Thứ Sáu, 22/11/2024 | 19:52
14:50 |
Toyota Prius - Đi trước thời đại
Prius theo tiếng La-tinh có nghĩa là “to go before – đi trước thời đại”, muốn ám chỉ rằng Prius chính là giải pháp cho phương tiện đi lại trong tương lai, vừa tiết kiệm, vừa thân thiện môi trường.
“Cha đẻ” của Toyota Prius
Những năm đầu thập niên 90, công việc kinh doanh của Toyota hết sức thuận lợi. Cũng vào thời điểm này, nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản đang lên đỉnh điểm và sự thinh vượng và dường như không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
Trước tình hình này, ông Eiji Toyoda, người sáng lập, đồng thời là chủ tịch Toyota lúc bấy giờ, đã bày tỏ sự quan tâm về tương lai của ngành công nghiệp xe hơi. Ông cảm thấy lo ngại về cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. Tại một cuộc họp Ban Giám đốc, ông đã hỏi: “Chúng ta có nên chế tạo xe hơi theo cách chúng ta đang làm hay không? Liệu có thể tồn tại trong thế kỷ XXI với kiểu nghiên cứu và Phát triển mà chúng ta đang theo đuổi hay không?...Không lý nào tình trạng (bùng nổ) này sẽ kéo dài lâu được.”
Theo lời lãnh đạo, ông Yoshiro Kimbara, Phó Giám đốc phụ trách Nghiên cứu và Phát triển đã tạo ra chiếc Global 21 (G21), chiếc Prius sau này. Kimbara đứng đầu một dự án có nhiệm vụ nghiên cứu những chiếc xe của thế kỷ XXI.
Thoạt tiên G21 không phải là một dự án về một chiếc hybrid. Hai mục tiêu ban đầu của dự án là phát triển sản phẩm theo phương pháp mới và khai thác hiệu quả nhiên liệu của động cơ đốt trong truyền thống tốt hơn, ở mức 5 lít/100km, tiết kiệm hơn 50% so với dòng xe phổ biến của Toyota là Corolla.
Cuối năm 1993, đội ngũ phát triển của Toyota nhận thấy rằng giá nhiên liệu cao cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới đòi hỏi một mẫu xe mới vừa rộng rãi, vừa tiết kiệm. Lúc này, trọng trách trực tiếp được giao cho phó chủ tịch điều hành Akihiro Wada. Việc trước tiên ông phải làm là tìm kiếm một kỹ sư có đủ kinh nghiệm và tầm nhìn xa trông rộng. Ông đã nhận thấy được điều đó ở Takeshi Uchiyamada. Wada, hiện là cố vấn cho Aisin Seiki, một nhà cung cấp phanh cho Toyota, giải thích, “Uchiyamada xuất thân là một kỹ sư trong lĩnh vực kiểm soát độ rung và tiếng ồn. Tuy nhiên, Uchiyamada làm việc rất nghiêm túc, và chúng tôi nghĩ rằng có thể đưa Uchiyamada trở thành kỹ sư trưởng của một sản phẩm có thể nhanh chóng được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Ông Uchiyamada - "cha đẻ" của Toyota Prius
Thoạt nhìn thì quyết định của Toyota khi bổ nhiệm Uchiyamada làm kỹ sư trưởng có vẻ như hấp tấp và không hợp lý, nhưng thực tế nó cho thấy tầm nhìn xa của Toyota. Lúc đó, chỉ có Uchiyamada là hội tụ đủ các phẩm chất cho vai trò này bởi nhiều lý do. Thứ nhất, đây là dự án đầu tiên sau hàng mấy chục năm có liên quan tới công nghệ đột phá thực sự và sẽ cần một trình độ hỗ trợ nghiên cứu chưa từng có trong hầu hết các dự án phát triển. Uchiyamada xuất thân từ lĩnh vực nghiên cứu. Dù không phải là nhà thiết kế nhưng ông rất yêu thích xe hơi, có một nền tảng kỹ thuật sâu rộng và có bố làm kỹ sư trưởng của chiếc Crown – chiếc xe tiên phong của Toyota – vì vậy ông cũng thừa hưởng máu thiết kế. Thứ hai, dự án này không thuộc một trung tâm xe cộ nào và sẽ cần có một người am tường bộ máy mới nhằm điều động các nguồn lực, một khả năng của Uchiyamada, vốn là một trong những kiến trúc sư chính của cơ cấu tổ chức mới được triển khai. Ba là, mục đích chính của dự án là xây dựng một cách tiếp cận mới trong việc phát triển các phương tiện vận chuyển đi lại. Một người đi lên từ một hệ thống cũ mà làm kỹ sư trưởng sẽ chỉ mày mò mãi trong hệ thống hiện hành. Cần phải có một ai đó có các kỹ năng thiết kế tổ chức vững vàng để đưa ra một tầm nhìn mới mẻ.
Ban đầu, Uchiyamada khẳng định rằng ông có thể tăng sự hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu bằng cách thực hiện biến đổi công nghệ truyền thống. Trong bản kế hoạch gửi tới Wada năm 1994, ông chỉ ra rằng việc giới thiệu một hệ truyền động cải tiến có thể đẩy mức độ hiệu quả nhiên liệu lên 50%. Tuy nhiên, giải pháp mà Uchiyamada đưa ra chưa đủ thuyết phục đối với Wada. Đối với Wada, hệ thống hybrid có sức hấp dẫn hơn cả.
Ý tưởng này không phải là mới. Toyoda đã quan tâm tới ý tưởng thay thế động cơ xăng truyền thống bằng động cơ điện với bộ pin cung cấp năng lượng trong khoảng 2 thập kỷ. Ngày đó, công ty Toyota cũng đã phát triển một mẫu minivan hybrid nhưng dự án gặp khó khăn do sự bất đồng quan điểm giữa các kỹ sư và những người phụ trách kinh doanh. Trong khi các kỹ sư tin tưởng rằng mẫu hybrid này là câu trả lời cho tất cả câu hỏi: sự cạn kiệt nguồn dầu mỏ, lượng khí thải và tương lai dài hạn của ngành công nghiệp ôtô, tuy nhiên giới kinh doanh lại cho rằng giá quá cao sẽ không thể thu hút người tiêu dùng.
Ngay sau đó, Wada đã yêu cầu đội ngũ của ông phát triển một mẫu concept với động cơ hybrid để tham dự triển lãm Tokyo Motor Show 1995 với tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu hơn nữa để bù đắp cho chi phí sản xuất. “Chúng ta cần có một sản phẩm ưu việt, nếu không các đối thủ khác có thể theo kịp.” Ban đầu, Uchiyamada phản đối quan điểm của Wada và cho rằng điều này là bất khả với những công nghệ hiện có. Tuy nhiên, khi hiểu được mục đích mà ban lãnh đạo muốn hướng tới, Uchiyamada đã nhận lãnh thử thách phát triển mẫu hybrid. Ông nhận được sự đồng thuận quan trọng từ Ban Giám đốc: rằng ông có thể chọn ra những kỹ sư ưu tú nhất của công ty để phát triển hệ thống hybrid.
Để tìm ra hệ thống hybrid chuẩn cho G21, đội ngũ của Uchiyamada đã thử nghiệm 80 kiểu động cơ hybrid khác nhau và tuần tự loại bỏ những kiểu nào không đạt yêu cầu để rút xuống con 10 kiểu. Nhóm làm việc xem xét những ưu điểm của 10 kiểu này và chọn ra 4 kiểu tốt nhất, chủ yếu căn cứ vào mức độ hiệu quả nhiên liệu. Trong suốt quá trình đưa ra sự lựa chọn cuối cùng, những khó khăn mà đội ngũ Uchiyamada gặp phải bao gồm, sức nóng, độ tin cậy, tiếng ồn và chi phí. Tháng 6-1995, Toyoda nghiêm túc muốn đưa Prius vào sản xuất và thời hạn cuối cùng cho sự ra đời của Prius là cuối năm 1998. Năm đầu tiên dành để chế tạo chiếc xe nguyên mẫu. Năm thứ hai tập trung vào việc nghiên cứu tinh chỉnh các chi tiết. Năm cuối cùng dành cho việc chốt lại phiên bản xe sẽ sản xuất cũng như chuẩn bị cho việc sản xuất.
Tuy nhiên, hai tháng sau đó (8/1995) có một sự kiện quan trọng đã xảy ra, ông Hiroshi Okuda trở thành chủ tịch của Toyota, vị Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử công ty không nằm trong gia đình Toyoda. Vị tân chủ tịch này đã ra tăng sức ép Uchiyamada và muốn đưa Prius vào sản xuất thực tế sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, tháng 12-1997. Ông nhận định chiếc xe này sẽ làm thay đổi tương lai của Toyota và thậm chí tương lai của ngành ôtô. Điều đó đồng nghĩa đội ngũ của Uchiyamada phải phát triển chiếc xe trang bị động cơ hybrid chỉ trong vòng 24 tháng, bằng 2/3 thời gian một nhà sản xuất phát triển xe truyền thống.
Toyota Prius chính thức xuất hiện tại thị trường Nhật Bản vào tháng 10/1997, một mốc quan trọng, đánh dấu sự thành công rực rỡ của dòng hybrid xăng/điện này.
Các thế hệ của Toyota Prius
Thế hệ thứ nhất 1997 – 2003
Toyota Prius, mẫu hybrid được sản xuất đại trà đầu tiên trên thế giới, là một bước đột phá trong việc kết hợp sự hiệu quả của động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu xăng và mô-tơ, điện sạch.
Khi chính thức ra mắt thị trường nội địa, Prius được Toyota tài trợ nên có giá thấp ngạc nhiên chỉ có 2 triệu Yên Nhật, không đắt hơn một chiếc Corolla bao nhiêu nhưng ông Okuda biết rằng khi lượng xe bán ra tăng và khi nắm được các cơ hội cắt giảm chi phí thì họ vẫn có thể kiếm lời với giá đó. Toyota tới tấp nhận được thư yêu cầu từ các khách hàng tiềm năng và chỉ một tháng sau ngày ra mắt họ nhận được 3.500 đơn đặt hàng, gấp ba lần doanh số mục tiêu.
Được định hướng là một mẫu sedan 5 chỗ phong cách, Prius, sau khi chinh phục người tiêu dùng Nhật, đã ra mắt thị trường Mỹ vào tháng 8 – 2000 với giá bán lẻ đề xuất là 19.995USD.
Sức hấp dẫn của Prius với người tiêu dùng Mỹ, bên cạnh ngoại hình bắt mắt là mức độ tiêu thụ nhiên liệu ấn tượng: 5,7 L/100km. Khi mới ra mắt thị trường Mỹ, những trang thiết bị tiêu chuẩn trên Prius bao gồm hệ thống phanh ABS, điều hòa nhiệt độ phân vùng độc lập, cửa sổ điện, hệ thống âm thanh AM/FM/cassette, gói pin có tuổi thọ gần 170.000 km.
Năm 2002, Prius được trang bị thêm một số tính năng an toàn mới bao gồm: hệ thống kiểm soát hành trình, đèn sáng ban ngày, túi khí bên hông dành cho người lái và hành khách phía trước và hệ thống định vị tích hợp đầu DVD. Bên cạnh đó, nội thất của Prius có thêm 2 tùy chọn màu sắc: xanh dương và trắng sữa.
Đối với phiên bản dành cho năm 2003, Prius không có sự thay đổi, ngoại trừ màu sắc ngoại thất. Màu xanh dương không còn được sử dụng, trong khi đó màu đen trở nên phổ biến. Thời điểm này, doanh số toàn cầu của Prius tiếp tục đi lên với trên 120.000 chiếc. Toyota chiếm giữ hơn 80% thị phần xe hybrid.
Thế hệ thứ hai 2004 – 2009
Năm 2004, thế hệ thứ 2 hoàn toàn mới của Toyota Prius hybrid xăng/điện ra đời với tính năng và công suất vận hành tốt hơn hẳn so với phiên bản trước đó. Bên cạnh đó, Prius thế hệ mới còn có không gian nội thất rộng rãi, thoải mái của một mẫu sedan cỡ trung.
Prius phiên bản 2004 là sản phẩn đầu tiên của Toyota khai thác hệ thống Hybrid Synergy Drive, công nghệ động cơ hybrid mới nhất của hãng. Hệ thống mới này sản sinh nhiều công suất hơn từ cả động cơ xăng và mô-tơ điện, giúp khả năng tăng tốc của Prius có thể so sánh với dòng xe cỡ trung 4 xi-lanh.
Giống như Toyota Hybrid System được trang bị trên phiên bản trước đó, Hybrid Synergy Drive được xác định như một hệ thống hybrid đầy đủ. Chính vì vậy, điểm ưu việt của Hybrid Synergy Drive so với những hệ thống khác trên thị trường chính là khả năng vận hành ở chế độ xăng hoặc điện, cũng như chế độ kết hợp năng lượng giữa động cơ xăng và mô-tơ điện.
Năm 2006, Prius được cải tiến với một số điểm đáng chú ý bao gồm hệ thống đèn trước, sau, túi khí tiên tiến, kiểm soát áp suất lốp và 4 màu nội thất mới: màu lông chuột, màu đỏ thẫm, màu bạc kim loại và màu ghi. Bên cạnh đó, da bọc vô-lăng, camera hậu, chức năng tích hợp MP3. Năm 2007, phiên bản Prius Touring Edition ra đời với cải tiến về trải nghiệm sau vô-lăng. Ngoài ra, lần đầu tiên Prius được trang bị 7 túi khí tiêu chuẩn cho lái xe và hành khách.
Thế hệ thứ ba 2010 - Sự hoà hợp giữa con người, thiên nhiên và máy móc
Năm 2010, thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới của Toyota Prius hybrid xăng/điện ra mắt công chúng tại triển lãm ôtô quốc tế Bắc Mỹ với tính năng vận hành hơn hẳn so với những phiên bản trước đó. Ngoại thất của Prius 2010 hầm hố hơn, mức độ tiện nghi, thoải mái được nâng thêm một bậc với nhiều công nghệ tiên tiến. Không những vậy, lượng tiêu thụ nhiên liệu tiếp tục được cải thiện.
Trong suốt quãng thời gian hơn 1 thập kỷ có mặt trên thị trường, Toyota Prius đã tiêu thụ hơn 1 triệu xe, trở thành mẫu hybrid thành công nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân hút khách của Prius chính là mức tiêu thụ nhiên liệu khiêm tốn. Thế hệ đầu tiên tiêu thụ trung bình 5,74 L/100 km, thế hệ thứ hai là 5,11 L/100 km. Và với công nghệ mới, thế hệ thứ ba tạo dấu ấn quan trọng với con số 4,7L/100 km.
Mức tiêu thụ nhiên liệu mới của Prius 2010 là nhờ công đóng góp lớn của động cơ 1,8L Atkinson 4 xylanh công suất 98 mã lực. Một máy bơm điện và hệ thống tuần hoàn khí thải EGR giúp tăng hiệu suất động cơ. Hệ thống Hybrid Synergy Drive ở thế hệ Prius thứ ba sẽ được cải tiến 90% so với ở model cũ. Một màn hình hiển thị thông tin giám sát mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải được trang bị như một thiết bị tiêu chuẩn trên Prius 2010.
Với Toyota Prius 2010, khách hàng có thể tùy chọn cửa sổ trời bằng kính cùng năng lượng mặt trời hấp thụ ở khu vực bên ngoài hàng ghế sau. Năng lượng này dùng để chạy quạt thông gió mà không phải phụ thuộc vào động cơ. Nó sẽ ngăn chặn nhiệt độ cabin tăng lên khi xe dừng ở bãi đậu và giảm việc sử dụng hệ thống điều hòa.
Nội thất Prius mới rộng rãi hơn với chiều dài tăng 1cm, chiều rộng tăng 6 cm, chỗ để chân ghế sau thoải mái hơn do thiết kế ghế trước tiết kiệm nhiên liệu. Nút điều khiển tích hợp trên vô-lăng được thiết kế mới, giúp lái xe đỡ nhức mắt, tập trung tốt hơn đoạn đường lái. Khi lái xe muốn động đến công tắc audio hay hiển thị thông tin ở trên vô-lăng, hình ảnh bản sao sẽ hiện lên ở táp-lô, ngay trước mặt người lái. Hệ thống này gọi là Touch Tracer, hệ thống đầu tiên trên thế giới cho phép điều khiển vô-lăng dễ dàng bằng cách đọc táp-lô.
Toyota Prius và Bộ sưu tập giải thưởng
1997 – Prius xuất hiện tại thị trường Nhật Bản và trở thành mẫu hybrid xăng/điện được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới.
2000 – Prius được giới thiệu tại thị trường Mỹ như một model của năm 2001.
2001 - Hội đồng Hiệu quả kinh tế năng lượng Hoa Kỳ (ACEEE) đã vinh danh Prius là chiếc sedan du lịch được trang bị động cơ xăng “xanh” nhất tại Mỹ.
2001 - SAE (Society of Automotive Engineers - Hiệp hội kỹ sư ôtô Mỹ) trao giải Best Engineered Car cho Prius.
2001 – Tạp chí chuyên ngành Ward's Auto World lựa chọn hệ thống hybrid xăng/điện là một trong 10 động cơ tốt nhất.
2001 – Prius là một trong những Best Compact Car (xe Compact tốt nhất) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường đưa ra trong cẩm nang xe tiết kiệm nhiên liệu nhất.
2002 – Tạp chí Consumer Reports vinh danh Prius là Best Driving Green – Xe “xanh” tốt nhất.
2004 – Thế hệ thứ 2 hoàn toàn mới của Prius ra đời.
2004 – Tạp chí MotorTrend vinh danh Prius là “Car of the Year – Xe của năm”.
2004 - Đứng trong top 10 xe tốt nhất do tạp chí Car and Driver bình chọn.
2004 – Giành giải top 10 động cơ tốt nhất do tạp chí chuyên ngành Ward’s Auto World bình chọn.
2004 – Giành giải “Design of the Year – Thiết kế của năm” do tạp chí Automobile bình chọn.
2004 – Đứng trong top 25 sản phẩm tốt nhất của năm do tạp chí Fortune bình chọn.
2004 – Giành giải Best Engineered Vehicle do tạp chí Automotive Engineering International bình chọn.
2005 – Giành giải “Most Satisfying Vehicle – Xe hài lòng nhất” do tạp chí Consumer Reports bình chọn.
2006 - Hội đồng Hiệu quả kinh tế năng lượng Hoa Kỳ (ACEEE) bình chọn Prius là xe tốt nhất và sự lựa chọn xanh của năm.
2006 – Xe kinh tế nhất tại Mỹ trong phân khúc xe cỡ trung dưới 23.000USD do hãng dữ liệu ôtô Vincentric bình chọn.
2007 – Phiên bản Touring được giới thiệu.
2007 – Giành giải thưởng Editor’s Choice Award của tạp chí Cars.
2007 - Xe kinh tế nhất tại Mỹ trong phân khúc xe cỡ trung dưới 23.000USD do hãng dữ liệu ôtô Kelly Blue Book bình chọn.
2007 – Xe xanh nhất do Bars.com bình chọn.
2008 - Giành giải “Most Satisfying Vehicle – Xe hài lòng nhất” do tạp chí Consumer Reports bình chọn.
2008 – Đứng trong top 10 xe xanh do hãng dữ liệu ôtô Kelly Blue Book bình chọn.
2009 – Đứng trong top 10 mẫu xe giá trị nhất sau khi bán lại do hãng dữ liệu ôtô Kelly Blue Book bình chọn.
2009 - Xe kinh tế nhất tại Mỹ trong phân khúc xe cỡ trung dưới 23.000USD do IntelliChoice bình chọn.
2010 – Thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới của Prius trình làng.
Hoàng Tùng (theo PL&XH)
Ý kiến đánh giá