08:44  | 

10 bí quyết thành công mang tên Carlos Ghosn

Có thể nói một cách không quá rằng, Carlos Ghosn là người nước ngoài nổi tiếng nhất tại đất nước Nhật Bản. Từ khi làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Nissan, Carlos Ghosn đã cứu tập đoàn ôtô lớn thứ 3 nước Nhật thoát khỏi bờ vực phá sản hoàn toàn và vươn lên một cách mạnh mẽ như ngày nay.

>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily

>> Carlos Ghosn – Vị công thần của Nissan

Tạp chí Nihon Keizai đã tổng kết một số nghệ thuật quản lý và xây dựng chất lượng sản phẩm của Carlos Ghosn.

1. Quan niệm xuyên suốt và vĩnh cửu

Trong các tuyên bố của mình, Carlos đã có một định nghĩa rất khác về công ty. Ông chủ trương công ty không nên chỉ nhằm vào mục đích thu lợi nhuận lớn mà vai trò chủ yếu của nó là thông qua sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, bảo trì khiến mình vững vàng như bàn thạch để cung cấp sản phẩm cho khách hàng

2. Xoá bỏ hàng rào ngăn cách

Tại Nissan, dưới quyền quản lý của Carlos dường như không có sự ngăn cách giữa các bộ phận trong tập đoàn, các nhân viên thoải mái liên lạc và trao đổi với nhau. Theo Carlos, việc này sẽ giúp các công ty tránh hiện tượng cạnh tranh nội bộ, triệt tiêu lẫn nhau, gây tổn thất.

3. Chất lượng sản phẩm phải như một tín ngưỡng tôn giáo

Carlos đã nhận xét: “Khách hàng sẽ không phàn nàn, họ chỉ chạy trốn, nhưng một khi sản phẩm có chất lượng tốt, khách hàng ngay lập tức sẽ thay chúng ta trong việc quảng cáo, giúp chúng ta thu hút nhiều khách hàng mua khác”. Do đó, một sản phẩm nếu có chất lượng không hoàn hảo thì không được đưa ra thị trường.

4. Đừng lấy giá cả làm thước đo kinh doanh

Bộ phận cung ứng nguyên vật liệu của nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới thường đặt hàng với những hãng chào giá thấp, giảm được nhiều kinh phí nhưng lại chuộc lấy “của ôi, của xấu”. Carlos luôn chủ trương chọn những hãng có nguyên vật liệu tốt nhất và bất kể là loại hàng gì đều nên thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài ổn định với một người cung ứng duy nhất.

5. Không ngừng tìm ra phương pháp mới

Cải tiến chất lượng sản phẩm có thể giảm giá thành nhưng cải tiến tới mức nào và khi cải tiến chất lượng sản phẩm mà dẫn tới mâu thuẫn với giá thành thì có nên dừng lại hay không? Carlos trả lời: Cải tiến chất lượng sản phẩm không thể mệt là nghỉ luôn mà nhà quản lý cần không ngừng suy ngẫm tìm ra phương pháp mới.

6. Chấm dứt việc kiểm nghiệm hàng loạt

Hầu hết các công ty đều đợi cho sản phẩm rời khỏi dây chuyền sản xuất hoặc bước vào công đoạn quan trọng cuối cùng rồi mới bắt đầu kiểm nghiệm. Carlos cảnh báo làm như thế là quá chậm, không hiệu quả và phải trả giá. Ông đã nói “Muốn có chất lượng sản phẩm cao thì không thể chỉ dựa vào kiểm nghiệm mà chủ yếu là cải tiến quy trình sản xuất”.

7. Huấn luyện chính xác, đào tạo liên tục

Trong các công ty, hơn một nửa số lượng nhân viên thường bắt chước đồng nghiệp để làm việc. Vì thế mà Carlos nhấn mạnh các công ty cần huấn luyện cẩn thận, chính xác cho nhân viên của mình, mỗi khi áp dụng máy móc thiết bị mới, áp dụng quy trình công nghệ mới đều phải đào tạo lại cho nhân viên.

8. Biết cách động viên và giúp đỡ nhân viên

Trong các hoạt động kinh doanh của mình, Carlos luôn tâm niệm không phải chỉ đơn thuần bảo ban nhân viên làm việc như thế nào và trừng phạt họ khi sai trái mà chủ yếu phải giúp đỡ nhân viên thực hiện tốt bổn phận và tìm ra những trường hợp cá biệt để giúp đỡ nhiều hơn.

9. Tìm cách vơi đi nỗi sợ hãi của nhân viên

Nhiều nhân viên không hiểu rõ quyền hạn, không phân biệt được đúng sai, không dám hỏi mọi người, cứ im lặng làm theo cách riêng của mình, thậm chí bỏ việc gây nên tổn thất chung. Carlos luôn phê bình các công ty thích sát hạch đánh giá thành tích nhân viên, vừa gây nỗi sợ hãi, vừa tạo nên trạng thái đối địch, có hại cho việc cải tiến chất lượng sản phẩm

10. Tránh hô khẩu hiệu và những tuyên bố lý thuyết

Carlos đã từng hài hước mà nói rằng: “Cái gọi là mục tiêu chẳng khác nào như nhúm cỏ khô treo trước mũi con ngựa, chạy nhanh hay chạy chậm, phi nước đại hay nước kiệu, ngựa ta cũng không thể với tới món mồi đó, chạy làm gì cho mệt”. Ông nhấn mạnh, trừ phi công ty tạo ra những cuộc cách mạng thực thụ trong hoạt động kinh doanh, còn mọi thứ nói suông đều vô ích.

Người ta vẫn thường bảo nhau rằng một tổng giám đốc người nước ngoài khó lòng mà sống sót nổi trong nền văn hóa kinh doanh nghiệt ngã của Nhật Bản. Thế nhưng, Carlos Ghosn, cha mẹ là người Li Băng và theo học ở Pháp, là một trường hợp ngoại lệ. Với những “tuyệt chiêu” của mình tại Nissan, ông đã đi khắp nước Nhật rao giảng, “truyền đạo” hình thành một loại “tôn giáo” mới, loại tôn giáo hết lòng vì chất lượng sản phẩm.

Câu chuyện về sự sống lại của Nissan thuộc loại best-seller ở Nhật. Carlos Ghosn đã được người Nhật tặng cho danh hiệu "Người cha của năm" (Father of the Year) cho dù ông là một người nước ngoài.

 Thế Đạt (Theo PL&XH/Nguồn: Tổng hợp)

06:22 | 08/05/2012 Bản in

Carlos Ghosn – Vị công thần của Nissan

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm