Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:56
15:19 |
Gặp người lái 800.000 km trên xe Mercedes
Dyan Seneviratne (phóng viên tạp chí Motor của Sri Lanka) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Gunther Holtorf – người đã lái xe 800.000 km vòng quanh thế giới trên chiếc xe Mercedes-Benz 300 GD đời 1988. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
>> Gunther Holtorf – Marco Polo thời hiện đại
Dyan Seneviratne (Dyan): Một ‘Marco Polo thời hiện đại’ là cách thích hợp nhất để miêu tả về ông, thưa ông Gunther. Xin ông chia sẻ câu chuyện của mình với bạn đọc?
Gunther (cười): Đó không chỉ là câu chuyện về một khách du lịch hưởng kì nghỉ dễ chịu dưới ánh mặt trời ở bãi biển đâu, mà là một chuyến thám hiểm thật sự vòng quanh thế giới trên chiếc xe hai cầu.
Dyan: Ông có thể nói rõ thêm về cụm từ ‘chuyến thám hiểm’?
Gunther: Gọi là chuyến thám hiểm vì đó là chuyến đi đến những điểm du lịch đầy ý nghĩa, chẳng hạn như những di tích nổi tiếng của những thành phố cổ Anuradhapura, Polonnaruwa của Sri Lanka hay những kim tự tháp ở Ai Cập – những nơi này chúng tôi đều đã đến. Một lí do nữa để gọi như vậy là chúng tôi cũng đã vượt qua những cung đường hẻo lánh – nhiều lúc còn đi trên những địa hình không hề có đường sá! Chúng tôi cố gắng đi đến và trải nghiệm trực tiếp những khu vực ‘nằm ngoài nền văn minh’.
Dyan: Ông có thể nhắc tên một vài địa điểm hẻo lánh cho đến nay ông đã đi qua?
Gunther: Chúng tôi đã đến gần như mọi vùng xa xôi hẻo lánh ở châu Phi và gặp gỡ những bộ lạc bản địa; vượt qua những sa mạc mênh mông khắc nghiệt của Australia; chứng kiến vẻ đẹp và sự biệt lập của những vùng thuộc dãy Andes khi chúng tôi nhiều lần đi từ Chile đến Argentina và ngược lại, và cả từ Chile đến Bolivia nữa.
Dyan: Gồm cả đến những ngọn đèo cao 5000 m ở Bolivia phải không ạ?
Gunther (cười): Vâng, chiếc xe này cũng đã nhiều lần leo đến những nơi có độ cao trên 5000 m đấy. Rồi thì chúng tôi đã qua những khu rừng rậm rạp và xa xôi nhất của vùng Amazon ở Nam Mỹ và vùng sông Congo ở Trung Phi; những vùng hẻo lánh của Ấn Độ như Thượng Assam, Thượng Sikkim đến Bhutan; những vùng xa xôi nhất của Nga như vùng viễn đông Siberia, Vladiwostok, và đến cuối tuyến đường sắt xuyên Siberia – Chúng tôi đã đến cả nơi đó đấy!
Dyan: Vậy còn Vòng Bắc Cực ở Alaska?
Gunther: Có chứ. Chúng tôi đã đi lên phía bắc Alaska – nơi đang diễn ra những cuộc thăm dò dầu mỏ lớn. Chúng tôi cũng đã đến tận cuối Nam Mỹ là tỉnh Tierra del Fuego của Argentina, rồi cả mũi đất phía nam Dunedin của New Zealand nữa. Tất cả những nơi này đều rất hẻo lánh, xa xôi nên du khách thường không lui tới. Tuy nhiên, với chúng tôi thì những nơi heo hút ấy lại thật hấp dẫn – chúng tôi luôn hướng đến những nơi như vậy.
Dyan: Cả những vùng ảnh hưởng chiến sự sao ạ?
Gunther: Hai năm trước tôi và Martin đã đến phía bắc Iraq. Rồi cả bốn năm trước tôi và vợ tôi đã đến Afghanistan – vậy là chúng tôi đã mạo hiểm đến những nơi mà không thường dân nào muốn đến!
Dyan: Còn những hòn đảo thì sao ạ, ví dụ như quần đảo Caribbe?
Gunther: Thực ra là khi đến Caribbe, người ta cho biết chúng tôi là du khách đầu tiên tự lái xe đến một số trong những hòn đảo đó. Ở Sri Lanka, Hải quan và một số người cao tuổi cũng nói rằng tôi là du khách đầu tiên tự lái xe đến đó. Trùng hợp là hôm đó tôi cũng thấy một người lái xe biển số New York ở thành phố Colombo, nhưng đó lại là người đã mua chiếc xe ở New York và mang nó về Sri Lanka. Vậy là anh ta không phải là một du khách đến đó trên chiếc xe của mình và sẽ trở về cùng với chiếc xe đó giống như tôi và Martin cùng với ‘Otto’ của chúng tôi!
Dyan: Ông đã chuẩn bị cho mình và ‘Otto’ trước mỗi chuyến đi như thế nào – dù gì ông cũng luôn đi du lịch sáu tháng mỗi năm mà – vậy là ông ăn, ngủ, và làm mọi việc khác ở trong chiếc ‘Otto’ phải không?
Gunther (cười): Từ hồi năm 1989, Christine vợ tôi đã đặt tên cho chiếc xe Mercedes Benz 300 GD khi đó còn mới cứng là ‘Otto’, như đặt tên cho một đứa trẻ vậy. Chúng tôi thích nó lắm! Để ‘thử xe’ chúng tôi đã lái nó đến châu Phi. Qua trải nghiệm đó, chúng tôi đã điều chỉnh chiếc xe theo những nhu cầu riêng của mình. Chúng tôi chưa từng trọ trong các khách sạn mà ngủ trong xe vì đã có sẵn chăn đệm hoặc chúng tôi có thể nằm võng để ngủ - xét ra thì chỉ cần đỗ xe gần một cái cây để mắc một đầu võng thôi mà!
Dyan: Vậy còn đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác?
Gunther: Chúng tôi thường mua đồ ăn ở các chợ địa phương khi ở châu Phi, Ấn Độ, hay Trung và Nam Mỹ, ở những nơi đó rau quả tươi luôn rất dồi dào. Chúng tôi có thể mua cả thịt bò hay cá và các nguyên liệu để chế biến nữa. Tối nào chúng tôi cũng nấu ăn. Chúng tôi tránh các nhà hàng và quán ăn – như vậy sẽ tiết kiệm được tiền và đảm bảo không bị rối loạn tiêu hóa vì ‘ăn nhầm đồ ăn’! Vậy là bằng việc mua đồ ở chợ và tự nấu nướng, chúng tôi đã tiết kiệm một cách hiệu quả và cho đến nay chưa từng gặp vấn đề gì về tiêu hóa!
Dyan: Quả là kinh nghiệm thực tiễn! Vậy còn chuyện nước sinh hoạt thì sao ạ?
Gunther: Vâng, ở đâu có người thì ở đó sẽ có nước! Tất nhiên chúng tôi cũng chuẩn bị trước và lấy đầy nước ở bất kì nơi nào có thể. Nguyên tắc của chúng tôi là không uống nước từ vòi, mà phải đun sôi, cũng có thể để pha trà. Hoặc chúng tôi uống bia và nước đóng chai. Phải nói là ngày nay ta có thể thấy nước đóng chai hầu như ở khắp nơi trên thế giới – hai mươi năm trước khi tôi bắt đầu những chuyến đi thì không được như vậy.
Dyan: Ông sửa soạn cho ‘Otto’ của mình như thế nào trước mỗi chuyến đi – về những phụ tùng cho xe ấy?
Gunther: Chúng tôi sửa soạn, trang bị hết khả năng để có thể hoàn toàn độc lập được. Thực tế là chúng tôi mang theo hơn 400 phụ tùng khác nhau để có thể tự chủ trên chuyến đi. Chúng tôi thay thế các phụ tùng từ trước khi chúng sắp sửa hỏng.
