Chủ Nhật, 19/01/2025 | 01:20
13:28 |
Các hãng xe Mỹ tại Trung Quốc – Tương lai đầy may rủi
Không ai có lỗi nếu quên đi thất bại của bộ phim phiêu lưu hài hước Rắc rối lớn ở khu phố Tàu năm 1986 với diễn xuất của Kurt Russell. Nhưng các nhà sản xuất xe hơi Mỹ lại có thể sẽ phải diễn xuất trong phần hai: Rắc rối lớn ở nước Trung Quốc. Dan Akerson, Alan Mulally, và Sergio Marchionne sẽ là các vai chính trong sự kiện sẽ sớm phải nhận những chỉ trích gay gắt này.
Những diễn biến gần đây khiến người ta phải nghĩ rằng doanh số khổng lồ do Trung Quốc hứa hẹn để trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới đang có nguy cơ giảm mạnh, hay nói chung là đang chấm dứt. Đây có thể là một đòn giáng mạnh vào General Motors, Ford, và Chrysler. Điều đang được bàn cãi là sự giảm nhiệt không thể tránh khỏi của nền kinh tế quá nóng của Trung Quốc, ngoài ra còn có những vấn đề chính trị xã hội phức tạp tận trong lòng hệ thống của đất nước này. Dưới đây chỉ mới là một vài dấu hiệu đáng lo ngại:
Doanh số xe hơi tháng một tại Trung Quốc sụt giảm mạnh
Công ty nghiên cứu thị trường LMC Automotive thông báo doanh số xe du lịch tại Trung Quốc đã giảm 23% trong tháng đầu tiên của năm: "Mặc dù đã có dự báo về một thị trường yếu, nhưng thông tin đó vẫn gây sốc đối với nhiều người khi mà tăng trưởng bền vững đã trở thành một điều tất yếu". Cú sốc đó tác động đến nhiều hãng xe hơi ở Detroit. Ví dụ như GM, hãng bán được nhiều xe tại Trung Quốc hơn cả tại Mỹ. Doanh số xe Buick tại Trung Quốc đã tăng 2% trong tháng một; nhưng lượng xe Chevrolet – một nhãn xe được GM quãng bá rộng rãi khắp thế giới – lại sụt giảm 16%. Ford còn phải chịu thua nặng hơn khi doanh số rớt đến 42%.
Người ta không cho rằng các kết quả sẽ khó chịu như thế này trong những tháng còn lại của năm, nhưng xu hướng cũng không mang nhiều tính khích lệ. Theo mục tiêu doanh số tổng hợp từ 13 nhà sản xuất, thị trường được trông đợi tăng trưởng13,5% trong năm 2012. Như thế là còn kém xa so với tỉ lệ tăng trưởng 20.4% mà một năm trước các nhà sản xuất đã dự đoán cho năm 2011. LMC thậm chí đã đặt ra một mục tiêu thấp hơn nữa cho xe du lịch trong năm 2012 là 9,2%. Công ty này phát biểu: "Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ quay về chiều hướng phát triển có hệ thống hơn trong những năm tới." Như thế có nghĩa là: Những năm tháng làm ăn phát đạt đã hết rồi.
Hết thời chính phủ lỏng tay
Trung Quốc đang kìm hãm mạnh tay đối với sự mở rộng của các nhà sản xuất ngoại quốc bằng cách dỡ bỏ các khoản trợ cấp dành cho xây dựng mới và cũng gây khó khăn hơn trong việc cấp phép mở rộng. GM và Ford từng nhận được những khuyến khích của chính phủ như hạ thấp thuế nhập khẩu đối với những thiết bị sản xuất và giảm các loại thuế để đổi lấy việc xây dựng những nhà máy mới. Nhưng những thỏa thuận đó đã hết hiệu lực vào ngày 31 tháng một. Với đà tăng trưởng chậm dần, Trung Quốc đang cố gắng để bảo hộ hãng xe hơi nội địa phải chật vật tồn tại của mình. Có khoảng chừng 70 hãng, và theo báo cáo thì một số trong những hãng đó không hề sản xuất ra chiếc xe nào trong cả năm 2011.
Các nhà sản xuất xe hơi vốn đang hoạt động tại Trung Quốc cần phải không để mình bị ảnh hưởng trong tương lai gần.
