00:56  | 

Alan Mulally: Tài sản vô giá của Ford

Vào năm ngoái, vấn đề tiền lương cao ngất ngưởng của ông chủ tập đoàn xe hơi Ford đã khiến công chúng phải ngạc nhiên, và một số khác thì tức giận. Thế nhưng năm nay, những chuyên gia quản lý gạo cội đã phải thừa nhận rằng tài năng của ông đáng giá từng đồng tiền bát gạo mà Ford bỏ ra.

Tại Detroit, thủ phủ của hiệp hội công nhân Mỹ ( UAW), việc trả lương cao ngất ngưởng cho các giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn luôn gây nên những cơn thịnh nộ đối với các công nhân nhà máy. Năm ngoái, không ai có thể làm ngơ trước những lời chỉ trích của Bob King - chủ tịch UAW đối với mức lương mà Ford trả cho người đứng đầu Alan Mulally.

ông Alan Mulally - người hùng của Ford

Tuần này, Ford tiết lộ rằng phần cổ phiếu trả cho Mulally năm 2011, không bao gồm lương và các trợ cấp khác, có giá trị 58,3 triệu USD trước thuế và 34,5 triệu USD sau thuế. Ông cũng kiếm được một số lượng tương tự vào năm ngoái. Thông báo này của Ford đã làm cho những lời chỉ trích tắt ngóm còn những kẻ dám phát ngôn bừa phải xấu hổ quay đi.

Alan Mulally được biết đến như một “người hùng ngoại đạo” trong ngành công nghiệp ôtô của Mỹ nhưng chính người ngoại đạo ấy đã tạo được điều kì diệu cho Ford. Những thay đổi dưới sự điều hành của CEO Mulally đã biến Ford từ “bệnh hiểm nghèo” sang “cảm xoàng”. Tiếp nhận Ford trong tình trạng rất tệ. Giá trị cổ phiếu của Ford vào thời điểm năm 2006 khi Mulally tiếp quản được bán với giá 7 USD . Khi thay đổi nó có giá trị 18 USD và hiện giờ, giá trị dao động vào khoảng 12 – 13 USD. Công ty đã có lợi nhuận trong 10 quý liên tiếp sau những thua lỗ khủng khiếp.

Alan Mulally đã tạo nên điều kỳ diệu ở Ford

“Bất cứ ai sau Mulally cũng phải vượt qua cái bóng quá lớn của ông ấy”, Brian Johnson, chuyên gia phân tích của BCS và có thâm niên nhiều năm trong việc đánh giá giá trị cổ phiếu của Ford cho biết. “Công ty nên đặt mục tiêu là tăng tỷ suất lợi nhuận trong khi cân bằng kiểm soát chi phí và uy tín sản phẩm”.

Thành công lớn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo của cựu giám đốc điều hành Boeing kể từ khi gia nhập Ford là giúp cho tập đoàn này tránh đi vào vết xe phá sản mà những đối thủ đồng hương như GM hay Chrysler đã dẫm phải vào năm 2009. Ông đã làm được điều đó bằng cách đưa công ty vào hoạt động như một ngân hàng đầu tư, hành động chưa hề có tiền lệ. Mulally đã giúp tăng năng lực cho vay của Ford lên 23 tỷ USD ngay trước cơn suy thoái kinh tế.

Mulally cũng đã có những động thái hỗ trợ 2 đối thủ chính của mình là GM và Chrysler. Bởi ông biết rằng nếu một trong 2 tập đoàn này sụp đổ thì Ford cũng sẽ chịu những tác động không nhỏ trong bối cảnh kinh tế lúc ấy. Nếu Ford bị bắt buộc cải tổ, gia đình Ford hầu như sẽ mất hết quyền kiểm soát. Và việc công ty vẫn có thể tiếp tục trả cổ tức dưới sự điều hành của Mulally chính là lý do mà gia đình này mạnh tay chi trả hào phóng cho những đóng góp của vị thuyền trưởng tài ba Mulally.

Trong tương lai, người kế nhiệm Alan Mulally sẽ phải nỗ lực rất nhiều

Mulally năm nay 66 tuổi, hơn 1 tuổi so với người tiền nhiệm William Clay Ford Jr đã bị sa thải. Bill Ford Jr., chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn đã né tránh câu hỏi ai sẽ là người kế tục Mullaly bằng cách phát biểu công khai rằng Mulally có thể ở trên cương vị giám đốc điều hành chừng nào ông vẫn muốn. Tháng trước, Derrick Kuzak, 60 tuổi, người đứng đầu bộ phận phát triển sản phẩm và Lewis Booth, 63 tuổi, giám đốc tài chính của Ford đã thông báo về việc nghỉ hưu của họ, có thể là một điềm báo về những thay đổi trong tương lai.

Mark Fields, 51 tuổi, chủ tịch phụ trách điều hành của Ford ở Tây bán cầu được xem là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí hiện nay của Mulally. Với thâm niên 20 năm, Fields đã từng làm việc ở Nhật Bản trên cương vị giám đốc điều hành của Madza khi công ty này là một chi nhánh của Ford. Sự nghiệp của Fields được coi là đã trượt sang một bên kể từ khi Mulally xuất hiện. Tuy nhiên, theo hầu hết các ý kiến, Fields đã lấy được sự tín nhiệm của chủ tịch hội đồng quản trị, và việc đứng vào vị trí CEO của Ford chỉ là vấn đề thời gian.

Bất cứ một hãng sản xuất ôtô toàn cầu nào cũng cần một nhà lãnh đạo cực kỳ tài năng được hỗ trợ bởi các chuyên gia có thể làm việc tốt theo nhóm. Ford không có gì ngoại trừ những cá nhân ích kỷ và kém năng suất. Khi Mulally được chọn làm CEO của Ford vào năm 2006, trong công ty đã có phản ứng dao động từ nghi ngờ đến phẫn nộ. Đội ngũ quản lý thật sự lo lắng, đặc biệt là những người muốn tiếp tục công việc của mình. Từng người một ghé qua văn phòng của Ford để hỏi về những điều ông đang làm và Ford nói với họ công ty cần những quan điểm thật sự mới. Không ai hiểu được sự khó khăn trong điều hành Ford Motor bằng cháu nội của Henry Ford. Công ty hoàn toàn quan liêu và “thù địch” với những ý tưởng mới. Ngoài bộ phận lãnh đạo ra, những người còn lại đều không nhận ra rằng Ford đang đấu tranh cho sự tồn tại.

Trong buổi phỏng vấn khi diễn ra triển lãm Geneva ở Thụy Sĩ, được phát vào hôm thứ Tư, Mulally đã bày tỏ sự thích thú đối với công việc và bác bỏ các ý kiến cho rằng ông đã sẵn sàng nghỉ ngơi. Như thường lệ, Mulally đã dùng buổi phỏng vấn để nói về những mẫu mới của Ford, hào hứng khi nói về những tính năng tuyệt hảo dành cho khách hàng được thiết kế bởi các kỹ sư của Ford.

Mulally và Bill Ford sẽ đánh giá Fields và các cộng sự để chắc chắn rằng họ sẵn sàng khi thời gian đến. Và khi Fields nỗ lực chứng tỏ để mơ về chức vụ CEO một ngày không xa, Mulally không gặp rắc rối gì trong việc kéo dài chuỗi các khoản thu nhập khổng lô đáng giá hàng chục triệu đô.

Ngọc Điệp (theo PLXH)

>> Xem chi tiết giá xe ôtô trên Autodaily

>> Xem chi tiết giá xe máy trên Autodaily

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm