Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:00
09:19 |
Tokuo Fukuichi: Thiết kế xe giống như chơi bóng đá
Nói Tokuo Fukuichi đang nắm trong tay tương lai của Toyota không phải là quá lời. Ông hiện là Giám đốc Bộ phận thiết kế trong tập đoàn Toyota và chịu trách nhiệm về thiết kế của khoảng 8 triệu xe mỗi năm.
Chịu trách nhiệm về các thương hiệu Toyota, Lexus và Scion, nghĩa là Fukuichi đang gánh trách nhiệm về mặt thiết kế cho khoảng 8 triệu xe mỗi năm. Điều đặc biệt là, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ này vào tháng 4/2011, sau đúng 18 tháng từ khi tập đoàn khuyết ghế Giám đốc thiết kế thường trực và lại đúng thời điểm hãng đang gặp lúng túng trong các mẫu thiết kế.
Tokuo Fukuichi - trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 60 của mình
Với 8 triệu xe mỗi năm, Fukuichi có ảnh hưởng đến đủ loại xe, từ những mẫu nhỏ gọn dành cho đô thị đến những chiếc limousine sang trọng và thậm chí cả một loạt xe bán tải. May thay, trong sự nghiệp 38 năm gắn bó cùng Toyota, ông đã tích lũy cho mình đủ vốn kinh nghiệm để đảm đương trọng trách lớn lao này.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật và thiết kế tại Đại học Tama, tháng 4/1974, Tokuo Fukuichi đầu quân về Toyota. Dự án lớn đầu tiên ông được giao đảm nhận là thiết kế mẫu Toyota Tercel & Corsa đời 1978. Ông cũng được ghi nhận vì đã đưa ra những ý tưởng ban đầu cho một loạt mẫu xe khác, như thế hệ Toyota Previa/Estima đầu tiên, những mẫu MPV/minivan được ưa chuộng như Voxy và Alphard, cũng như Hiace (mk4), Sienna (mk2) và kể cả những chiếc bán tải đã rất quen thuộc như Hilux (mk6) vàTundra (mk1)...
Dự án lớn đầu tiên của Fukuichi khi về đầu quân cho Tập đoàn Toyota là mẫu Tercel 1978
Với những đóng góp lớn lao ấy, ông trở thành Tổng Giám đốc Bộ phận thiết kế (Design Management Division general manager) vào tháng 1/2003, sau đó tiếp tục được điều động đến Bộ phận phát triển thiết kế của Toyota châu Âu (Toyota Europe's Design Development) đặt tại ED2 (Nice, Pháp) vào tháng 1/2004. Quay trở lại Nhật vào tháng 6/2008 để làm lãnh đạo tại Kanto Auto Works (công ty phụ trợ của Toyota), sau đó ông tiếp tục giữ chức Giám đốc quản lý của tập đoàn Toyota vào tháng 1/2011 trước khi đảm nhận cương vị hiện tại vào tháng 4 năm đó.
Fukuichi cũng là người đặt bút vẽ lên mẫu Previa/Estima minivan 1990
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với vị quan chức cấp cao - con người đầy nhiệt huyết tuổi trẻ dù đã bước sang tuổi 60, môt tài năng thiết kế và quản lý của người Nhật, để nghe ông chia sẻ về những kế hoạch làm việc của mình trong thời gian sắp tới.
PV: Ông đã trở thành Giám đốc thiết kế của Toyota như thế nào?
Tokuo Fukuichi: Cuối năm 2011, ngài Chủ tịch gọi tôi tới văn phòng và nói rằng tôi nên quay về hãng. Đó là lý do tôi trở thành thành viên của Kanto Auto Works. Chủ tịch nói tôi chỉ cần mang đến cho khách hàng những thiết kế ưa nhìn, rằng chỉ đơn giản là như vậy. Tôi trả lời, thiết kế chỉ đẹp sẽ không hàm chứa được hình ảnh của thương hiệu.
PV: Vậy ông đã thuyết phục ngài chủ tịch như thế nào?