Dyan: Ý ông là bảo dưỡng dự phòng phải không ạ. Như thế thật sáng suốt!
Gunther (cười): Ví dụ như chúng tôi thay dây cua-roa và vòng bi bánh xe đều đặn và kịp thời, vì thế nên chúng tôi không bao giờ gặp hỏng hóc lớn cả!
Dyan: Thật khó tin! Cám ơn Chúa và sự đáng tin cậy của Mercedes Benz!
Gunther: À, tôi phải nói rằng hầu hết các xe hiện đại của các hãng khác nhau đều có giá trị của chúng – hiển nhiên là chúng có chất lượng tốt. Nhưng sau 300.000 đến 400.000 km, anh sẽ thấy và cảm nhận được sự khác biệt! Chiếc Mercedes-Benz này đã hiển thị con số trên 800.000 km, và phần lớn các bộ phận nhỏ như tay nắm cửa, công tắc đèn, gạt nước v.v. đều vẫn nguyên bản và tốt như mới…và chúng sẽ dùng được mãi! Động cơ và hộp số của ‘Otto’ cũng còn nguyên bản và ‘không phải động tới’! Ngay cả dấu niêm phong dầu hộp số cũng còn nguyên! Chúng tôi đã chỉ thay vòng bi bánh xe, dây cua-roa và đĩa li hợp – chứ vỏ máy thì không. Ngay cả lớp sơn của chiếc xe cũng còn nguyên! Cả tôi cũng còn nguyên!! (cười lớn).
Dyan: Bao lâu ông lại thay dầu động cơ và bộ lọc dầu một lần?
Gunther: Trước tiên phải nói rằng chúng tôi gần như không có chuyện ‘tiêu hao dầu’ nào cả; nên về chuyện dầu động cơ, cứ sau 5000 km chúng tôi lại thay dầu và bộ lọc, mặc dù có thể đi được tới 7000 km mới phải thay dầu. Tuy nhiên, chúng tôi chọn thay dầu sau 5000 km vì như thế tốt cho động cơ. Chúng tôi cũng không để động cơ phải rú lên hay tăng tốc một cách không cần thiết trên bất kì loại đường nào. Xin được nhắc một câu nói của người Tây Ban Nha: “Hãy đối xử với chiếc xe như với bà của mình”. Xét cho cùng, chẳng ai lại bắt bà mình chạy 100 m rước rút mỗi ngày cả! Vậy nên chúng tôi luôn luôn lái xe chậm và cẩn thận, và chiếc xe cũng đáp lại cách đối xử nhẹ nhàng của chúng tôi bằng cách vận hành hoàn toàn không gây trục trặc gì cả!
Dyan: Ông diễn tả thật thú vị! Ông làm thế nào để kiếm được lốp xe thích hợp - đúng cỡ vành, và có lẽ là đúng nhãn hiệu nữa, ở một vùng xa xôi hẻo lánh? Ông có đem hai lốp xe dự phòng có thể lắp ngay, nhưng những tình huống khẩn cấp vẫn xảy đến phải không?
Gunther: Anh quan sát và đặt câu hỏi rất hay! Chúng tôi từ đầu vẫn luôn sử dụng lốp Yokahama vì loại lốp “Mọi địa hình” này đã chứng tỏ chúng rất đáng tin cậy, và mỗi chiếc lốp dùng được cho 70.000 đến 80.000 km – như vậy là khá nhiều, xét đến các loại mặt đường: hầu hết là đường đá sỏi, và đôi khi thật sự là không có đường nữa! Tính bền của lốp này tôi cho là nhờ vào việc lái xe chậm và cẩn thận nữa. Loại lốp Yokahama chúng tôi ưa thích có thể kiếm được ở mọi nơi trên thế giới, chỉ có một ngoại lệ. Đó là ở Ethiopia khi ba chiếc lốp đã khá mòn. Chúng tôi như phát rồ, tìm khắp Ethiopia mà không thấy loại lốp đúng kiểu và kích cỡ. Không tìm được ở cả Ethiopia và nước láng riềng Kenya, chúng tôi buộc phải lái xe 8000 km đến Nam Phi mới mua được!
