09:45  | 

Ngọt, nhạt nghề sales ôtô

Chưa lúc nào thị trường xe hơi lại đi xuống và ế ẩm như lúc này, thế mới có chuyện các hãng xe đua nhau khuyến mãi, còn dân sales thì xuống nước hết cỡ. Cái thời “sướng như bán xe hơi” không còn nữa.

Nghề sales ôtô đã từng sướng như tiên

"Sướng như bán xe chạy thuế" là cảm giác chung của giới buôn xe trước mỗi thời điểm các chính sách thuế thay đổi hoặc trước sự khan hàng của nhiều mẫu xe hot trên thị trường.

Nhớ lại thời gian khoảng những năm 2007, 2008, không ít người đã “phát” với nghề sale ôtô cho các Hãng xe. Đây là thời điểm mà nhiều mẫu xe của Toyota, của GM Deawoo (giờ là GM Việt Nam) luôn “nóng” và khan trên thị trường.

Captiva từng một thời được "săn đón" như vàng.

Camry 2007 khi đó là một trong những xe khó mua nhất, dù không phải là xe bán chạy nhất. Nhưng dù sao, camry 2007 cũng còn được thời gian đầu có đủ xe bán; không giống như Chevrolet-Captiva của GM Daewoo, ngay sau khi ra mắt, đã không đủ xe cung cấp cho khách hàng. Khách hàng muốn mua được Captiva phải đặt cọc và chờ đợi ít nhất trong thời gian 2,5 tháng, hoặc có thể lâu hơn.

Anh Trương Công Tú, người mua chiếc Camry 2007 kể lại: “Hồi ý mua chiếc xe này mà phải đăng ký và đặt cọc tiền gần hai tháng trời mới lấy được xe. Vậy mà còn chưa yên, từ khi nhận xe từ đại lý, đến khi chính thức thành tên sở hữu của mình còn phải tốn thêm biết bao nhiêu thời gian, thủ tục, bao nhiêu khoản phải chi ra”.

Anh Tú cho biết thêm: “Không chỉ đơn giản có vậy, muốn rinh xe về nhà, mình phải bỏ ra 2.000 USD để được mua lại suất đăng ký của người khác đấy”.

Xe khan, lại “đẻ” thêm ra cái nghề bán suất lấy xe. Chuyện nhượng, bán "suất" đã trở thành chuyện buôn bán của những người kinh doanh và cả dân sales “có máu mặt”.

Nhu cầu sử dụng xe tăng cùng với tác động từ chính sách kích cầu của Chính phủ, xe “nội” đã có nhiều thời điểm cháy hàng vài năm trước. Không đủ kiên nhẫn để xếp hàng ký hợp đồng, chờ đợi nhiều tháng mới nhận được xe, nhiều người đành bỏ thêm tiền cho sales để được mua xe sớm. Vậy là số tiền lẽ ra người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách đã nghiễm nhiên rơi vào túi một số người.

Anh Trung ở Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Mua xe đúng thời kì xe ít rồi thuế má thay đổi liên tục. Tôi đã phải chi thêm 2000 USD để có thể nhận một chiếc Toyota Corolla Altis. Mất một khoản tiền không nhỏ cũng đành tặc lưỡi: Ở Việt Nam mình là thế, biết làm sao được?!"

Những năm 2008, 2009, khi thị trường còn đang “thịnh”, người tiêu dùng chen chân để ký được một suất mua xe trước thời điểm tăng thuế là điều không dễ bởi các mẫu xe "nội" như Toyota Camry, Corolla Altis, Innova, Fortuner, Honda Civic,... luôn ở trong tình trạng cung kém xa cầu.

Nắm bắt tâm lý cố mua xe vì sợ tăng giá do thuế, phí của khách hàng, một số đại lý thường xuyên dùng chiêu "găm xe" để neo giá đúng dịp người dân đi mua xe chạy thuế. Thế nên, dù xe không còn hàng để bán, nhưng một số nhân viên bán hàng vẫn đáp ứng được nhu cầu giao xe ngay với điều kiện khách hàng phải trả thêm từ 2.000-3.000 USD/chiếc. Điều đáng nói là khoản tiền này không thể hiện trong hóa đơn bán hàng. Nghề sales ôtô cứ kiếm bộn tiền là vì thế.

Hoặc như thời điểm gần đây nhất, vào cuối năm 2011, khi có thông tin về thuế trước bạ, phí cấp biển tăng, dân tình lại đổ xô đi mua ôtô bất chấp các đại lý giở đủ trò để cò quay. "Hồi đó, bán ôtô là sướng nhất", một nhân viên bán xe Hyundai cho biết. “Người mua tự tìm đến, còn người bán chỉ có việc ngồi chờ. Các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng bị cắt hết, xe không có để bán thì chẳng cần phải chăm sóc khách hàng làm gì”.

Có đến các đại lý bán xe những ngày cuối tháng 12/21011 mới thấy khách hàng thật khổ. Không mua được chiếc xe như mong muốn, giá thì tăng, lại chẳng được chăm sóc gì. Đúng là không đâu như Việt Nam, có tiền muốn mua 1 chiếc ôtô mà chẳng xong.

Hết thời, sales xuống nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý 1/2012, ước tính tổng lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 15.200 chiếc. Trong đó, lượng xe chở khách (bao gồm ôtô con và xe bus) đạt 11.800 chiếc, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 3, lượng xe chở khách sản xuất trong nước đạt 4.000 chiếc, giảm 18,7% so với cùng kỳ. Trước đó, tháng 1 và tháng 2 cũng chứng kiến sự sụt giảm thê thảm về doanh số của các nhà sản xuất xe trong nước.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ giá biến động theo chiều hướng bất lợi, lãi suất cho vay ở mức cao cộng với việc khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng… đã đẩy công nghiệp ôtô vào khó khăn.

Bên cạnh đó, ôtô còn chịu thêm những bất lợi khác từ chính sách thuế mà bất lợi lớn nhất là lệ phí trước bạ bắt đầu tăng mạnh ngay từ ngày đầu tiên của năm tại hai thị trường lớn nhất cả nước, cụ thể tại Hà Nội tăng từ 12% lên 20% còn Tp.HCM tăng từ 10% lên 15%.

Chưa hết, việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở mức khá cao (20 - 50 triệu đồng/ôtô/năm) vào ngày cuối cùng năm ngoái, dù đến thời điểm này vẫn đang ở dạng đề xuất, đã khiến thị trường ôtô càng thêm ảm đạm.

Bất chấp các nỗ lực giảm giá khuyến mại, thị trường xe “nội” vẫn ế ẩm. Nhiều đại lý xe rơi vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”. Và dĩ nhiên, sẽ chẳng còn thời huy hoàng của đội ngũ nhân viên sales thuộc các đại lý hay các hãng xe nữa. Muốn bán được xe, họ phải xuống nước. Đại lý hạ giá xe, nhân viên bán hàng dành cho khách mua xe sự chăm sóc đặc biệt.

Anh Đinh Tiến Công (Tp. Vinh – Nghệ An) kể: “Mình đang làm việc ở Hà Nội hỏi mua giúp ông chú chiếc Toyota Camry. Ra Toyota Mỹ Đình, thấy nhân viên bán hàng chăm sóc chu đáo quá cũng ngại. Gọi điện, mời cà phê liên tục để tư vấn. Giá xe thì hạ liên tục”.

Thời khó, dân sales chiều khách hơn "thượng đế".

Cũng theo anh Công, ban đầu nhân viên này đưa ra mức giá khuyến mại giảm 40 triệu đồng cho xe Camry. Khi anh Công đưa ra so sánh với mức giá của đại lý Toyota tại thành phố Vinh để yêu cầu một mức giá thấp hơn, nhân viên này tiếp tục đưa mức giảm lên 50 triệu đồng. Ba ngày sau, anh Công vì bận công việc nên không gọi lại thì được thông báo: “Nếu anh mua, bên em giảm giá cho anh hẳn 80 triệu đồng”.

Thị trường xuống, dân sales xuống nước để bán được xe là điều dĩ nhiên. Họ sốt sắng lo thủ tục giấy tờ cho khách hàng, từ đi nộp thuế, đi đăng kí… rồi tạo sự thân tình cứ y như người nhà của khách hàng. Song, hãy chờ xem, sẽ lại có lúc thị trường xe hồi phục, sẽ lúc người dân lại xếp hàng mà đi mua xe chạy thuế, chạy phí… Lúc đó, sales ôtô lại thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác.

 Thế Đạt (Theo PL&XH)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm