Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:55
11:42 |
Công nghiệp ôtô : Có cần dòng xe chiến lược ?
Sở dĩ phải đặt câu hỏi vì vấn đề này đã được các cơ quan quản lý, chuyên gia, DN đề cập từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có một định hướng, giải pháp rõ ràng.
>> Chính thức trình làng, Honda City có giá từ 540 triệu đồng
Đề nghị chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ khuyến khích đặc thù cho ngành ôtô, xe máy, coi đây là một ngành công nghệ cao
Mà nếu không có được định hướng, giải pháp… rõ ràng thì DN khó có thể chuẩn bị và tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, nhất là đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc chuyên sâu, tiên tiến.
Làm cầm chừng và chờ
Trong cuộc trao đổi mới đây, ông Lê ngọc Đức - TGĐ Cty cổ phần Hyundai Thành Công (Hyundai Thành Công) cho biết, thời gian qua nhà máy của Cty tại Ninh Bình chỉ hoạt động khoảng 20% công suất và vẫn chú trọng tới các mẫu xe nhập khẩu thay vì xe lắp ráp. Sự gia tăng đầu tư theo đó cũng gần như không có. Lý giải về vấn đề này, theo ông Đức thì có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai điều quan trọng là thị trường sụt giảm, nhỏ, manh mún và thiếu định hướng, chiến lược gắn với những giải pháp, khuyến khích…, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến việc phát triển dòng xe chiến lược cũng như chương trình phát triển nội địa hoá chuyên sâu, lắp ráp sản xuất động cơ và hệ truyền động. Những vấn đề tồn tại này đang làm cho không chỉ riêng Hyundai Thành Công mà hàng loạt DN sản xuất, lắp ráp ôtô đang trong tình trạng làm cầm chừng để chờ.
Trong báo cáo mới đây của nhóm công tác về công nghiệp ôtô - xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2013 (VBF 2013) giữa kỳ mới diễn ra cũng cho thấy phương án xe chiến lược của VN đã được cân nhắc trong mấy năm qua. Một số cơ quan như VAMA đã có đệ trình, kiến nghị với nhiều ban ngành. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào về xe chiến lược. Định hướng rõ ràng sẽ góp phần tạo ảnh hưởng tích cực đến tiềm năng tăng trưởng của ngành. Chính sách xe chiến lược đã giúp ngành ôtô, xe máy của các nước ASEAN khác tăng trưởng nhanh chóng, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí và đặc biệt là mở rộng hoạt động sản xuất CKD. Làm rõ chủ trương về xe chiến lược sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất OEM lập kế hoạch hỗ trợ chính phủ trong chủ trương này một cách kịp thời…
Quá trình tham vấn về xe chiến lược của VN nên tổ chức theo hướng đối thoại mở với những bên có liên quan như các hiệp hội ôtô, xe máy (như nhóm công tác công nghiệp ôtô, xe máy VBF, Vama…), các hãng sản xuất ôtô... đều khẳng định: “Chúng tôi cho rằng đóng góp của khối tư nhân sẽ giúp chính phủ sớm có định hướng rõ ràng về loại hình xe chiến lược phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng các mô hình xe kích thước nhỏ, thân thiện môi trường, xe chở người... có thể sử dụng làm mẫu xe chiến lược cho VN…”.
Dù chưa đưa ra quyết định, chưa trả lời tham vấn của các DN trong khi thời gian vẫn rất cấp bách, nhưng ông Dương Tú Anh - chuyên viên, Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đặt ra loại hình xe chủ lực, chiến lược cho VN mà có dung lượng thị trường lớn, phù hợp với thực tế kinh tế và lối sống người dân, thân thiện môi trường, dễ kêu gọi đầu tư để sản xuất phụ tùng. Tuy nhiên, việc này thực tế đang gặp khó khăn và mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư.
Công nghệ cao, nhưng...
Theo tính toán, thị phần dành cho mỗi loại, phân khúc xe chỉ có khoảng 2.000 xe cho mỗi nhà sản xuất trong một năm. Quá nhỏ để tiếp tục đầu tư, tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Hầu hết những đại diện (bao gồm cả DN và đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia) tham dự cuộc trao đổi, tham vấn thuộc nhóm công tác về công nghiệp ôtô, xe máy tại VBF 2013 đều khẳng định, ngành công nghiệp ôtô, xe máy cũng chưa được hưởng bất kỳ một chế độ khuyến khích đầu tư cụ thể nào, như những ngành công nghệ cao khác. Thực tiễn và các nghiên cứu quốc tế đã chứng tỏ ngành công nghiệp ôtô, xe máy là một ngành chủ lực trong phát triển công nghệ ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, sự phát triển của ngành này còn có liên hệ mật thiết với sự phát triển kỹ năng, bí quyết quốc gia và từ đó là cả hệ thống giáo dục quốc gia. Số lượng kỹ sư của một nước là chỉ báo quan trọng về năng lực sáng tạo và cạnh tranh của nước đó.
Bên cạnh đó, một số hoạt động đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ đối với những bộ phận có giá trị gia tăng cao như động cơ, bộ phận động cơ, hệ thống điện có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi vị thế quốc gia từ chỗ chỉ có lợi thế về chi phí đơn thuần sang lợi thế bền vững về công nghệ. Luyện kim, cơ khí, lắp ráp chính xác là những quy trình chính trong chế tạo ôtô, xe máy nhưng hiện còn tăng trưởng với tốc độ chậm ở VN do thiếu bí quyết công nghệ. Nếu tăng cường áp dụng chính sách khuyến khích thì sẽ giảm được rủi ro từ việc tăng số lượng đơn vị mới gia nhập ngành và dần dần sẽ giúp VN tạo được lợi thế chuyên môn riêng trong khu vực.
Đề nghị chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ khuyến khích đặc thù cho ngành ôtô, xe máy, coi đây là một ngành công nghệ cao. Nếu chính phủ khuyến khích và thúc đẩy ngành ôtô xe máy, chắc chắn tất cả các nhà sản xuất/lắp ráp sẽ đầu tư và mang nhiều công nghệ hiện đại vào VN - ông Gaurav Gupta - TGĐ của GM VN khẳng định. Nếu không, nói như ông Trần Đông Phong - Viện kinh tế, Bộ Kế hoạch - đầu tư thì nên gọi ngành công nghiệp ôtô là “ngành lắp ráp ôtô có sản xuất ở mức độ nhất định. Từ cách gọi này để có thể đưa ra được những chính sách phù hợp”.
Theo Linh Anh (dddn.com.vn)
Ý kiến đánh giá (1)