16:29  | 

6 điều cần làm khi mua xe đã qua sử dụng

Thời gian gần đây, các nhà nhập khẩu hết đường nhập xe mới sau Thông tư 20, họ quay sang knh doanh xe đã qua sử dụng. Thị trường xe đã qua sử dụng sôi động hơn bao giờ hết. Vài lưu ý khi mua xe đã qua sử dụng sau đây sẽ rất có ích cho bạn.

1. Hãy lái thử xe

Muốn biết chiếc xe thế nào, điều đầu tiên cần làm là bạn hãy lái thử nó. Thao tác này giúp bạn kiểm tra một cách tổng thể hệ thống máy móc trên xe bao gồm động cơ, lốp, vành xe, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống giảm xóc, còi điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, gạt mưa, cần số, các cánh cửa trên xe…

Xe đã qua sử dụng phải ở trạng thái hoạt động bình thường và bảo đảm đầy đủ công dụng, chức năng, có hình dáng, kết cấu phù hợp với tài liệu kỹ thuật đã đăng ký tại cơ quan kiểm tra chất lượng.

2. Đừng quên xem xét giấy tờ và hỏi về tiểu sử xe

Hãy chắc rằng bạn đang được tận mắt nhìn thấy những giấy tờ chính chủ được cung cấp bởi người bán bao gồm: hợp đồng mua xe hoặc hợp đồng chuyển nhượng (nếu xe đã qua tay nhiều chủ nhân), chứng nhận của hãng sản xuất, địa điểm mua hàng, thời gian bảo hành (nếu còn), các giấy tờ bảo dưỡng xe do chủ xe cung cấp …

Đừng quên hỏi về những “chiến tích” của xe trong các vụ tai nạn hay lý do họ quyết định bán xe bởi bạn sẽ cần tới những thông tin này khi đưa ra quyết định cuối cùng.

3. Ngắm nội – ngoại thất của xe

Về ngoại thất: Thân vỏ, buồng lái, nắp ca pô không nứt vỡ, không biến dạng, các cánh cửa lên xuống đóng, mở nhẹ nhàng, không tự mở khi xe đang chạy, khung xe không cong vênh, nứt gãy, mọt gỉ. Thêm vào đó, kính chắn gió, kính cửa sổ phải là loại kính an toàn. Gương chiếu hậu phải đủ số lượng, đúng chủng loại, được định vị chắc chắn. Lốp xe đúng với tài liệu kỹ thuật, đủ số lượng và không phồng rộp, nứt vỡ.

Về nội thất: Ghế người lái và ghế hành khách bố trí đúng với tài liệu kỹ thuật, được lắp ghép một cách chắc chắn. Hệ thống phanh có đầy đủ các bộ phận, các chi tiết theo tài liệu kỹ thuật của kiểu loại xe đó. Trục lái đúng kiểu loại, lắp ghép đúng và không có độ dơ dọc, độ rõ hướng kính.

Các đường ống dẫn dầu, dẫn khí của phanh không nứt vỡ, mòn, bẹp, rò rỉ. Chú ý rằng nếu hệ thống lái có đầy đủ các cụm, các chi tiết theo tài liệu kỹ thuật của hãng sẽ giúp xe hoạt động bình thường, ổn định. Bạn cũng có thể xem xét vô lăng lái xem đã đúng kiểu loại chưa? Có nứt vỡ không? Nếu là người cẩn thận, hãy chắc chắn rằng bạn được sở hữu hệ thống còi điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, gạt mưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định.

4. Kiểm tra động cơ – Điều quan trọng

Một động cơ tốt, khi chạy sẽ thải ra khí mát, không màu, không mùi. Bạn nên đặt tay ở gần bô xe để cảm nhận khí thải ra, chiếc xe tốt khi khí thải của nó không có mùi cháy hay khét của động cơ. Nếu khí thải ra từ xe màu đen và có khói, thì động cơ này đã không còn tốt.

Nếu tiếng động cơ xe chạy to, điều đó cũng đồng nghĩa một bộ phận nào đó của xe đang trục trặc. Bạn phải chắc chắn rằng động cơ không bị bẩn, không hề có mùi khét từ đuôi xe, các thiết bị nhiên liệu không bị hao tổn, vì đây là những dấu hiệu của một chiếc xe tồi.

5. Tham khảo ý kiến chuyên gia

Nếu bạn chưa tự tin về khả năng đánh giá chất lượng xế của mình, hãy nhờ tới những chuyên gia hoặc thợ sửa chữa ô tô khám bệnh cho xế để sớm đưa ra quyết định cuối cùng.

Chỉ dựa vào tiếng máy nổ, ngó qua một vài bộ phận trên xe như đồng hồ đo cây số hay hệ thống phanh, hệ thống giảm xóc, hệ thống lái … họ có thể đưa ra những lời khuyên khá chính xác về tuổi thọ của xe, thậm chí giá thành hợp lý nhất cho loại xe đó một cách khách quan hơn người trong cuộc.

6. Thỏa thuận mua - bán

Trước khi quyết định xem xe, hẳn bạn đã có một chút thông tin về chất lượng cũng như giá khởi điểm của xe mà bạn định “tia” cũng như giá của các loại xe cùng loại đã được các lĩnh cũ trong làng tài xế xét duyệt? Vì vậy, việc duy nhất mà bạn cần làm lúc này là trả giá thấp hơn để tài sản hợp với túi tiền của mình hơn nữa.

Số tiền trích lại càng nhiều sẽ càng hữu ích cho việc thanh toán các hóa đơn bảo dưỡng xe cũng như thể hiện tài giao dịch của bạn ở những cấp độ khác nhau. Nhưng cũng đừng quá vui mừng với giá hời mà bỏ qua các thủ tục không kém phần quan trọng như ký hợp đồng chuyển nhượng (họ, tên và địa chỉ của bên mua, bên bán, loại xe, hãng sản xuất, màu sắc, giá cả, chất lượng, ngày tháng thực hiện giao dịch, giá cả, hình thức trả tiền, chữ ký của 2 bên …).

 Thế Đạt (Theo PL&XH)

>> Xem chi tiết giá xe ôtô trên Autodaily

>> Xem chi tiết giá xe máy trên Autodaily

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm