17:01  | 

Thông điệp văn hóa giao thông: Ngày thứ sáu không còi

Hôm nay, 21/3, Hãng ô tô Ford Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, kênh VOV Giao thông tổ chức chương trình Lái xe an toàn và thân thiện với môi trường.

Đây là năm thứ năm, chương trình này được Ford tổ chức tại Việt Nam. Trước đó chương trình đã được tổ chức có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới và hàng chục vạn người đã được hưởng lợi từ chương trình đầy tính nhân bản này.

Các chuyên gia của Ford đến từ Nam Phi đã hướng dẫn những người tham gia khóa học lý thuyết và kĩ năng thực hành sao cho đảm bảo an toàn tối đa khi lưu thông trên đường trong mọi hoàn cảnh thời tiết, đường xá khác nhau và ứng phó với tất cả các tình huống giả định có thể xảy ra.

Đặc biệt chương trình dành cho năm 2012 này là thông điệp “lái xe không còi” trong ngày thứ sáu hàng tuần. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm xây dựng một nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông mà Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia chủ trương.

Nếu bạn có dịp ra nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển Âu Mỹ, nơi phương tiện đi lại chủ yếu là xe hơi sẽ thấy người ta rất ít khi dùng còi. Chỉ trong trường hợp đặc biệt như cấp cứu, cứu hộ , cứu hỏa người ta mới dùng còi. Mọi người có thói quen dùng đèn tín hiệu để xin đường, để vượt tránh.

Ngay như ở nước Lào láng giềng là nước được xem là chậm phát triển hơn Việt Nam nhưng phương tiện đi lại chủ yếu cũng là xe hơi. Có rất ít xe máy. Trên đường không có tình trạng lưu thông hỗn hợp nhiều loại hình phương tiện nên cũng rất ít khi nghe thấy tiếng còi xe. Một không khí thanh bình, êm ả đã được đất nước Triệu voi gìn giữ như gìn giữ một bản sắc văn hóa dân tộc.

Các chuyên gia của Ford đến từ Nam Phi hướng dẫn những người tham giá khóa học.

Trở lại thực tế với Việt Nam chúng ta. Từ khi có đổi mới và mở cửa, cùng với sự phát triển kinh tế là sự gia tăng đến chóng mặt của các loại hình phương tiện giao thông cá nhân. Các nhà máy lắp ráp và chế tạo ô tô, xe máy mọc lên khắp nơi. Xe nhập khẩu mới và đã qua sử dụng từ tất cả các nước trên thế giới đổ vào Việt Nam dù mức thuế rất cao so với các nước đã tạo ra bức tranh giao thông “bát nháo” ở Việt Nam từ các đô thị đến nông thôn, miền núi.

Tại các đô thị, sự phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp sư gia tăng cơ học số phương tiện cá nhân tính theo đầu người dẫn đến tình trạng tắc đường kẹt xe. Trên mỗi con đường, các loại phương tiện từ xe đạp, xe máy, ô tô và cả người đi bộ chen chúc nhau cùng đi , mạnh ai nấy đi. Trong bối cảnh đó người ta phải dùng còi để lấn át người khác. Ở Việt Nam mới có câu “còi to cho vượt” là từ đó.

Thói quen dùng còi tùy tiện ngày càng ngấm vào máu những người lái xe. Trong thành phố cánh lái xe taxi thường xuyên rú còi để xin đường phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách. Trên quốc lộ, các lái xe khách cũng thường bấm còi inh ỏi để cướp đường, cánh xe tải thì sử dụng loại còi công suất lớn gấp nhiều lần đề xi ben cho phép để ép các xe khác . Đã có trường hợp một phụ nữ vì giật mình khi nghe tiếng còi quá lớn làm xe ngã ra đường và bị cán chết. Thậm chí có xe còn trang bị cả còi hụ của cảnh sát phòng cháy hay xe cứu thương một cách bất hợp pháp.

Nên chăng chỉ nên dùng còi trong trường hợp cảnh báo người đi bộ sang đường không quan sát, xe cộ từ trong ngõ hẻm ra đường lớn mà không quan sát.

Luật giao thông đường bộ đã quy định cấm bóp còi trong giờ cao điểm, trong đêm khuya nhưng thực tế chưa một trường hợp nào những vi phạm loại này được xử lý .

Người nước ngoài khi đến Việt Nam rất kinh sợ ra đường vì tai nạn ô tô, xe máy, họ còn khiếp vía khi thấy các xe cộ ở Việt Nam bấm còi náo loạn. Hiện trạng đáng buồn đó để lại những dấu ấn không tốt khi các khách du lịch đến Việt Nam với tâm trạng lo âu và bất an.

Vì thế Ford Việt Nam chủ trương tuyên truyền giáo dục người lái xe không dùng còi là một ý tưởng hay, một cử chỉ đẹp. Lập tức nó được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các Tổ chức phi chính phủ hoan nghênh .

Nhưng không thể làm ngay tắp lự mà cần có lộ trình như mưa dầm thấm đất. Vì thế chương trình năm 2012 chọn ngày thứ sáu nói không với tiếng còi là bước đi đầu tiên là hợp lý .

Vào ngày này, mỗi người lái xe dù là xe ô tô, hay xe máy , dù là người lái xe tự do hay trong các nghiệp đoàn, các cơ quan công sở hãy tự giác không bấm còi xe khi tham gia giao thông trên đường. Hãy cố gắng tạo ra một hình ảnh môi trường thân thiện và an toàn. Từ ngày thứ sáu thành công sẽ làm tiếp các ngày khác. Kiên trì nhẫn nại đến một lúc nào đó chúng ta sẽ tạo ra một nếp sống mới không sử dụng còi bừa bãi khi tham gia giao thông. Vấn đề không chỉ dừng lại ở tiếng còi. Khi không dùng còi, người ta sẽ biết nhường nhịn nhau khi đi đường, biết nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông một cách tự giác. Đó chính là thông điệp quan trọng nhất mà chủ trương “Nói không với tiếng còi “mang đến cho mọi người.

An Thanh Lương (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm