lớn thời gian đến đội xe của cơ quan bố làm quen với các chú lái xe để lân la xem chữa xe và học nghề. Ông Chiến nhớ nhất người lái xe mà đến giờ ông vẫn thân thuộc gọi “chú Hải Long”. “Tôi nhớ như in hồi đó chú Long lái chiếc xe Robur 2 cầu của CHDC Đức. Cứ sáng ra, tôi sang xưởng quay dầu và lau kính cho xe. Đi học về, lại sang, hễ thấy xe chiếc xe đỗ ở bãi là chui xuống gầm quan sát các bộ phận. Chú Hải Long thấy thế quý, buổi tối rủ ra nhà chơi ở tập thể sơ tán kể chuyện về ôtô, cho mấy cuốn sách vẽ hình ôtô” – ông Chiến kể.
Với cái đầu thông minh, 15 tuổi, ông Chiến đã ra khu phế liệu Đại La, mua xác máy cũ về mày mò, tìm hiểu. Từ cái xác máy của Anh, ông lôi về dóng lại, cái động cơ bỏ đi ấy được ông biến thành một chiếc môtơ dùng làm máy bơm, máy hàn khiến ai cũng phải kinh ngạc. Cũng từ một cái xác xe máy Motobecane 155 được một người chú cho tiền mua, ông đem về tự sửa động cơ, lắp thêm các chi tiết nhặt nhạnh được và làm nó “sống lại”. Chiếc xe đó, sau này gắn bó với ông đến tận những năm 87, 88.
Ông Chiến có thể sửa những chiếc Peugeot, Mobylette, Vespa từ khi còn nhỏ
Khi còn học lớp 8 tại trường Chu Văn An, ông Chiến đã cùng thầy giáo của mình “đánh liều” tháo động cơ đang bị hỏng nằm trong chiếc xe ôtô Peugeot 101 của thầy Hiệu trưởng ra, mang lên phòng máy nổ để sửa. Lắp động cơ vào, xe chạy ngon lành khiến chính thây hiệu trưởng cũng phải bất ngờ. Cũng trong thời gian đó, ông Chiến là “chuyên gia” sửa gạt nước cho mấy chiếc xe tải của một đơn vị quân đội gần đó. Môtơ gạt nước bị hỏng, ông mang về sửa, khi lắp vào chạy vù vù.
Ông Chiến làm nghề, mê nghề từ bé đến bây giờ. Mê đến nỗi ngủ còn nằm mê làm máy, người nhà bảo thấy ngủ mà mồm cứ kêu ùng ục như tiếng nổ của động cơ xe. Cái niềm đam mê của cậu bé Chiến được nuôi dưỡng từ những câu chuyện giản dị như thế và khi lớn lên, ông thành một người thợ sửa xe yêu nghề, giỏi nghề cũng vì thế.
Thầy là những cuốn sách
Ông Chiến là người cực kì mê đọc sách, và thật ngạc nhiên, ông học được nghề, hành nghề sửa xe phần lớn là nhờ những cuốn sách.
Những cuốn sách về kĩ thuật ôtô đầu tiên, ông được chú Hải Long – người lái xe ở cơ quan bố cho. “Chú Long vừa dạy thực tế, vừa cho sách hướng dẫn sửa xe của nước ngoài. Lúc đó tôi không dịch được, chỉ nhìn vào hình và làm theo thôi”- ông Chiến nhớ lại.
"Thầy" của người thợ già Lê Hoàng Chiến là những cuốn sách
Ông Chiến kể: “Có khi đi đường nhặt được mẩu giấy có vẽ hình máy móc là mừng như bắt được tiền. Có khi đi mua xôi, thấy tờ giấy của cuốn sách kĩ thuật dùng làm giấy gói xôi thế là giở ra đọc ngấu nghiến, một tay cầm xôi, một tay câm giấy mà quên cả ăn. Lại có khi phải tích cóp tiền mua tới 20 tờ báo chỉ để đổi lấy một tập sách về xe”.
“Người Thầy” mà ông Chiến nhớ nhất chính là cuốn “Máy nổ và xe ôtô” của Vũ Văn Chung in ở Sài Gòn năm 1952. Lúc đó mới 16 tuổi mà đến tận bây giờ ông vẫn còn đọc làu làu lời tựa của quyển sách.
Thế rồi cũng nhờ đọc cuốn “Tính toán và thiết kế” nên giờ đây, khi đưa bất kể môtơ nào đến, ông Chiến đều có thể tính ngay ra số vòng dây, cỡ dây, cách cuốn, 3 pha hay 1 pha. “Cái gì cũng có nguyên lý của nó. Cơ bản là đọc thì phải hiểu được, làm được. Chỉ đọc mà không làm thì cũng khó mà giỏi” – ông Chiến giải thích về cách học từ những cuốn sách.
Một cuốn sách về xe ông được anh em chơi xe gửi tặng
Từ cách học ấy nên cuốn sách nào đối với ông Chiến cũng có tác dụng. Để hiểu rõ ngọn ngành về hệ thống điện một cách cơ bản ông đã đọc đi đọc lại quyển sách Vật Lý lớp 7, in 1958 lần thứ 2 có chỉnh lý xin được từ ông cậu ruột.
Theo ông Chiến, sách giáo khoa ngày xưa dạy tỉ mỉ, thực tế chứ không như bây giờ. Sách lớp 7 nhưng dạy rất kĩ về đánh lửa, dòng điện xoay chiều, một chiều… nên mỗi cuốn sách đích thực là “một người thầy”.
Sau này, chính ông Chiến truyền lại cái thú mê đọc sách cho cậu con trai Lê Nguyễn Hoàng Tuấn. Những cuốn sách cũ kĩ của bố để lại, Tuấn đọc như nuốt lấy từng chữ. 11 tuổi, cậu con trai của ông Chiến đã theo bố đi sửa xe. Khi mới học lớp 9, lớp 10, Tuấn đã “va chạm” với đủ loại xe cổ, từ xe XHCN, xe Vespa cổ đến sidecar, xe máy BMW.
Ông Chiến truyền lại cái thú mê đọc sách cho cậu con trai Lê Nguyễn Hoàng Tuấn
Tuấn nói: “Bố em cùng các bậc cha chú như chú Tùng ở Hồng Hà, chú Bảo ở Tây Hồ, chú Lực ở Đại Cồ Việt là những người sửa xe cổ có tiếng ở Hà Nội. Họ trực tiếp dạy em sửa xe, từ cách cầm cờ-lê, mở máy, dọn xe… Và cũng nhờ nắm vững lý thuyết và hiểu nguyên lý qua những cuốn sách nên em tiếp thu nhanh hơn. Em cảm ơn bố và các chú là đương nhiên, nhưng cũng phải cảm ơn cả những cuốn sách bố em để lại nữa”.
Học từ đứa trẻ con
Là thợ chuyên sửa xe máy cổ, ông Chiến được anh em chơi xe biết đến như là người rất giỏi trong xử lý phần điện của xe. Cách đây cả vài chục năm, ông đã được gắn với câu “Nguội Nguyên, điện Chiến” – xe làm nguội đến thợ Nguyên, còn hỏng phần điện phải tìm đến thợ Chiến.
Ông Chiến chưa bao giờ đầu hàng với các bệnh liên quan đến phần điện của xe
Năm 1974, ông học Trường Công nhân kĩ thuật sơ cấp của Nhà máy cơ điện Hà Nội. Ông học xong được nhận vào nhà máy làm việc. Ông Chiến được nhận vào tổ khuôn, đúc nhưng ông Tổ trưởng tổ cơ điện phát hiện ra ông Chiến làm điện rất tài nên đã đề xuất với cấp trên chuyển ông sang tổ cơ điện. Ông có thể hiểu nguyên lý và sửa các thiết bị lớn trong nhà máy như cẩu, máy nâng, dây chuyền… Một số anh em, cán bộ trong nhà máy biết ông Chiến giỏi về điện lại giỏi cả sửa xe nên thường mang xe đến nhà ông nhờ sửa.
