Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:13
09:21 |
Lối đi nào cho công nghiệp ô tô Việt?
Phương án giảm 50% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu được xem là giải pháp giúp tăng tốc phát triển thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
>> Thị trường xe hơi Việt Nam có bị “thái hóa”?
“Không thể tự lực phát triển nếu không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài” là một trong những nhận định chính được các chuyên gia của Bộ Công thương đưa ra khi đánh giá về thực trạng phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong 20 năm qua.
Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất ô tô tầm cỡ khu vực
Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống chính sách trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp ô tô, báo cáo mới đây của Bộ Công thương cũng thừa nhận, đây là ngành có yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Đã 20 năm trôi qua kể từ khi các “ông lớn” của làng ô tô thế giới vào Việt Nam, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất ô tô tầm cỡ khu vực.
Thêm vào đó, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài đối với sản xuất ô tô trong nước còn rất thấp. Đặc biệt, sự liên kết, hợp tác, phân công sản xuất không thể thực hiện được.
Bình luận về thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhấn mạnh: “Cần quyết liệt hơn nữa mới có thể tạo ra những chuyển động đáng kể trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam”.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, gần đây, không ít nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ các tín hiệu từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam lại đang có động thái rút khỏi thị trường, chuyển từ lắp ráp sang hoạt động thuần túy thương mại.
Với diễn biến như vậy, theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu ô tô khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong ASEAN về 0% vào năm 2018, dẫn tới gia tăng áp lực nhập siêu cho nền kinh tế.
Hiện tại, trong số 4 phương án được đưa ra để tính toán cho ngành công nghiệp ô tô, thì phương án giảm 50% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ với ô tô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu được xem là có ưu thế hơn hẳn.
Theo các chuyên gia, nếu giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cùng lệ phí trước bạ, thì thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ mới sẽ gần tương đương với mức thực hiện trong giai đoạn 2000 - 2005, giai đoạn có sự tăng trưởng cao và ổn định của thị trường ô tô Việt Nam. Với phương án này, tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô được kỳ vọng đạt 20%/năm.
Liên quan đến đề xuất chọn dòng xe chủ lực để phát triển từ nay tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, theo phương án trên, đến năm 2018, sẽ chỉ còn lại các nhà sản xuất lớn tiếp tục sản xuất tại Việt Nam. Các nhà sản xuất nhỏ sẽ chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc do lợi thế thuế nhập khẩu giảm.
Theo hướng như vậy, Chính phủ không nên quá phụ thuộc vào đề xuất của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, mà phải cân nhắc giữa lợi ích quốc gia, nhu cầu người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản báo cáo cuối cùng vẫn chưa được Bộ Công thương trình lại lên Chính phủ.
Theo Thanh Hương (Baodautu.vn)
Ý kiến đánh giá (1)