09:18  | 

Suzuki GSX-R1000 vs Yamaha YZF-R1 vs Kawasaki Ninja ZX-10R

Trong số những dòng xe thể thao khiến dân mê tốc độ mê mẩn “mất ăn mất ngủ” thì bộ ba anh hào Suzuki GSX-R1000, Yamaha YZF-R1 và Kawasaki ZX-10R Ninja phiên bản 2012 được nhiều người để ý nhất vì giá bán thuộc loại tầm trung mà tính năng vận hành vượt trội… Nếu buộc phải chọn một trong ba thì câu trả lời thật sự khó cho những ai “nghiện” đầu chúi đuôi nhỏng, bởi mỗi dòng xe một vẻ “mười phân vẹn mười”…

Suzuki GSX-R1000 2012

GSX-R1000 tiêu biểu cho thiết kế dòng xe môtô thể thao của Suzuki. Mẫu xe chồm này khi lưu thông trên đường tựa như một thần sấm với dáng vẻ uy nghi đậm chất thể thao, động cơ mạnh mẽ đầy uy lực.

Được phát triển từ mẫu xe GSX-R750, GSX-R1000 sở hữu nhiều đường nét thiết kế gọn và chắc. Cụm đèn pha được thiết kế lại theo hình cánh chim, gần gũi hơn với thiết kế đèn pha ở “người anh em” GSX-R750. Nằm ngay dưới đèn pha, cặp khe hút gió được tạo hình lại với mỗi khe được ngăn đôi và vuốt nhọn lên phía trên cho cảm giác nhìn sâu hơn, tăng hiệu quả thẩm mỹ cho phần đầu xe.

Người ta hay nói người đẹp vì lụa, xe đẹp… vì mâm. Điều đó hoàn toàn đúng với GSX-R1000. Chiếc xe này có một diện mạo mới đầy hiếu chiến và vô cùng cuốn hút với cặp mâm to với cặp lốp Bridgestone có kích thước 120/70-17 cho bánh sau và 190/50-17 cho bánh trước.

Trái ngược hẳn với người tiền nhiệm sở hữu một thiết kế “lành lành” có phần thiếu cá tính; GSX-R1000 sở hữu một bộ mặt thật dữ dằn, sắc sảo. Cùng với thiết kế đèn pha mới, đèn cốt với chụp đèn dạng gương cầu cũng được thay thế bằng đèn halogen với chóa phản xạ đa chiều. Những đường gờ nổi trên phần đầu xe, bộ quây và chắn bùn trước được khắc tạc rõ nét hơn, làm gia tăng nét đẹp khỏe khoắn cho chiếc GSX-R1000.

Phần đuôi xe được tạo dáng thanh thoát với những đường gân sắc nét hơn. Cụm đèn hậu sử dụng bóng đi-ốt phát quang LED được ngăn làm đôi, tạo điểm nhấn cho phần đuôi xe.

Người ta thường biết đến vua tốc độ Hayabusa của Suzuki với trái tim 1300cc và tốc độ sấm chớp. GSX-R1000 không đình đám bằng nhưng cũng được xếp vào hàng “ông vua đường phố” có tốc độ và tinh năng vận hành không thua gì các đối thủ BMW S1000RR, Aprilia RSV4 Factory; đặc biệt là bộ đôi đến từ xứ sở hoa anh đào Yamaha YZF R1 và Kawasaki Ninja ZX-10R.

GSX-R1000 được trang bị động cơ 999 phân khối làm mát bằng dung dịch với 4 xi lanh thẳng hàng. "Trái tim" này có sức mạnh tương đương 191 mã lực, mô me xoắn cực đại 120 Nm. Nhờ đó khả năng tăng tốc của xe cực nhanh.

Hệ thống treo, ống xả đều của GSX-R1000 phiên bản 2012 cũng được nâng cấp, làm mới so với các phiên bản cũ nhằm thỏa mãn cơn “khát” của các tín đồ tốc độ. Với một chiếc môtô có tốc độ tối đa xấp xỉ 300 km/h như GSX-R1000, những cải tiến ở hệ thống giảm xóc và phanh của nó thực sự là những điểm đáng lưu ý. Xe được trang bị hệ thống giảm xóc Showa tốt nhất từ trước đến nay, hệ thống phanh Hamamatse cũng được thay thế bằng phanh "hàng hiệu" Brembo.

Yamaha YZF-R1 2012

Kiểu dáng của YZF-R1 2012 không khác nhiều thế hệ cũ. Mẫu xe này toát lên vẻ kiêu hùng với cặp đèn pha mới. Hốc gió ngay dưới đèn pha không tròn trịa mà góc cạnh và mang phong cách hiện đại. Logo Yamaha trên bình xăng nằm hẳn xuống cạnh chứ không nghiêng như đời trước.

YZF-R1 mới ngắn hơn phiên bản cũ 25,4 mm nhưng lại cao hơn 5 mm. Sự thay đổi này không quá lớn để tạo nên một R1 hoàn toàn mới. Sự khác biệt của YZF-R1 chủ yếu là ở động cơ và các hệ thống, tính năng an toàn mới.

Sự khác biệt đầu tiên dễ nhận thấy là sức mạnh của động cơ. Nó tràn đầy sức mạnh khi ngay khi vận hành. Ngoài việc được thay đổi kiểu dáng bằng việc hạ thấp kính chắn gió giống trên phiên bản Yamaha M1 MotoGP, YZF-R1 kế thừa nhiều công nghệ hiện đại từ mẫu xe đua MotoGP M1. Động cơ 998cc, 4 thì làm mát bằng dung dịch làm rạng danh YZF-R1 ở phiên bản 2009 tiếp tục được cải tiến, nâng cấp.

Trái tim này là động cơ 4 xy lanh thẳng hàng với dung tích tổng thể lên tới 998 cc. YZF-R1 có tỷ số nén động cơ đạt 12,7:1. Do đó, công suất có thể đạt 180 mã lực tại mức 12.500 vòng tua/phút. Công suất này cho phép YZF-R1 có thể đạt tốc độ tối đa 350km/h.

YZF-R1 sử dụng công nghệ điều khiển bướm ga YCC-T (Yamaha Chip Controled - Throttle) mà Yamaha từng tích hợp trên chiếc người em cùng họ YZF-R6. Công nghệ này cho phép hỗn hợp nhiên liệu phun vào xy-lanh được tối ưu tại từng mức mở của bướm ga. Với YZF-R1, hệ thống này có thể đáp ứng được 1.000 lần thay đổi thông số trên một giây.

Cải tiến cơ bản và ấn tượng nhất của YZF-R1 là được tăng thêm “nội công” với hệ thống Traction Control System (TCS). Hệ thống này giúp kiểm soát độ bám đường, chống trượt đang được Yamaha áp dụng cho các dòng xe đua MotoGP. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc nhận các tín hiệu được gửi lên từ các cảm biến trên hai bánh xe, của CEU sẽ hoạt động để điều khiển các valve bơm nhiên liệu, hệ thống đánh lửa nhằm kiểm soát, điều phối sức mạnh động cơ. Việc trang bị hệ thống TCS cho YZF-R1 mới giúp con tuấn mã này tăng thêm sức mạnh đáng kể và dần đạt đến tiêu chuẩn xe đua MotoGP hay WSB.

YZF-R1 2012 cũng được trang bị động cơ và hệ thống giảm xóc mới so với các phiên bản trước.. Cặp ống xả được lắp thêm ốp cách nhiệt, gác để chân được thiết kế làm tăng thêm độ bám của giày Nhờ sử dụng vật liệu nhẹ để thiết kế khung xe, mẫu xe thể thao có trọng lượng 205kg trông cứng cáp hơn so với những đời xe trước.

Kawasaki Ninja ZX-10R 2012

Không chỉ sở hữu kiểu dáng ấn tượng hơn, Ninja ZX-10R 2012 còn được trang nhiều hệ thống và tính năng an toàn mới so với các phiên bản trước. Những đường nét cục mịch, thô kệch của những phiên bản trước dần được thay bằng những đường cong mềm mại khiến cho phần đầu xe của chiếc xe "nóng bỏng" hơn bao giờ hết.

Đuôi xe Ninja ZX-10R vẫn mang phong cách cũ. Nó không được thiết kế theo lối vát nhọn về phía sau như YZF-R1 mà vẫn có vẻ vuông vắn mang âm hưởng của những người tiền nhiệm. Con chiến mã này trông hầm hố hơn với lốp trước có kích thước 120/70-ZR17 và lốp sau 190/55-ZR17. Hệ thống khung sườn làm từ hợp kim siêu cứng phủ sơn đen khiến cho "thần sấm" này trông chắc khỏe như những dòng xe cơ bắp.

 

Ẩn chứa dưới vỏ bọc đơn giản và ít hấp dẫn của bộ cánh bên ngoài của Ninja ZX-10R là trái tim đầy uy lực và nhiều tính năng vận hành,  công nghệ tân tiến nhất đang được Kawasaki phát triển cho các dòng xe đua MotoGP. Đầu tiên là động cơ 998cc DOHC, 4 xi-lanh làm mát bằng dung dịch có tỉ số nén lên đến 13.0:1 cùng công nghẹ phun xăng điện tử. Bướm ga được tăng từ 43mm lên đến 47mm giúp ZX-10R trở nên mạnh mẽ hơn và thời gian tăng tốc nhanh hơn.

Không chỉ được cải tiến kích thước bướm ga, Ninja ZX-10R còn được làm mới trục cam. Bộ phận này làm từ hợp kim chrome-molypđen rất bền chắc. Mẫu xe này sử dụng hộp số 6 cấp được tích hợp hệ thống Slipper Clutch nên khi vận hành không còn hiện tượng trượt bánh khi dồn số gấp.

Ấn tượng nhất, Ninja ZX-10R còn được trang bị hệ thống điều chỉnh độ bám S-KTRC. Hệ thống này xưa nay được Kawasaki áp dụng trên các dòng xe đua MotoGP có tác dụng tối ưu hóa chuyển động tịnh tiến, điều chỉnh vị trí bướm ga, tốc độ, vòng tua máy, độ trượt bánh và gia tốc nhằm giúp cho xe vận hành một cách tối ưu nhất.

Đánh giá

Về kiểu dáng, trong bộ ba anh hào 1000cc đến từ xứ sở hoa anh đào thì YZF-R1 2012 chiếm vị trí đầu bảng nhờ sở hữu nhiều đường nét thiết kế mềm mại mà không kém phần mạnh mẽ. Với Ninja ZX-10R, nhờ được cách tân về kiểu dáng bên ngoài so với các phiên bản cũ đã khiến cho hình ảnh của GSX-R1000 lu mờ trong mắt dân mê xe thể thao.

 

Về khả năng vận hành, Ninja ZX-10R có phần nhỉnh hơn so với hai đối thủ còn lại. Mặc dù YZF-R1 2012 được tăng thêm "nội công" với hệ thống Traction Control System nhưng Ninja ZX-10R với một loạt cải tiến đã chinh phục dân mê tốc độ ở khoảng vận hành. GSX-R1000 có phần lép vế hơn so với YZF-R1 2012 khi mẫu xe này được trang bị, cải tiến nhiều tính năng vận hành "đỉnh" vốn dành cho các mẫu xe đua MotoGP.

Xét về tốc độ cực đại, YZF-R1 đứng đầu bảng với tốc độ tối đa 350km/h. Mẫu xe này mất không quá 3 giây để tăng tốc từ 0 lên 100km/h. Ninja ZX-10R với tốc độ 288 km/h hoàn toàn nằm ở chiếu dưới của GSX-R1000.

Thảo Nguyên (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá (5)


Có thể bạn quan tâm