Vừa làm ở nhà máy cơ điện, vừa sửa xe ở nhà, ông Chiến còn “kiêm” cà nghề cuốn mô tơ điện. Ông kể: “Hồi đó tôi mua những nan stator dời, khuyết thuộc phế phẩm loại C từ nhà máy sau đó về định vị, xếp và cuốn thành mô tơ. Cái khó nó cũng ló cái khôn. Chỉ kiếm được quả rotor tán bằng đinh đồng trong khi rotor của nhà máy điện cơ làm bằng đúc nhôm, tôi cũng nghiên cứu đúc nhôm. Rồi không có bàn cuốn, tự chế luôn một cái”.
Người thợ sửa xe già nhưng rất sáng tạo
Cũng vì giỏi về điện nên ông đã mày mò lắp hộp điện bán dẫn vào những chiếc xe cổ từ những năm 70, khi đó, đa số xe chạy bằng má vít (tụ điện má vít). Nói thì đơn giản, nhưng việc lắp hộp bán dẫn vào xe chạy bằng má vít còn khá xa lạ lúc đó.
Ông Chiến nhớ: “Thời ấy có một người mang chiếc Babetta của Tiệp Khắc đến nhờ tôi sửa hộ. Xe Babetta cải tiến hơn, không đánh lửa bằng vít lửa mà đánh lửa bằng điện bán dẫn. Mở ra tìm hiểu, sau đó tôi nhờ chủ xe gửi mua hộ 2 hộp bán dẫn ở tận bên Tiệp (một cái để lắp vào xe, một cái phá ra để nghiên cứu). Nhận được đồ gửi về, mở ra loay hoay không biết làm thế nào. Đem cái khó đi hỏi một sĩ quan điện tử tên lửa, người này cho một cuốn sách trong đó có vẽ mạch radio. Chính nhờ vào các sơ đồ tưởng chừng như không liên quan này, tôi đã lắp thành công hộp điện bán dẫn vào chiếc xe Mobylette”.
Đến những năm 93-94, ông Chiến đã lấy hộp bán dẫn của các loại xe máy Tiệp chế vào xe Nhật. Nhờ vậy mà anh em chơi xe cổ có được những chiếc xe chạy ổn định hơn.
Ông Chiến luôn quan niệm rằng, mình phải luôn học hỏi
Giỏi nghề nhưng ông Chiến luôn quan niệm rằng, mình phải luôn học hỏi, học từ đứa trẻ con. Có lần ông đi đường bắt gặp một cậu bé 13-14 tuổi đang sửa một chiếc Peugeot 102, “yêu” cái động tác, cái cách cầm cờ-lê, ông đứng quan sát cậu bé làm, xem làm như thế nào, khắc phục bệnh bằng cách gì để học hỏi.
“Nhìn thấy ai hơn mình thì mình nên học. Tôi không giấu dốt. Vì thế, khi lên với những người bạn như ông Bảo sửa Vespa ở Tây Hồ, hay chú Tùng béo ở Hoàng Hà, nhìn thấy các ông bạn có động tác gì làm hay hơn mình là học ngay. Người nào cứ bảo thủ, cứ coi mình là nhất thì cũng khó mà biết thêm được” – ông Chiến tâm sự.
Những dự án xe cổ đang dang dở
Ông Chiến kể, có người bạn vẫn cứ bảo ông là “ngu hết cái ngu của người khác chỉ vì mê cái xe”. Đã có lúc ông Chiến là chủ của một gara sữa chữa ôtô lớn ở Hà Nội, có lúc xưởng nhà ông có thể lấy xe làm hàng rào, nhưng đến giờ ông Chiến lại gần như tay trắng. Song, với ông Chiến, điều đó không là gì. “Có những người đã mấy chục năm vẫn nhớ tới tôi chỉ bởi vác xe đi các nơi sửa mà không nổ được, đến tôi thì xe lại chạy ngon lành. Đó mới là niềm vui”.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá (7)