Ford tham gia cuộc chơi muộn, nhưng cũng đã chạy đua để bắt kịp các hãng khác. Hãng đang góp thêm vào số lượng 2,3 triệu xe trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, gồm có 2 nhà máy lắp ráp mới, một nhà máy động cơ mới và mở rộng một nhà máy động cơ khác, và một nhà máy hộp số mới – tất cả ở Trung Quốc. Tương tự, GM cũng có nhiều việc phải làm ở Trung Quốc – hiện tại là vậy. Nạn nhân thiệt hại nhiều nhất của sự thay đổi chính sách này là Chrysler. Là một trong số ít những nhà sản xuất không làm ra được gì ở Trung Quốc, giờ đây hãng này thậm chí càng không không có cơ hội để làm được gì nữa.
Các nhà phân tích từ lâu đã tính đến chuyện Trung Quốc thực hiện những biện pháp để giành thêm quyền kiểm soát đối với những hãng sản xuất xe hơi ngoại quốc, nhưng họ lại có những quan điểm khác nhau về cách thức nước này sẽ thực hiện. Một số đã thấy được Trung Quốc gia tăng tốc độ chuyển giao công nghệ phương Tây về cho chính mình. Quả vậy, nỗi sợ hãi về chuyển giao công nghệ chính là lí do GM đã ngăn trở việc bán Saab phá sản cho một hãng sản xuất của Trung Quốc. Một số nhà quan sát khác đã tính đến chuyện Trung Quốc đơn giản sẽ quốc hữu hóa một số phương tiện hoặc doanh. Nhưng dù là trong trường hợp nào thì thông điệp nước này gửi đi đã rõ ràng: Chúng tôi vẫn muốn các vị ở đây, nhưng chúng tôi không còn cần các vị nhiều như lúc trước nữa.
“Bóng ma” về một sự suy thoái của Trung Quốc
Theo một báo cáo mới của World Bank, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế trừ phi nước này triển khai những cải cách sâu sắc, bao gồm việc giảm bớt số lượng đông đảo những doanh nghiệp sở hữu nhà nước và thông thoáng hơn đối với những nhà doanh nghiệp.
Bản báo cáo đó với tựa đề "Trung Quốc năm 2030" – khởi đăng trên tờ Nhật báo phố Wall – cảnh báo rằng sự tăng trưởng có thể chậm lại nhanh chóng và đột ngột. Nó dẫn ra một hiện tượng gần đây được các nhà phân tích đặt tên là "bẫy thu nhập trung bình". Theo đó những nền kinh tế tăng trưởng nhanhsex chậm lại đáng kể khi thu nhập bình quân đầu người của những nước đó đạt khoảng 17.000 đô la một năm. Hiện tượng này đã được thấy ở một số nước, trong đó có Hy Lạp và Ireland, và một số nhà phân tích cho rằng sẽ đến lượt Trung Quốc vào năm 2015.
Bản báo cáo cũng chỉ ra một ngã ba đường cho các công ty sở hữu nhà nước – là thành phần kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc. Nếu được để cho phát triển không bị kìm hãm, chúng có thể gây ngáng trở cho cạnh tranh và loại bỏ sự mở rộng của văn hóa kinh doanh trong thị trường tự do. Các công ty xe hơi đều biết về điều này. Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất phương Tây thành lập liên doanh với các công ty của nước này, một số những công ty nổi bật nhất là thuộc sở hữu nhà nước.
Với một trong những thu xếp thành công nhất theo dạng này, GM bị "khóa" vào trong những sự chung vốn dài hạn với Shanghai Automotive Industry Corporation (SAIC) – tập đoàn sở hữu nhà nước đã mở rộng vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Shanghai-GM có 9% cổ phần trong thị trường xe du lịch của Trung Quốc, trong khi Shanghai-GM-Wuling bán được hơn một triệu xe tải và xe van tại Trung Quốc. Lại một sự chung vốn nữa giữa hai công ty đã hình thành để triển khai tại Ấn Độ và Đông Nam Á . Như nhà phân tích Michael Dunne đã quan sát một cách thông thái: "SAIC nhúng tay vào mọi việc GM làm ở Trung Quốc".
Quan hệ của GM với SAIC gần đây có những khúc mắc. Nhà sản xuất xe hơi của Mỹ đã bán 1% cổ quyền trong liên doanh chủ yếu của mình cho đối tác vào năm 2009 trong thời gian khủng hoảng phá sản lên cao, mang lại cho SAIC 51% cổ quyền kiểm soát. Gần đây GM đang cố gắng mua lại 1% đó để khôi phục sự cân bằng 50-50, người ta nói các thương lượng sẽ được tiến hành một cách hữu nghị, nhưng ai mà biết được? Xét theo tình hình doanh số, chính trị, kinh tế, và chính sách công nghiệp hiện tại, thì xem ra việc dự đoán tương lai ở Trung Quốc là một việc mang đầy tính may rủi.
Mạnh Tùng (theo PL&XH)
Ý kiến đánh giá