20:17  | 

Nghe Hùng Offroad nói về niềm đam mê offroad

“Cái hay của offroad là không thể đi một mình. Nghĩa là phải có team, mọi người hỗ trợ nhau, cùng dựa vào nhau để vượt qua những cung đường khó. Từ offroad mà mọi người trở thành anh em”.

Anh Trần Mạnh Hùng (nickname Offroad, chủ tịch CLB Offroad Hà Nội) đã nói với chúng tôi như thế trước khi bộc bạch về niềm đam mê offroad của mình.

Offroad – Tình yêu khó lí giải

Là một trong những người đầu tiên xây dựng và phát triển bộ môn offroad bằng ôtô tại Việt Nam, đã từng chinh phục thành công nhiều cung đường “khủng”, đã từng giành thứ hạng cao trong các cuộc thi offroad, nhưng anh Hùng không muốn nói nhiều về những “chiến tích” đó. Với anh, được chia sẻ tinh yêu offroad với mọi người là đã vui lắm rồi. Và vì vậy, những câu chuyện của anh cứ đến thật tự nhiên.

Theo anh Hùng, thứ tác động mạnh nhất khiến anh đến và đam mê offroad xuất phát một phần từ tính cách. Anh thích phưu lưu mạo hiểm, thích làm những cái khác thường. Ngay từ hồi còn trẻ, từ những năm đầu thập kỷ 90, khi đang còn là một cậu sinh viên của Khoa Điện tử viễn thông – Trường ĐH Bách Khoa anh đã thích đi lang thang một mình đến những vùng còn hoang sơ. “Hồi đó, còn chưa có khái niệm phượt và phong trào đi phượt như bây giờ, nên việc đi đến những vùng xa xôi là chuyện kì quái lắm” – Anh Hùng chia sẻ.

Cái máu offroad thể hiện ngay từ việc mua xe. Khi ra trường, đi làm, có điều kiện mua riêng cho mình một chiếc xe máy, anh chọn ngay chiếc win để rảnh là có thời gian đi khám phá. “Điều này nó xuất phát từ cái rất tự nhiên bên trong mình, không phải là vì thấy người nọ, người kia chạy xe ấy trông phong cách mà mình bắt chước theo”.

Từ xe máy rồi đến ôtô. Khi có điều kiện mua ôtô, anh chưa từng mua và có ý định mua một chiếc xe sedan. Xe của anh đều là xe gầm cao, 2 cầu. Anh Hùng nói thêm: “Nếu cho mình chọn một chiếc xe sedan xịn, đắt tiền và một xe hai cầu. Nhất định là mình sẽ chọn xe hai cầu cho dù xe ít tiền hơn nhiều, kém sang hơn nhiều”.

Cái tư tưởng đó khiến danh sách những chiếc xe mà anh sở hữu đa phần là những chiếc xe phục vụ cho cái thú offroad. Từ chiếc xe đầu tiên là Jeep lùn, đến Jeep cao, Ford Ranger, Toyota 4Runner, đến Suzuki Tracker. Theo anh Hùng, khi đã mê offroad rồi thì cũng có kinh nghiệm trong việc sử dụng xe hơn. “Ngày trước ngây thơ, cứ nghĩ đi offroad thì đi xe nào cũng được. Ngây thơ đến mức mang cả xe tự động, xe 1 cầu đi offroad, đi xe 2 cầu còn lúng túng không biết gài cầu thế nào. Điều đó không có gì ngạc nhiên, vì cái gì cũng cần có một quá trình. Trước cứ xe thế nào thì để nguyên thế mang đi offroad, sau mới biết là cần phải độ, phải nâng cấp. Tìm hiểu mới thấy cần phải có kiến thức về cầu nhanh, cầu chậm, khóa visai, tời, thay tỉ số truyền, nâng gầm…”.

Anh Hùng cho biết: “Trước kia nghĩ, mua một con xe vừa đi offroad, vừa làm xe gia đình, vừa đi chơi, đi làm cho tiện. Sau một vài lần đi mới nhận ra, điều đó là sai lầm. Nếu là xe offroad thì chỉ nên dùng để đi offroad, xe gia đình dùng cho cuộc sống hàng ngày thì không nên độ để đi offroad. Nếu độ một chiếc xe bình thường thành xe offroad thì đi đường nhựa không thực sự tiện dụng khi đã độ gầm cao, bánh béo hay lắp thêm phụ kiện. Rồi chưa kể xe gia đinh mà bẩn, mà mọp, méo đủ kiểu thì cũng không ổn. Mình còn nhớ, chiếc 4Runner ngày xưa còn bị giột nóc vì đi offroad. Đến khi chở vợ con đi chơi xa, bà xã ngồi ở trong mà phải lấy mũ che cho nước chảy ra phía ngoài”.

 

Hiện tại, Hùng Offroad đang dùng một chiếc “Land cộc” để thi đấu, đi offroad. Một chiếc Triton làm chiếc xe để đi công việc hay dã ngoại cuối tuần với gia đình và một chiếc Jeep cao để đi “ọp, ẹp” cafe, gặp gỡ anh em trong CLB hay trên diễn đàn. Nhiều người nghĩ đó là sự thừa thãi, lãng phí, còn anh Hùng lại không nghĩ vậy, vì cho rằng, chơi xe offroad, nếu biết lên kế hoạch, biết tính toán thì chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí rất hợp lí. Hơn nữa, việc dùng xe cho những mục đích khác nhau còn là sự dung hòa giữa đam mê offroad, gia đình và công việc.

Cân bằng giữa đam mê – gia đình và công việc

Đi offroad, tham gia vào những chuyến offroad thì ai cũng phải có đam mê thì mới đi được. Nhưng theo anh Hùng, bên cạnh đam mê, còn cần phải có sự cân bằng với gia đình và công việc. Anh tâm sự: “Nói như chuyện đi một lúc hai, ba cái xe là rất dễ bị bà xã cằn nhằn – tại sao lại phải hai chiếc để tốn thêm tiền gửi xe, tiền xăng. Lí do đó cũng khiến nhiều người chưa thể hết mình với đam mê được vì gia đình không hiểu, không thông cảm, sợ nguy hiểm”.

Anh Hùng đã thuyết phục vợ mình bằng cách cho vợ con đi cùng, để họ trải nghiệm dần dần và hiểu cho đam mê của mình. Ban đầu, anh đưa cả gia đình đi những cung offroad nhẹ nhàng. Sau đó tăng dần với những cung khó hơn. Đi và hiểu, cuối cùng thì bà xã của anh cũng mê đi chẳng kém gì anh. Quan hệ gia đình qua những chuyến offroad mà gắn bó hơn.

Chị N (vợ anh Hùng) kể: “Ban đầu mình chưa hiểu, cũng đặt dấu hỏi nhiều với cái thú của ông xã. Rồi lại thấy chồng về rủ đưa con đi offroad. Thấy lo, thấy ngạc nhiên vì nghĩ làm sao mà đưa chúng đi được. Đi một, hai chuyến mới thấy mọi chuyển là ổn nếu mình chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho chuyến đi từ việc lên kế hoạch, mang đủ đồ cho con như thức ăn, thuốc men, quần áo…”.

“Mình đi cùng chồng mà hầu như chuyến nào cũng có thử thách. Xe vào địa hình khó, không hỏng cái này thì hỏng cái kia. Đường sá cực xấu, thức ăn thiếu thốn là chuyện bình thường nhưng vì thế mà vợ chồng lại gắn bó và hiểu nhau hơn. Bản thân hai đứa nhóc của gia đình mình, một đứa 4 tuổi, một đứa 8 tuổi cũng qua những chuyến đi mà cứng rắn hơn. Chúng thấy phấn khích với những cái mới lạ mà chúng không tìm thấy ở thành phố, biết kia là cây gì, con đấy là con gì, tại sao lại như vậy, cuộc sống của người dân vùng sâu khác với cuộc sống ở thành phố ra sao… Bên cạnh đó, chúng cũng hiểu tại sao xe mình phải kéo xe kia, tại sao lại phải dừng lại giúp xe đó. Bài học về tính tập thể, làm việc theo nhóm được bọn trẻ tiếp thu một cách tự nhiên”.

 

Kéo vợ vào cùng chung đam mê, lại phải sắp xếp thời gian để sao cho cái thú chơi nó không ảnh hưởng đến công việc của mình. Đã từng làm việc cho vài công ty nước ngoài, có thu nhập tương đối, nhưng sau đó vì quá gò bó về thời gian nên anh Hùng đã chuyển sang làm dự án cho một công ty trong nước với số tiền kiếm được ít hơn, đổi lại chủ động hơn về thời gian hơn.

Anh Hùng tâm sự: “Đến một lúc nào đó, mình sẽ phải suy nghĩ là mình sống vì cái gì? Sống chỉ để đi làm kiếm tiền, hay sống, làm việc và theo đuổi những thứ mà mình thích. Thay vì cứ hằng ngày 8 tiếng hay 10 tiếng cắm mặt vào văn phòng kiếm tiền, mình đã chọn công việc có thu nhập ít hơn nhưng chủ động thời gian để thỏa cái đam mê của mình”.

“Tất nhiên cũng không phải là cứ lao vào đam mê cá nhân mà quên mất gia đình và công việc. Chủ yếu là mình phải biết cân bằng giữa điều kiện kinh tế, gia đình, công việc và đam mê” – Anh Hùng kết luận.

Niềm vui trong offroad

Điều mà ai trong dân offroad cũng phải thừa nhận, theo lời kể của anh Hùng, đó là tìm thấy niềm vui từ tính đồng đội trước những thử thách bất ngờ. Có những chuyến, trong rừng, không có người, không có điện thoại, chỉ có mấy anh em trong đội với nhau nhưng cứ phải đi, xe hỏng cũng phải cố sửa để mà đi, gặp đường khó cũng cố giúp nhau để vượt qua. Không có sự trợ giúp bên ngoài, anh em phải dựa vào nhau nên tính đồng đội trong offroad là cực kì quan trọng.

“Chẳng có ai đi offroad một mình cả”, anh Hùng nói, “đố ai dám đi một mình một xe vào một cung offroad, trừ trường hợp không may đi lạc vào. Cho nên đi offroad phải có team, ít nhất là một cái xe phải có hai người. Vài ba xe đi thành một nhóm. Cái nhóm đó không phân biệt, già trẻ, ngoài đời anh làm cái gì, nhiều tiền hay ít tiền, cùng nhau vượt qua khó khăn, mọi người gắn kết với nhau như anh em trong nhà. Có chuyện gì vui buồn đều cùng nhau chia sẻ”.

Dân offroad cũng không quan trọng là phải có nhiều tiền, hay phải có xe xịn, xe tốt. Cứ có đam mê là có thể tham gia. Ban đầu thì có thể đi “ké” với mọi người, sau mình cũng muốn có xe, muốn được cầm lái. Anh Hùng chia sẻ: “Cảm giác lái xe và cảm giác ngồi bên cạnh khác hẳn nhau. Mình phải ở trong tình huống mới thấy “phê” với những giây phút nghẹt thở, hồi hộp… Rồi trực tiếp cầm lái thì các offroader mới tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm từ cách đặt bánh xe, nên đi nhanh hay chậm, rồi cách đi qua bùn, lội qua hố nước sâu, cách sử dụng các dụng cụ cứu hộ, cách sửa xe…vv”.

Với dân offroad thì ngay cả việc tìm cung đường cũng đầy thú vị. Có hai cách, một là nhìn trên bản đồ thấy có đường là đi tiền trạm rồi trực tiếp hỏi người dân. Những cung sâu thì thuê xe máy vào khảo sát đường. Cách thứ hai là nhờ các thành viên trên các diễn đàn hay bạn bè ở địa phương cung cấp thông tin. Thành viên đó sẽ hỏi cách đi từ bạn bè làm xây dựng, bộ đội biên phòng, điện lực… nằm trên cung định đi. Thế mới có chuyện, một thành viên của CLB Offroad trên diễn đàn được giao nhiệm vụ hỏi đường. Đội offroad lên kế hoạch đâu ra đó, đến nơi, đường thì khủng thật, nhưng chỉ rộng 1m, ôtô không đi được nên đành quay về. Hoặc có chuyện nhận được thông tin đường khó trung bình, vào rồi mới thấy nó quá khủng, dự định đi 2 ngày mà mất tới 4 ngày, 4 đêm. Đường xấu đến nỗi vào cung lúc 2h trưa, đi đến 10h đêm mới được khoảng 2km, anh em phải ăn mỳ tôm suốt hành trình. Nhưng thế thì đã sướng, đã được trải nghiệm, thất vọng nhất là tiền trạm nói đường dành cho offroad, lên đến nơi đường lại trải nhựa phẳng lì thì còn nản hơn.

Theo anh Hùng, việc độ xe đi offroad cũng là cái thú thực sự. Nếu đã thích offroad thì nghĩa là phải thích và biết độ xe. Tuy nhiên, không phải cứ có tiền bỏ ra, độ một lần rồi lần sau không còn gì để độ nữa thì cũng nhàm. Bên cạnh đó, việc độ xe cũng cần phải có kế hoạch và lộ trình. Chẳng hạn, không phải cứ thích thứ gì là mua về độ. Nếu anh độ lốp trước, đi một thời gian mới nghĩ đến độ gầm thì không khéo lại phải mất công mua lốp khác khi gầm được nâng lên. Nếu anh mua cản trước sau đó một thời gian quay ra lắp tời thì khi lắp tời có khi phải chế lại cản hoặc mua cản mới. Như vậy vừa lãng phí mà xe vẫn không ổn.

 

“Thực ra độ xe để đi offroad không phải là cần một số tiền lớn như nhiều người nghĩ. Cái cơ bản là phải có kế hoạch và đúng cách. Như cái “Land cộc” đi thi đấu của mình, bỏ khoảng trăm triệu đồng ra mua về. Đầu tiên là bảo dưỡng máy móc, côn, số, rồi độ dàn gầm, sau đó sắm bộ lốp gai chuyên offroad, tiếp đến mới nghĩ đến chuyện lắp thêm khóa visai, tời…Xe trăm triệu, độ dần thêm khoảng trên trăm triệu nữa tùy theo ngân sách là chiếc xe của mình đã tham gia được vào những cung offroad khó – đâu cứ phải có tiền tỷ mới độ được xe” – Anh Hùng cho hay.

Kinh nghiệm của những người độ xe offroad như anh Hùng là phải độ xe theo lộ trình, nay độ cái này, mai lắp cái kia, nhìn chiếc xe thay đổi dần dần mới thấy thú. Hàng ngày ngắm nghía cái xe, tuần xuống gara 1-2 lần rồi tham khảo trên mạng, hay bạn bè để nảy ra các ý tưởng lạ mới thực sự mang lại hứng khởi. Vào thời điểm bộ môn offroad còn sơ khai ở Việt Nam, những người ở độ tuổi anh Hùng, việc độ xe là rất khó khăn. Đồ độ thì hiếm, cách độ cũng chưa biết vì chưa ai làm bao giờ nên anh em cứ phải tự mày mò, độ hỏng thì làm lại. Thử đi thử lại vài lần mới biết cái gì là nên và không nên làm.

Giờ thì khác, những người chơi xe offroad ở thời điểm này đã thuận lợi hơn rất nhiều. Họ tích lũy được kinh nghiệm từ những người đi trước, mua đồ độ cũng dễ hơn, việc trao đổi thông tin cũng nhanh nhạy hơn. Bởi thế, anh Hùng hy vọng rằng, với điều kiện hiện tại, phong trào offroad ở Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng, niềm đam mê offroad cũng vì thế mà được nhân lên, sắp tới Câu lạc bộ xe ô tô địa hình Hà Nội (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ chính thức được thành lập để sân chơi của những người có đam mê bộ môn “hâm hâm” này sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, lên tầm cao hơn và trong tương lai Việt Nam sẽ có những đội tham gia những giải đua xe địa hình trên thế giới.

Thế Đạt (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá (4)


Có thể bạn quan tâm