Tokuo Fukuichi: Chủ tịch hỏi tôi, cá tính của Toyota nằm ở đâu, khuôn mặt hay tính cách. Thật buồn là khách hàng chưa có một hình ảnh đặc trưng về Toyota cho dù chúng tôi đã xuất ra thị trường trên 100 mẫu xe các loại. Tôi nói với ngài chủ tịch rằng hãy nhìn vào 1 show diễn thời trang. 100 người mẫu đi ra sàn diễn, nhưng sẽ chẳng ai trong số họ được khán giả nhớ đến chính xác. Họ đều có dáng hình hoàn hảo, gương mặt đẹp nhưng lại không tạo ra ấn tượng mạnh mẽ để người ta phải nhớ. So sánh với những diễn viên thì sao. Diễn viên không có một thân hình hoàn hảo. Vậy khuôn mặt họ có đẹp? có thể thôi. Nhưng họ có tính cách. Như Angelina Jolie, cô sở hữu một khuôn miệng rộng đẹp nhưng cá tính mạnh mẽ và những hoạt động đóng góp cho xã hội của cô (nhận con nuôi, làm từ thiện) mới thực sự khiến hình ảnh của cô đọng mãi trong lòng người hâm mộ. Người ta phải tốn một số tiền khổng lồ để có được hình ảnh thương hiệu kiểu này. Những người mẫu được trả lương để diễn thời trang, nhưng diễn viên, họ có thể kiếm được bộn tiền, nếu hình ảnh của họ trở thành một thương hiệu. Vì thế, chúng tôi cần xây dựng một hình ảnh mang tính thương hiệu.
Bản concept Toyota NS4 2012 đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hồi sinh hướng thiết kế của Toyota - tất nhiên, dưới sự lãnh đạo của Fukuichi.
PV: Vậy những chiếc Toyota trong tương lai trông sẽ như thế nào?
Tokuo Fukuichi: Con đường Toyota đang đi là Kaizen - nghĩa là cải tiến không ngừng. Kaizen có thể tạo nên chất lượng lẫn tính năng tốt nhưng chưa làm nên một hình ảnh thương hiệu rõ nét. Bởi thế, chúng tôi cần gắng sức hơn nữa. Có thể, cái ga lăng tản nhiệt hình con suốt đặc trưng của Lexus - thứ vẫn thường xuất hiện trên những mẫu Sedan hay SUV trông rất đẹp mắt, nhưng ở tầm vóc thương hiệu Toyota, chúng tôi cần tạo ra cái gì đó độc đáo hơn. Ví dụ, ở mặt trước, hốc hút khí đặt dưới thấp sẽ trở thành điểm nhấn và được tạo hình lớn hơn. Các thanh (lá cửa chớp) trên lưới tản nhiệt có thể xếp hàng ngang, hoặc dọc, tôi không chắc lắm, nhưng diện mạo của đèn pha phải gọn đẹp, đặt trên lưới tản nhiệt và logo của hãng.
PV: Ông dự tính thay đổi quá trình thiết kế sản phẩm tại Toyota bằng cách nào?
Tokuo Fukuichi: Khách hàng đôi khi cũng không chắc họ cần gì ở tương lai. Nhu cầu của khách hàng ở giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển) có thể lỗi thời sau 3 năm tới, và đến khi đó, mẫu xe chúng tôi tung ra thị trường sẽ trở thành lạc hậu. Vì thế, tôi nói với chủ tịch Akio Toyoda rằng, chúng ta cần phải liều lĩnh. Các thiết kế của Toyota trước giờ có phần bảo thủ. Nếu xét về tính công năng thì điều này hoàn toàn có lợi, nhưng nếu xét về hình dáng và diện mạo bề ngoài thì không nên. Chẳng hạn, một chiếc xe đầm thấp trông sẽ ấn tượng hơn và tạo có người ta cảm giác rằng nó chạy nhanh hơn. Để làm được điều này, chúng tôi phải dành thời gian thuyết phục các kỹ sư. Tôi muốn phá vỡ những cái đầu cứng nhắc và bảo thủ tại Toyota bằng những bản thiết kế tươi mới. Nếu tư duy của họ không thay đổi, sẽ chẳng có thứ gì thay đổi được. Tôi đang cố thuyết phục họ thay đổi tư duy và muốn nâng cao vai trò của các xưởng thiết kế.
PV: Vậy ông đề ra cách tổ chức mới như thế nào?
Tokuo Fukuichi: Những đội thiết kế kém chẳng khác nào những đội bóng còn quá non trẻ. Mọi người vây quanh trái bóng, kể cả huấn luyện viên trưởng. Tất cả đều chăm chú nhìn vào trái bóng mà chẳng để ý đến bất cứ điều gì khác. Họ không có chiến lược gì cả. Một đôi bóng thành công là từ hậu vệ cho đến tiền đạo phải nắm thật chắc vị trí của mình. Cách tổ chức mới cũng nên như vậy.
Fukuichi nhìn Trung tâm thiết kế ED2 (Pháp) và CALTY (California - Mỹ) như những cầu thủ chạy cánh trong đội hình công ty.
(Vừa nói, ông vừa đưa cho tôi xem một tờ giấy vẽ sơ đồ đội hình, trong đó, các thành viên của đội thiết kế được sắp xếp vào các vị trí như thủ môn và tiền vệ trung tâm, trung tâm nghiên cứu thiết kế CALTY và trung tâm thiết kế ED2 là tiền vệ tấn công và tiền đạo, Techno Art và Kanto Auto Works đảm nhận vai trò cầu thủ chạy cánh).
PV: Quan điểm của ông về "yếu tố J" - phong cách thiết kế Nhật Bản - có thể tồn tại trên các mẫu xe, và nếu như vậy thì nó thể hiện như thế nào?
Tokuo Fukuichi: Tôi cho rằng sự kết hợp của các yếu tố làm cho vật gì đó trở nên tốt hơn so với trước. Spaghetti trứng cá (Tarako spaghetti) là một ví dụ điển hình. Trứng cá từ Nhật kết hợp với mỳ Ý tạo ra hương vị thơm ngon và hấp dẫn hơn so với khi chúng ta chỉ ăn riêng từng món.
PV: Bản concept Fun-Vii 2011 của ông thực sự là một thiết kế táo bạo dành cho tương lai, nhưng nó có mang ý nghĩa biểu trưng cho Toyota hay không?
Tokuo Fukuichi: Fun-Vii là một bản concept, nó nói về những chiếc xe hơi trong tương lai của chúng tôi. Nó mới chỉ ở vạch xuất phát nhưng chúng tôi cần nhìn xa hơn vào tương lai, vào 10-20 năm nữa.
Fun-Vii concept ra mắt lần đầu tại triển lãm Tokyo 2011 cho ta thấy một tương lai khá xa của hãng xe Nhật Bản
PV: Ông bị ảnh hưởng bởi những thiết kế gia nào?
Tokuo Fukuichi: Giugiaro và Pininfarina. Đó là những thiết kế gia có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi. Nhưng thời trang, tính kinh tế, vẻ đẹp của người phụ nữ và sức mạnh của đàn ông cũng là những yếu tố tác động đến thiết kế của tôi.
PV: Theo quan điểm của ông thì hiện tại, hãng xe nào đang làm tốt nhiệm vụ thiết kế?
Tohuo Fukuichi: BMW và có thể là Audi nữa. Theo tôi, dáng dấp của những chiếc Audi đã rất đẹp rồi, chúng không cần thêm những đường nét phức tạp.
PV: Ông tìm thấy nguồn cảm hứng từ đâu?
Tokuo Fukuichi: Ở mọi nơi, nhưng thường là khi đi xông hơi. Ngồi trong phòng xông hơi và không làm gì cả, khi đó, bộ não tôi sẽ hoạt động tốt hơn. Nhưng sau 5 phút chịu đựng sức nóng, tôi phải đi ra ngoài và tranh thủ ghi nhớ lại những hình ảnh hoặc ý tưởng chợt nảy, nếu không chúng cũng sẽ biến mất.
PV: Trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi. Có phải bí quyết chính là xông hơi?
Tokuo Fukuichi: Bí quyết của tôi là luôn mỉm cười.
Ngọc Khánh (theo PLXH)
Fukuichi cũng là người đặt bút vẽ lên mẫu Previa/Estima minivan 1990
Ý kiến đánh giá