10:27  | 

Phí lưu hành xe cá nhân: Đi lắm nộp nhiều ?

Cho rằng việc thu phí lưu hành phương tiện và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là đúng đắn, Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, để xây dựng phương án thu phí thành phố đang có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô.

>> VAMA đề nghị ngừng thu phí ô tô, xe máy

>> Phí ‘đè chết’ ô tô!

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc hiệu quả thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm lập lại trật tự giao thông trên địa bàn Hà Nội được tổ chức sáng nay (27/3). Tại cuộc họp một trong những vấn đề được quan tâm và mổ xẻ nhiều nhất đó là việc tìm biện pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ đề xuất thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cùng với phí Bảo trì đường bộ đang được dư luận quan tâm, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lên tiếng khẳng định, việc thu phí vào nội đô để hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm là mong muốn của thành phố với mục đích cơ bản là giảm thiểu phương tiện cá nhận, đặc biệt là ôtô vào trung tâm trong giờ cao điểm vì hiện nay mật độ tham gia giao thông quá lớn.

Ông Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định, việc thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn, thành phố hiện đang suy nghĩ phương án thu phí thế nào cho hợp lý vào giờ cao điểm.

Hà Nội đang tính chuyện thu phí lưu hành phương tiện vào nội đô theo hình thức luỹ tiến để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Ảnh: Ngọc Lân

““Mật độ giao thông của thành phố hiện nay quá lớn. Để xây dựng phương án thu phí, thành phố đang có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến trong giờ cao điểm. Mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô,” ông Thảo cho biết.

Chủ tịch UBND Hà Nội lý giải rằng, việc thu phí như vậy một giờ sẽ thu được bao nhiêu tiền, đến giờ thứ hai sẽ được tăng lên bao nhiêu tiền nhằm mục đích khi người ta vào trung tâm sẽ phải tính toán thời gian lưu lại phương tiện nhanh nhất, ngắn nhất để giảm mức phí đồng nghĩa với việc mật độ giao thông sẽ giãn trong nội đô.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng phương án tổ chức kiểm soát bằng cổng hay vé lưu hành vào nội đô là bài toán rất khó vì đô thị trung tâm rất nhiều ngõ ngách. “Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu kỹ biện pháp để giải quyết vấn đề này,” ông Thảo khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc hạn chế ôtô cá nhân cách đây 10 năm thành phố đã nghĩ tới nhưng nay mới triển khai và sẽ chạm tới lợi ích cá nhân.

Cách đây 10 năm Hội đồng Nhân dân thành phố đã có Nghị quyết 34 về cơ chế chính sách về kiềm chế phương tiện tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó có gói 8 giải pháp, nhũng giải pháp đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, khi đó cơ chế phát triển vận tải hành khách công cộng đề lên hàng đầu, là tăng số lượng xe buýt.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, việc chống ùn tắc giao thông hiện nay là nhiệm vụ cấp bách không chỉ với Thủ đô mà còn với cả nước, những vấn đề tai nạn, ùn tắc đã nổi lên từ nhiều năm qua, bây giờ càng quan trọng, đòi hỏi tập trung nỗ lực của đảng, nhà nước và xã hội.

"Ít nước nào trên thế giới có nhiều người chết vì tai nạn như nước ta, thiệt hại về tài sản rất lớn, ảnh hưởng tới lao động, đời sống của người tai nạn, nếu không giải quyết khẩn trương thì sẽ làm ảnh hưởng tới rất nhiều vấn đề khác" Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, đến hôm nay, mức độ tăng phương tiện cá nhân đã tăng đến mức không thể tăng thêm được nữa, nếu như không giảm một cách tương ứng số lượng xe cá nhân thì nếu tăng thêm xe buýt nữa thì càng tăng thêm ùn tắc.

“Chúng ta muốn hạn chế phát triển ô tô cá nhân, mà mới bắt đầu đã thấy nói đụng tới quyền tự do mua sắm, quyền của mỗi người phải được hài hòa trong quyền chung của xã hội. Nếu chúng ta khuyến khích cái quyền cá nhân đến mức nào đó thì một lúc người có xe cá nhân được thực hiện quyền “không đi được,” ông Nghị bày tỏ quan điểm.

Đề cập đến việc Chính phủ đồng ý thu phí Bảo trì đường bộ, nhiều ý kiến cho rằng phí quá cao và phí chồng phí lên đầu phương tiện khiến chủ xe phải “khóc”, Bí thư Nghị đưa ra câu hỏi, người dân mua ôtô không hỏi tiền ở đâu mua khi giá xe cao nhưng khi đường sá xấu thế này mà chỉ đòi hỏi đóng số tiền vài triệu để bảo trì đường tham gia giao thông đã kêu ầm lên?.

“Chúng ta thiếu điểm đỗ ô tô không có cơ chế khuyến khích đầu tư điểm đỗ không có nhà đầu tư nào làm. Suy rộng ra tại sao nhà đầu tư vào các ngành khác mà không vào đầu tư hạ tầng giao thông. Những vấn đề này liên quan đến cơ chế chính sách,” ông Nghị khẳng định.

Theo Vnmedia

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm