Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:10
11:09 |
“Kích” ngành ôtô phát triển
Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Ôtô Renault cho biết: Sau khi thuế trước bạ cho ôtô giảm xuống còn 10-15% từ tháng 4/2013, doanh số bán hàng của Renault đã tăng gấp 3 lần so với trước đó.
>> Cả chục mẫu ô tô mới khấy động thị trường
>> Công nghiệp ôtô Việt chỉ còn là… chuyện trên giấy?
Việc giảm thuế trước bạ không chỉ khiến doanh thu của riêng Renault tăng lên mà còn khiến thị trường ôtô nói chung “ấm” lên rõ rệt. Trước đây, việc bị gánh quá nhiều loại thuế, phí đã khiến giá ôtô luôn ở mức cao. Đây được cho là một trong những khó khăn khiến ngành khó phát triển. Do đó, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ tiếp tục giảm thuế trước bạ và phí cho ngành ôtô.
Thuế giảm, lượng tiêu thụ tăng
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5/2013, thị trường ôtô đã tiêu thụ được 9.731 xe, tăng 11% so với tháng 4/2013 và tăng 42% so với tháng 5/2012. Trong 9.731 xe này có 3.784 xe con (tăng 21% so với tháng trước) và 5.947 xe tải (tăng 5%). Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 7.478 xe, tăng 1% so với tháng trước, nhưng số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc lên tới 2.253 xe, tăng 61% so với tháng trước.
VAMA nhận định, sau nhiều tháng sụt giảm, việc tăng sản lượng xe bán là một tín hiệu đáng khích lệ về sự hồi phục của ngành so với năm ngoái nhờ các phản ứng tích cực từ người tiêu dùng sau khi Chính phủ chính thức giảm thuế trước bạ xuống còn từ 10-15%. Năm 2011, với lý do hạn chế nhập siêu, Chính phủ đã nới mức trần đối với phí trước bạ dành cho xe dưới 10 chỗ ngồi từ 15% lên 20%. Sau đó, một số địa phương như Hà Nội đã tăng mức phí từ 12% lên 20%, TP.HCM từ 10 lên 15%. Theo dự báo của VAMA, xu hướng hồi phục của ngành ôtô sẽ còn khả quan hơn nếu trong thời gian tới chính quyền các địa phương quyết định áp dụng mức thuế trước bạ 10%. Khi đó, dự báo doanh số bán hàng toàn thị trường trong năm 2013 có thể đạt đến 108.000 xe thay vì 100.000 xe như ước tính ban đầu.
Giảm sâu thuế để “kích” công nghiệp ôtô
Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam cho biết: “Điểm yếu nhất khiến ngành ôtô khó phát triển chính là dung lượng thị trường quá nhỏ, nhu cầu thấp”. Chính vì vậy, để kích thích tiêu dùng, tăng tổng cầu, Bộ Công Thương đang đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược. Bên cạnh đó, để kích thích công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô phát triển, Bộ cũng đề xuất áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới năm 2018 mới hạ về 0%.
Theo Bộ Công Thương, nếu thực hiện giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu, sức mua ôtô trên thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Bộ Công Thương cũng dự báo tổng dung lượng thị trường vào năm 2015 sẽ đạt xấp xỉ 157.000 xe, năm 2020 tăng lên gần 383.000 xe và năm 2030 sẽ vượt mức 2 triệu xe. Tổng dung lượng thị trường của năm 2013 dự báo đạt khoảng 108.000 xe. Riêng về vấn đề thu ngân sách, việc giảm thuế, phí sẽ được bù đắp bằng việc tăng lượng xe đóng thuế, phí. Bởi khi bùng nổ sức mua, lượng xe sẽ tăng khoảng 15% vào năm 2015 và tăng lên khoảng 40% vào năm 2020 so với hiện tại.
Ông Đặng Minh Đức cho biết thêm: DN đang kỳ vọng vào những động thái mạnh hơn từ Chính phủ. Thời gian tới, nếu thuế, phí tiếp tục giảm sẽ giúp thị trường ôtô sôi động hơn nữa, từ đó kích thích DN sản xuất và có các giải pháp khuyến mại để tăng tiêu thụ.
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2018, mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN+ (bao gồm cả 3 quốc gia đã ký các hiệp định thương mại với ASEAN gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ giảm dần về mức 0-5%. Trước thực trạng này, nhiều hãng xe trước đây chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô đang chuyển dần sang mảng thương mại, chủ yếu hướng đến nhập khẩu ôtô thuần túy. Nếu không có giải pháp kịp thời, không những ngành công nghiệp ôtô Việt Nam bị “vỡ” mà việc tăng nhập khẩu ôtô còn tạo ra gánh nặng lớn cho nhập siêu. Chính vì vậy, để kiên trì lộ trình xây dựng ngành công nghiệp ôtô, thiết nghĩ, những kiến nghị trên đây cần được quyết định sớm nhằm “kích” ngành ôtô phát triển./.
Theo Phương Đỗ (ven.vn)
Ý kiến đánh giá