Dyan: Ông xử lí như thế nào với tính huống không tránh khỏi là xịt lốp, khi mà có thể các phương tiện sửa lốp liền săm sẽ không có ở một số vùng của châu Phi và những vùng kém văn minh khác?
Gunther: Một lần khi ở vùng rừng rậm châu Phi, chúng tôi đã bị xịt ba lốp xe chỉ trong một ngày! Khi ở trong vùng rừng châu Phi hay một nơi không có điều kiện thuận lợi tương tự thì việc sửa lốp liền săm là một việc không dễ dàng vì lốp gắn rất chặt vào vành, khó tháo ra được. Nhưng cuối cùng với nhiều cố gắng tôi cũng làm được! Thêm vào đó, để bơm được loại lốp liền săm sau khi sửa, ta cần có thêm áp lực khí lúc ban đầu trong khi chúng tôi chỉ có một chiếc bơm tay loại nhỏ. Vậy là chúng tôi thường lồng một chiếc săm thường vào bên trong lốp để chạy tiếp. Chúng tôi đã gặp những tình huống như thế nhiều lần, nhất là trong những vùng rừng sâu của châu Phi!
Dyan: Những lời kể của ông – một người đã 75 tuổi, đem lại hi vọng và can đảm cho những người cao tuổi trên khắp thế giới rằng mỗi người đều có thể tìm kiếm sự phiêu lưu khi đã đi qua độ tuổi nghỉ hưu thông thường là 55 đến 60 tuổi. Ông đã qua tuổi thất thập mà vẫn đầy say mê với cuộc sống và những mạo hiểm nó đem lại. Miễn là ta đi đến để tìm thấy chúng! Cho đến nay, ông đã đến chừng 186 đất nước – thậm chí cả những vùng bị chiến tranh tàn phá. Vậy ông đã làm như thế nào để tránh những nguy cơ thấy rõ và những rắc rối tiềm ẩn?
Gunther: Ồ! Chúng tôi lo liệu với những khó khăn của mình một cách ổn thỏa, nhưng chúng tôi luôn cố gắng giảm tối thiểu những nguy cơ, bằng cách sống giữ mình – không thể hiện ra bên ngoài. Chiếc xe của chúng tôi có bề ngoài giản dị, không hề dán loại đề can gì cả, ví dụ như một dòng: “Chuyến Vòng Quanh Thế Giới.” Chúng tôi không đăng chuyến đi lên Internet – chúng tôi cũng không có Website hay Trang chủ gì cả. Chúng tôi không nhận tài trợ, do đó không cần phải dán đầy xe những đề can như những nhà tài trợ có thể yêu cầu! Chúng tôi luôn tránh những gì phô trương, luôn khiêm nhường, chỉ ngủ lại một đêm tại một địa điểm và rời đi khi chớm bình minh. Như thế trước khi mọi người kịp nhận thấy sự có mặt của chúng tôi thì chúng tôi đã đi rồi. Cách đó nói chung đã giúp chúng tôi tránh không thu hút những rắc rối. Cho đến nay, chúng tôi chưa hề gặp một vụ trộm cướp hay rắc rối nào với người dân địa phương cả. Khoảnh khắc nguy hiểm duy nhất đáng kể đến là khi chúng tôi đối phó với những kẻ trấn cướp có trang bị súng ở Ethiopia. Tôi đã phản ứng bình tĩnh, dùng lời lẽ mềm mỏng để thoát khỏi hoàn cảnh đó một cách vô sự!
Dyan: Đó quả là một sự thoát nạn may mắn! Vậy, thưa ông Holtorf, ông ngủ, nấu nướng, ăn uống, thậm chí tắm trong hoặc bên chiếc xe yêu quý của mình, và khi thời tiết thuận lợi, ông mắc võng lên xe và cây để ngủ. Nói về chuyện ngủ trong đêm – chắc hẳn ông phải dùng đến mọi biện pháp phòng ngừa phải không? Và đó là những biện pháp gì?
Gunther: Vâng, đó là mối quan tâm hàng đầu. Hàng ngày chúng tôi đều cố kiếm được một chỗ an toàn để nghỉ đêm. Trong rừng sâu khi phải tránh các loài thú săn, chúng tôi tìm kiếm những chỗ an toàn để có thể hạ trại; khi ở gần gần những thành thị, chúng tôi tìm những chỗ gần đồn cảnh sát hay nhà máy, hay một nơi dễ thấy nào đó có thể trú ẩn tương đối an toàn. Chúng tôi chọn chỗ đỗ xe qua đêm lúc chiều muộn chứ không bao giờ để đến sau khi trời tối. Chúng tôi rời đi khi bình minh, vậy nên không có cơ hội cho những kẻ có ý định rình mò. Ví dụ như khi ở Mexico City, chúng tôi muốn đi thăm một trường đại học nổi tiếng, và để đến đó, chúng tôi phải đi qua trên một đại lộ rất dài. Khi quay về, chúng tôi không đi trên con đường đó mà đi một đường khác dẫn tới trung tâm thành phố vì chúng tôi muốn tránh những kẻ xấu có thể rình rập trên đại lộ dẫn đến trường đại học đó. Sự an toàn của chúng tôi nói chung giống như một bức tường gạch. Mỗi hành động chú trọng hàng đầu đến an toàn mà chú tôi đặt ra và thực hiện là một viên gạch ghép lên bức tường – bức tường của sự an toàn!
Dyan: Khi đi khắp thế giới như thế này, ông liên lạc như thế nào? Ông có một thiết bị liên lạc vệ tinh tối tân chứ?
Gunther (cười lớn): Anh sẽ phải ngạc nhiên đấy! Tôi chưa bao giờ đem theo một chiếc điện thoại di động, máy tính xách tay, điện thoại vệ tinh hay một thứ phương tiện liên lạc điện tử linh tinh gì cả!
Dyan: Linh tinh?
Gunther: (cười) Vâng, tôi gọi chúng là thứ linh tinh! Xét cho cùng, khi anh ở một nơi xa xôi hẻo lánh,như trong rừng rậm chẳng hạn, anh cần phải tự giải quyết vấn đề của mình! Tôi không thể dựa vào ai ở tận đầu kia của thế giới để giúp mình cả! Giả như bị kẹt trong rừng rậm Amazon, tôi phải biết cần làm điều gì. Tôi biết kêu cứu với ai? Xét cho cùng, khi đi vào vùng không có dân cư thì nơi đó cũng không phủ sóng điện thoại như là ở Sri Lanka sóng điện thoại cũng không phủ! Ví dụ như ở Australia, sóng điện thoại di động chỉ phủ quanh vùng đô thị, còn ở vùng rừng hay nông thôn thì không có. Vậy là trong những tình huống như vậy tôi phải tự mình giải quyết vấn đề của mình. Rồi thì ở giữa lòng sa mạc Sahara, ai mà giúp ta được. Ngay cả nếu có điện thoại vệ tinh để liên lạc với gia đình để cho họ biết mình đang mắc kẹt đâu đó trên sa mạc Sahara thì họ cũng lại chỉ cuống cuồng lên tìm một cuốn Atlas! Vậy nên ta phải trang bị đầy đủ, có sự tự tin và khả năng để tự giải quyết các vấn đề gặp phải tại bất kì nơi nào trên thế giới. Tất nhiên, cho tôi được nhắc lại: tôi không làm gì mạo hiểm một cách không cần thiết; phải, có những lúc chúng tôi buộc phải chấp nhận những mạo hiểm nhất định, nhưng tôi sẽ không chấp nhận mạo hiểm nếu không có những hỗ trợ khả thi – bởi vì như vậy thật vô lí!
Dyan: Để có an toàn thì phải trả những phí tổn – luôn là vậy! Vậy trọng lượng của những thiết bị ông mang theo có phải là một nhân tố trong kế hoạch không?
Gunther: (cười) Có câu châm ngôn: “Những gì không mang đi thì không hỏng”. Vậy là ta càng mang nhiều thứ thì khả năng hỏng hóc càng cao! Martin con trai tôi là một kĩ sư công nghệ thông tin, nó có một máy tính xách tay, một điện thoại di động địa phương và một điện thoại di động quốc tế, cùng với những bộ sạc – bất chợt, mấy thứ đó tự nhiên biến đi đâu đó, ví dụ như ở châu Phi ấy! Trong khi bao năm qua đi cùng vợ tôi, hai chúng tôi không bao giờ đem theo những thiết bị công nghệ cao. Bà ấy chỉ mang cuốn sổ và ghi tắt những gì trải qua – không có máy tính xách tay cho bà ấy! Vậy nên chẳng có ai muốn đánh cắp cuốn sổ nhàu nát mà bà ấy vất vả gìn giữ ấy đâu!
Dyan: Ông có lời khuyên gì dành cho những ai trong tương lai sẽ có chuyến thám hiểm trên một chiếc xe hai cầu giống như ông?
Gunther: Hãy đơn giản. Tránh những vật dụng không cần thiết. Hãy chỉ mang theo những gì thiết yếu. Hãy suy xét điều này: Người đi xa lần đầu sẽ mang theo ba va li đầy chặt. Một người có kinh nghiệm thì chỉ mang theo một chiếc túi xách! (cười) Cũng hãy sẵn sàng với bất kì chuyện gì xảy đến. Hãy chuẩn bị kĩ lưỡng kiến thức về xe cộ; chuẩn bị sẵn dụng cụ và phụ tùng thay thế. Phải cố gắng hết khả năng để có thể tự chủ được. Và tối thiểu hóa mọi thứ!
Dyan: Ông xoay xở với thời tiết xấu như tuyết, bão cát, lụt lội... như thế nào?
Gunther: Chúng tôi nghiên cứu các hình thái thời tiết và các mùa từ trước. Ví dụ, chúng tôi sẽ không bao giờ đánh liều đi qua Siberia vào mùa đông! Tương tự, chúng tôi tránh mùa mưa ở những vùng nhiệt đới. Trong chuyện này cũng lại là vấn đề đơn giản – có lựa chọn và chuẩn bị trước hay không!
Dyan: Ông sẽ đáp lại như thế nào khi những người trẻ tuổi nói: Vì sao phải gánh lấy đủ những rắc rối khi lái xe đến gần như khắp nơi trên thế giới trong khi cũng có thể trông thấy những nơi đó qua ti vi?
Gunther: Phải, các bạn có thể thấy được quang cảnh nhiều nơi như vậy qua ti vi. Nhưng khác biệt lớn là trên ti vi, các bạn không thể ngửi mùi, không thể nghe được những âm thanh thực sự, không có có hội được nhìn thấy ‘đất’ thật sự ở những nơi đó – tất cả những yếu tố này được bao bọc trong một trải nghiệm ngất ngây – một trải nghiệm cá nhân không gì sánh nổi mà chiếc ti vi không thể đem lại!
Dyan: Được gặp và trò chuyện với ông quả là một trải nghiệm tuyệt vời và sảng khoái! Ông và anh Martin con trai ông, và cả bà Christine người vợ quá cố can đảm của ông đã thật sự chỉ ra con đường. Ngay cả trong thế kỉ 21, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm sự phiêu lưu miễn sao chúng ta có đơn giản và có một thái độ chân thật với cuộc sống! Mong sao những chuyến đi của ông sẽ chiếu rọi ánh sáng cho thế giới cần có lòng can đảm này!
Gunther: Cảm ơn anh.
Mạnh Tùng (theo PL&XH/dịch từ tạp chí Motor)
Ý kiến đánh giá