14:55  | 

Ngày đầu đổi giờ làm, giao thông Hà Nội có hết ùn tắc?

Cảnh ùn tắc vẫn diễn tại những tuyến phố đã “có tiếng”. Nhưng điểm nóng hơn lại dồn về những tuyến đường có nhiều trường học.

Từ 6g30 lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Đê La Thành, Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng… trong khoảng thời gian từ hơn 6g tới 7g kém vẫn thưa thớt và thông thoáng.

Từ 7g lưu lượng phương tiện bắt đầu tăng dần trên các tuyến đường vào nội đô. Quan sát từ trên cầu vượt ngã tư Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, dòng xe chủ yếu đi từ hướng Hồ Tùng Mậu vào đường Xuân Thủy còn hướng ngược lại rất thoáng rộng. Có lẽ bởi tại khu vực các trường ĐH khu vực quận Đống Đa, Cầu Giấy vẫn vắng bóng sinh viên. Những giảng đường vẫn đóng cửa im lìm, bãi đậu xe vắng tanh do một số khoa của các trường vẫn còn nghỉ tết nên đã giảm áp lực giao thông cho khu vực này?!

Cảnh ùn tắc trên phố Quang Trung vào lúc 17g

Tại 10 quận nội thành là Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Phòng Cảnh sát giao thông đã bố trí 151 cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ tại hơn 70 nút giao thông và hơn 80 cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra trên 16 tuyến đường. Theo báo cáo nhanh của các đội cảnh sát giao thông, CA TP Hà Nội, đến 10g sáng nay, trên địa bàn các quận, huyện nội thành không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, vào từ 7g cảnh ùn tắc như thường lệ vẫn diễn ra tại các điểm có tiếng về nạn ùn tắc như ngã tư Kim Mã- Nguyễn Chí Thanh vẫn diễn ra, thậm chí tại đây nhiều người vẫn phải phi xe lên cả vỉa hè để tìm lối đi. Tới 8g cảnh ùn tắc vẫn diễn ra tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học. Cùng với đó các tuyến phố khác như Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch. Trường Chinh, ùn tắc vẫn như thường.

Nhưng trong sáng nay có lẽ những điểm nóng nhất về ùn tắc lại rơi vào  những tuyến đường có nhiều trường học. Tại đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn, vào khoảng thời gian từ 7g30 đến 8g, lưu lượng phương tiện tập trung rất đông đã gây ra cảnh ùn ứ, tại đường Tây Sơn, Thái Thịnh – nơi có hai trường tiểu học và trung học cơ sở tắc nghẽn kéo dài, phương tiện phải leo lên cả vỉa hè để vội đi cho kịp giờ làm, rất nhiều học sinh tiểu học chịu cảnh ùn ứ trên xe của bố mẹ chắc chắn sẽ phải đến trường muộn giờ học.

Tương tự 7g30, tuyến phố nhỏ hẹp Hồ Đắc Di, nơi có Tiểu học Bế Văn Đàn, ùn tắc kéo dài. Người và xe bị kẹt cứng, không thể nhúc nhích nên dù trường học nằm ngay cạnh đó nhưng nhiều học sinh và phụ huynh đành chấp nhận đến muộn vì không thể di chuyển được. Cũng vào buổi sáng khu vực Trường tiểu học Nam Thành Công các tuyến đường dẫn tới trường như ngã ba Nguyễn Chí Thanh - Trúc Khê, Trúc Khê - Nguyên Hồng, Nguyên Hồng - Huỳnh Thúc Kháng… đều bị ùn ứ. Các dòng xe đều phải nhích từng vòng bánh xe. Nhiều phụ huynh phóng xe máy lên vỉa hè mấp mô đang thi công. Lúc 7g55, tình trạng ùn ứ vẫn chưa được vãn hồi. Đoạn đường Nguyên Hồng chạy qua trước cổng trường Nam Thành Công ken cứng người xe.

Gần 8g, tình trạng tắc nghẽn cũng xuất hiện trên phố Nguyễn Văn Huyên (đoạn qua THCS Lê Quý Đôn và Dịch Vọng). Do 8g các em bắt đầu học nên ôtô, xe máy của phụ huynh tập trung khá đông trước cổng trường. Tại phố Hàm Long trước cổng trường THCS Ngô Sỹ Liên vào lúc giao giữa hai ca học sáng và chiều (ca sáng tan vào lúc 12g 15 và ca chiều vào lớp lúc 12g30) đã gây nên cảnh giao thông hỗn loạn tại khu vực này.

Giờ tan trường vào 17g tại phố Quang Trung trước cổng trường tiểu học Quang Trung xảy ra ùn tắc gần 1 tiếng đồng hồ (trước đây vào giờ tan học tuyến phố này cũng đã luôn ùn tắc nhưng hôm nay ùn tắc kéo dài và di chuyển chậm hơn rất nhiều so với ngày thường). Còn tại phố nhỏ Nhà Chung (nơi tập trung trường tiểu học Tràng An, tiểu học Trần Quốc Toản, mẫu giáo Tháng Tám…) vẫn diễn ra cảnh ùn như các buổi chiều khác, thậm chí trong ngày hôm nay còn ách tắc hơn.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ sáng sớm ngày đầu tiên thực hiện phương án đổi giờ học, giờ làm, giờ sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Sở đã thị sát các tuyến đường lớn trong thành phố. Tại các tuyến tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng như Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Thụy Khuê…, các phương tiện lưu thông bình thường. Theo ông Tân, khung giờ cao điểm buổi sáng từ 6g-9g ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ học, giờ làm, tình hình giao thông tương đối tốt, hiện Sở chưa nhận được thông tin về tình trạng ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng ngày đầu tiên thực hiện quy định đổi giờ học, giờ  làm ở Hà Nội cũng là ngày thứ ba sau kì nghỉ tết Nhâm Thìn nên mọi sinh hoạt xã hội chưa trở lại bình thường, nhiều sinh viên ĐH, người lao động ở một số ngành nghề còn chưa quay lại Hà Nội. Do đó, chưa thể đánh giá được hết hiệu quả mà cần một thời gian nữa, có thể từ 7 đến 10 ngày, để đánh giá chính xác về hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm.

Theo PL&XH

Tags:

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm