09:31  | 

Ôtô và câu chuyện “Của rẻ là của ôi”

Có mấy anh nọ ham của rẻ. Phàm cứ cái gì rẻ, ở đâu khuyến mãi, giảm giá là các anh nhà ta lao đến mua bằng được. Mua được rồi thì xem ra hả hê lắm, nhưng cũng chẳng ít anh méo mặt vì vớ phải của ôi.

Có anh đi ăn lẩu. Chỗ đàng hoàng chả ngồi, ham rẻ mà lôi nhau ra lẩu vỉa hè. Chưa biết rẻ hơn được bao nhiêu nhưng vừa ăn vừa nơm nớp lo xe máy dưới đường nó tông vào bàn nhậu, lo bếp ga nổ. Có anh còn bị chủ quán nó chửi cho xơi xơi vì cái tội bỏ có từng đấy tiền mà cứ đòi hỏi. Báo chí cũng nói đầy đến chuyện gia vị lẩu vỉa hè chứa chất ung thư, thực phẩm không nguồn gốc, nội tạng nhập lậu mất vệ sinh… Cái này thì đúng là “của rẻ là của ôi” rồi.

Đấy là chuyện ăn. Chuyện ở mà ham của rẻ cũng vậy. Có anh cứ đi săn bằng được cái chung cư giá rẻ. Làm thủ tục mua bán đâu đấy, đến cả 5-7 tháng sau vẫn cứ phải chờ vì nhà… chưa xây xong. Nhiều anh đến ở rồi mới thấy chung cư nó chả ra cái chung cư. Cầu thang máy thì dăm ngày “chết” một lần. Nhà thì bị mất cắp, tầng thì cãi nhau ủm tỏi vì “rác chung không ai nhận”. Dọn về ở được một năm mà cái chung cư cũ như cả chục năm rồi.

Chuyện ăn, chuyện ở rồi lan ra chuyện đi. Có vị săn bằng được cái chuyến bay giá rẻ, rồi háo hức “cả nhà cùng bay”. Chờ dăm tiếng vì bị delay, lên tàu bay mới thấy chả khác gì tàu chợ. Đến bữa mà phải bỏ tiền ra mua đồ ăn cũng thấy ưng ức. Về đến sân bay thì bị phân biệt đối xử đủ kiểu. Người ta bước cái là ra đến sảnh, mình thì đi xe buýt lòng vòng mãi không thấy tới. Cầm cái vé check out cũng thấy nó cứ hèn hèn thế nào.

Cái nồi lẩu, cái vé máy bay, cái chung cư giá rẻ nó không có tội, tội là tội ở những người hạ thấp sản phẩm mình làm ra rồi coi thường luôn cả khách hàng mua nó.

Giờ mới nói đến những chiếc ôtô giá rẻ ở Việt Nam. Điểm mặt ra thấy có anh Ma tịt (Matiz), hay mới đây là anh Ép-Không hay Ép-Ô (F0) gì đó của BYD được coi là xe giá rẻ. Chả biết có phải là xe giá rẻ hay không mà người ta khinh nó lắm. Thế nên nhiều người mới cứ nghĩ rằng: “Đã mua ôtô là phải mua cái xe cho ra hồn. Mua cái Matiz thì thà đi xe máy Honda SH, PS còn oai hơn”. Quả là ở ta, người đời cũng có nhìn anh đi SH, Dylan với con mắt khác với anh đi Matiz. Vậy mới có chuyện, xe Matiz về Việt Nam cũng chỉ để dùng làm taxi. Ai đó có sử dụng loại xe này rất dễ bị nhầm là lái taxi.

Cơ mà không phải chỉ là cái tâm lý. Thì đúng là “tiền nào của nấy” thật. Đành rằng là xe nhỏ phù hợp cho đô thị thật, nhưng cái kiểu cứ gặp ổ gà mà bình thường xe máy vượt qua cũng đơn giản thì Matiz có nhỡ chân ga mà lao qua thì nghe đánh rầm một cái, người ngồi trong xóc lộn ruột. Có anh trước cũng làm cái Matiz vi vu chạy ra tỉnh. Chả biết đi thế nào mà xe long cả bánh, nằm cả đêm chờ sửa. Trên đường cao tốc, nhìn mấy chiếc Civic, Altis rồi Vios cũ gì đó cứ lướt qua vù vù mà thấy thèm. Ngồi trong Matiz, đứng cả dậy mà nhấn bàn đạp ga mà nó cứ ì ra. Lên được 100km/h lại hụt hơi, xe rung lên bần bật, vào cua mà thấy cứ ghê ghê. Nghĩ cũng bực.

Năm kia, BYD - hãng xe Trung Quốc cũng “nhảy” vào Việt Nam. Hãng này tung ra thị trường mẫu xe giá rẻ F0 với mức giá xấp xỉ 200 triệu đồng. Ngoài mác xe Tàu khiến người ta dị ứng, cái nội thất cũng đơn giản, sơ sài đến sợ. Thôi thì hình thức, tiện nghi có xấu còn chấp nhận được, chứ người ta rợn nhất là cái độ an toàn. Đi xe mà khung gầm không chắc, túi khí không đảm bảo thì “chết lúc nào không biết”. Cái cơ bản anh BYD nhầm ở chỗ là không coi cái xe cho đúng với cái xe. Điều này phải học các hãng xe Nhật. Họ luôn đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu cho một chiếc xe ôtô về độ an toàn, tiêu chuẩn chỗ ngồi, tiện nghi… Bởi vậy người ta không nói xe Nhật rẻ, mà người ta nói giá của nó hợp lí.

Chuyện về xe Matiz và F0 khiến người ta cứ ngờ ngợ rằng, nếu anh Tata Nano (chiếc xe đã từng rẻ nhất thế giới) của Ấn Độ có bước chân vào thị trường Việt Nam thì xem ra cũng khó “sống”.

Các cụ ta nói “của rẻ là của ôi”, ngẫm đi, ngẫm lại vẫn cứ thấy phần nhiều là đúng.

4 Bánh (Theo PL&XH)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm